Giải âm nhạc Cống hiến 2020: Tranh cãi vì những gương mặt lạ

Thứ Sáu, 20/03/2020, 07:24
Danh sách đề cử giải âm nhạc Cống hiến lần thứ 15 xuất hiện nhiều nhân tố "mới toanh", chưa được nhiều người biết đến. Sự xuất hiện của họ đang cho thấy đời sống âm nhạc năm qua sôi động, tràn đầy sức trẻ. Tuy nhiên, cũng vì quá... lạ nên họ gây ra nhiều tranh cãi.


Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, ban tổ chức giải âm nhạc Cống hiến không tổ chức vòng bỏ phiếu đề cử ở hai miền như thường niên mà bỏ phiếu qua mail. Việc trao giải cũng sẽ diễn ra tại văn phòng của Báo Thể thao - Văn hóa, Thông tấn xã Việt Nam chứ không tổ chức đêm trao giải tại Nhà hát TP Hồ Chí Minh vào đêm 22-3 như dự kiến.

Danh sách đề cử năm nay vẫn gồm 9 hạng mục: Nhà sản xuất của năm, Bài hát của năm, Music Video của năm, Nghệ sĩ mới của năm, Album của năm, Chương trình của năm, Chuỗi chương trình của năm, Nhạc sĩ của năm và Ca sĩ của năm. 

Nhìn vào bảng đề cử năm nay, ca sĩ Tân Nhàn không chỉ vinh dự vì mình có tên mà còn vui mừng nhận thấy có một sự cân bằng giữa những nghệ sĩ đã hoạt động nghệ thuật lâu năm và các nghệ sĩ trẻ. Cụ thể, bên cạnh những gương mặt kỳ cựu như ca sĩ Thu Minh, Hoàng Thùy Linh, Sơn Tùng, Hà Anh Tuấn, Phan Mạnh Quỳnh, nhạc sĩ Quốc Trung, Nguyễn Văn Chung..., danh sách đề cử còn có những "tân binh" như Amee, Thịnh Suy, Đạt G, Du Uyên, Ly Ly, Kata Trần - Thịnh Kainz, B Ray... Amee nổi lên với giọng hát hồn nhiên, trong veo khá lạ.

Dù có nhiều ca khúc mới lạ và cuốn hút nhưng Jack (trái) không lọt vào bất cứ hạng mục nào của giải Cống hiến 2020.

Bộ đôi Kata Trần - Thịnh Kainz lại được biết đến với vai trò sáng tác siêu hit "Để Mị nói cho mà nghe" dành cho Hoàng Thùy Linh. Ca khúc và MV cùng tên đưa tên tuổi Hoàng Thùy Linh chiếm lĩnh nhiều hạng mục quan trọng.  "Điều này cho thấy các thế hệ nghệ sĩ của chúng ta đang rất nỗ lực mỗi ngày để cùng nhau đưa nền âm nhạc Việt Nam phát triển hơn hoà nhập vào dòng chảy của âm nhạc đương đại thế giới.

Năm vừa qua, các nghệ sĩ trẻ có nhiều ca khúc triệu view với sức lan toả cực kỳ lớn trong cộng đồng, khơi dậy sự hứng khởi âm nhạc trong lòng công chúng. Âm nhạc của các bạn trẻ hết sức phong phú, nhiều màu sắc, văn minh, tiếp cận tốt với âm nhạc thế giới. Đặc biệt, lớp trẻ cũng không tiếc tay đầu tư cho các sản phẩm âm nhạc của mình, ra mắt những sản phẩm ấn tượng, công phu" - ca sĩ Tân Nhàn đánh giá.

Đa phần những gương mặt trẻ nêu trên đều nổi lên từ giới indie, underground (độc lập, ngầm). Họ xóa nhòa khoảng cách giữa giới indie, underground và ca sĩ dòng chính thống. Đây không phải là năm đầu tiên giải Cống hiến tôn vinh ca sĩ dòng nhạc này. Vài năm trở lại đây, giải Cống hiến ngày càng trẻ hóa các gương mặt đoạt giải.

Sự xuất hiện của nhóm Ngọt, Lộn Xộn hay Lê Khoa, Bùi Lan Hương các năm trước đều được giới chuyên môn tán thưởng. Lê Khoa thể hiện chất "quái" đầy cá tính của mình qua album "Lê Khoa hát Lê Minh Sơn". Bùi Lan Hương ghi điểm khi khai thác dòng nhạc dream pop khá lạ lẫm đối với thị trường âm nhạc Việt Nam. Nhóm Lộn Xộn mang đến chùm ca khúc châm biếm đầy bắt tai, hóm hỉnh và sáng tạo trong khi nhóm Ngọt lại có những bài đậm chất nhân sinh, triết lý đường phố.

Năm ngoái khi được đề cử, ca sĩ Mỹ Linh và Tùng Dương đều kêu gọi các lá phiếu bầu chọn nên ưu ái gương mặt trẻ. Ca sĩ Mỹ Linh khẳng định: "Nếu một nền âm nhạc quanh đi quẩn lại chỉ có vài gương mặt quen thuộc sẽ rất tẻ nhạt, không có gì chứng tỏ chúng ta đang hoạt động mạnh mẽ cả. Những gương mặt trẻ giàu năng lượng sáng tạo mới là những người thổi luồng gió mới cho làng nhạc Việt".

Thế nhưng sự phủ sóng của nhân tố mới ở mùa giải năm nay bị nhận xét là chưa thuyết phục. Chiếu theo đúng tiêu chí của giải Cống hiến là: "Có những khám phá, sáng tạo đóng góp thiết thực vào sự phong phú và phát triển của đời sống âm nhạc đại chúng" thì hoạt động của những nghệ sĩ như Amee, Thịnh Suy, Đạt G, Du Uyên… không quá nổi bật hay đóng góp gì đáng kể cho sự nghiệp âm nhạc nước nhà trong năm 2019. Vậy mà Amee nghiễm nhiên có đến ba đề cử ở hạng mục "MV của năm", "Bài hát của năm" và "Nghệ sĩ mới của năm" với ca khúc "Anh nhà ở đâu thế".

Phải thừa nhận rằng Amee sở hữu giọng hát trong trẻo, hồn nhiên và MV "Anh nhà ở đâu thế" là một bản hit gây bão. Dù vậy MV ngôn tình "Anh nhà ở đâu thế" không xuất sắc đến mức càn quét nhiều hạng mục. Phần nội dung MV khá đơn giản, chỉ hợp với lứa tuổi teen khi xoay quanh cảnh một cô nàng "bám đuôi" chàng trai mình thích.

Ca sĩ - nhạc sĩ Thịnh Suy bị nhiều người nhận xét là không có nhiều dấu ấn đặc biệt trong năm qua.

Điều công chúng thắc mắc chính là năm 2019 nổi lên rất nhiều MV, ca khúc nhân văn, được đầu tư công phu, vượt xa cả "Anh nhà ở đâu thế", nhưng lại không lọt vào bất cứ hạng mục nào của bảng đề cử giải Cống hiến. Có thể kể đến loạt MV như "Lớn rồi còn khóc nhè", "Sáng mắt chưa" của Trúc Nhân, "Mặt trăng" của Bùi Lan Hương, "Đi đu đưa đi" của Bích Phương, "Vì yêu cứ đâm đầu" của Min, "Đây là một bài hát vui" của Jun Phạm… Ngoài sự tìm tòi ở chất liệu âm nhạc thì hình ảnh và cách thể hiện đầy ý nghĩa, ẩn dụ trong các MV này là điều lẽ ra phải được ban tổ chức giải Cống hiến ghi nhận.

Hạng mục "Nghệ sĩ mới của năm" gây tranh cãi dữ dội nhất, đặc biệt là ở cái tên Thịnh Suy. Rất nhiều người không hề biết anh chàng này là ai, có dấu ấn gì đặc biệt. Theo dõi kỹ hoạt động nghệ thuật của Thịnh Suy trong năm qua, dễ dàng nhận thấy anh chỉ có bài hát "Một đêm say" là gây chú ý. Còn sau đó anh chàng hoàn toàn im hơi lặng tiếng.

Đạt G tuy có nhiều ca khúc gây sốt như "Anh ơi ở lại", "Khó vẽ nụ cười"… nhưng chất nhạc của anh bị coi là khá sến và cũ. Đời tư của anh chàng cũng lắm tai tiếng như nghi án đạo nhạc, bị bạn gái tố đánh đập, nợ nần... Tương tự, các bài hát của Ly Ly như "Đen đá không đường", "Nếu anh không phiền"… hơi trẻ con, nhí nhảnh và chưa nhiều tiếng vang.

Trong khi đó, các tên tuổi nổi trội và có nhiều dấu ấn sôi nổi trong 2019 như Đen Vâu, Jack ... lại không được đề cử. Không chỉ nổi bật về bài hát mà Đen Vâu còn có nhiều MV cuốn hút, sáng tạo như "Lối nhỏ", "Bài này chill phết"... Liveshow của anh cũng tạo nên một hiện tượng mà lẽ ra ban tổ chức phải bổ sung vào hạng mục Chương trình của năm.

Âm nhạc của Đen gần gũi, dung dị nhưng  đong đầy triết lý, truyền tải lối sống tích cực. Điều đáng ghi nhận, Đen Vâu còn khai phóng ngôn ngữ âm nhạc mới lạ, đậm dấu ấn cá nhân. Riêng bộ đôi Jack và K-ICM mang đến làn gió mới cho nhạc Việt khi pha trộn âm nhạc điện tử với nhạc dân tộc, ca từ mang nhiều từ Hán Việt đậm dáng dấp xưa cổ hòa trong bản pop hiện đại, phóng khoáng. Giọng hát của Jack cũng đặc biệt khi nét luyến láy mang âm hưởng quan họ, dân ca miền Bắc. 

Trước thắc mắc của nhiều nhà báo, ông Lê Xuân Thành, Tổng biên tập Báo Thể thao -Văn hóa, Trưởng Ban tổ chức Giải Cống hiến cho biết, việc đề cử các nghệ sĩ và sản phẩm đều tuân theo tiêu chí của giải. Giải Cống hiến tôn vinh sự đóng góp của nghệ sĩ với nền âm nhạc đại chúng, thế nhưng tiêu chí của giải khá chung chung mơ hồ. Phần nhận xét, đánh giá các nghệ sĩ phía sau mỗi mục đề cử khá qua loa, sơ sài khiến công chúng không thấy được sự mới mẻ về chuyên môn và sức ảnh hưởng của nghệ sĩ đó trong đời sống âm nhạc.

Nhiều năm trở lại đây, khi giải Cống hiến cố gắng trẻ hóa và tiệm cận với âm nhạc đương đại thì nó đứng trước nguy cơ bị thị trường hóa, dễ dãi hóa.  Các mùa trao giải trước luôn gây tranh cãi vì ban tổ chức đề cử nhiều ca khúc đậm màu thị trường, giải trí như "Chạy ngay đi", "Bốn chữ lắm", "Chạm đáy nỗi đau"…

Phải thừa nhận rằng việc phát hiện và tôn vinh kịp thời nhân tố mới đóng một vai trò vô cùng quan trọng trong tiến trình phát triển của âm nhạc đại chúng. Tuy nhiên sự phát hiện và tôn vinh đó phải đúng với những nhân tố đem lại những sáng tạo, khai phá mới mẻ chứ không thể chỉ là một vài bản hit nghe xong rồi quên.

Phan Thi Uyên
.
.