Người Hà Nội trước đại lễ 1.000 năm Thăng Long:

Giáo sư Sử học Lê Văn Lan: Đừng làm “thị dân non”

Chủ Nhật, 10/05/2009, 09:00
Trên đất nước này, chỉ người Hà Nội là mang rõ bản sắc thị dân nhất vì lịch sử đô thị của Hà Nội đã có tới hàng ngàn năm, giống như một cù lao chàm lớn nhất, nổi bật trên mặt biển mênh mông của văn hóa Việt Nam. Rất nhiều đô thị khác èo uột, vì nó thiếu đi cái bản lĩnh vững vàng ấy. Tuy nhiên, nhìn vào văn hóa người Hà Nội hôm nay thì có thể thấy, cái bản chất thị dân đã rõ, nhưng mà là "thị dân non".

-Thưa Giáo sư, ngày đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội đang đến gần. Bên cạnh những hoạt động cụ thể để chào đón sự kiện lịch sử thiêng liêng này, chúng ta không thể không nhắc tới những chủ nhân của thủ đô văn hiến. Theo như sự nghiên cứu của giáo sư thì khái niệm "người Hà Nội", và văn hóa người Hà Nội được hiểu như thế nào?

+ Nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Đình Thi đã từng viết ca khúc "Người Hà Nội" nổi tiếng đến mức, tất cả chúng ta ai cũng biết. Nhưng thực ra trong bài hát ấy, ông không cho ta biết người Hà Nội là như thế nào. Tôi nói vui chuyện này để thấy rằng thực tế đi tìm câu trả lời cho câu hỏi thế nào là người Hà Nội là rất khó.

Thời bao cấp người ta lấy tiêu chí hộ khẩu, rằng cứ ai có hộ khẩu Hà Nội thì được gọi là người Hà Nội. Rồi đến giai đoạn người ta lại bổ sung, những ai khai sinh ở Hà Nội thì được gọi là người Hà Nội. Sau đó người ta lại đưa ra một tiêu chí khác, người Hà Nội là những người có đóng góp, cống hiến nhiều cho Hà Nội.

Rồi đến thời kỳ bùng nổ các phong trào làng văn hóa, khu dân cư văn hóa, các nhà quản lý áp dụng tiêu chí cứ ai có 3 đời họ tộc sống ở Hà Nội thì được gọi là người Hà Nội. Và rồi người ta lại đề xuất một tiêu chí khác, những người cứ sống một đời ở Hà Nội thì được gọi là người Hà Nội.

- Hà Nội là một đô thị lớn, luôn luôn biến động bởi hàng năm số lượng người từ nơi khác đến sinh sống, làm việc ở Hà Nội rất nhiều. Để chọn tiêu chí cụ thể thì khó, nhưng nếu xét trên góc độ văn hóa thì sẽ dễ tìm ra "chìa khóa" hơn chăng, thưa Giáo sư?

+ Tất cả những phân tích của tôi là để nói rằng, chúng ta đi tìm khái niệm người Hà Nội ở góc độ văn hóa là chuẩn xác nhất. Văn hóa người Hà Nội là chỗ để phân biệt với người từ những vùng đất khác.

Theo nghiên cứu của tôi về văn hóa người Hà Nội thì, cho dù con người đó đến Hà Nội từ lâu rồi hay mới đến, cống hiến cho thủ đô nhiều hay ít thì họ đều phải mang bản lĩnh, bản sắc của thị dân. Thị dân hiểu nôm na là người đô thị.

Trên đất nước này, chỉ người Hà Nội là mang rõ bản sắc thị dân nhất vì lịch sử đô thị của Hà Nội đã có tới hàng ngàn năm, giống như một cù lao chàm lớn nhất, nổi bật trên mặt biển mênh mông của văn hóa Việt Nam. Rất nhiều đô thị khác èo uột, vì nó thiếu đi cái bản lĩnh vững vàng ấy. Tuy nhiên, nhìn vào văn hóa người Hà Nội hôm nay thì có thể thấy, cái bản chất thị dân đã rõ, nhưng mà là "thị dân non".

- Vì sao lại là "thị dân non" thưa Giáo sư?

+ Điều này bắt đầu từ việc: Chúng ta từ xưa tới nay chưa quan tâm đến văn hóa đô thị, văn hóa thị dân của người Hà Nội. Các nhà quản lý và người dân sống trong lòng Hà Nội càng không có ý thức về điều đó nên văn hóa thị dân Hà Nội không có cơ hội thể hiện, giữ gìn, thành ra nó vạ vật, mơ hồ và bị văn hóa làng xã xâm chiếm.

- Nhìn vào cụ thể từng yếu tố trong văn hóa người Hà Nội hôm nay, có những điểm gì bất cập khiến Giáo sư phải suy nghĩ, day dứt?

+ Nói đến văn hóa người Hà Nội thì đặc điểm nổi bật nhất là ngôn ngữ, tiếng nói. Chẳng phải ngẫu nhiên mà Thủ tướng Phạm Văn Đồng trước kia đã tự nguyện làm Trưởng ban Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt.

Hay như nhà văn Tô Hoài đã nghĩ ra một hình dung từ rất hay để miêu tả tiếng nói của người Hà Nội là "Tiếng nói Hồ Gươm", có nghĩa là nó trong xanh như nước Hồ Gươm. Nhưng tiếng nói Hà Nội hôm nay đã mất đi rất nhiều vẻ đẹp chuẩn mực vốn có của nó.

Anh bạn tôi, nhà thơ Đỗ Trung Quân, sống ở Sài Gòn, nhưng là người gốc Bắc Kỳ kể: "Em ra Hà Nội, ngồi uống cà phê ở một quán vốn có tiếng là dân Hà Nội sành uống hay đến. Một bà rất đẹp, tay và cổ đeo nhiều trang sức, đi xe hơi, trông dung mạo đúng là người Hà Nội thành đạt vào quán tự tin gọi: "Lày, cho xin một lâu lóng nhé". Đấy, tiếng Hà Nội bây giờ là như vậy đấy. Chưa kể các loại tiếng Tây, tiếng Tàu khác chen vào khiến cho hình thức nói và nội dung nói bị méo mó đi. Xu hướng vọng ngoại, lai căng trong ngôn ngữ ngày càng nhiều.

Bên cạnh tiếng nói là nết ăn. Hãy nhìn con phố Phùng Hưng gần nơi tôi đang sống cũng đủ thấy cái nết ăn của một bộ phận người Hà Nội hôm nay biến thái như thế nào. Người ta chèo kéo, tranh giành thực khách. Và thực khách thì nhồm nhoàm ngồi ăn ngay trên mép cống.

Về văn hóa giao thông cũng đáng ngại lắm. Người ta tham gia giao thông với phương châm: "Đường choa choa cứ đi". Rồi việc xẻ đường "bạt mạng" cũng gây phiến toái bao nhiêu năm nay... Rồi tính hiếu kỳ, tò mò của một bộ phận người dân, biểu hiện ở chỗ cứ thấy cái gì mới, cái gì lạ là xúm vào xem, rồi thu nạp tất, chả cần biết hay dở.

Bị "lóa mắt" bởi cái mới như vậy là do anh ít giao tiếp, bản lĩnh anh kém. Chứ còn văn hóa của người đô thị đích thực họ sành sỏi và không dễ bị lôi kéo bởi vài thứ mới lạ, hiếu kỳ. Có hàng ngàn ví dụ cho thấy văn hóa đô thị Hà Nội, văn hóa người Hà Nội đang bị "nông thôn hóa" nhanh chóng.

- Văn hóa ứng xử thì như vậy, còn văn hóa tâm linh của người Hà Nội hôm nay thì có gì đáng bàn, thưa Giáo sư?

+ Về văn hóa tâm linh cũng có nhiều điều đáng bàn lắm. Tôi chỉ lấy một ví dụ nhỡn tiền về văn hóa tượng đài. Tượng đài là nơi để tưởng nhớ một con người, một câu chuyện, một sự kiện nào đấy, chứ không phải là nơi để cắm hương la liệt như người ta đang làm dưới chân tượng đài cụ Lý Thái Tổ.

Người Hà Nội giống hệt người làng quê ở chỗ cứ gặp tượng đài là vái, bất kể tượng đài đó là ai. Người ta không hiểu rằng văn hóa tượng đài khác với văn hóa cúng lễ. Và biểu hiện của người đô thị văn minh thời hội nhập là ăn mặc đẹp và cúi đầu trước một tượng đài là đủ. Nói chung cái ý thức về văn hóa đô thị và văn hóa đô thị Việt Nam với người Hà Nội là chưa có. Điều này đáng để các nhà quản lý phải suy nghĩ.

- Chúng ta cần có những biện pháp cụ thể nào để xử lý những câu chuyện buồn còn tồn tại trong văn hóa sống, văn hóa ứng xử của người Hà Nội như   Giáo sư vừa nói?

+ Trước hết tôi muốn nói với mọi người dân Hà Nội rằng, hãy là những người thị dân chân chính, chứ đừng là "thị dân non". Có nghĩa là anh hãy cố gắng tuân thủ những nếp sống, lối sống văn minh của người dân một đô thị lớn, sống trật tự, kỷ cương, năng động, chừng mực và có tri thức, hiểu biết.

Về phía các nhà lãnh đạo, tôi cho rằng cứ hô hào kiểu "Chẳng thơm cũng thể hoa nhài/ Dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An" thì chẳng thấm tháp gì. Cần phải có những giải pháp cụ thể, đồng bộ giữa các các ngành văn hóa, giáo dục, quản lý, nhằm nâng cao nhận thức, trí tuệ của người dân, xác định đâu là vấn đề rường cột của văn hóa người Hà Nội mà xây dựng những tiêu chí cụ thể để trong tương lai không xa chúng ta có những thế hệ người Hà Nội văn minh, xứng đáng là chủ nhân của thủ đô ngàn năm văn hiến.

- Xin cảm ơn Giáo sư Lê Văn Lan 

Vũ Quỳnh Trang (thực hiện)
.
.