Gian nan nghề biên kịch

Chủ Nhật, 11/03/2018, 08:16
Một số người mặc định: "phim hay nhờ đạo diễn, phim dở do tác giả kịch bản". Làng điện ảnh Việt đang bị khủng hoảng biên kịch. Tác giả kịch bản nhiều, nhưng về chất lượng thì chỉ có vài cái tên. Hàng trăm kịch bản viết ra chỉ có vài tác phẩm được bấm máy. Kịch bản dở đã bị loại ngay từ đầu...


Một nền điện ảnh phát triển cần những biên kịch giỏi

Về số lượng, điện ảnh Việt đang phát triển mạnh mẽ. Nhưng giữa cả một rừng phim trong nhiều năm qua, tìm được một bộ phim hay, ấn tượng, một sản phẩm điện ảnh đủ tầm để chinh phục khán giả trong nước và đem tới sự kinh ngạc, thán phục ra ngoài biên giới lại là điều quá hiếm hoi.

Nhiều nguyên nhân, nhưng cốt lõi vẫn là vì chúng ta chưa có kịch bản hay. Một biên kịch lẫy lừng vẫn chỉ mới tồn tại trong mơ ước và những cuộc tìm kiếm. Trong khi đó, những cuộc cãi vã tranh chấp về tác quyền, ý tưởng, những mâu thuẫn giữa biên kịch với đạo diễn và nhà sản xuất lại liên tiếp xảy ra. Đặt cạnh đó là lời ta thán: thù lao biên kịch bọt bèo, quyền tác giả đôi khi còn bị thiếu tôn trọng, bị cắt xén, chỉnh sửa tùy tiện, thậm chí có trường hợp được coi là bị ăn cắp hay tước đoạt phải đưa nhau ra tòa. Số người cầm bút yên tâm gắn bó và sống được, sống tốt với nghề biên kịch cũng rất ít.

Viết kịch bản phim, vì nhiều nguyên nhân, vẫn chỉ là nghề tay trái hay sự lấn sân sang lĩnh vực khác của một bộ phận những người cầm bút.

Phổ biến có 3 dạng nhà biên kịch ở Việt Nam. Nhiều nhất là những nhà văn, nhà báo gắn bó với nghiệp viết lách, có tác phẩm lọt vào "tầm ngắm" của đạo diễn, nhà sản xuất phim. Họ viết theo gợi ý, đơn đặt hàng. Kịch bản thường được chuyển thể, điện ảnh hóa từ một tác phẩm văn - báo nào đó, có tính ăn theo thời sự, lấy chất liệu thời sự vừa làm nội dung, vừa làm yếu tố thu hút khán giả. Thường gặp nhất là trong các phim truyền hình nhiều tập. Một số không nhiều là tác giả phim nhựa, chuyển thể từ tác phẩm văn học có sẵn.

Thứ hai là các đạo diễn, diễn viên, biên tập phim gắn bó lâu với nghề, tự "cứu mình", khai thác kinh nghiệm của chính bản thân và lấn sang nghề viết lách, tự mình sáng tạo kịch bản. Họ thường có công ty sản xuất riêng, thường làm phim nhựa với kịch bản do chính mình viết như một cách để giảm chi phí sản xuất.

Dạng thứ 3, thường làm việc nhóm, là những bạn trẻ được tập hợp, hướng dẫn và thuê viết kịch bản theo đề cương và ngân hàng dữ liệu (data base) do người chủ xướng lập ra và phân bổ. Đây là những nhóm tác giả thường tên không xuất hiện trên tác phẩm mà họ tham gia tạo nên theo hình thức dự án, hay gặp ở dạng phim sitcom đơn giản chiếu trên truyền hình.

Các thí sinh đoạt giải và nhà phát hành trong cuộc thi Nhà biên kịch tài năng.

Rất ít người trong cả ba dạng tác giả kịch bản trên được đào tạo bài bản, chính quy về nghề biên kịch. Tác phẩm kịch bản thường là sáng tạo tự phát, gần với việc kể chuyện hơn là xây dựng kịch bản một cách chuyên nghiệp. Các nhà văn, nhà báo, đạo diễn, diễn viên… viết kịch bản còn dễ thành kịch bản (sử dụng nhuần nhuyễn ngôn ngữ điện ảnh), còn trường hợp tác giả làm việc nhóm thì kiến thức, kỹ năng đều có khả năng làm khó cho đạo diễn rất cao, vì thuần cảm tính. Hầu như họ chỉ được trang bị, hướng dẫn sơ sài để hình dung giới hạn trong những  cảnh quay "cut to cut" (cắt đoạn), "face to face" (từ gương mặt thoại này sang gương mặt khác).

Bảo bối (hoặc "giáo trình") của họ chỉ là "cập vật hóa" các "động từ bất cập vật" để diễn tả cảm xúc, trạng thái của nhân vật thành hành vi. Và cứ thế, lời thoại tuôn ra để kể chuyện. Phim không khác mấy kịch, nhưng nội dung, ý tưởng mỗi tập phim (sitcom) chỉ ngang hàng với một tiểu phẩm.

Xung đột giữa biên kịch với đạo diễn, bất đồng với nhà sản xuất… cũng từ yếu tố thiếu tính chuyên nghiệp đó mà ra. Để có thể biến "các tập tiểu phẩm" thành phim, phù hợp yêu cầu, nhà sản xuất và đạo diễn phải can thiệp rất sâu, nhiều khi phải bung rã cả kịch bản để sắp xếp lại. Đó là chưa kể, kinh phí thấp, thời gian quay, dựng gấp rút, đạo diễn nhiều lúc cứ thế triển khai theo chủ quan, trở nên xa rời hoặc thiếu tôn trọng kịch bản.

Một sự hợp tác thiếu chuyên nghiệp trong một nền điện ảnh giữa những người thiếu chuyên nghiệp hẳn nhiên sẽ ảnh hưởng trầm trọng đến thù lao, thu nhập của tất cả các phía tham gia. Và đây chính là nguyên nhân cốt lõi cho mọi xung đột, tranh chấp, thậm chí kiện tụng đầy những lời  ta thán. Rồi chính mức thu nhập ít ỏi lại tác động trở lại, khiến tác giả kịch bản vẫn luôn xem biên kịch là nghề tay trái, là việc làm thêm. Đầu tư hời hợt, tình trạng kém chuyên nghiệp vẫn vây bủa như một cái vòng luẩn quẩn.

Đó cũng chính là thực trạng chính xác, rõ nét nhất của một nền điện ảnh số lượng không tỉ lệ thuận với chất lượng.

Nông Huyền Sơn, đạo diễn - biên kịch - nhà báo: Biên kịch bị o ép đủ đường

Một số người mặc định: "phim hay nhờ đạo diễn, phim dở do tác giả kịch bản". Làng điện ảnh Việt đang bị khủng hoảng biên kịch. Tác giả kịch bản nhiều, nhưng về chất lượng thì chỉ có vài cái tên. Hàng trăm kịch bản viết ra chỉ có vài tác phẩm được bấm máy. Kịch bản dở đã bị loại ngay từ đầu.

Để được chọn sản xuất, trước hết, kịch bản phải lọt vào tầm mắt của nhân viên thẩm định thuộc một nhà sản xuất nào đó. Sau khi cân, đong, đo, đếm, cân nhắc lợi nhuận, nhà sản xuất sẽ giao cho đạo diễn thẩm định tiếp. Đạo diễn chê chỗ này, yêu cầu sửa chỗ kia chán chê rồi mới gật đầu, đề nghị nhà sản xuất ký hợp đồng mua kịch bản.

Cũng có trường hợp, đạo diễn tự tìm kịch bản, tự bàn với tác giả chỉnh sửa kịch bản cho hợp ý mình rồi mới giới thiệu đến nhà sản xuất. Trước khi ký hợp đồng, biên kịch còn phải chờ nhà sản xuất mang kịch bản đi chào bán với nhà phát hành. Nhà tiêu thụ tiếp tục thẩm định mức độ lãi từ bộ phim để quyết định ký hợp đồng phát sóng (đối với đài truyền hình) hoặc công chiếu (đối với phim chiếu rạp). Chắc chắn có đầu ra, nhà sản xuất mới ký họp đồng mua kịch bản.

Trước khi bấm máy, đạo diễn còn ra tay "bào gọt" kịch bản cho vừa ý. Nhiều trường hợp, chính tác giả cũng không nhận ra đứa con tinh thần của mình.

Với quy trình chọn lựa, sàng lọc kịch bản như vậy, không thể nói phim dở là do biên kịch. Nhiều kịch bản hay, đậm tính nhân văn, khi qua tay bào gọt của đạo diễn đã trở thành một tác phẩm lỏng khỏng, sẹo lồi, sẹo lõm. Phim được chiếu, bị dư luận chê bai, đạo diễn vẫn cứ đổ thừa do biên kịch.

Một nhà văn - nhà biên kịch có thâm niên hơn 30 năm viết báo về đề tài phòng chống tội phạm, đã từng viết những bộ phim truyền hình gai góc, thu hút lượng rating cao ngất ngưỡng. Cuối năm 2016, ông được một nhà sản xuất ký hợp đồng mua kịch bản phim truyền hình 30 tập. Đổ tâm huyết để viết, kịch bản của ông đề cao hình tượng người chiến sỹ Công an trong việc triệt phá một ổ nhóm tội phạm liên quốc gia. Khi quay đến tập thứ 5 của bộ phim, ông mới phát hiện đạo diễn đã biến kịch bản hình sự của mình thành phim… xã hội đen, vai trò của tội phạm được chú trọng, còn hình ảnh người chiến sỹ Công an bị lu mờ.

Ông kiên quyết yêu cầu đạo diễn phải trả lại cốt cách bộ phim. Thế là nhà sản xuất và đạo diễn khoác vai nhau quyết định hủy hợp đồng mua kịch bản và dừng sản xuất.

Biên kịch còn bị chèn ép đủ đường về thù lao.

Đài truyền hình là nơi tiêu thụ duy nhất và cũng là nơi chi trả khoản đầu tư sản xuất phim truyện truyền hình. Thù lao cho biên kịch từ 5% đến 10% trong tổng giá trị sản xuất bộ phim. Kinh phí, đài khoán trắng cho nhà sản xuất nên mức thù lao cho biên kịch trở thành "thuận mua vừa bán". Một biên kịch có thể nhận được thù lao 12.000.000 đồng nhưng cũng có thể chỉ nhận được 4.000.000 triệu đồng cho một tập phim truyện 45 phút, tùy thỏa thuận.

Một số nhà sản xuất còn "hành" biên kịch để làm cớ giảm, thậm chí quỵt luôn tiền thù lao. Đơn giản nhất là bắt sửa đi sửa lại từ trang đầu tiên, nghĩa là gần như bắt viết lại từ đầu kịch bản. Từ chối sửa, tiền thù lao sẽ vĩnh viễn không đến tay và thậm chí tên tác giả cũng bị "đá văng" khỏi kịch bản. Ý tưởng, nội dung sau đó có thể xuất hiện nhưng thành một bộ phim na ná, nói giống kịch bản cũ cũng đúng, nói khác cũng không sai, nhưng tất nhiên mang tên tác giả kịch bản khác.

Đi đòi nhuận bút cũng gian nan. Biên kịch NHK từng bị nhà sản xuất nợ phân nửa tiền thù lao. Mỗi ngày, anh phải "dành một phút" để gọi điện thoại đến nhà sản xuất "nhắc nhở". Ngày nào anh cũng nhận được lời hẹn "ngày mai trả". Mất chẵn 3 năm anh mới được thanh toán đủ.

Điện ảnh ở Hàn Quốc có khẩu ngữ "writer is the king" (tác giả là vua). Ở Hàn Quốc, đầu tư cho kịch bản chiếm 50% giá trị (bao gồm cả biên kịch và đạo diễn), 30% dành cho diễn viên và 20% dành cho các khâu khác.

Ở Việt Nam, để phim được lên sóng truyền hình, nhà sản xuất phải "bóp" tiền kịch bản, tiền đạo diễn để có 30% làm phí "bôi trơn". Ít nhất 20% "Phim dở lắm! Nhưng thôi, cho chiếu!" là vì thế. Thế là biên kịch lãnh đủ.

Hoàng Vũ, đạo diễn - Nhà sản xuất: Thiếu biên kịch giỏi và chuyên nghiệp

Trong nghề, chúng tôi vẫn khẳng định với nhau rằng có ba yếu tố quyết định để làm nên một bộ phim hay. Thứ nhất: kịch bản. Thứ hai: kịch bản. Thứ 3: vẫn kịch bản. Không có kịch bản thì không có điện ảnh. Vai trò của tác giả kịch bản vì thế được xem là tối quan trọng.

Phim ảnh là một cuộc tưởng tượng tập thể, từ biên kịch, đạo diễn, diễn viên, ánh sáng, hóa trang cho đến cả người phụ trách đạo cụ, âm thanh, âm nhạc… Khổ nỗi, biên kịch lại là công việc sáng tạo mang tính cá nhân rất cao, tính khuynh hướng và bảo thủ. Xung đột thường xảy ra là do biên kịch khăng khăng giữ triết lý, quan điểm, khuynh hướng, cách thể hiện của mình, không chấp nhận chỉnh sửa hay thay đổi để hòa vào cơn mê tập thể để cho ra sản phẩm phù hợp. Thật ra, đạo diễn là người giữ trọng trách điều phối "cơn mơ tập thể" ấy chứ không phải là người quyết định. Quyền quyết định thuộc về khán giả, tập hợp chung thành thị trường. Bộ phim là một sản phẩm hàng hóa, có được tiêu thụ hay không là do khán giả có cần hay thích nó hay không, chứ không phải do tác giả kịch bản muốn truyền tải thông điệp gì, đề cập đến điều gì.

Nhà văn nổi tiếng, tác giả thành danh ở nước ta khá đông, nhưng một biên kịch giỏi lại là quá hiếm. Những cây bút lão luyện, vốn sống, kinh nghiệm phong phú, sâu sắc thì thường không bắt kịp thực tế, từ ngôn ngữ đến quan niệm. Họ làm việc quá cẩn trọng, khó mấy ai bắt kịp nhịp độ hối hả của đời sống và yêu cầu của nhà sản xuất. Tác giả trẻ viết rất sung, nhanh nhạy thì ngược lại, thường hời hợt, thiếu chiều sâu, đơn giản hóa mọi vấn đề, sai sót kiến thức nhiều.

Trên bàn tôi vẫn còn nằm sẵn cả trăm tập kịch bản phim nhựa của cả già lẫn trẻ, nhưng có lẽ sẽ khó có kịch bản nào có thể đáp ứng được nhu cầu, thị hiếu của khán giả để thuyết phục nhà sản xuất sử dụng nó. Ngược lại, đạo diễn và nhà sản xuất vẫn phải ngày đêm lùng sục tìm kiếm kịch bản hay, phù hợp, nếu có sẵn sàng trả giá rất cao nhưng vẫn tìm không ra.

Nhà phát hành phim CGV đã từng tổ chức hẳn một cuộc thi mang tên "Nhà biên kịch tài năng", treo giải nhất lên tới 1 tỷ đồng (cho kịch bản phim nhựa), nếu được chọn sản xuất thù lao sẽ được tính riêng, có thể lên tới 500 triệu đồng nữa. Tôi được mời tham gia Ban giám khảo. Kết thúc, chúng tôi nhận được hơn 400 kịch bản.

Vậy nhưng, vẫn không có một kịch bản nào trong "rừng" kịch bản ấy đáp ứng được đầy đủ các tiêu chí, tỏ ra vượt trội để nhà phát hành có thể yên tâm ký hợp đồng sản xuất. Có không ít kịch bản ý tưởng tốt, song việc triển khai thành kịch bản lại không được như thế. Biên kịch Việt bộc lộ quá nhiều yếu tố thiếu chuyên nghiệp, thậm chí xa rời thực tế đời sống.

Thiếu kịch bản trong nước hay, nhà sản xuất buộc phải trám lấp bằng việc mua kịch bản nước ngoài sản xuất remake (làm lại) và nhận không ít gạch đá vì sính ngoại hơn là được nhìn nhận đúng mức như một cách tự cứu mình. Những phim đình đám gần đây, hầu hết đều là phim remake: Phim nhựa có "Em là bà nội của anh", "Những tháng năm rực rỡ" (đều mua kịch bản Hàn Quốc)…

Phim truyền hình nổi trội có "Người phán xử" mua kịch bản từ Israel. Đạo diễn Charlie Nguyễn và Hãng phim Chánh Phương cũng đang ráo riết thực hiện để sản xuất phim "Anh vợ của tôi" dựa trên tiểu thuyết "Busy Woman Seeks Wife" của Annie Ashworth và Meg Sanders (best -seller tại Anh) hứa hẹn sẽ có doanh thu vượt trội…

Nhà sản xuất, đạo diễn đều rất coi trọng và ưu ái những nhà biên kịch giỏi. Nhưng sự "sòng phẳng" trong đãi ngộ hay mức thù lao lại do chính chất lượng kịch bản quyết định. Trong điện ảnh, mức đầu tư cho kịch bản có biên độ giao động rất lớn. Phim sitcom đơn giản, thù lao kịch bản chỉ trên dưới 1 triệu đồng/tập (tùy thỏa thuận).

Phim truyền hình đòi hỏi vốn sống, kiến thức xã hội, dụng công lớn hơn có giá từ 4-8 triệu/tập. Nếu kịch bản hay, chuyên nghiệp, giá có thể lên đến 12 triệu đồng/tập kèm theo một tỷ lệ chia thưởng có thể có, tùy mức độ thu quảng cáo, tài trợ. Dao động lớn nhất là phim nhựa chiếu rạp. Kịch bản thông thương cho một tập 90 phút khoảng 100 triệu, nhưng nó có thể được nhân lên 5 lần, nếu đó là kịch bản xuất sắc được đặt hàng.

Đừng nghĩ rằng bất kỳ nhà văn, cây bút thành danh nào cũng có thể viết được và thành nhà biên kịch giỏi để đòi hỏi nhà sản xuất, đạo diễn phải "cố" mà hiểu, mà tôn trọng ý tưởng, thông điệp, quan niệm nhân sinh mà mình đưa ra, đòi hỏi phải giữ nguyên bất kỳ điều gì mình viết. Bạn có thể so sánh với điện ảnh nước ngoài, có những tác giả danh tiếng chỉ viết những kịch bản như họ thích, đóng vai trò tác giả định hướng thị trường, buộc cả nhà sản xuất, đạo diễn lẫn khán giả phải chạy theo họ.

Nhưng xin thưa, tiến bộ văn hóa của chúng ta chưa bắt kịp mức đó. Chúng ta chưa có những cá nhân biên kịch "vĩ đại" như thế. Điều này không thể xảy ra ở Việt Nam, bởi không nhà sản xuất, đạo diễn nào có đủ năng lực tài chính để dám đầu tư mạo hiểm, trong bối cảnh thị hiếu và khả năng thưởng thức tiếp nhận văn hóa của khán giả chung vẫn còn dừng lại ở mức độ nhất định.

Thông thường, từ khi giao cho nhà sản xuất cho đến khi được bấm máy, kịch bản đều phải được chỉnh sửa 5-7 lần. Trong quá trình quay, dựng, rất có thể đạo diễn sẽ còn phải tiếp tục chỉnh sửa. Trong khi đó, công việc của biên kịch - cơn mơ nghệ thuật cá nhân - thì đã dừng lại ngay từ khi anh ta đánh dấu chấm cuối cùng vào bản thảo kịch bản.
Nguyễn Hồng Lam
.
.