Gameshow âm nhạc trên truyền hình: Có làm náo loạn nhạc Việt?

Thứ Sáu, 03/03/2017, 08:02

Một trong những vấn đề "nóng" được bàn thảo rôm rả trên các diễn đàn những ngày gần đây xoay quanh việc có ý kiến cho rằng, các gameshow âm nhạc trên truyền hình đang làm "náo loạn" âm nhạc Việt, khiến nhạc Việt lệch chuẩn.


Người đồng tình không ít, người có quan điểm trái chiều cũng chiếm số lượng không nhỏ. Tôi đồng tình cho rằng, có rất nhiều vấn đề cần phải "chỉnh" cho "chuẩn" trong các gameshow âm nhạc trên truyền hình nhưng nếu nói gameshow đang làm náo loạn nhạc Việt thì có lẽ hơi quá lời.

Thị trường âm nhạc sôi động hơn nhờ gameshow

Có lẽ, nếu xét thị phần các chương trình giải trí trên truyền hình thì âm nhạc là lĩnh vực được khai thác nhiều nhất. Điều này dễ hiểu bởi âm nhạc là loại hình nghệ thuật gần gũi, dễ tiếp cận và có sức lan tỏa mạnh mẽ nhất trong đời sống hàng ngày.

Những ngôi sao âm nhạc bao giờ cũng thu hút lượng fan đông đảo hơn so với nghệ sỹ hoạt động ở các lĩnh vực nghệ thuật khác. Âm nhạc là lĩnh vực có nhiều "đất" để sáng tạo các format chương trình giải trí hấp dẫn.

Bên cạnh đó, cuộc thi tìm kiếm tài năng âm nhạc luôn giống như "thỏi nam châm khổng lồ" thu hút số lượng "khủng" các thí sinh tham gia từ khắp mọi miền Tổ quốc. Tất nhiên, số lượng thí sinh tham gia đông không đồng nghĩa với việc sẽ có nhiều tài năng âm nhạc lộ diện.

Chương trình "Giọng hát Việt" đã góp phần phát hiện một số tài năng âm nhạc mới cho showbiz Việt.

Đánh giá một cách khách quan và công tâm thì các gameshow âm nhạc trên truyền hình đã góp phần không nhỏ trong việc làm cho thị trường âm nhạc Việt thêm sôi động. Nếu như vài năm trước đây, các chương trình giải trí về âm nhạc trên truyền hình chỉ dừng lại ở một vài cuộc thi hát, sáng tác ca khúc với cách dàn dựng chương trình cũ thì hiện nay, từ đài truyền hình trung ương đến địa phương nở rộ các chương trình giải trí về âm nhạc với format (phần lớn được mua bản quyền từ nước ngoài) rất hấp dẫn.

Nổi bật là các chương trình tìm kiếm tài năng âm nhạc như "Thần tượng âm nhạc Việt Nam", "Giọng hát Việt", "Thần tượng âm nhạc nhí", "Giọng hát Việt nhí", "Thần tượng Bolero", "Nhân tố bí ẩn", "Ngôi sao Việt", "Học viện ngôi sao", "Tình Bolero", "Bài hát hay nhất"…

Chính nhờ những chương trình truyền hình thực tế về âm nhạc mà khán giả Việt có thêm nhiều "món ngon" trong thực đơn giải trí để lựa chọn. Đồng thời, cũng thông qua những chương trình này mà khán giả hiểu nhiều hơn về hậu trường showbiz, có cơ hội để tiếp cận những chương trình giải trí đình đám trên thế giới mà trước đó chỉ có thể "ngậm ngùi" xem trên youtube.

Phần lớn, các chương trình giải trí về âm nhạc phát sóng trên truyền hình Việt được mua bản quyền từ nước ngoài. Điều rất đáng để chúng ta học hỏi là cách xây dựng chương trình của nước ngoài rất sáng tạo, đột phá về mặt ý tưởng. Rõ ràng, sự xuất hiện của các gameshow âm nhạc đã tạo ra một cuộc cạnh tranh với các chương trình Việt và trong cuộc chạy đua đó, gameshow thuần Việt "thất thủ".

Câu chuyện về Liên hoan tiếng hát truyền hình "Sao Mai", "Sao Mai Điểm hẹn" vẫn được nhắc đến như một ví dụ về sự cạnh tranh khốc liệt giữa gameshow Việt và "hàng nhập ngoại". Trước đây, "Sao Mai", "Sao Mai Điểm hẹn" từng được coi là thước đo, bệ phóng cho những tài năng âm nhạc nhưng sau đó hoàn toàn "lép vế" trước sự đổ bộ của những cuộc thi tìm kiếm tài năng âm nhạc có xuất xứ từ nước ngoài.

Thậm chí, một số thí sinh đã giành thứ hạng cao trong "Sao Mai", "Sao Mai Điểm hẹn" cũng tự đặt mình vào vạch xuất phát để tìm đến các cuộc thi khác với mong muốn được tỏa sáng. Nhìn ở góc độ nào đó, sự cạnh tranh giữa các gameshow cũng có yếu tố tích cực. Muốn tồn tại và thu hút khán giả, gameshow Việt phải không ngừng thay đổi, đổi mới mạnh mẽ. Bằng không, khả năng thua cuộc ngay trên sân nhà tất yếu sẽ xảy ra.

Các chương trình tìm kiếm tài năng âm nhạc trên truyền hình đã phát hiện, bổ sung cho showbiz Việt nhiều gương mặt mới, tài năng. Đây là một trong những yếu tố tích cực của các gameshow mà chúng ta không thể phủ nhận. Âm nhạc cũng như nhiều loại hình nghệ thuật khác luôn vận động, biến đổi cùng với sự vận động, phát triển của xã hội và luôn cần có những gương mặt mới.

Các chương trình giải trí đã mang đến cơ hội được khẳng định bản thân, khát khao được tỏa sáng của các bạn trẻ có niềm đam mê âm nhạc. Những gương mặt nghệ sỹ mới được phát hiện qua các cuộc thi như Phương Vy, Quốc Thiên, Thanh Duy, Trung Quân, Uyên Linh, Văn Mai Hương, Bảo Trâm, Hoàng Quyên, Nhật Thủy, Hương Tràm, Bùi Anh Tuấn, Trọng Hiếu, Đồng Lan, Trúc Nhân, Vũ Cát Tường, Phương Mỹ Chi… đã đem đến cho showbiz Việt những làn gió mới bằng tài năng và sức trẻ của họ.

Cần sự điều chỉnh cho phù hợp

Tôi cho rằng, một trong những vấn đề đáng lo ngại trong làn sóng đổ bộ các chương trình giải trí có format ngoại là sự thiếu hụt các chương trình giải trí thuần Việt. Sẽ rất đáng buồn nếu truyền hình Việt giống như "nồi lẩu thập cẩm", nơi bày biện những gameshow có xuất xứ từ khắp nơi trên thế giới. Giá trị Việt cần được khẳng định và lan tỏa trong những chương trình do chính người Việt xây dựng và sản xuất.

Bên cạnh mặt tích cực, gameshow âm nhạc cũng tồn tại không ít tiêu cực. Trong ảnh: Gameshow "Đố ai hát được" từng bị chỉ trích vì "phản âm nhạc".

Do sự cạnh tranh khốc liệt để giành thị phần khán giả, đã xuất hiện những gameshow âm nhạc kém chất lượng, thậm chí là nhảm nhí. Chương trình "Đố ai hát được" lên sóng VTV3 vài năm trước từng bị khán giả "ném đá" tơi bời vì "phản âm nhạc".

Theo format chương trình, người chơi được đưa vào các tình huống oái oăm không biết trước và buộc phải hát hết ca khúc theo yêu cầu. Những lời hát run rẩy không ra hơi, hú, hét… của người chơi đã khiến ca khúc bị phá nát. Gần đây, một số chương trình tìm kiếm tài năng hát nhép, bắt chước điệu bộ của các ca sĩ nổi tiếng cũng bị khán giả phản ứng dữ dội vì phản cảm.

Với các chương trình tìm kiếm tài năng âm nhạc thì tài năng chính là yếu tố quyết định nhất tạo nên sự thành công của chương trình. Tuy nhiên, tài năng không thuộc về số đông và không phải khi nào cũng lộ diện. Không có tài năng đích thực ắt sẽ dẫn đến sức hút của chương trình giảm.

Để "cứu vãn" tình thế này, các nhà sản xuất buộc phải nghĩ ra "chiêu trò" để gây chú ý. Không thể phủ nhận rằng, lạm dụng chiêu trò đang khiến khán giả ngán ngẩm, "mất niềm tin" vào các gameshow trên truyền hình hiện nay.

Thực tế cho thấy, truyền hình, với sự "hậu thuẫn" mạnh mẽ của mạng internet có khả năng tạo ra sức mạnh truyền thông rất lớn. Qua truyền hình, một người từ "con số 0" có thể trở thành "người hùng" sau vài phút ngắn ngủi lên sóng. Chính điều này đã góp phần tạo ra những giá trị ảo trong xã hội. Chưa bao giờ, đặt chân vào showbiz và trở thành người nổi tiếng lại dễ dàng như thế.

Những "ngôi sao bong bóng", vụt sáng sau một đêm thi, sau đó được các bầu sô săn đón, chi trả cát sê biểu diễn "khủng" không phải là hiếm trong showbiz Việt. Có những "ngôi sao" được biết đến không phải nhờ tài năng, thậm chí không có tài năng nhưng đảm bảo tiêu chí "độc" và "lạ". Nhiều bạn trẻ ảo tưởng về khả năng, sẵn sàng dùng mọi chiêu trò để gây chú ý. Trong khi đó, các gameshow lại đang thiếu chiêu trò để che lấp sự tụt dốc của chương trình qua các mùa lên sóng liên tiếp.

Gameshow âm nhạc trên truyền hình đang tồn tại cả mặt tích cực và tiêu cực. Đây có lẽ là điều bình thường trong quy luật phát triển của một sự vật hiện tượng. Theo quy luật phát triển, những thứ không phù hợp sớm hay muộn cũng sẽ bị loại bỏ.

Tuy nhiên, về mặt quản lý nhà nước, các cơ quan chức năng cần vào cuộc, có sự chấn chỉnh, thanh lọc những chương trình giải trí nhảm nhí. Với khán giả, hãy là những người xem truyền hình văn minh, nói "không" với gameshow phản cảm. Các game show truyền hình "sống" nhờ lượng rating của khán giả và nếu khán giả chuyển kênh thì chương trình đó buộc phải "nhường sóng" cho những chương trình chất lượng khác.

Phạm Thiên Giang
.
.