Giáo dục đa ngôn ngữ là cần thiết
Thực tế, chúng ta nên tách bạch từng vấn đề một để nhận ra rằng, dường như ta lại đang luẩn quẩn trong một nan đề (mà thực ra nó không tự thân là nan đề, chẳng qua do chúng ta tự làm khó mình) kéo dài nhiều năm nay xoay quanh tiếng Việt và những ngôn ngữ ngoại lai song hành cùng tiếng Việt trong đời sống người Việt hiện đại.
Vấn đề thứ nhất mà chúng ta nhất thiết phải mổ xẻ, ấy là hai chữ “thí điểm” mà ngành Giáo dục đang sử dụng. Trong dược khoa, nghề được coi để cứu người, những thí nghiệm trên cơ thể người là cần thiết nhưng đòi hỏi cực kỳ khắt khe và hạn chế. Các thí nghiệm bao giờ cũng phải trên động vật trước đã và đến một ngưỡng cho phép nào đó, thí nghiệm trên người mới được phép thực hiện.
Giáo dục là cách “bồi bổ” loại thuốc bổ “kiến thức” cho con người. Bởi thế, nó cũng không thể thí nghiệm trên một cơ số thế hệ nhất định nào đó. Nó cần được đánh giá kỹ bằng khoa học, chi tiết và vi tế, để khi quyết định áp dụng, nó không còn là thí nghiệm khiến một vài thế hệ tự nhiên bị thành bỏ đi.
Những chủ nhân tương lai của đất nước. |
Vấn đề kế tiếp chúng ta cần suy nghĩ kỹ, và đừng vội vã so sánh với các nước mà tự chúng ta coi là “tương đồng” như Singapore hay Ấn Độ. Có ý kiến của một chuyên gia (PGS-TS Đoàn Văn Điều, khoa tâm lý Giáo dục, Đại học Sư phạm TP Hồ Chí Minh) cho rằng “Singapore hay Ấn độ họ dạy tiếng Anh vì đó là quốc ngữ”. Xin thưa, Ấn độ KHÔNG có quốc ngữ (national language).
Chính phủ Ấn độ quy định rất rõ, NGÔN NGỮ CHÍNH THỨC (official language) của người Ấn độ là tiếng Hindi và tiếng Anh. Còn Singapore cũng vậy thôi. Họ không có quốc ngữ (national language) mà chỉ có ngôn ngữ chính thức (official language) bao gồm tiếng Anh, tiếng Malay, tiếng Mandarin và Tamil cùng 3 chữ viết chính thức là chữ Latin, chữ Hoa giản thể và chữ Tamil.
Ấn Độ và Singapore có bối cảnh lịch sử, dân tộc, văn hoá khác xa Việt Nam, và khác biệt lớn của Việt Nam chính là chúng ta có Quốc ngữ và ngôn ngữ chính thức cùng là tiếng Việt. Bây giờ, lựa chọn thêm một ngôn ngữ chính thức nữa song hành với Tiếng Việt có phải là việc cần làm hay không, đó mới chính là câu trả lời.
Nhưng, nói gì thì nói, chúng ta phải thừa nhận rằng, là một nước còn nghèo, đang muốn mở rộng hợp tác với quốc tế, mỗi người Việt không thể chỉ có tiếng Việt là đủ cho nhu cầu làm việc của mình. Đã từ lâu lắm rồi, không cần bất kỳ một quy định nào, người Việt hiện đại muốn có cơ hội làm việc ở bậc trung bình trở lên, đều phải thông thạo tiếng Việt và tiếng Anh.
Với thế hệ 8X và 9X trở về sau này, việc biết tiếng Anh đã trở nên phổ biến đến mức những người không biết tiếng Anh có thể bị coi là lạc hậu. Thậm chí, với thế hệ sinh cuối thập niên 90 trở về sau này, chuyện một người biết 2 ngoại ngữ đã bắt đầu trở thành một xu hướng ngày càng phổ biến hơn.
Rõ ràng, với vị thế của nước Việt và người Việt trên trường quốc tế, mỗi người Việt hiện đại cần phải trang bị cho mình thêm ít nhất là 1 ngoại ngữ nữa, nếu không nói là 2, để nâng tầm cạnh tranh nguồn cung lao động trí thức trong bối cảnh toàn cầu hoá mạnh mẽ như hiện nay.
Và trong tương quan của thế giới hiện đại, không ai có thể phủ nhận được sức mạnh của Anh ngữ. Do đó, ngôn ngữ ấy nên là thứ bắt buộc phải học song hành cùng tiếng Việt và kèm theo đó, bắt đầu từ cấp trung học trở đi, nên có thêm ngoại ngữ tự chọn thứ 2, theo sở thích, mong muốn của học sinh chứ không phải của người làm giáo dục. Nên nhớ, chúng ta dạy vì học sinh, học sinh học cũng vì chính học sinh. Bởi thế, phải để họ được thể hiện ước muốn của mình trong việc học, thay vì chọn cho họ một con đường chưa chắc đã chân xác.
Còn chuyện trong sáng tiếng Việt, đó là nhiệm vụ của không chỉ ngành Giáo dục, mà còn cả của nhiều ngành nghề khác, như ngành Văn hóa chẳng hạn. Và nó cũng là trách nhiệm của từng người Việt. Tự mình làm trong sáng cách dùng tiếng Việt của mình, âu cũng là thể hiện lòng ái quốc.
Một ví dụ nhỏ thôi, mới đây, một tập đoàn truyền thông lớn của Việt Nam đã tự soạn thảo và đưa ra quy tắc “sử dụng tiếng Việt trong sáng” trong nội bộ tập đoàn của mình. Họ chỉ ra các cách dùng từ sai từ xưa tới nay như một thói quen; họ chỉ ra cả cách dùng từ chưa hợp lý, chưa phong phú, chưa đa dạng… để cho gần 1000 nhân viên nhìn vào đó mà trau dồi chính mình. Nếu mỗi chúng ta đều có ý thức như họ, chắc chắn tự thân người Việt sẽ làm trong sáng tiếng Việt.
Điều chúng ta cần bây giờ là hành động, chứ không phải tranh luận, nhất là ở chuyện lựa chọn ngôn ngữ cho học sinh theo kiểu như đang lựa chọn ngôn ngữ chính thức thứ hai cho người Việt, một việc mà có lẽ phải được quyết định ở một cấp cao hơn chứ không phải từ Bộ Giáo dục – Đào tạo.