Fan cuồng họ từ đâu đến?

Thứ Hai, 13/08/2012, 09:00
Đã tưởng nhạt rồi, sau vài bài báo nghiêm khắc, dư luận im ắng dần, những người từng ôm ghế Bi Rain ngồi mà hôn lấy hôn để chắc đã tĩnh trí lại. Những người gay gắt phê phán chắc cũng đã bớt giận, để mà có cái nhìn thể tình hơn. Nghĩa là thôi, thế là đủ, không nói nữa. Nhưng không! Khi đề thi môn văn tuyển đại học khối D có câu II: "Ngưỡng mộ thần tượng là nét đẹp văn hóa nhưng mê muội thần tượng là thảm họa" yêu cầu thí sinh bày tỏ quan điểm của mình về quan niệm đó thì các trang mạng sôi lên sùng sục về những comment (ý kiến phản hồi).

Nếu nói theo cách nói bây giờ, những ý kiến phản đối trên mạng là "ném đá" thì đá bay rào rào từ cả hai phía. Ở phía phản đối, người ta thành lập cả một Hội những người tẩy chay đề thi, một số thí sinh không làm bài để phản đối đề thi dù phải trượt đại học, một người có nickname là Lê Minh Hồ, thí sinh khối D, 18 tuổi (tất cả những thông tin này có thể không thật vì đây chỉ là bản tự khai trên mạng) đã viết thư gửi Bộ Giáo dục & Đào tạo, yêu cầu bộ này xin lỗi vì đã ra đề thi như vậy. Tác giả bức thư này còn tuyên ngôn hùng hồn: "Tôi đã hiểu mình sinh ra là người của Suju (tên viết tắt của ban nhạc Hàn Quốc Super Junio), chết là người của Suju rồi"; "Dù khiêm tốn đến đâu, tôi cũng khám phá ra rằng Suju chính là ánh dương soi đường chỉ lối cho chúng tôi vững bước. Suju là Đấng toàn năng mang lại nụ cười hạnh phúc đến với nhân loại" và vì vậy, Bộ Giáo dục & Đào tạo phải chính thức xin lỗi vì đã chửi xéo Suju, Bigbang, TVXQ, Tara… (những ban nhạc Hàn Quốc) nếu không thì "máu và nước mắt sẽ nhuộm khắp Việt Nam". Và cũng tưởng vài ba ngày, kỳ thi xong thì chuyện cũng nguội dần, nhưng không. Thế là không ổn rồi. Giải quyết vấn đề "fan cuồng" (những người hâm mộ cuồng nhiệt đến cực đoan) này phải tận gốc, không thể trên bề mặt như thấy sông chảy êm tưởng nước lặng. Và cũng đừng coi thường lời đe dọa tắm máu. Đã có biết bao văn nghệ sĩ và người nổi tiếng phải chết vì súng, vì dao găm, vì thuốc nổ… của các "fan" mà John Lennon của ban nhạc Beatles là một nạn nhân điển hình. Vậy hãy điềm tĩnh ngồi lại, lần giở từ đầu…

Trừ khi sống không mục đích, được đâu hay đó, còn nói chung, đã là người thì đều có thần tượng. Tùy mục đích sống, niềm say mê mà mỗi người có một thần tượng riêng. Người mê bóng đá chọn một cầu thủ bóng đá, một đội bóng đá. Người mê nhạc chọn một ca sĩ, một ban nhạc nào đó. Người tôn sùng Mạnh Tử, người thờ phụng Tuân Tử. Những người theo chủ nghĩa dân tộc, chủ nghĩa chủng tộc cực đoan từng coi A.Hitler là thần tượng. Khi nhiều người cùng chung một thần tượng, họ có thể hình thành một trường phái, một tôn giáo. Khổng Tử, Lão Tử, Thích ca Mâu ni, Jesus Christ, Abraham… là những thần tượng lớn, có hàng tỷ người ngưỡng mộ, suốt đời coi là tấm gương sáng để cố gắng noi theo.

Các fan Việt chen lấn xô đẩy để được thấy "thần tượng".

Tôn sùng thần tượng cũng có ba bảy đường nhưng nói chung, có đức tin, sau đó là có một hình mẫu của đức tin đó qua một con người cụ thể - tức thần tượng, là rất cần thiết cho mỗi con người. Loài vật không có tri thức, không có văn hóa, nó không có thần tượng. Cho nên mất niềm tin, khủng hoảng thần tượng là một thảm họa. Văn hóa, đạo đức xuống cấp, tha hóa có nguyên nhân này.

Thần tượng quan trọng như thế nên cuộc sống cần có thần tượng, không để có những thế hệ trống vắng thần tượng, chối bỏ mọi thần tượng vì khi không còn thần tượng nữa, con người sẽ mất cả quá khứ và tương lai, mất phương hướng sống và trở thành những động vật nguy hiểm. Nhưng từ đây lại nảy sinh một vấn đề mang tính cốt tử, đó là không có thần tượng là nguy hiểm, nhưng chọn thần tượng sai cũng nguy hiểm không kém. Chọn thần tượng đúng là có đích đúng để cuộc đời đi đúng hướng. Chọn thần tượng sai có khi lái cả cuộc đời đi theo hướng sai lầm. Nhưng làm sao để con người lựa chọn thần tượng đúng? Chỉ có một cách gần như duy nhất là giáo dục. Giáo dục từ nhỏ, qua gia đình, nhà trường và xã hội. Giáo dục bằng nhiều phương pháp. Không thể có việc lựa chọn luôn luôn đúng dù không qua giáo dục, rèn luyện kiên trì, thường xuyên, lâu dài.

Hiện tượng có một bộ phận thanh niên mê âm nhạc vừa qua đã bộc lộ cách tôn sùng thần tượng đến mức mê mụ, thái quá, thậm chí có những hành vi đến mất lòng tự trọng, mất tư cách. Đọc những dòng trong thư của Nickname có tên Lê Minh Hồ gửi Bộ Giáo dục & Đào tạo: "Suju chính là ánh dương soi đường chỉ lối cho chúng tôi vững bước. Suju là đấng toàn năng mang lại nụ cười hạnh phúc đến với nhân loại" tôi không khỏi giật mình lo lắng. Suy nghĩ của lớp trẻ bây giờ đã đến mức này ư? Suju dù sao cũng chỉ là một ban nhạc pop, một ban nhạc có tính thương mại của một số chàng trai Hàn Quốc. Dẫu thành công đến đâu, nó cũng mới chỉ là một trong vô số ban nhạc đang thành công hiện nay, thậm chí còn chưa vượt được biên giới châu lục. Câu nói này nếu không là cố tình chọc tức thì đã bộc lộ sự ngây thơ, bốc đồng của một người ít hiểu biết, bề dày văn hóa rất mỏng mà thôi.

Nói những "fan cuồng" này là kém hiểu biết và bề dày văn hóa rất mỏng không hề oan vì với những người có hiểu biết và có bề dày văn hóa thâm hậu, dù ở lĩnh vực nào đi nữa thì thần tượng cũng phải là những người có tài năng kiệt xuất, có đạo đức mẫu mực, có lẽ sống cao cả… làm gương được cho nhiều người. Đằng này, thần tượng của họ là những ngôi sao nhạc nhẹ, ở tất cả các mặt chưa được đến mức ấy. Nói họ kém hiểu biết và thiếu văn hóa còn từ cách họ biểu hiện sự sùng mộ. Thì cứ cho thần tượng của họ là những ngôi sao nhạc nhẹ đang lên ở một vài nước trong khu vực đi, chọn ai là thần tượng là quyền của mỗi người, có thể thể tất, nhưng hò hét, khóc lóc, hôn ghế, chen lấn mất trật tự, ngất xỉu và nhiều cử chỉ cực đoan khác thì khó có thể chấp nhận được. Không thể cực đoan đến mức vì thần tượng mà xúc phạm, thậm chí dọa giết cả cha mẹ mình; bỏ cả học hành, thi cử; lên mạng chửi bới những người khác hoặc nguy hiểm hơn, đua đòi thác loạn.

Vậy họ từ đâu đến? Không đâu xa lạ, các fan cuồng từng có những hành động, câu nói cực đoan khiến chúng ta sửng sốt đó là những người thân của chúng ta, hàng ngày sống bên cạnh chúng ta. Họ là người Việt Nam, chịu sự giáo dục Việt Nam và trong một tương lai rất gần, họ là chủ nhân của đất nước, đại diện cho văn hóa đất nước. Có những hành vi và câu nói cực đoan như vừa kể, trước hết các fan cuồng phải chịu trách nhiệm. Nhưng chẳng lẽ trách nhiệm chỉ thuộc về họ? Theo tôi, không phải vậy. Đẩy họ đến sự thái quá, có phần trách nhiệm của người lớn, người lớn từ trong gia đình đến ngoài xã hội. Nếu không làm rõ trách nhiệm này, không kiên quyết thay đổi nó thì không thể điều chỉnh được hiện tượng fan cuồng như đang xảy ra.

Cách đây hơn 20 năm, không mấy ai biết nhiều đến phim, nhạc, văn hóa phẩm Hàn Quốc, Mỹ, Trung Quốc và nhiều nước khác. Những nước này không bao giờ xuất khẩu văn hóa theo kiểu cho không. Họ luôn gắn văn hóa với văn hóa, văn hóa với kinh tế. Cùng với phim và nhạc, vô số quảng cáo, vô số thứ hàng hóa, các mốt thời trang, cách ăn, cách ở tràn vào theo. Kết quả là ngoài những lợi ích kinh tế tính bằng tiền, họ đã tạo được một lớp trẻ người Việt coi đất nước, con người, nhất là nghệ thuật của họ là những đỉnh cao, những mẫu mực cần noi theo. Lớp người này coi khinh truyền thống Việt, khinh văn học, nghệ thuật Việt và hướng thị hiếu cũng như sự phấn đấu của mình ra nước ngoài. Khi nghệ thuật, nhất là những nghệ thuật đương đại của nước ngoài trở thành đích vươn tới thì việc tôn sùng những ban nhạc, những ngôi sao nước ngoài như chúng ta từng kể ở đầu bài này sẽ là tất nhiên, không thế mới đáng ngạc nhiên.

Một nguyên nhân rất quan trọng khác, chúng ta thiếu sự noi gương, chúng ta đang làm hư hỏng trẻ chính từ lối sống thiếu lý tưởng, băng hoại về đạo đức và văn hóa của chính mình. Hệ thống giáo dục từ gia đình, nhà trường đến xã hội đang xuống cấp và chệch hướng nghiêm trọng. Hiện tượng fan cuồng hiện nay là một lời cảnh báo rất đáng lo ngại, nó lờ mờ hiện lên những tai ương mà chúng ta phải gánh chịu nếu không sớm soi lại mình, điều chỉnh mình.

Cuối cùng, cần thẳng thắn và công bằng để nói rằng hệ thống báo chí, truyền thông đã góp phần làm hư hỏng thế hệ trẻ vì phim ảnh, thông tin rất tùy tiện, góp phần đầu độc dù vô tình hay hữu ý công chúng của mình. Nền văn học nghệ thuật đã không làm được cái điều lẽ ra phải làm được là dựng lên được các thần tượng xứng đáng cho chính các fan hâm mộ. Và bây giờ thì la toáng lên, như những kẻ vô can

V.D.T.
.
.