Giải Nobel Hòa bình: Cơ hội cho cô gái trẻ gốc Việt

Thứ Ba, 24/07/2018, 08:26
Ứng cử viên của giải Nobel Hoà bình 2018 là một gương mặt đặc biệt - cô Amanda Nguyen. Cô thuộc thế hệ 9X, năm nay mới bước sang tuổi 26, là người Mỹ gốc Việt. Từng là nạn nhân của tấn công tình dục, trong quá trình đấu tranh để bảo vệ bản thân, cô đã bắt tay vào soạn thảo và vận động cho dự luật Quyền của nạn nhân bị tấn công tình dục. 


Tháng 10/2016, cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama đã ký quyết định thực hiện dự luật của Amanda, sau khi được Quốc hội chấp thuận. Amanda đã làm thay đổi luật tấn công tình dục của Mỹ. Cô còn là người sáng lập RISE, tổ chức phi lợi nhuận đại diện cho quyền của nạn nhân bị tấn công tình dục trên khắp nước Mỹ.

Từ nạn nhân bị tấn công tình dục đến ứng cử viên của giải Nobel Hoà bình

Câu chuyện bắt đầu từ nỗi đau của Amanda Nguyen. Năm 2013, Amanda Nguyen bị tấn công tình dục bởi bạn học tại Đại học Harvard ở Massachusetts Mỹ. Ở thời điểm đó, thời hạn xét xử một vụ án hiếp dâm là 15 năm.

Trong khi luật tiểu bang lại quy định các tài liệu điều tra giúp truy tố thủ phạm sẽ bị hủy sau 6 tháng, nếu nạn nhân không làm đơn gia hạn. Cô đã nộp một bộ bằng chứng y tế lên chính quyền bang Massachusetts và sau đó được giao một cuốn tài liệu nhỏ, trong đó nói rằng bộ bằng chứng sẽ bị hủy nếu cô không nộp đơn đề xuất gia hạn, nhưng lại không hướng dẫn cụ thể phải thực hiện như thế nào. 

Dù có quy chế cho phép nạn nhân bị tấn công tình dục có 15 năm để quyết định nộp hay không nộp đơn kiện, cơ quan chức năng vẫn sẽ hủy bộ bằng chứng y tế trên sau 6 tháng nếu các nạn nhân không nộp đơn xin gia hạn, khiến Amanda Nguyen phải làm việc này 6 tháng một lần.

Amanda Nguyen - cô gái đã làm thay đổi Luật Tấn công tình dục của Mỹ.

Nhận thấy những bất cập của các quy định hiện hành, Amanda đã cùng các bạn nghiên cứu soạn thảo và vận động cho dự luật Quyền của nạn nhân bị tấn công tình dục. Dự luật được đưa ra vào năm 2016 với hy vọng bộ luật mới sẽ bảo vệ những người không may mắn như mình nhằm tạo ra thủ tục nhất quán để truy tố các tội phạm tình dục và bảo vệ quyền lợi cho nạn nhân.

Hiểu được những khó khăn trong hành trình đòi lại công lý cho những người từng bị tấn công tình dục từ chính trải nghiệm của mình, Amanda đã nỗ lực để dự luật được thông qua không chỉ tại Massachusetts mà còn ở các bang khác tại Mỹ.

Vào tháng 10/2016,  Tổng thống Mỹ Barack Obama đã ký quyết định thực hiện dự luật của Amanda, sau khi được Quốc hội chấp thuận. Theo luật mới này, nạn nhân của các vụ tấn công tình dục cần được thông báo 60 ngày trước khi hồ sơ, chứng cứ bị hủy. Họ cũng sẽ được biết các quyền và lựa chọn ở cấp độ bang, cùng quyền tiếp cận thông tin y tế của mình.

Sau đó, đạo luật này nhận được phản ứng tích cực từ các cá nhân, tổ chức, cơ quan lập pháp. Hiện tại, 15 bang tại Mỹ áp dụng luật mới này. Cô còn là người sáng lập RISE, tổ chức phi lợi nhuận đại diện cho quyền của nạn nhân bị tấn công tình dục trên khắp nước Mỹ. Amanda và RISE hy vọng sẽ vận động được những nơi khác thông qua cũng như thực hiện.

Trước những nỗ lực không mệt mỏi của Amanda, và tầm ảnh hưởng lớn lao của dự luật do Amanda soạn thảo không chỉ trong nước Mỹ mà trên cả thế giới, Nghị sĩ California Mimi Walters và Zoe Lofgren (hai đại biểu của California, Mỹ) đã đề cử cô gái gốc Việt - Amanda Nguyễn - cho giải Nobel Hoà bình. Đề cử ghi nhận những đóng góp của cô trong việc soạn thảo, vận động cho đạo luật về quyền của người từng bị tấn công tình dục.

Jean-Claude Arnault.

Quá trình xem xét các ứng viên và trao giải Nobel Hòa bình được thực hiện ở Na Uy. Các đề cử phải được gửi đến Ủy ban Nobel Na Uy trước ngày 1/2/2019. Trong thông cáo báo chí mới đây, tổ chức RISE nói rằng đề cử Nobel Hòa bình dành cho Amanda là sự công nhận đối với "những nỗ lực chưa từng có trong việc bảo vệ bình đẳng theo luật và các quyền cơ bản của con người đối với tất cả nạn nhân sống sót sau các vụ tấn công tình dục".

Hủy giải Nobel Văn học 2018 vì xì căng đan tình dục

Ngoài ra, mùa giải Nobel năm nay xảy ra scandal lớn khi Viện Hàn lâm Thụy Điển vừa ra thông báo giải Nobel Văn học 2018 sẽ không được trao giải năm nay, nhưng giải thưởng 2018 sẽ được "để dành lại đó" và năm 2019 sẽ có hai người chiến thắng được công bố chiến thắng giải thưởng danh giá này.

Quyết định hủy trao giải năm 2018 được đưa ra sau một loạt cáo buộc nhằm vào Jean - Claude Arnault - chồng của nhà thơ Katarina Frostenson - thành viên chủ chốt trong Hội đồng Viện Hàn lâm Thụy Điển. Bà cùng chồng điều hành một câu lạc bộ văn hóa tư nhân dưới sự tài trợ của Viện Hàn lâm.

Mặc dù không phải thành viên của  Viện nhưng Jean - Claude Arnault có mối quan hệ mật thiết với cơ quan và là nhân vật có tiếng trong giới văn sĩ của Stockholm. Ông bị cáo buộc đã lạm dụng nhiều phụ nữ ở câu lạc bộ và những nơi thuộc sở hữu của Viện Hàn lâm tại Stockholm (Thụy Điển) và Paris (Pháp) suốt 20 năm qua. Ngoài ra, ông đã làm rò rỉ các thông tin trao giải của Hội đồng bảy lần, kể từ năm 1996.

Nhà thơ Katarina Frostenson - thành viên chủ chốt trong Hội đồng Viện Hàn lâm Thụy Điển cùng người chồng tai tiếng Jean-Claude Arnault.

Sau khi scandal của Arnault bị phanh phui, cảnh sát Thụy Điển đã lập hồ sơ điều tra vụ án, bất chấp việc chính quyền cảnh báo họ sẽ không thu thập đủ bằng chứng do các cáo buộc đã quá cũ. Viện Hàn lâm Thụy Điển cũng cắt đứt mọi liên hệ với Arnault và câu lạc bộ của ông. Họ còn thuê một công ty luật tư vấn việc này. Trong khi đó, ba trong số 18 thành viên trong Hội đồng Viện Hàn lâm Thụy Điển đã từ chức để phản đối quyết định không sa thải nhà thơ Katarina Frostenson.

Viện Hàn lâm Thụy Điển được vua Gustav III thành lập vào năm 1786, là một trong các Viện Hàn lâm Hoàng gia Thụy Điển, bên cạnh Viện Hàn lâm Khoa học Hoàng gia Thụy Điển. Viện ra quyết định hàng năm về giải Nobel văn học, thực hiện theo di chúc nhà tài trợ là ông Alfred Nobel.

Vua Thụy Điển Carl XVI Gustaf tuyên bố ông sẽ sớm bổ nhiệm thành viên mới để thay thế những người từ chức. Giải Nobel Văn học từng bị hoãn trong năm 1914, 1918, 1935, 1940, 1941, 1942 và 1943 vì hai cuộc chiến tranh thế giới. Dù vậy, nhiều người trong giới vẫn mong muốn có thể tôn vinh những tác phẩm có giá trị.

Vậy nên, thông tin từ tờ Guardian cho biết, hồi đầu tháng 7, 100 người gồm nhà văn, diễn viên, nhà báo và các nhà văn hóa ở Thụy Điển đã ra thông báo sẽ tổ chức một buổi lễ trao giải riêng, vào đúng thời gian mà sự kiện giải thưởng Nobel văn học dự kiến được tổ chức hàng năm và cả năm nay. Giải thưởng này mang một cái tên khác, nhưng ai cũng hiểu đó gần như là một phiên bản mới của giải thưởng Nobel văn học. Giải thưởng này được tổ chức nhằm xoa dịu phần nào dư luận về "bóng đen" đang phủ kín Viện Hàn lâm.

Thành viên ban giám khảo của giải thưởng tiết lộ: "Trong thời điểm giá trị con người ngày càng bị hoài nghi thì văn học cần phải mang sứ mệnh quan trọng hơn để chấm dứt văn hóa im lặng và áp bức. Chúng tôi lập ra giải này để nhắc nhở mọi người rằng văn học hay văn hóa nói chung nên đề cao tính dân chủ, sự minh bạch, đồng cảm, tôn trọng, ở đó không tồn tại đặc quyền, sự ngạo mạn đầy thành kiến hay phân biệt giới tính".

Đơn vị tổ chức đang mời tất cả thư viện của Thụy Điển đề cử tác giả. Các ứng viên có thể đến từ nhiều nơi trên thế giới. Họ phải có ít nhất hai sáng tác, một trong số đó đã được xuất bản trong 10 năm. Sau khi nhận đề cử, nhóm sẽ tiến hành một cuộc bình chọn công khai, tìm ra bốn tác giả nổi tiếng nhất. Tiếp đó, ban giám khảo chấm và công bố người chiến thắng vào tháng 10. Lễ trao thưởng diễn ra vào ngày 11-12. Sau đó, nhóm sẽ giải thể.

Dù thế nào thì giải thưởng Nobel vẫn là giải thưởng danh giá nhất hành tinh và là niềm mơ ước của nhiều người trên thế giới. Chạm tay vào giải thưởng này, tên tuổi của người được giải ngay lập tức nổi tiếng trên toàn thế giới và sẽ lưu truyền hậu thế.

Nguyễn Vũ Anh Thư (tổng hợp)
.
.