Giải pháp cân bằng thị trường điện ảnh Việt Nam

Chủ Nhật, 22/04/2018, 08:08
Tôi đề nghị các doanh nghiệp phải tuân thủ luật pháp, hoạt động theo đúng luật pháp sẽ không thể xảy ra những biểu hiện chèn ép như thôn tính, tiêu diệt đối thủ cạnh tranh, tạo tiền đề phát triển điện ảnh một cách bền vững...


Nguy cơ thui chột một nền điện ảnh

Có một thời nhiều thiếu thốn, gian khổ, nhưng rất tự hào của điện ảnh Việt Nam. Đã từng có những bộ phim làm lay động hàng triệu trái tim người dân Việt, bởi nó mang hồn cốt Việt, mang đậm bản sắc văn hoá, tư tưởng của con người Việt Nam, dân tộc Việt Nam. Nhiều bộ phim đã trở thành kinh điển của điện ảnh Việt Nam: “Cánh đồng hoang”, “Mùa ổi”, “Bao giờ cho đến Tháng Mười”…

Vậy nhưng nền điện ảnh Việt Nam đã từng trên đà khởi sắc lại đang đứng trước nguy cơ bị thui chột. Mấy năm gần đây, thị trường phát hành và cùng với nó là hệ thống rạp chiếu phim tại Việt Nam bùng nổ. Nhưng phim Việt không được rộng cửa để đến với khán giả…

Dù thành công về mặt doanh thu nhưng bộ phim “Tháng năm rực rỡ” cũng chỉ là một phim remake.

Phim Việt đang gặp khó khăn ngay trên chính sân nhà của mình, khi thị trường rạp bị chiếm giữ bởi các công ty nước ngoài, sự thành công hay thất bại của phim Việt đang nằm trong tay các nhà phát hành quyền lực như CGV, Lotte. Nếu không có các chính sách phù hợp trong giai đoạn hiện nay, có thể khán giả Việt sẽ chỉ được xem những bộ phim do các doanh nghiệp nước ngoài sản xuất và phát hành. Phim Việt đang có nguy cơ mất thị phần trên chính sân của mình. Và văn hóa nước ngoài càng ngày càng xâm lấn văn hóa Việt bởi điện ảnh là một kênh quảng bá văn hóa thiết thực nhất. Đó là một thực tế đòi hỏi nhiều giải pháp từ phía cơ quan quản lý nhà nước.

Ông Nguyễn Văn Nhiêm – Chủ tịch Hiệp hội Phát hành và phổ biến phim Việt Nam: Luật cần có những quy định cụ thể và chặt chẽ hơn

- Điện ảnh Việt đang có nguy cơ mất thị phần trên chính sân nhà mình, các nhà làm phim bây giờ không chỉ phải lo làm phim tốt mà còn lo phim có lọt được vào tầm ngắm của các nhà phát hành quyền lực như CGV, Lotte hay không? Vì sao lại có thực trạng này thưa ông?

+ Nhiều năm nay có hiện tượng chèn ép về tỷ lệ phân chia rồi doanh thu chiếu bóng cũng như những biểu hiện của cạnh tranh không lành mạnh. Vừa rồi các doanh nghiệp Việt Nam phải lên tiếng về việc CGV hạ giá vé ở mức độ rất cao dẫn đến các doanh nghiệp Việt Nam khó có thể tiếp tục tồn tại.

Theo chúng tôi đánh giá, nếu các vấn đề này không có giải pháp ngăn chặn kịp thời cũng như có những biện pháp buộc tất cả các doanh nghiệp phải hoạt động kinh doanh theo luật pháp của Việt Nam sẽ dẫn tới nguy cơ lớn cho điện ảnh Việt Nam.

Thứ nhất, nguy cơ mà chúng tôi đã từng trao đổi đó là dẫn tới thui chột mất nền điện ảnh dân tộc. Tôi nghĩ đây là việc không được phép xảy ra bởi chúng ta phải thấy rằng Đảng và Nhà nước đang rất khuyến khích phát triển kinh tế và kêu gọi đầu tư nước ngoài, nhưng trên khuôn khổ pháp luật và đúng theo định hướng của Đảng là xây dựng một nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và trong văn hóa thì phải đảm bảo văn hóa là động lực để phát triển kinh tế, văn hóa nhà nước cũng vẫn chủ trương hòa nhập nhưng không hòa tan và phải giữ được bản sắc văn hóa. Trong Nghị quyết 33 cũng như Nghị quyết của Trung ương Đảng lần thứ 5 đã đề cập tới rất rõ ràng và kiên quyết vấn đề này.

- Vậy theo ông, chúng ta cần có những chính sách từ phía quản lý nhà nước như thế nào để thúc đẩy phát triển nền điện ảnh trong nước?

+ Tôi đề nghị các doanh nghiệp phải tuân thủ luật pháp, hoạt động theo đúng luật pháp sẽ không thể xảy ra những biểu hiện chèn ép như thôn tính, tiêu diệt đối thủ cạnh tranh, tạo tiền đề phát triển điện ảnh một cách bền vững.

Như tôi đã nói, tất cả mọi doanh nghiệp trong nước hay doanh nghiệp nước ngoài hoạt động kinh doanh ở Việt Nam đều phải tuân thủ theo luật pháp, đó là điều kiện mấu chốt và để thực hiện luật pháp một cách nghiêm minh thì hệ thống thanh tra giám sát quản lý thị trường cần phải làm việc một cách quyết liệt và trách nhiệm.

Ngoài ra Nhà nước cũng cần phải có những cơ chế chính sách tạo điều kiện cho doanh nghiệp trong nước phát triển bình đẳng. Tôi cho rằng vấn đề tự hoàn thiện mình cũng rất quan trọng. Chúng ta không thể chỉ trông chờ vào sự giúp đỡ, vào những cơ chế chính sách của Đảng và Nhà nước mà tự bản thân phải nỗ lực và các doanh nghiệp của Việt Nam cũng phải nhận thức được điều này rất rõ.

Trong vòng ba năm gần đây, chúng ta cũng thấy chất lượng phim Việt Nam ngày càng được cải thiện. Đây là những dấu ấn để chúng ta thấy được sự phát triển của điện ảnh Việt Nam về mặt chất lượng nghệ thuật, tính nhân văn, giáo dục cũng như là đáp ứng được nhu cầu giải trí của khán giả. Tôi thấy rằng đó là những tín hiệu đáng mừng cần khuyến khích, động viên để nhân lên, góp phần cùng với những bộ phim của các hãng phim Nhà nước trong lĩnh vực văn hóa tư tưởng tạo thành một nền điện ảnh phong phú đa dạng, có chất lượng để vươn ra khỏi biên giới, góp phần quảng bá hình ảnh của đất nước.

- Xin cảm ơn ông.

Bà Ngô Thị Bích Hạnh - Tổng Giám đốc BHD: Cần sự giúp đỡ từ các chính sách của nhà nước

Hiện nay các nhà phát hành phim của chúng tôi đang gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là các phim Việt Nam. Vì ngoài phải cố gắng về PR và maketting, để khán giả biết thì điều khó khăn nhất là việc phát hành, chọn ngày phát hành nào để tránh phim đồng nghiệp Việt Nam, chọn ngày phát hành nào để không trùng với các phim nước ngoài cùng thể loại để khán giả dễ xem phim của mình và đặc biệt phải đàm phán với các cụm rạp lớn để làm sao tỷ lệ ăn chia đem lại cho các nhà sản xuất phim Việt Nam có được cơ hội hơn trong việc tìm kiếm lợi nhuận vì chi phí sản xuất phim Việt Nam hiện nay còn rất cao, khoảng 10-30, 40 tỷ, để thu hồi lại vốn thì phải gấp đôi số tiền đó thật sự không dễ, nhất là bây giờ giá vé bị xuống rất nhiều.

Điện ảnh Việt Nam là một ngành công nghiệp mới mẻ, mới chỉ phát triển được 10 năm gần đây và 5 năm gần đây thì phát triển mạnh mẽ, thực ra 5 năm gần đây thì rất nhanh, hiện nay lên đến 60 phim/Việt Nam, tuy nhiên so với Trung Quốc, Hàn Quốc tỷ lệ phim nội địa của họ lên đến 50-60%. Việt Nam là một đất nước trẻ, các bạn đạo diễn học trong nước, ngoài nước đang làm điện ảnh hiện nay đều nhiệt huyết và chúng tôi tin tưởng là ngành điện ảnh sẽ phát triển nhanh, và cùng với đó điều quan trọng hơn cần có sự giúp đỡ của chính sách do Nhà nước đề ra thì chúng tôi mới phát triển nhanh hơn nữa.

Chúng tôi nghĩ có 3 yêu cầu rất cần thiết trước mắt: Thứ nhất là phải làm sao có quy định để kiểm soát hành vi chống độc quyền và bóp nghẹt lợi nhuận của những doanh nghiệp nắm thị phần lớn; thứ 2 đối với phim Việt Nam thì Chính phủ cần có quy định cụ thể, ví dụ như suất chiếu đối với phim Việt Nam, bao nhiêu suất chiếu vào giờ vàng, để chúng ta cần phải làm phim tốt nhất cho người xem ủng hộ. Năm 2018 khi thay đổi Luật Điện ảnh, làm sao rút kinh nghiệm từ các nước có nền điện ảnh phát triển để chỉnh sửa các quy định của Luật Điện ảnh 2018 một cách tốt nhất cho các nhà sản xuất phim Việt Nam.

Ông Sim Joon Beom - Tổng Giám đốc Công ty CJ CGV tại Việt Nam: Phim Việt đóng vai trò chính trong việc đưa Việt Nam trở thành 1 trong 5 quốc gia có nền điện ảnh phát triển toàn cầu

Tôi muốn lấy một ví dụ, nền điện ảnh Hàn Quốc tính tới thời điểm hiện nay, để có thể đạt được thị phần phim nội địa chiếm 60% thì Hàn Quốc phải tiến hành sản xuất 300 phim nội địa/năm và Hàn Quốc hiện cũng là một trong năm quốc gia có nền điện ảnh phát triển toàn cầu.

Theo kinh nghiệm và tầm nhìn của CGV, để Việt Nam có thể đạt được vị trí một trong năm quốc gia có nền điện ảnh phát triển toàn cầu thị phần của phim Việt cần phải đạt là 60% và như vậy, Việt Nam sẽ phải sản xuất nhiều hơn 200 bộ phim Việt mỗi năm.

Với chúng tôi, cũng thật là khó để có thể xác định được một con số rõ ràng là bao nhiêu phim sẽ do CGV phát hành. Tuy nhiên hiện nay, CGV vẫn là nhà phát hành phim Việt lớn nhất tại Việt Nam và trong tương lai đến năm 2025, CGV sẵn sàng là phát hành phim Việt nhiều nhất tại Việt Nam và hỗ trợ tối đa cho sự phát triển của phim Việt.

Và cũng chia sẻ thêm là sẽ không thể nào Việt Nam có thể trở thành một trong năm quốc gia có nền điện ảnh phát triển nếu như không có sự phát triển và đóng góp của phim Việt. Phim Việt đóng vai trò chính trong việc đưa Việt Nam trở thành 1 trong 5 quốc gia có nền điện ảnh phát triển toàn cầu và tới thời điểm hiện tại, chúng tôi đang nỗ lực tối đa để ngày càng phát hành các phim Việt có chất lượng tốt hơn cũng như việc trở thành một đơn vị có đóng góp lớn cho sự phát triển của điện ảnh Việt Nam.

Về tổng quan thị trường phim Việt là thị trường tiềm năng và có thể phát triển tuy nhiên, theo kinh nghiệm ở Hàn Quốc thì Chính phủ Hàn Quốc cũng có áp đặt cho các đơn vị trong lĩnh vực điện ảnh trong phát hành phim và chiếu phim, ví dụ họ áp đặt tỉ lệ bao nhiêu phần trăm màn hình hoặc số lượng suất chiếu, tỷ lệ phân chia phòng vé cũng áp đặt nhưng vấn đề quan trọng nhất vẫn là chất lượng phim. Tôi cũng rất mong chính sách sắp tới như Luật Đầu tư, Luật Cạnh tranh, Luật Điện ảnh... thì vẫn quan trọng là tạo sự cạnh tranh lành mạnh, khán giả thì rất thông minh và họ biết phim nào hay hay không và sự lựa chọn hoàn toàn ở khán giả.

NSND Đặng Xuân Hải - Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam: Chúng ta phải phát triển từ nội lực của chính mình

- Nhiều năm qua, hệ thống rạp chiếu ở Việt Nam được đầu tư và phát triển rộng rãi. Thế nhưng, phim Việt lại gặp khó khăn khi phát hành. Vì sao có thực trạng này thưa ông?

+ Trong hoạt động điện ảnh, chúng ta thấy một điều đáng mừng là khi chuyển sang xã hội hoá hoạt động điện ảnh thì việc sản xuất phim phát triển, sản lượng đã đáng mừng, từ chỗ năm năm trước mỗi năm được 8-10 phim, bây giờ tiến tới được 30 phim, 40 phim, thậm chí 50 phim. Nhưng để tác phẩm đó đến được với công chúng lại phụ thuộc vào công tác phát hành và rạp chiếu.

Nếu chúng ta căn cứ vào chiến lược phát triển điện ảnh đã được Chính phủ phê duyệt năm 2014 nêu rất rõ là sẽ phát triển hệ thống rạp chiếu ở địa phương như thế nào, ở các trung tâm như thế nào, hình thành mấy trung tâm lớn nhưng đến nay vẫn chưa được triển khai. Vì thế nhiều nơi, nhiều địa phương, nhiều tỉnh đã không còn cụm rạp để chiếu nữa.

Rạp xuống cấp, thiết bị không có, có những vùng công chúng thiệt thòi, không được hưởng thụ văn hoá, đó là điều mà Hiệp hội Điện ảnh quan sát và thấy đáng buồn vì chiến lược phê duyệt rồi, nhưng triển khai chiến lược đó thế nào, hiệu quả đến đâu thì chưa rõ.

Điều đáng buồn nữa là do chúng ta không phát triển được lĩnh vực này, Nhà nước chỉ đạo không đến nơi đến chốn nên các công ty tư nhân vào cuộc. Các công ty nước ngoài nhảy vào chiếm lĩnh thị trường. Trước hết họ chiếm lĩnh ở trung tâm lớn, dần dần lan toả ra, thí dụ như CJ khi vào cuộc, họ xin xây dựng 5 cụm rạp với 40 phòng chiếu và bây giờ thì họ lên đến mấy chục cụm rạp và hàng trăm phòng chiếu. Khi họ nắm trong tay hàng trăm phòng chiếu thì họ chi phối hoàn toàn nguồn phim đưa vào phòng chiếu.

Chúng ta có sơ hở, chúng ta đã trót nhưng chúng ta chưa tìm cách chặn sơ hở đó. Khi ta gia nhập WTO thì chúng ta không giới hạn costa nhập khẩu phim nước ngoài mà hoàn toàn có thể nhập tự do, miễn là phim đó hội đồng ta duyệt không vi phạm điều cấm là hoàn toàn có thể chiếu, vì vậy 2 công ty nước ngoài là CJ và Lotte tăng cường, rất tích cực nhập khẩu phim nước ngoài. Có năm 1 công ty nhập 70 phim nước ngoài, 80 phim nước ngoài và sản lượng phim nước ngoài có năm lên đến 170 phim. Năm nay theo tôi được biết, họ đã nhập và đưa vào trình hội đồng duyệt 300 phim, mà phim nước ngoài vào nhiều là văn hoá nước ngoài sẽ tràn ngập.

- Rõ ràng đang có sự bất cập chênh lệch giữa phim Việt và phim nước ngoài quá lớn. Từ phía quản lý nhà nước đã có những chính sách phù hợp để điều chỉnh chưa?

+ Đã nói đến sản phẩm văn hoá là góp phần vào công tác tư tưởng, hiện nay ta không có costa nhập khẩu phim, do vậy các công ty nước ngoài vào Việt Nam kinh doanh thoải mái. Họ nhập một lượng phim nhiều lấn át các phim Việt, chính vì thế vừa qua giữa Hiệp hội Phát hành phim với các công ty đang có những đấu tranh để trả lại quyền được đưa tác phẩm phim Việt Nam đến với công chúng. Nhưng vì lợi nhuận cho nên họ không bị cấm, gác gôn chúng ta phải có hàng rào mềm ở phía trong; nhập ngoài nhưng chiếu ở đâu lại phải có những hàng rào để xử lý, nhưng ta lại thiếu cả khâu hàng rào này cho nên phim nước ngoài dày đặc.

- Vậy chúng ta đang thiếu gì, thưa ông?

+ Chúng ta cần nghiên cứu lại  Luật Điện ảnh, Luật Cạnh tranh. Tôi cũng vừa đọc dự thảo Luật Cạnh tranh, trong đó ở điều 8, có ghi là Chính phủ không cấm cái này cái kia, nhưng đối với những hàng hoá đặc biệt, sẽ có những hướng dẫn cụ thể thì chúng tôi hi vọng những nhà làm luật thấy rằng hàng hoá văn hoá là một sản phẩm đặc biệt. Nên có những nghị định, thông tư riêng để tạo ra tính pháp lý, hạn chế ảnh hưởng của phim nước ngoài, mở đường cho điện ảnh dân tộc phát triển. Phim đến được với công chúng rất quan trọng rồi, nhưng nhà sản xuất cũng phải thu hồi được vốn, tái sản xuất thì mới động viên được họ.

Hiện nay có 50 công ty tương đối nhiệt tình tham gia sản xuất phim là một điều đáng mừng, nhưng tạo động lực cho họ thì luật và dưới luật phải hỗ trợ. Nếu chúng ta nghe CJ nói trong 7 năm tới CJ sẽ góp phần đưa điện ảnh Việt Nam ngang tầm với 1 trong 5 quốc gia trong tốp đứng đầu của điện ảnh thì chúng ta cũng cần tỉnh táo. Bởi họ chủ yếu vào đây là nhập phim nước ngoài chiếu ở Việt Nam và thu lợi nhuận.

Theo dõi quá trình chiếm lĩnh thị phần của họ, ta thấy năm họ sản xuất nhiều nhất cũng chỉ 3 phim, trong đó 2 phim chuyển thể từ phim Hàn Quốc, đó không phải là phim Việt Nam, không phải văn hoá Việt Nam. CJ chỉ lo kinh doanh, một năm họ kinh doanh chiếm vài nghìn tỷ là bình thường, trong khi thị trường Việt Nam đang phát triển rất mạnh, khá nhanh. Chúng ta đang là một trong những quốc gia phát triển tốt, doanh thu chiếu bóng ở Việt Nam tăng trưởng trong vài năm gần đây 20-30% nhưng nó lại vào túi các hãng tư nhân nước ngoài. Chúng ta cần có giải pháp kịp thời.

- Cụ thể là những giải pháp như thế nào?

+ Các hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh văn hoá có đặc thù riêng nên cần có các giải pháp riêng. Sản phẩm điện ảnh tác động rất mạnh đến đời sống xã hội. Một năm chúng ta xem 300 phim nước ngoài và văn hoá nước ngoài thông qua các sản phẩm vào Việt Nam, ảnh hưởng sâu sắc đến đời sống của chúng ta.

Một năm nhập 300 bộ phim sẽ làm cho văn hoá Việt Nam trở nên mờ nhạt và phim Việt sẽ không có cơ hội phát triển. Luật Điện ảnh thì phải tạo đất cho điện ảnh Việt Nam phát triển, luật phải làm rõ ưu tiên cho các công ty phát triển làm phim, lập quỹ đầu tư cho điện ảnh, từ triển khai chỉ đạo địa phương xây dựng rạp, ưu tiên cho các công ty Việt Nam phát triển các cụm rạp để có đất cho điện ảnh dân tộc. Ưu tiên cho công ty nước ngoài là không cần thiết vì chúng ta cần bảo tồn điện ảnh dân tộc và nhất là luật nên tham khảo thêm chiến lược phát triển điện ảnh đến năm 2020 tầm nhìn đến năm 2030 vạch tương đối rõ, luật bám sát vào đấy và hỗ trợ để chiến lược này phát triển tốt.

- Vậy ông có những kiến nghị gì để góp phần làm cân bằng lại thị trường phim ở Việt Nam?

+ Chúng tôi chỉ mong các cơ quan quản lý nhà nước thấy được những cái mà chúng ta chưa làm được, ví dụ trong cạnh tranh điện ảnh như vừa rồi, chúng ta chưa lường trước hết những phức tạp, chưa xử lý được những vấn đề nảy sinh trong quá trình cạnh tranh lành mạnh. Hi vọng là cơ quan quản lý nhà nước nhìn ra sớm hơn, phát hiện sớm hơn, xử lý kịp thời hơn, nghiêm khắc hơn.

Thí dụ vừa qua áp đặt giá mua giá bán  trong việc mua phim Việt Nam chiếu trên rạp chia lợi nhuận khác nhau, như thế là vi phạm rồi, vi phạm vào điều cấm về áp đặt giá mua giá bán, kìm hãm các doanh nghiệp bé là những điều trong Luật Cạnh tranh cũ đã cấm nhưng chúng ta không thổi còi. Như thế là chưa kịp thời, vì vậy hi vọng cơ quan nhà nước cần tỉnh táo và xử lý kịp thời hơn.

Ngoài việc chờ đợi hoàn thiện về luật mới, chúng ta cần phải có thông tư hướng dẫn làm rõ hơn có thể điều chỉnh được một phần, tạo đất cho các công ty hoạt động điện ảnh Việt Nam, các công ty cũng cần tích cực đầu tư phim có chất lượng, phải vừa đáp ứng thị trường vừa đáp ứng nghệ thuật.

Chúng tôi mong muốn chất lượng phim Việt phải được đầu tư thêm để hay hơn, hấp dẫn hơn, nội dung sâu sắc và có trình độ nghệ thuật cao hơn. Chúng ta đã xã hội hoá, đã phát huy hiệu quả, nên muốn nâng cao về nghệ thuật thì phải có thời gian. Đào tạo một người làm điện ảnh, 5 năm ra trường, 3 năm tích luỹ, 7 đến 10 năm sau mới giỏi nghề, đó là bình thường. Các công ty mới vào cuộc, chúng ta phải chờ đợi, động viên họ, chúng ta phải trông chờ chứ nói ngay có chất lượng hơi khó.

- Xin cảm ơn ông. 
Hạnh Thủy (thực hiện)
.
.