Giải Cánh diều 2020: Diều có đủ sức bay?

Thứ Sáu, 03/04/2020, 08:14
Nhìn danh sách ứng viên "so găng" tại giải Cánh diều 2020, công chúng lại lo lắng về một mùa giải ảm đạm. Với số lượng khiêm tốn và chất lượng làng nhàng, hạng mục phim điện ảnh dễ lâm vào cảnh "so bó đũa, chọn cột cờ".


Dịch bệnh COVID-19 khiến giải Cánh diều phải dời lễ trao giải từ trung tuần tháng 3 đến trung tuần tháng 4. Đạo diễn Đặng Xuân Hải, Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam, Trưởng ban tổ chức, cho biết nếu tình hình dịch bệnh kéo dài, ban tổ chức phải tính đến phương án trao giải ở hai miền Nam - Bắc, cụ thể là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, để các nghệ sĩ đỡ phải đi lại, hạn chế tập trung đông người. Lễ trao giải cũng không truyền hình trực tiếp như mọi năm. Thậm chí, nếu khó tổ chức gặp mặt thì ban tổ chức sẽ triển khai phương án thực hiện lễ tổng kết trực tuyến và trao giải sau.

Dịch COVID -19 khiến giải Cánh diều vốn đã lặng lẽ, nay càng lặng lẽ hơn. Những năm trước, các mùa giải dần thu hẹp quy mô vì khó khăn về kinh phí, nguồn tài trợ. Đồng hành với giải Cánh diều nhiều năm liền, nghệ sĩ Quyền Linh cho biết, đến hẹn lại lên, cứ đầu mùa giải là anh và ban tổ chức phải chạy đôn chạy đáo lo tài chính và năn nỉ các nghệ sĩ sắp xếp lịch tham gia. Anh lấy làm lạ: "Giải tôn vinh anh chị em nghệ sĩ nhưng sao mời lại ít người đi?".

Bộ phim "Về nhà đi con" là ứng viên sáng giá cho hạng mục Phim truyền hình tại giải Cánh diều 2020.

Năm ngoái, rất đông phóng viên báo chí không nắm được lịch trình của giải ở TP Hồ Chí Minh. Thậm chí, có người còn không biết giải đang diễn ra bởi cách tổ chức lầm lũi, không kèn không trống. Nhiều ý kiến cho rằng Cánh diều đang dần mất "thiêng". Các phim được vinh danh những năm gần đây không thuyết phục khiến người làm nghề không còn mặn mà gửi phim. Nhiều phim đậm mùi giải trí vẫn lên ngôi trong khi phim nghệ thuật lại bị lép vế.

Chẳng hạn như ba năm trước, dù gặt hái nhiều giải thưởng quốc tế danh giá nhưng khi về với sân chơi "ao làng", "Cha cõng con" của đạo diễn Lương Đình Dũng chỉ dừng lại ở chiếc bằng khen. Vụ việc trở nên ồn ào khi anh quyết tâm trả lại bằng khen. Năm ngoái, "Chàng vợ của em" đoạt Cánh diều vàng trong khi "Song lang" chỉ giành giải bạc khiến dư luận bất bình. Càng bất bình hơn nữa khi không ít gương mặt diễn viên được xướng tên có vai diễn nhạt nhòa như Bình An, Phương Hằng, Kim Tuyến...

Hạng mục phim truyền hình và phim điện ảnh được coi là bộ mặt của giải Cánh diều. Tuy nhiên, năm nào cũng vậy, số lượng phim truyền hình, điện ảnh tham gia tranh giải đều khá khiêm tốn dù ban tổ chức đã cất công gửi thư mời đến tất cả đơn vị. Năm nay, hạn cuối để gửi phim điện ảnh là ngày 28-2. Nhưng chốt sổ, ban tổ chức chỉ nhận được vỏn vẹn 6 phim!

Nếu đúng thời hạn diễn ra lễ trao giải là ngày 15-3 thì con số này thật đáng báo động. Tình hình dịch bệnh khiến lễ trao giải phải dời lại nên ban tổ chức tranh thủ gia hạn thêm một tháng, kêu gọi các nhà làm phim gửi tác phẩm. Đến nay, ban giám khảo mới tạm thở phào vì hạng mục phim điện ảnh có thêm 10 phim góp mặt. Tuy vậy, đây vẫn là con số khiêm tốn với số lượng phim chào sân trong năm 2019. Mỗi năm, số lượng phim Việt ra rạp khoảng 40-50 phim nhưng số phim gửi đi dự Cánh diều chỉ khoảng một phần tư.

Trong số phim điện ảnh dự giải, một số phim do nhà nước đặt hàng như "Truyền thuyết Quán Tiên" - đạo diễn Đinh Tuấn Vũ, "Hợp đồng bán mình" - đạo diễn Trần Ngọc Phong... chưa được chiếu phổ biến cho công chúng nên không tạo được dấu ấn. Nội dung của "Hợp đồng bán mình" còn nhiều phi lý, chưa lôi cuốn. Các phim tư nhân như "Bắc kim thang" của đạo diễn Trần Hữu Tấn, "Anh trai yêu quái" - Vũ Ngọc Phượng, "Anh thầy ngôi sao" - Đỗ Đức Thịnh... dù hút khách nhưng chất lượng cũng chỉ dừng ở mức tàm tạm, không quá xuất sắc, phần nhiều nghiêng về giải trí.

Căn theo tiêu chí của giải Cánh diều thì số tác phẩm giàu sức sáng tạo, mang dấu ấn dân tộc và thời đại gần như mất hút. Đây là điều dễ hiểu vì năm qua, dù có đến 44 phim ra rạp nhưng những phim nổi trội đếm chưa đầy bàn tay. Cuối năm may thay có "Mắt biếc", "Chị chị em em"... đủ sức kéo khán giả đến rạp.

Nhưng nhiều phim được đánh giá cao như thế lại không góp mặt ở Cánh diều 2020. Trước lo ngại về việc ban giám khảo sẽ lâm vào cảnh "so bó đũa, chọn cột cờ", đạo diễn Đặng Xuân Hải cho hay: "Cánh diều là giải thường niên nên sẽ phụ thuộc vào chất lượng phim ảnh của năm đó. Cũng giống như mùa vụ, điện ảnh cũng có năm được mùa, năm mất mùa. Nhiều năm qua ban tổ chức quán triệt tinh thần: nếu không có phim xứng tầm thì sẽ không có giải Cánh diều vàng. Và thực tế đã có nhiều năm, chúng tôi không tìm được chủ nhân cho giải vàng mà chỉ trao giải bạc".

So với phim điện ảnh, hạng mục phim truyện truyền hình trở nên gay cấn và cuốn hút hơn bởi cuộc đua của 12 cái tên đình đám như: "Về nhà đi con" - đạo diễn, NSƯT Nguyễn Danh Dũng; "Mùa cúc susi" - đạo diễn Phạm Lộc; "Nàng dâu order" - đạo diễn Bùi Quốc Việt; "Hoa hồng trên ngực trái", "Những cô gái trong thành phố" - đạo diễn, NSƯT Vũ Trường Khoa; "Tiếng sét trong mưa" - đạo diễn Nguyễn Phương Điền...

Đây đều là những bộ phim "làm mưa làm gió" trên màn ảnh nhỏ trong năm qua. Nếu ở miền Bắc, "Về nhà đi con" trở thành bộ phim quốc dân thì miền Nam có "Mùa cúc susi", "Tiếng sét trong mưa". "Về nhà đi con" (Trung tâm Sản xuất Phim truyền hình - Đài Truyền hình Việt Nam) hấp dẫn, nhân văn với câu chuyện gia đình giản dị, tình phụ tử, anh chị em cảm động qua diễn xuất tài tình, chân thật của NSND Trung Anh và dàn diễn viên trẻ Bảo Thanh, Quốc Trường, Thu Quỳnh...

"Mùa cúc susi" (Hãng phim truyền hình TP Hồ Chí Minh) lại kể một câu chuyện nhẹ nhàng về nỗ lực vượt lên số phận của cô bé susi. Bên nền câu chuyện chính, phim hấp dẫn người xem còn nhờ các vấn đề xã hội như nạn buôn lậu đá quý, thế giới xã hội đen...

Cảnh trong phim "Anh thầy ngôi sao".

Phóng tác từ vở cải lương nổi tiếng "Lôi vũ" nhưng "Tiếng sét trong mưa" (Đài Truyền hình Vĩnh Long) vẫn vô cùng lôi cuốn bởi câu chuyện xúc động, đong đầy tình người Nam bộ. Riêng các phim như "Nàng dâu order", "Hoa hồng trên ngực trái"... khai thác đề tài quen thuộc như xung đột nàng dâu, mẹ chồng, nạn ngoại tình... với cách thể hiện tươi mới, dí dỏm lẫn sâu cay, kịch tính. Những bộ phim trên liên tục được các diễn đàn hâm mộ phim ảnh phân tích, bàn luận rôm rả.

Diễn viên Thanh Hương nhận xét rằng phim truyền hình Việt Nam những năm gần đây có sự tiến bộ rõ rệt, chiếm được cảm tình của khán giả cả nước. Các đề tài gần gũi hơn với đời sống đương đại chứ không xa vời quanh chuyện nhà lầu xe hơi, con nhà gia thế của công ty này, tập đoàn kia... Một số phim tuy nội dung kịch bản không mới nhưng cách diễn xuất của diễn viên, dàn dựng nhân vật, mạch phim... đã được chăm chút, cải tiến rất nhiều.

NSND Hoàng Dũng nói vui, nếu ngày xưa coi phim Việt thấy nó khá lê thê thì giờ đây, khán giả chỉ cần bận việc gì 5 phút thôi thì theo dõi lại đã không hiểu nội dung. Mạch phim nhanh, gãy gọn, lôi cuốn khiến người xem khó rời mắt khỏi màn ảnh nhỏ. Đạo diễn Trịnh Lê Văn, Trưởng ban giám khảo hạng mục Phim truyền hình nhận định các phim dự thi Cánh diều 2020 có chất lượng tương đối ngang nhau, so kè một chín một mười.

Tuy vậy, khoảng trống của hạng mục phim điện ảnh không khỏi khiến công chúng buồn lòng, dự cảm về một mùa giải mà cánh diều không thể bay cao. Nhiều người đề xuất Hội Điện ảnh Việt Nam nên thay đổi cách thức tổ chức và chấm giải.

Bởi về bản chất, Cánh diều được coi là cuộc tổng kết toàn diện những gì nền điện ảnh đã gặt hái mỗi năm chứ không phải là liên hoan phim - nơi thường giới thiệu tác phẩm mới. Do đó, ban tổ chức không thể ngồi chờ nhà sản xuất gửi tác phẩm đến mà họ phải chủ động đánh giá toàn bộ phim đã trình chiếu trong suốt năm qua. Làm vậy vừa không bỏ sót phim hay và vinh danh đúng lúc, vừa giúp Cánh diều thực sự trở thành giải thưởng điện ảnh uy tín, công tâm.

Phan Thi Uyên
.
.