Giáo dục Việt Nam trước ngưỡng cửa thi cử

Thứ Năm, 04/04/2019, 06:49
Chỉ hơn 2 tháng nữa là kỳ thi trung học phổ thông quốc gia năm 2019 sẽ bắt đầu, nhưng sau gần một năm mà dư trấn của việc gian lận thi cử của năm 2018 vẫn chưa hề lắng xuống...


Có rất nhiều luồng ý kiến khác nhau là nên hay không nên công khai danh tính của các sinh viên đã cướp mất những cơ hội vào đại học, cao đẳng của các em đã nỗ lực học tập và thi cử trung thực.

Người thì cho rằng không nên công khai tên tuổi, địa chỉ của các em vì lý do "các em còn trẻ lắm, đường đời còn dài lắm". Ý kiến khác thì phản đối vì đã không có lòng tự trọng, không biết xấu hổ thì không cần phải giấu giếm làm gì…

Qua sự việc trên, đa phần người dân đều vô cùng thất vọng và mất  niềm tin vào lẽ phải, sự công bằng, vào những chuẩn mực đạo đức của xã hội. Chính  người lớn, các bậc làm cha làm mẹ và những người cầm cân nẩy mực đã "giết chết" con em của mình, tạo nên một thế hệ con trẻ trưởng thành từ gian dối mà ở đó không ít bậc phu huynh, thầy, cô giáo là những người tòng phạm.

Các thí sinh tham dự kỳ thi Quốc gia năm 2018 tại trường Đại học Bách khoa. (Ảnh có tính chất minh họa)

Trong vụ việc này, phụ huynh lẫn các em học sinh sẽ đều đóng cả hai vai, vừa là thủ phạm, vừa là nạn nhân trong cùng một bi kịch. Có thể nói đây là vụ việc rất nghiêm trọng, không phải chỉ một vài chục học sinh đứng trước nguy cơ trượt tốt nghiệp, không đỗ bất cứ một trường đại học, cao đẳng nào mà quan trọng là đang đánh mất sự tôn sư, trọng đạo, một truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam, đồng thời với đó, kỷ cương, phép nước bị chà đạp. Đây là một sự tổn thương rất lớn cho cả nền giáo dục nước nhà.

Qua báo cáo của các đoàn kiểm tra và qua phản ánh của báo chí thì việc mua điểm đa phần rơi vào các gia đình cán bộ, công chức địa phương hoặc người có tiền. Khi ra trường, những học sinh yếu kém này sẽ rất khó tìm được việc làm. Thực tế thì lại khác, họ sẽ lại trễm trệ ngồi vào những chiếc ghế mà cha mẹ đã chuẩn bị sẵn trong các công sở, các cơ quan nhà nước và một lần nữa lại cướp đi cơ hội của những người tài.

Từ vụ việc này, chúng ta cũng cần nhìn một cách toàn diện để thấy hậu họa lâu dài, cũng như cái giá phải trả sẽ là rất lớn. Một học sinh gian lận sau khi vượt qua kỳ thi tuyển sinh sẽ tiếp tục hành vi gian lận một cách dễ dàng trong môi trường đại học.

Gian lận được một lần mà có thể trót lọt thì lần sau họ sẽ tiếp tục gian lận để vươn tới những cái đích cao hơn . Và khi họ rời khỏi giảng đường đại học, bước vào cuộc sống, hành trang mang theo cùng với lỗ hổng kiến thức sẽ là những mánh khóe gian lận.

Như vậy, nếu trở thành thương gia, họ sẽ là kẻ buôn gian, bán lận. Trở thành cán bộ, công chức thì sẽ là kẻ nịnh trên, nạt dưới. Nếu vận may tới thì họ cũng chỉ là quan chức bất tài nhưng gian xảo… Một xã hội mà có nhiều kẻ như vậy thì sẽ làm những người có năng lực, trung thực bi quan, mất niềm tin vào tương lai để rồi bỏ mặc, buông xuôi với thời cuộc, không còn lý tưởng phấn đấu, cống hiến cho sự phát triển chung của quốc gia, dân tộc.

Chính vì vậy, những hành vi tiêu cực, tham nhũng trong giáo dục khi bị phát hiện phải bị trừng phạt nghiêm minh. Nếu biện pháp trừng phạt không đủ mạnh, hành vi gian lận sẽ lại tiếp diễn và khi những sản phẩm "lỗi" của ngành giáo dục bước ra xã hội và làm chủ đất nước thì hậu quả thật khôn lường. Đây sẽ là cái giá lớn nhất mà toàn xã hội phải trả nếu chúng ta không kịp thời chấn chỉnh.

Đất nước mở cửa, hội nhập đang rất cần đến một lực lượng học sinh, sinh viên giỏi giang, tài đức, nhưng phải cho họ thấy mục đích của học tập không phải là để trở thành "ông này, bà nọ", để được "ăn sung mặc sướng", để có bằng cấp vô nghĩa… mà là tích lũy tri thức để có thể tồn tại, phát triển và nhất là phải để cho lòng tự trọng của mình lên tiếng đấu tranh trước những cám dỗ của tiêu cực.

Sẽ là quá trễ nếu ngay từ hôm nay, chúng ta không chú trọng tới việc giáo dục về lòng trung thực và sự liêm chính cho thế hệ trẻ để tạo ra một thế hệ công chức mới. Bởi đây sẽ là những chính trị gia, các nhà quản lý kinh tế, là cán bộ, công chức, chuyên gia hàng đầu ở mọi lĩnh vực của đất nước trong tương lai. Khi chúng ta có một đội ngũ đông đảo những cán bộ liêm chính, trung thực thì mới mong xây dựng được một Chính phủ liêm chính, kiến tạo.

Theo nghĩa đó, giáo dục góp phần quan trọng vào việc tạo ra một bộ máy nhà nước với những công chức, viên chức trung thực, liêm chính, làm việc công tâm, tuân thủ đúng quy định luật pháp, vì lợi ích chính đáng của người dân, doanh nghiệp, đồng thời cung cấp cho Nhà nước và xã hội các nhà quản lý có khả năng tự bảo vệ mình và miễn nhiễm trước những cám dỗ vật chất, dần dần có khả năng, năng lực tổ chức thực hiện phòng, chống tiêu cực, tham nhũng trong cơ quan, đơn vị, địa phương  mình.

Việc này không chỉ có ý nghĩa lớn với hoạt động phòng, chống tiêu cực, tham nhũng trong ngành giáo dục mà trong tất cả các mặt của đời sống xã hội ở thời điểm hiện tại và cả về lâu dài. Các cơ quan nhà nước, hệ thống giáo dục và gia đình phải góp phần tạo điều kiện phù hợp và tăng cường sự tin tưởng lẫn nhau để học sinh, sinh viên có thể tham gia nhiều hơn vào việc thúc đẩy tính liêm chính và nói không với tiêu cực, tham nhũng.

Một xã hội coi trọng giáo dục, coi trọng người tài là xã hội văn minh, tất cả các công dân đều sẵn sàng lao động và tự hào vì sự lao động trung thực, chân chính của mình nhất định sẽ là một xã hội ấm no và hạnh phúc.

Cù Tất Dũng
.
.