Gây sốc bằng ca từ suồng sã

Thứ Sáu, 13/09/2019, 08:02
Những ca khúc mang lời khiếm nhã, phản cảm lan tràn như cỏ dại. Đáng buồn hơn khi tình trạng nhức nhối này không còn là "đặc quyền" của giới underground (hoạt đồng ngầm) mà ngay cả nghệ sĩ nổi tiếng của dòng chính thống cũng... nhúng chàm.


Mới đây, ca sĩ Cẩm Ly tung MV "Ngoại ơi con về" để đánh dấu sự trở lại của chị ở dòng nhạc dân ca sau nhiều năm im hơi lặng tiếng. MV nhận được nhiều lời khen ngợi bởi hình ảnh đồng quê, sông nước với bà ngoại hiền hòa.

Bài hát xúc động, đong đầy tình cảm bà cháu. Tuy nhiên, đến phần điệp khúc, nhiều khán giả tỏ ra khó chịu với sáng tác mới của nhạc sĩ Minh Vy ở câu "Mồ tổ cha mày" lặp đi lặp lại. Họ cho rằng câu chửi suồng sã khiến bài hát bỗng chốc kém duyên. Trước phản ứng trái chiều của khán giả, ca sĩ Cẩm Ly phải đăng đàn giải thích. Chị cho hay đây là câu chửi yêu của một bà già Nam bộ với con cháu nên nó không có ý nghĩa nặng nề như nhiều người nghĩ.

Dù vậy, lời giải thích này khó thuyết phục được công chúng, nhất là những người khó tính. Công chúng có cái lý của họ khi họ không thể chấp nhận một câu từ quá bình dân, lời mắng khiếm nhã tồn tại trong tác phẩm âm nhạc như vậy.

Ca sĩ Cẩm Ly gây tranh cãi vì ca từ trong MV "Ngoại ơi con về".

Vợ chồng ca sĩ Cẩm Ly - nhạc sĩ Minh Vy không phải là trường hợp đầu tiên bị dư luận lên tiếng về vấn đề ca từ. Lâu nay, không ít nghệ sĩ nổi tiếng dòng mainstream (dòng chính thống) tung ra các sản phẩm âm nhạc có ca từ tự nhiên chủ nghĩa đến mức phản cảm.

Có người vô tình nhưng cũng lắm người cố ý gây sốc. Những ca khúc như "Tự sướng" của Mai Khôi, "Như cái lò" của Huyền Sambi và nhạc sĩ Khắc Hưng, "Nắng cực" của Phạm Toàn Thắng, "Như lời đồn" của Bảo Anh...  gây sốc từ tên ca khúc đến phần lời hát. Lời hát trần trụi kiểu "Nếu ra đường chỉ thấy nóng như cái lò/ Anh cứ việc ở trên giường/ Bởi vì anh là thiên đường, thiên đường/ Anh sẽ khiến em lả lướt..." khiến cho ai nghe qua đều hiểu nhạc sĩ muốn nói điều gì. Những nghệ sĩ trên vốn từng được khán giả ghi nhận tài năng, biết dung hòa giữa chuyên môn và thị trường.

Bằng chứng là Khắc Hưng, Phạm Toàn Thắng từng được vinh danh ở Giải Cống hiến còn Huyền Sambi nhiều lần nhận giải thưởng ở chương trình "Bài hát Việt". Cả hai cũng có nhiều ca khúc ăn khách. Thế nên, người ta không hiểu nổi tại sao họ lại cho ra đời loạt ca khúc nhạt nhẽo, phản cảm như thế. Họ là những người trẻ, nhanh nhạy với mạng xã hội thì không lý gì lại không biết kiểu nói lái bỗ bã, tiếng lóng chửi tục quen thuộc của cư dân mạng.

Lâu nay, khán giả vẫn mặc định nhạc rác chỉ có đất sinh sôi nảy nở ở dòng underground trên internet với những tên tuổi kém nổi, ưa chơi trội. Môi trường underground phóng khoáng, không kiểm duyệt khắt khe khiến họ tha hồ tung tẩy, thể hiện cái tôi nổi loạn, phá phách. Nếu phải điểm qua các bài hát hời hợt, cợt nhả, thậm chí là trần trụi, tục tĩu thì phải mất cả danh sách dài.

Oái ăm thay, những ca khúc như  "Áo mưa", "Anh đã làm em như thế này", "Phiếu bé ngoan" (Yanbi và Mr T), "Oh my chuối" (Sĩ Thanh), "Mình cưới nhau đi" (Huỳnh James và Pjnboys), "Thu dẩm" (LK)… lại có lượt nghe cao ngất ngưởng, thậm chí chạm mốc 200 triệu view.

Ngôn từ bậy bạ như: "Anh có súng ngắn này/ Cẩn thận nó bắn này/ Nó bắn một phát 70 không lành/ Và rồi em không còn là của quý mà nhiều thằng tranh giành…" hay "Lo cho tương lai của con chúng mình/ Em mà cà chớn/ Chén với xoong có ngày lên đầu...." được giới trẻ tung hô và ra rả cửa miệng. Họ thích thú bởi cho rằng như thế mới thể hiện đúng tinh thần sốc nổi, khẩu khí của thanh niên.

Không chỉ sử dụng ca từ thô vụng mà nhiều bài còn cổ súy tệ nạn xã hội như ma túy, mại dâm, gây hấn giang hồ như: "Khu tao sống" của Wowy và Karik, "Quăng tao cái boong" của Huỳnh James và Pjnboys, "Được thì tiến, không thì biến" của Yuki Bo và Ngân T, "Thôi anh không chơi" của Binz, "Ba con chó ngọng" của Richchoi …. Lắm khi người nghe không hiểu mình đang nghe nhạc hay là nghe một bài chửi thề được đệm bằng âm nhạc.

Nói vậy không có nghĩa là dòng underground chỉ toàn nhạc rác. Vài năm gần đây, khá nhiều bài hát từ thế giới ngầm vượt mặt giới mainstream để tung hoành các bảng xếp hạng lẫn giải thưởng âm nhạc. "Túy âm", "Cô gái mét 52", "Kém duyên", "Hongkong1", "Người âm phủ", "Hành tinh song song", "Đưa nhau đi trốn"... phủ sóng khắp nơi nhờ sự tìm tòi khai phá của người sáng tác lẫn chất giọng đặc biệt của người thể hiện. Thế nhưng, thỉnh thoảng tựa bài hát cũng bị ngôn ngữ thô vụng đời thường lấn át.

Dù được yêu thích vì giai điệu mộc mạc, gần gũi nhưng cái tên bài hát "Anh đếch cần gì nhiều ngoài em" của rapper Đen Vâu bị la ó ít nhiều. Từ "đếch" khiến cho bài hát bị tầm thường hóa dù rằng Đen Vâu cho biết mình dùng từ này chỉ để cho bài hát thể hiện đúng chất bất cần của chàng trai đất Bắc.

Nhiều bài hát của Huỳnh James và Pjnboys bị phản ứng vì ca từ quá suồng sã. 

Dù ở dòng mainstream hay underground thì hai dòng này bắt đầu đã có sự giao thoa và mục đích cuối cùng cũng là phục vụ công chúng. Không hiếm nghệ sĩ dòng mainstream hát lại ca khúc của giới underground hoặc hợp tác với họ như Thu Phương, Lam Trường, Hồ Ngọc Hà, Phương Ly... Do đó những ca khúc rác dù ở dòng nào thì vẫn có sức tác động rộng rãi.

Là người tâm huyết với nghệ thuật, ca sĩ Tùng Dương quả quyết: "Chức năng của văn học nghệ thuật là nâng cao nhận thức, giáo dục tư tưởng và thẩm mỹ. Là người nghệ sĩ, là người tạo ra cái đẹp, anh phải có trách nhiệm định hướng cho khán giả. Sản phẩm âm nhạc là cái tôi, là gương mặt của chính người nghệ sĩ đó. Tôi không chấp nhận nổi những ca khúc có ngôn từ suồng sã, bất cần, ảnh hưởng tới gu thẩm mỹ của khán giả, thậm chí cổ vũ cho lối sống lệch lạc".

Đáng tiếc, việc xử phạt nhạc rác như "muối bỏ biển" với mức độ nhẹ hều. Năm 2014, Thanh tra Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xử phạt hành chính 4 triệu nhóm nghệ sĩ phổ biến ca khúc "Phiếu bé ngoan" và gỡ nó khỏi các trang nghe nhạc trực tuyến. Từ đó đến nay, nhạc rác vẫn hoành hành còn cơ quan quản lý không có biện pháp hiệu quả để ngăn chặn. Tất cả để mặc cho công chúng định đoạt.

Giải thích về lý do nhiều nghệ sĩ tài năng bước vào con đường âm nhạc dễ dãi, Huyền Sambi thừa nhận cô hát "Như cái lò"  bởi cô cần phải thị trường hóa bản thân để thu hút khán giả chứ không thể trung thành với những ca khúc mang tính hàn lâm dẫu nó được đánh giá cao, gặt hái vô số giải thưởng.

Tuy vậy, công cuộc thị trường hóa của cô thất bại ngay từ phút đầu. Nhạc rác lúc đầu tăng lượt xem chóng mặt nhưng nhanh chóng chết yểu vì đánh vào sự tò mò nhất thời chứ bản thân tác phẩm không có gì nổi trội để khán giả phải nhớ lâu. Đó là cái kết cho những nghệ sĩ chỉ ham danh tiếng nhất thời mà quay lưng với những gì mình đã gây dựng để chạy theo những thứ phản cảm, gây sốc.

Tuy chỉ nổi lên nhất thời nhưng những câu từ không hay, thậm chí độc hại của bài hát cũng kịp thẩm thấu vào cộng đồng nghe nhạc. Thạc sĩ tâm lý Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu phân tích: "Tâm lý con người, nhất là các bạn trẻ luôn tò mò trước những điều mới lạ, độc dị. Vì bộ lọc của thanh niên, thiếu nhi còn yếu nên những ca khúc trên sẽ ảnh hưởng đến gu thẩm mỹ, nhận thức, hành vi của họ".

Đứng trước luồng ý kiến tranh cãi của dư luận, nhạc sĩ Khắc Hưng từng chống chế "Như cái lò" là bài hát hoàn toàn bình thường, chỉ tại người nghe giỏi suy diễn bậy bạ, nhạc sĩ Phạm Toàn Thắng thì bảo sáng tạo thì phải táo bạo, phải bước ra vùng an toàn khi anh bị ném đá bài "Nắng cực".

Họ không hiểu rằng dù thuộc dòng âm nhạc nào đi chăng nữa, dù tự do sáng tạo và táo bạo cỡ nào thì trên hết nó phải là một ca khúc tử tế. Nó phải đạt tới chữ "thiện" trước đã, chứ chưa bàn tới chữ "chân", chữ "mỹ". Nói như ca sĩ, nhạc sĩ Thanh Bùi: "Sự tự do trong sáng tạo nghệ thuật là quyền của mọi công dân, nhưng tự do ấy phải được nằm trong khuôn khổ, đặc trưng văn hóa của cả dân tộc".

Phan Thi Uyên
.
.