Giải Cánh Diều 2016: Vui vì lượng, buồn vì chất

Thứ Ba, 18/04/2017, 07:59
Đó là nhận định của nhà biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Điện ảnh Việt Nam về 19 bộ phim điện ảnh tranh giải Cánh Diều 2016. Số phim đạt chất lượng chỉ đếm trên bàn tay nên "Sài Gòn, anh yêu em" thắng lớn tại Lễ trao giải diễn ra tại Nhà hát Quân đội, TP Hồ Chí Minh tối 9-4 không phải là ẩn số khó dự đoán.


Hết cảnh "vơ bèo gạt tép"…

Chưa bao giờ thị trường điện ảnh trong nước trở nên sôi động và có nhiều tín hiệu đáng mừng như hiện nay. Năm 2012 là năm đánh dấu sự nhảy vọt của lượng phim Việt bằng con số 20 (gấp đôi các năm trước) thì những năm kế tiếp, số lượng  cứ thế tăng dần đều, trung bình khoảng 30 - 40 phim. Riêng năm 2016, phòng vé bùng nổ với hơn 50 tác phẩm. Rõ ràng nhất là số lượng phim điện ảnh tham gia giải Cánh Diều năm nay: 19 phim! 

Nếu 6, 7 năm trước, Ban tổ chức phải cố hết sức huy động các phim tranh giải thì cũng được chừng chục phim là cao. Trong đó, đa phần là phim trời ơi đất hỡi. Thậm chí ngay cả những sản phẩm bị khán giả gắn mác "thảm họa" như "Cát nóng", "Gia sư nữ quái", "Mùa hè lạnh", "Mất xác"…

Ban tổ chức cũng gom để đủ chị đủ em. Chứ một giải danh giá được ví như "Oscar của Việt Nam" mà lại lẹt đẹt vài phim thì còn ra thể thống gì? Chạm con số 9, 10 phim đã là cố gắng hết sức của Hội Điện ảnh Việt Nam, bởi họ không có sự lựa chọn nào khác khi trong năm, số lượng phim điện ảnh nội địa đã ít ỏi (gần như chỉ xuất quân ồ ạt vào mùa Tết), còn chất lượng thì khỏi nói. Ước mong phim Việt đều đều ra rạp quanh năm lúc bấy giờ tưởng như chuyện hoang tưởng. Vậy mà chỉ một thời gian ngắn, chuyện hoang tưởng thành sự thật. Giờ đây, tuần nào cũng có phim mới ra rạp.

Một cảnh trong phim "12 chòm sao - Vẽ đường cho yêu chạy".

NSND Đinh Xuân Hải, Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam lý giải: "19 bộ phim tham dự giải năm nay đều do các hãng tư nhân, nhà làm phim độc lập, Việt kiều thực hiện chứng tỏ xu thế xã hội hóa hoạt động điện ảnh đã có sự phát triển tích cực, khơi dậy tiềm năng lao động sáng tạo và năng lực sản xuất của nhiều cơ sở. Hoạt động điện ảnh đã huy động được nhiều nguồn lực và nguồn vốn khác nhau. Điều này đã tạo ra đội ngũ sáng tác điện ảnh tương đối đông đảo. Nó không ngừng kích thích và mở rộng phạm vi sáng tác vì vậy mà số lượng tác phẩm tăng rất nhanh".

Chưa kể, nhiều phim có doanh thu phòng vé "khủng", thậm chí qua mặt cả phim "bom tấn" Hollywood như: "Tấm Cám - Chuyện chưa kể" và trước đó, năm 2015  là "Em là bà nội của anh", "Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh"… Việc ngày càng nhiều khán giả đến rạp mua vé và bàn tán sôi nổi về phim Việt thay vì xem miễn phí trên mạng đã và đang tạo dựng thói quen xem phim lành mạnh, văn minh, tôn trọng bản quyền.

Theo đánh giá của TS Trần Luân Kim, Trưởng ban giám khảo hạng mục Phim truyện điện ảnh, các phim năm nay có thể loại phong phú: từ tâm lý xã hội, hành động đến ma quái, cổ trang, hài hước…

Việc phân chia các phim thuộc thể loại nào mang tính chất tương đối vì rất nhiều phim đa thể loại, pha trộn giữa hành động, hài hước, tâm lý, ma mị… một cách khéo léo, khó phân định rạch ròi.  Đề tài cũng vô cùng phong phú, tập trung nhiều khía cạnh cuộc sống như: hoạt động thể thao (phim "Sút"), bộ đội giúp dân (Sứ mệnh trái tim), câu chuyện cổ tích (Tấm Cám - Chuyện chưa kể), tình phụ tử (Cha cõng con)… Nhiều phim tập trung vào các hiện tượng tiêu cực của xã hội như ma túy, bảo kê, cho vay nặng lãi, bắt cóc trẻ em…

Một điểm cộng nữa của phim Việt hiện nay đó là khâu hình ảnh và âm thanh bài bản, chuyên nghiệp. Các nhà làm phim đều rất chăm chút cho đứa con tinh thần, mang lại khung hình mãn nhãn. Thậm chí, NSND Đặng Nhật Minh không ngần ngại cho rằng một số phim hành động có hình ảnh không thua kém gì phim Mỹ chiếu trên kênh HBO. Bối cảnh của các phim được chọn lựa kỹ, dàn dựng công phu với những hiệu ứng đặc biệt phong phú và cầu kỳ.

Cũng dễ hiểu bởi với sự phát triển như vũ bão của công nghệ, kỹ thuật, các nhà làm phim Việt Nam đã nhanh nhạy ứng dụng công nghệ tiên tiến nhất. Phần nữa, khâu hậu kỳ của nhiều công ty ở Việt Nam sớm tạo được uy tín. Nhà làm phim không còn phải lặn lội sang Thái Lan khi muốn có được tác phẩm trau chuốt, đẳng cấp.

… nhưng vẫn "so bó đũa chọn cột cờ"!

Nếu mặt kỹ thuật, thể loại và số lượng khiến người trong nghề nức lòng bao nhiêu thì chất lượng nội dung của phim Việt lại khiến họ lo lắng bấy nhiêu. Dù không có phim "thảm họa" như mọi năm nhưng chất lượng phim lần này vẫn chưa được đánh giá cao.

Trong số 19 phim, chỉ có 6 phim được coi là ổn gồm: "Chờ em đến ngày mai", "12 chòm sao - Vẽ đường cho yêu chạy", "Sài Gòn, anh yêu em", "Tấm Cám - Chuyện chưa kể", "Bao giờ có yêu nhau", "Cha cõng con". Thật đáng buồn,  6/19 là một tỉ lệ quá ít ỏi. NSND Đặng Nhật Minh thừa nhận: "19 phim cho tôi thấy một diện mạo hoàn toàn mới mẻ của điện ảnh Việt Nam ngày hôm nay, diện mạo đó thích ứng với những đổi thay trong xã hội Việt Nam hiện tại.

Một cảnh trong phim “Sài Gòn anh yêu em”.

Xã hội đó đã tạo ra một lớp khán giả trẻ mà nhu cầu chủ yếu là giải trí. Các phim của điện ảnh Việt Nam hôm nay đáp ứng cho nhu cầu đó là chính. Điều này cũng phù hợp với quy luật cung cầu của xã hội tiêu thụ nói chung không riêng gì trong điện ảnh".

Căn bệnh trầm kha của điện ảnh Việt một lần nữa vẫn chưa có thuốc chữa: kịch bản yếu. Đã thế, kết cấu nhiều phim lỏng lẻo rời rạc, thiếu chi tiết đáng nhớ. "Thật khó mà lạc quan khi có đến 80% phim dự giải tràn ngập ba dấu ấn chính.

Thứ nhất, tuy động chạm đến nhiều khía cạnh của cuộc sống nhưng phần lớn dựa vào một số đề tài như buôn bán ma túy, bắt cóc trẻ em… để triển khai quá nhiều pha hành động, đuổi bắt bạo lực. Chỉ vì coi đó là cái cớ nên phần lớn các tác phẩm không làm được chức năng quan trọng của nghệ thuật là cảnh báo, thức tỉnh.

Thứ hai, đó là vấn đề đồng tính, giả gái. Nhân vật đồng tính không đóng góp gì cho câu chuyện nhưng hết phim này đến phim khác đưa vào. Tôi không biết họ đưa vào để làm gì? Có phải đó là ý của nhà sản xuất để câu khách?

Thứ ba là hài. Nhưng theo tôi, đó không phải hài nữa mà là bày trò. Kịch bản không thống nhất và nó dường như chỉ là một đường dây để bày ra những trò hài phi lý và những pha hành động đuổi bắt thừa thãi.

Có lẽ thương nhất là diễn viên, không biết họ khóc cười, đánh đấm mạo hiểm vì cái gì?" - đạo diễn Nguyễn Thanh Vân nêu ý kiến. TS Trần Luân Kim thừa nhận năm nay phim Việt đã bớt hài nhảm. Thế nhưng cái hài vẫn bị lạm dụng và cài cắm không đúng chỗ. Chẳng hạn như phim đang kịch tính, căng thẳng thì lại xuất hiện một nhân vật gây cười gượng gạo khiến câu chuyện lạc tông một cách vô duyên.

Với cái nhìn khá bi quan, đạo diễn Nguyễn Thanh Vân cho rằng, mặt bằng chung của điện ảnh Việt thấp. Rất thiếu các tác phẩm có được tiếng nói mạnh mẽ, sâu sắc về vấn đề xã hội, tạo được những cảm xúc về thân phận con người. Tuy năm nay các tác phẩm có đề tài phong phú nhưng số phim chính luận, lịch sử hay đi sâu vào khía cạnh phức tạp của cuộc sống, những ẩn ức trong đời sống con người đều vắng bóng. Điều này được cho là do phim Nhà nước đã rời khỏi cuộc đua.

"Tôi nghĩ rằng khán giả trẻ ngày càng thông minh, họ sẽ biết cách tiếp cận với phim điện ảnh một cách khôn ngoan hơn và cẩn trọng hơn. Việc đưa tràn lan hàng chục phim với nội dung chọc cười, đánh đấm giống nhau như vậy thì liệu nhà làm phim có cũ mòn đi? Và lấy chuyện hướng tới khán giả như một tiêu chí để bảo vệ cho cái trò dễ dãi ấy thì tôi sợ chúng ta sẽ mất nốt khán giả" - ông cảnh báo.

Thiếu kịch bản cũng dẫn đến sự ra đời của hàng loạt phim remake (làm lại từ kịch bản nước ngoài). Ăn nên làm ra ở phòng vé (với minh chứng "Em là bà nội của anh", "Yêu", "Bạn gái tôi là sếp"…) càng khiến cho xu hướng này phát triển rầm rộ dù nó khó chạm được các giải thưởng nghề nghiệp bởi mang tiếng ăn theo. Thị trường điện ảnh nội địa đang trong cái đà phát triển mạnh mẽ.

Bên cạnh đó, với thế hệ đạo diễn, diễn viên trẻ luôn năng động và nhiệt tình lăn xả, nếu có kịch bản tốt, nguồn vốn dồi dào thì việc họ làm nên chuyện chỉ là nay mai. "Sài Gòn, anh yêu em" và "12 chòm sao - Vẽ đường cho yêu chạy", hai "tân binh" "càn quét" hàng loạt hạng mục quan trọng ở giải Cánh Diều 2016 là một minh chứng.

Mai Quỳnh Nga
.
.