Giấc mơ số liệu

Thứ Hai, 13/07/2015, 07:46
Vừa rồi nhiều phương tiện thông tin đại chúng đã đưa tin rằng, trong một buổi họp báo gần đây do Tổng cục Thống kê tổ chức để công bố các số liệu thống kê về phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2015. Điều đáng mừng là các số liệu đều chứng minh nền kinh tế nước ta đang trên đà phục hồi và có những mặt phát triển. Nhưng điều làm cho không ít người băn khoăn là về số liệu trị giá hàng hóa từ Trung Quốc nhập vào nước ta có độ vênh rất lớn giữa số liệu của ta và số liệu của Trung Quốc (con số chênh nhau lên tới 20 tỉ USD).

Điều đáng suy nghĩ, đây là một buổi họp báo để giúp các nhà báo đưa tin rộng rãi lên phương tiện thông tin đại chúng. Vậy mà có sự chênh lệch như thế, thử hỏi trong các báo cáo khác, sự vênh nhau sẽ như thế nào, bởi ở đó không có sự chất vấn của các nhà báo. Mặc dầu cơ quan đưa ra thông tin có giải thích rằng cách tính của ta khác với của Trung Quốc, hàng của Trung Quốc nhập vào ta không chỉ bằng đường chính ngạch mà bằng cả đường tiểu ngạch...

Nói  thế thì cũng chỉ biết đến thế chứ ai mà đi tận sang bên Trung Quốc để hỏi cho rõ ngọn ngành được. Mong rằng đó là thông tin thật mà không phải là ngụy biện và cũng mong rằng nhanh có giải pháp khắc phục để mặt bằng số liệu giữa ta với quốc tế xích lại gần nhau hơn.

Xuất khẩu lúa gạo tại Đồng bằng sông Cửu Long.

Câu chuyện số liệu nhiều khi đã gây sốc trong đời sống chúng ta, nhưng hỏi ra thì chẳng biết nguồn gốc từ đâu, được tập hợp thống kê bằng cách nào? Chẳng hạn có lúc trên các phương tiện thông tin đại chúng có nói tới 30% số cán bộ công chức của ta "sáng cắp ô đi tối cắp ô về" - đó là một tỉ lệ rất đáng báo động. Nhưng con số này thực đến đâu, chờ mãi vẫn không thấy và hình như nó đã đi vào im lặng.

Chúng ta còn được biết ở một số doanh nghiệp làm ăn thua lỗ, khi tiến hành kiểm tra thì mới hay họ có hai cuốn sổ, một là sổ chứa số liệu để báo cáo công khai, một là chứa số liệu để "lưu hành nội bộ". Thử hỏi như thế thì làm sao mà có số liệu chính xác được. Lại một hiện tượng dễ thấy là trong các báo cáo định kì, chuyên đề và cả những báo cáo đột xuất của các ngành các địa phương thường thấy đa phần có cụm từ: "... tăng lên so với cùng kì năm ngoái".

Chẳng hạn quí một năm nay tăng hơn so với quí một năm ngoái. Dư luận cho rằng: Sao cứ phải lấy cùng kì năm ngoái để so sánh? Sao không  lấy quí 4 năm ngoái là quí sát kề ra để so sánh. Lấy cái kết quả của thời gian trước cận kề để so sánh chắc là sẽ có tác dụng hơn, thực chất hơn. Phải chăng ai cũng hiểu so với cùng kì năm ngoái tất nhiên là tăng hơn lên rồi. Lại có một tình hình nữa là mỗi khi có một vấn đề nổi cộm, tác động, ảnh hưởng đến cuộc sống như là vệ sinh an toàn thực phẩm, cháy nổ, tai nạn giao thông... gây bức xúc trong dư luận, khi ấy  thường thấy nhà đài tổ chức phỏng vấn lãnh đạo các cơ quan chức năng.

Trước tình hình phức tạp như vậy nhưng khi trả lời trước công luận, các cơ quan chức năng đều nói rằng tình hình nhìn chung đều giảm trên các tiêu chí...; mặc dầu có thừa nhận một vài vụ việc nghiêm trọng xảy ra. Điều này đã khiến dư luận có phần ngỡ ngàng, bởi rõ ràng tình hình xấu đang diễn ra hàng ngày, đang là nỗi lo của nhiều người, vậy mà số liệu đưa ra lại là giảm trên tất cả các tiêu chí. Dẫu cho số liệu đó là thực tế nhưng đưa ra lúc này là ít tác dụng bởi xã hội đang mong chờ những giải pháp tích cực và cấp bách để giải quyết những vấn đề nóng đang xảy ra chứ không phải là muốn biết số vụ việc tăng hay giảm.

Căn bệnh số liệu vênh nhau có nhiều nguyên nhân. Một trong những nguyên nhân đó là bệnh thành tích. Chính phủ đã phê phán nhiều nhưng xem ra vẫn chưa triệt hết được.Thứ nữa là nhiều cán bộ lo sợ rằng nói thật quá mặt yếu nhiều khi lại không động viên xã hội được. Có khi lại bị kẻ xấu lợi dụng. Thiết tưởng đó là suy nghĩ không đúng. Dân trí ngày càng cao thì càng đòi hỏi sự chính xác ngày càng cao về tình hình và số liệu. Chúng ta chỉ sợ không tiếp cận được với sự thật chứ không hề sợ sự lợi dụng sự thật. Số liệu không chỉ mang tính chất thống kê, có ý nghĩa về mặt kinh tế mà nó cũng là một thước đo về văn hóa, mang tính nhân văn, xã hội cao. Do vậy cung cấp một số liệu chính xác cho xã hội, cho cộng đồng chính là mong muốn của những công dân đầy trách nhiệm và chắc chắn đó sẽ là động lực tích cực thúc đẩy xã hội phát triển. Các ngành các cấp cần cố gắng vươn lên để đáp ứng yêu cầu đó, đừng để giấc mơ về số liệu kéo dài thêm nữa.

Phạm Văn Thạch
.
.