Giải Pulitzer 2017: Vinh danh giá trị của sự thật

Thứ Tư, 10/05/2017, 07:42
Lễ công bố giải thưởng báo chí và văn học Pulitzer 2017 đã diễn ra tại trường Đại học Colombia, bang New York, Mỹ vào chiều 10/4 (theo giờ địa phương). 


Khởi nguồn từ năm 1917, lễ trao giải năm nay là năm thứ 101 của giải thưởng danh giá nhất trong làng báo chí Mỹ. Với 2.500 bài viết, tác phẩm gửi tới tranh giải ở 21 hạng mục, lễ trao giải báo chí Pulitzer thường niên luôn là một trong các sự kiện văn hóa được chờ đợi nhất trong năm.

Sau lễ tuyên bố người trúng giải, buổi lễ trao giải chính thức cho các nhà báo, nhà văn và nhạc sĩ sẽ diễn ra sau khoảng 1 tháng và dự kiến cũng sẽ được tổ chức trong khuôn viên Đại học Colombia.

Các bài báo chỉ trích Donald Trump giành giải

Một hạng mục nhận được nhiều sự chú ý đó là hạng mục "Báo chí quốc gia" (National Reporting) với sự chiến thắng của phóng viên David Fahrenthold (The Washington Post) cho loạt bài phanh phui tính thật giả của các tuyên bố liên quan tới công tác từ thiện của tỉ phú Donald Trump trong chiến dịch tranh cử của ông.

Trong bối cảnh truyền thông bị ông Trump cáo buộc đưa "tin tức giả" (fake news) về chính quyền của tân Tổng thống, việc phóng viên David Fahrenthold giành được giải thưởng cho loạt bài liên quan đến các hoạt động từ thiện của ông Donald Trump khi còn là ứng viên Tổng thống như một hành động khẳng định giá trị sự thật của truyền thông. Nhà báo Fahrenthold cũng chính là người đã tiết lộ các phát ngôn bất nhã với phụ nữ trong một đoạn băng video (không được công chiếu) năm 2015 của ông Trump.

Phóng viên David Fahrenthold với sự chúc mừng của các đồng nghiệp  (Nguồn: NPR)

Phóng viên David Fahrenthold, 39 tuổi, phụ trách dòng thông tin liên quan đến sự kiện bầu cử Tổng thống Mỹ tại tờ Washington Post đã bắt đầu hành trình điều tra của mình sau khi chú ý đến chi tiết ứng cử viên Trump tuyên bố sẽ quyên góp 6 triệu USD cho các cựu binh Mỹ tại cuộc bầu cử sơ bộ tại bang Iowa. Anh đã tìm hiểu về đường đi của số tiền này và sớm phát hiện ra rằng, vị ứng viên Tổng thống chỉ phát một phần nhỏ số tiền ông quyên góp được rồi dừng lại.

Qua quá trình điều tra, David nhận thấy nhiều tuyên bố từ thiện của ông Trump trong nhiều năm đã bị phóng đại và thường không được hiện thực hóa. Nhờ sự hỗ trợ của nhà nghiên cứu xã hội Alice Crites, nhà báo Fahrenthold còn vạch trần sự thật rằng, tỷ phú Trump không hề góp đồng nào cho Quỹ Donald J. Trump từ năm 2008 đến nay.

Thay vào đó, ông cố gắng khai thác nguồn đóng góp từ nhiều người khác. Theo hồ sơ điều tra của nhà báo, Quỹ Donald J. Trump chưa đăng ký xin phép kêu gọi hỗ trợ tài chính và theo luật áp dụng ở New York thì quỹ này phải tạm ngưng nhận tiền quyên góp từ những cá nhân, tổ chức không thuộc về ông Trump. Bài báo của David đăng trên The Washington Post còn tố giác ông Trump đã dùng số tiền 258.000 USD từ quỹ trên để dàn xếp các vụ kiện cá nhân hoặc liên quan đến công việc kinh doanh.

Một hạng mục khác của giải thưởng Pulitzer cao quý là hạng mục "Bình luận' (Commentary) đã tôn vinh nữ nhà báo xuất sắc Peggy Noonan của báo The Wall Street Journal vì "những bài bình luận được thể hiện tuyệt đẹp kết nối độc giả với những phẩm giá chung của người Mỹ trong suốt một trong những chiến dịch tranh cử gây chia rẽ nhất của đất nước" với loạt bài chỉ trích ông Donald Trump và chiến dịch tranh cử của ông. Bà Peggy Noonan là người đảm nhận chuyên mục bình luận hàng tuần cho tờ The Wall Street Journal và là tác giả của nhiều cuốn sách về chính trị, tôn giáo và văn hóa.

Pulitzer 2017: Không ngại động chạm đến các vấn đề nóng

Năm nay, lần đầu tiên sau hơn 80 năm giải "Phục vụ cộng đồng" (Public Service) - hạng mục giải thưởng Pulitzer được đánh giá cao nhất đã được trao cho thể loại bài báo viết về dịch vụ công ở New York. Bài báo vinh dự nhận được giải thưởng cao quý này là loạt bài bảo vệ người da màu của tờ New York Daily News và ProPublica.

Để hoàn tất loạt bài điều tra này, nhóm phóng viên của hai tờ báo đã nghiên cứu hơn 1100 vụ cảnh sát New York lạm dụng luật cưỡng chế ra khỏi nhà để buộc những người dân thiểu số, hầu hết là nghèo khổ phải rời bỏ nhà cửa của mình với lý do họ gây tiếng ồn.

Và họ phát hiện ra Sở Cảnh sát New York gần như chỉ áp dụng với những hộ gia đình và những cửa hàng ở các khu vực người da màu sinh sống. Loạt bài này đã buộc New York phải xem xét lại luật và thông qua các cuộc cải cách sâu rộng.

Một chiến thắng bất ngờ khác là chiến thắng của tờ báo "gia đình" The Storm Lake Times ở hạng mục "Xã luận" (Editorial Writing). Ông Art Cullen, phóng viên kiêm biên tập viên và là người sáng lập ra tờ The Storm Lake Times đã giành giải Pulitzer với loạt bài vạch trần những "ông lớn" trong ngành nông nghiệp của bang, bao gồm Koch Brothers, Cargill và Monsanto cùng các khoản quỹ đen cung cấp cho chính quyền nhằm tránh một vụ kiện vì làm ô nhiễm nguồn nước ở bang.

Tác phẩm báo chí này được ủy ban Pulitzer nhận định là "bài xã luận được dựa trên những tin tức bền bỉ, chuyên môn ấn tượng và lối viết hấp dẫn". Điều bất ngờ là tờ báo có quy mô chỉ khoảng 10 nhân viên bao gồm: 2 anh em ông John và Art Cullen, vợ của ông Art Cullen bà Dolores chính là nhiếp ảnh gia và con trai của ông, Tom Cullen là phóng viên chính, người đã nêu chi tiết các vấn đề trong loạt bài.

Chủ nhân của hạng mục "Tin tức điều tra" (Investigate Reporting) là nhà báo Eric Eyre của tờ The Charleston Gazette-Mail vì những cống hiến nhiều năm, bất chấp những đe dọa, để vạch trần nạn lạm dụng thuốc kê đơn, gây ra tỷ lệ tử vong cao ở Tây Virginia… Đây là giải Pulitzer đầu tiên của tờ The Charleston Gazette-Mail, và Eric Eyre còn không nghĩ rằng mình sẽ đạt được một giải thưởng danh giá như vậy..

Ở mục "Tin tức thời sự" (Breaking News Reporting), các nhân viên của tờ The East Bay Times được trao giải khi huy động tất cả mọi người, từ phóng viên điều tra tới các nghệ sĩ đưa tin về vụ cháy tại khu vực có tên "Con tàu ma" (Ghost Ship) ở Oakland khiến 36 người thiệt mạng, tiết lộ những thiếu sót của thành phố trong việc ngăn chặn thảm họa và trao tiền cho Quỹ vì nạn nhân. Đồng thời, công trình đồ sộ của hơn 300 nhà báo trên 6 châu lục hé lộ các bí mật về vụ trốn thuế mang tên Hồ sơ Panama đã giành giải ở hạng mục "Báo chí giải thích" (Explanatory Reporting).

Ngoài ra, Pulitzer còn trao giải "Tin tức quốc tế" (International Reporting) cho các phóng viên The New York Times về loạt bài nghiên cứu hoạt động của Tổng thống Nga Valadimir Putin nhằm tăng ảnh hưởng của Nga tại nước ngoài; giải "Phóng sự" (Feature Writing) cho nhà báo C.J. Chivers, người đã "họa bức chân dung" về một cựu chiến binh sau quãng thời gian ở Afghanistan với 18.102 con chữ đầy ám ảnh; giải "Ảnh thời sự" (Breaking News Photography) cho nhiếp ảnh gia tự do Dainiel Berehulak với những bức ảnh tàn khốc chụp lại xác người trong chiến dịch bài trừ ma túy của Tổng thống Philippines Duterte.

Không những thế, giải cũng nhiều lần đề cập tới vấn đề phân biệt chủng tộc như trao giải "Hoạt hình minh họa" (Editorial Cartooning) cho Jim Morin, giải "Ảnh thời sự" (Feature Photography) cho E. Jason Wambsgans với bức ảnh cậu bé 10 tuổi Tavon Tanner sống sót sau vụ nổ súng ở khu phố bạo lực tại Chicago, giải "Phê bình" (Criticism) cho Hilton Als vì những bài phê bình đặc biệt về vấn đề chủng tộc, giải "Thơ" (Poetry) cho Tyehimba về những mong ước của nghệ sĩ Mỹ gốc Phi, đặc biệt là giải "Giả tưởng" (Fiction) cho cuốn "The Underground Railroad" của Colson Whitehead, một phiên bản mới của "The Beloved" (Toni Morrison) về hành trình tìm tự do của nô lệ da đen Mỹ.

Các tác phẩm báo chí đoạt giải năm nay cho thấy, dù đối mặt với nhiều thách thức và sức ép cải tổ, nhiệm vụ và lý tưởng của các tờ báo vẫn không thay đổi. Đó là phụng sự sự thật. Quan trọng hơn, sự thật đó chỉ có ý nghĩa khi cất lên từ tiếng nói của những người yếu thế.

Báo chí đang trong giai đoạn cách mạng

Tuy động chạm đến nhiều vấn đề chính trị - xã hội nóng nhưng nền báo chí Mỹ vẫn không ít lần bị phê phán, nhất là trong giai đoạn Donald Trump và ngành truyền thông Mỹ đang đối chọi gay gắt. Để giải thích cho câu hỏi này, nhà điều hành giải Mike Pride phát biểu: "Bởi vì các nhà báo đưa ra những sự thật không dễ chịu, nên họ dễ trở thành mục tiêu đả kích. Nhưng chỉ cần bạn ngừng lại một chút để xem xét xã hội, nơi báo chí bị đàn áp, bạn có thể nhận thấy rằng, dù có sai sót, một nền báo chí mạnh mẽ và tự do vẫn là nền tảng của dân chủ".

Cũng trong buổi lễ, ông Mike còn khẳng định: "Trong những năm gần đây, người ta tập trung nhiều vào sự sa sút của các tờ báo, cả lớn và nhỏ. Tuy nhiên, những tác phẩm giành giải Pulitzer nhắc nhở rằng, chúng ta không phải là đang trong thời kỳ sa sút của báo chí mà đang trong giai đoạn cách mạng báo chí".

Dương Thục Anh
.
.