Gameshow đưa nhạc Việt về đâu?

Thứ Hai, 24/03/2014, 08:30
Trước những gì đang diễn ra tại "Chinh phúc đỉnh cao" NSND Trung Kiên phải thốt lên: "Tôi rất lấy làm buồn mà nói rằng, nhà sản xuất chương trình đang bóp méo nghệ thuật opera". Mang nghệ thuật hàn lâm đến gần với đông đảo khán giả là mục tiêu tốt đẹp nhưng qua cách khen ngợi những ca sĩ trẻ của dòng nhạc nhẹ trình diễn chưa xứng đáng trong lĩnh vực opera thì vô hình trung những bản nhạc kinh điển trở nên méo mó. Điều này dẫn đến khán giả có cách nhìn nhận, cách hiểu sai lệch về bộ môn nghệ thuật hàn lâm này...

Tại đêm thi 9/3 vừa qua, tiếp sau Ngọc Khuê, hai giọng ca đẹp được đánh giá cao là Hồ Trung Dũng và Võ Hạ Trâm bất ngờ bị loại trong chương trình "Chinh phục đỉnh cao" đã khiến không ít khán giả cảm thấy hụt hẫng, tiếc nuối. Trong khi đó, "Đố ai hát được" vẫn đều đặn hằng tuần, mang đến cho khán giả những tiết mục rùng rợn, sợ hãi hơn là giải trí lành mạnh.

Việc người đi, người ở hay tìm tòi những yếu tố độc đáo ở một sân chơi ca nhạc cũng là chuyện bình thường nếu như cuối cùng mang tới những tiết mục nghệ thuật đặc sắc, hướng con người tới những giá trị nhân văn. Tuy nhiên, dường như khó bắt gặp những điều này trong nhiều gameshow ca nhạc đang chiếm lĩnh sóng truyền hình hiện nay.

Xem ra cho tới thời điểm này, những gameshow ca nhạc vẫn giữ vị trí thượng phong trong số các chương trình giải trí trên truyền hình. Bằng chứng là sau vài năm bùng nổ, hiện tại chúng vẫn đang tiếp tục sinh sôi nảy nở và chiếm lĩnh các khung giờ vàng. Ngoài những chương trình khán giả đã "quen tên nhẵn mặt" xuất hiện đều đặn hằng năm như "Sao Mai điểm hẹn", "Việt Nam Idol", "Giọng hát Việt"… thì hiện nay đang mọc thêm khá nhiều chương trình mới như "Đố ai hát được", "Chinh phục đỉnh cao", "X - Factor", "Ngôi sao trẻ", "Tôi là người chiến thắng"… Với các tiêu chí khác nhau nên chỉ cần ai đó biết hát một chút thì ở bất kỳ lứa tuổi, nghề nghiệp nào, trình độ nào cũng có thể thi hát.

Có lẽ vì bội thực các cuộc thi ca nhạc nên để lôi kéo khán giả, các nhà sản xuất đang tập trung vào những yếu tố độc, lạ mà "Đố ai hát được" là một ví dụ điển hình. Với tên gọi phiên bản gốc là "Sing if you can", khi chuyển sang tiếng Việt thành "Đố ai hát được" đang khiến khán giả tò mò bởi những chiêu trò mà nhà sản xuất bày ra cho người chơi.

So với những cuộc thi ca nhạc khác là đề cao việc tìm kiếm giọng hát hay thì "Đố ai hát được" chỉ cần người chơi vượt qua được các thử thách và hát hết bài. Chính vì thế, đây là gameshow thiên về tính giải trí hơn là cống hiến cho khán giả những tiết mục âm nhạc đặc sắc bởi ca sĩ vừa hát vừa... hét thì thật khó có thể hay. Thôi thì khi cuộc sống hiện đại nhiều áp lực, căng thẳng, để giải trí cũng là điều đáng quý. Tuy nhiên, qua một vài số phát sóng, nhiều khán giả lại hoang mang trước mục đích của chương trình này. Điều đọng lại trong tâm trí người xem cuối cùng là gì? Là hình ảnh ca sĩ Trang "Pháp" khóc thét khi hát trong tình trạng con trăn quấn cổ; Bảo Trâm nước mắt đầm đìa khi vừa hát vừa dò dẫm bước vào chiếc hộp chứa chuột hay đầy bùn nhão nhoét; Bảo Thy ướt sũng, run rẩy khi bị dìm trong bể nước toàn lươn, ếch, rắn... Chưa kể tới một loạt những tư thế quái gở mà người thi phải trải qua như vừa hát vừa ăn, vừa hát vừa đối phó với đàn chó hung dữ…

Hotboy Huỳnh Anh bị đổ cả xô trứng lên đầu trong “đố ai hát được”.

Nhiều người cho rằng, phát sóng vào tối thứ bảy - là khung giờ vàng có khá đông khán giả ở mọi lứa tuổi, đặc biệt là trẻ em nhưng "Đố bạn hát được" xuất hiện nhiều màn vũ lực phản cảm, không tốt cho tâm lý trẻ em và những người yếu tim như phi dao xung quanh người hát làm vỡ bóng, vừa hát vừa bị đấm đá, hay những chiếc ly thủy tinh đựng rượu rơi vỡ tung tóe trên sân khấu… Một số trò nữa mà người xem cảm thấy phản cảm vì mất vệ sinh và phung phí như người hát bị cả chiếc bánh gato úp vào mặt, đập trứng bôi lên đầu, thậm chí đổ cả xô trứng vào người. Không suy nghĩ sao được khi trứng - một loại thực phẩm bổ dưỡng bị chương trình sử dụng một cách lãng phí như thế.

Thử nghĩ xa hơn, chúng ta vẫn thường bắt gặp không ít hình ảnh những đứa trẻ ở vùng sâu, vùng xa có hoàn cảnh khó khăn mà bữa ăn chỉ có cơm và rau suông. Và trong khi nhiều người đang từng ngày, từng giờ chung tay kêu gọi mọi người ủng hộ cho chương trình "Cơm có thịt" cho các em thì những hình ảnh trên thật phản cảm. Tất nhiên, những người làm chương trình có thể nói rằng họ có quyền làm những gì họ muốn bằng kinh phí của mình, thế nhưng đứng ở góc độ ý thức xã hội thì những hình ảnh ấy có phần phản cảm trước đông đảo người xem. Nên chăng, vẫn trò chơi ấy, ban tổ chức hoàn toàn có thể sử dụng những chất liệu khác, đơn giản như nước màu chẳng hạn, sẽ dễ được chấp nhận hơn. Hoặc thay vì những ly thủy tinh vỡ tung tóe trên sân khấu gây cảm giác ghê người, chương trình hoàn toàn có thể sử dụng những chiếc ly bằng nhựa trong mà vẫn truyền tải hết được ý đồ của trò chơi.

Dù phía đại diện Công ty BHD đã giải thích rằng, so với bản gốc, thì chương trình sản xuất ở Việt Nam đã bỏ nhiều cảnh hãi hùng và mọi người chơi đều đã được bảo hộ, không nguy hại đến bản thân. Nhưng ở góc độ văn hóa, "Đố ai hát được" chứa đựng nhiều yếu tố rùng rợn, mạo hiểm, làm người xem sợ hãi và phản cảm hơn là hấp dẫn, lý thú. "Sáng tạo", "độc đáo" như thế rõ ràng chưa phải là cách làm hay.

Trong khi "Đố ai hát được" khiến khán giả chưa hài lòng bởi một số yếu tố phản cảm, thiếu tính giáo dục thì khán giả quay sang hy vọng vào "Chinh phục đỉnh cao" bởi đây là cuộc thi hát opera, là sân chơi của những nghệ sĩ tên tuổi, được học hành bài bản. Và như thế thì chẳng có lý gì chương trình không sang trọng, công bằng, tôn vinh những giá trị đích thực của âm nhạc bác học. Tuy nhiên, với những gì đang diễn ra thì dường như "Chinh phục đỉnh cao" không theo đúng mục tiêu tốt đẹp ban đầu là mang âm nhạc bác học tới gần khán giả hơn. Đặc biệt, kết quả đêm thi thứ 6 của chương trình đã khiến không ít khán giả thất vọng.

Những giọng ca chuyên nghiệp, tiết mục biểu diễn hoàn hảo mang lại cảm xúc tốt đẹp cho khán giả lần lượt bị loại, trong khi đó, một số tiết mục thiên về màu mè, yếu về giọng hát lại được ban giám khảo cho điểm gần như tuyệt đối. Hồ Trung Dũng là một trong những thí sinh nam được nhiều khán giả kỳ vọng. Mỗi phần thi của anh đều mang lại những cảm xúc đặc biệt cho người nghe. Bên cạnh đó, Võ Hạ Trâm không chỉ nhận được sự đánh giá cao từ giới chuyên môn với chất giọng được đào tạo bài bản 7 năm thanh nhạc tại nhạc viện, cô còn có ngoại hình "bắt mắt". Nhưng cùng với Hồ Trung Dũng, Ngọc Khuê, Võ Hạ Trâm bất ngờ bị loại trong sự tiếc nuối của không ít khán giả.

Vẫn biết, với tiêu chí một cuộc thi ca nhạc trên truyền hình, yếu tố bình chọn của khán giả chiếm tới 50% khả năng "đi" hay "ở" của ca sĩ. Nhưng cách nhận xét, chấm điểm của ban giám khảo ảnh hưởng khá nhiều tới tâm lý bình chọn của khán giả. Trải qua các đêm thi, dường như cách chấm điểm của các giám khảo không bám vào tiêu chí nghệ thuật opera nữa mà phụ thuộc vào cách trình diễn bắt mắt của các thí sinh. Điều này khiến cho mục tiêu của cuộc thi trở nên không rõ ràng, thi hát opera nhưng lại bị tính giải trí chi phối quá nhiều.

Đơn cử như khi ca sĩ Bùi Anh Tuấn hát ca khúc "You raise me up" theo cách một bản nhạc pop hơn là opera nhưng vẫn nhận tới 39 điểm, hay Nathan Lee tại đêm thi thứ 6, đêm thi kết hợp giữa rock và opera, anh có một phần thi không thành công nhưng nhận được số điểm gần như tuyệt đối của ban giám khảo. Trong khi trước đó, nỗ lực làm chủ kỹ thuật thanh nhạc, hát đẹp đầy cảm xúc theo đúng kiểu opera thì Ngọc Khuê chỉ nhận về 37 điểm.

Trước những gì đang diễn ra tại "Chinh phúc đỉnh cao" NSND Trung Kiên phải thốt lên: "Tôi rất lấy làm buồn mà nói rằng, nhà sản xuất chương trình đang bóp méo nghệ thuật opera". Mang nghệ thuật hàn lâm đến gần với đông đảo khán giả là mục tiêu tốt đẹp nhưng qua cách khen ngợi những ca sĩ trẻ của dòng nhạc nhẹ trình diễn chưa xứng đáng trong lĩnh vực opera thì vô hình trung những bản nhạc kinh điển trở nên méo mó. Điều này dẫn đến khán giả có cách nhìn nhận, cách hiểu sai lệch về bộ môn nghệ thuật hàn lâm này. Cuộc thi đang xa rời tiêu chí nghệ thuật mà ban tổ chức đề ra ban đầu, thay vào đó là đề cao tính giải trí giống như những gameshow đơn thuần khác.

Kết quả thiếu công bằng gây tranh cãi hay sa đà vào những yếu tố câu khách đang là một thực tế diễn ra ở không ít gameshow ca nhạc hiện nay. Đáng lo ngại là với số lượng áp đảo, những sân chơi này đang có xu hướng lấn lướt những chương trình nghệ thuật đích thực, kéo khán giả vào một cuộc đua tin nhắn, móc hầu bao người xem một cách khéo léo nhiều hơn là mang đến những tiết mục âm nhạc chất lượng

K.T.
.
.