Phim sitcom "made in Việt Nam" hướng tới khán giả trẻ:

Đường còn dài và đích còn xa

Thứ Tư, 22/10/2014, 08:00
Gần đây, bộ phim sitcom "made in Việt Nam" 5S Online phát sóng trên VTV6 được nhận giải thưởng "Chương trình được cộng đồng mạng yêu thích nhất" trong đêm trao giải Ấn tượng VTV cho thấy, phim sitcom dành cho giới trẻ đang là "mảnh đất" rất tiềm năng. Sự xuất hiện những bộ phim sitcom phản ánh đời sống, tâm tư, tình cảm của người trẻ đã mang đến "món ăn tình thần" mới cho chính họ. Tuy nhiên, cũng còn nhiều điều đáng bàn từ xu hướng này.

1. Tính đến thời điểm được vinh danh tại lễ trao giải Ấn tượng VTV lần đầu tiên, bộ phim 5S Online (đạo diễn Nguyễn Hữu Trọng) đã trải qua đúng 1 năm phát sóng. Hơn 250 tập trên tổng số 365 tập của bộ phim đều đặn lên sóng và nhận được sự đón nhận, cổ vũ của đông đảo khán giả trẻ. Sau mỗi tập phát sóng, trên trang facebook của chương trình luôn đầy ắp những lời bình luận, chia sẻ, động viên của khán giả.

5S Online là một trong ba chương trình có rating cao nhất của VTV6. Kênh Youtube của 5S Online thu hút 112 triệu lượt xem, với số phút tương đương 1.700 năm. Bộ phim xoay quanh cuộc sống của nhóm 5S - được đặt tên theo 5 từ bắt đầu bằng chữ S: Sáng tạo, Sành điệu, Say mê, Sốc và Sinh lợi. Xem phim, khán giả có thể tìm thấy những định nghĩa mới mẻ và quen thuộc của khán giả trẻ thế hệ 9x cùng những tình huống chân thật, thú vị, xoay quanh cuộc sống của họ. Sự hấp dẫn của 5S Online còn nằm ở dàn diễn viên trẻ tài năng, gồm những "hotboy", "hotgirl" được cộng đồng mạng yêu thích như Chi Pu (vai Na Na - Công chúa), Mạnh Quân (vai Quyết - Đại ca) , Vân Navy (vai Kiều Linh - Phù Thủy), Anh Vũ (vai Trung - Dũng sĩ), Bê Trần (vai Phan - Lãng Tử)…

Có thể nói, Đài Truyền hình Việt Nam (VTV) là đơn vị tiên phong trong việc sản xuất, phát sóng phim sitcom dành cho khán giả trẻ. Các kênh sóng của VTV luôn cố gắng duy trì đều đặn phim sitcom trẻ cho dù không phải bộ phim nào cũng thực sự hấp dẫn và cuốn hút. Đây là nỗ lực rất đáng ghi nhận của VTV. "Nhật ký Vàng Anh" được coi là bộ phim đầu tiên thuộc thể loại sitcom của Việt Nam đã gây "sốt" trong cộng đồng tuổi teen. Câu chuyện về tình bạn, tình yêu ngây thơ, trong sáng, có tính giáo dục cao đã mang đến món ăn tinh thần mới trong bối cảnh phim cho giới trẻ đang bước vào thời kỳ khủng hoảng. Ưu điểm nổi bật của "Nhật ký Vàng Anh" cũng như dòng phim sitcom là cách kể chuyện ngắn gọn, mạch lạc, "tính vấn đề" rõ ràng.

Do vừa sản xuất, vừa phát sóng nên những tập phim của "Nhật ký Vàng Anh" khá cập nhật, phản ánh kịp thời tâm tư, suy nghĩ, trào lưu của giới trẻ. Sau "Nhật ký Vàng Anh", dòng phim sitcom khai thác câu chuyện về giới trẻ học đường tiếp tục có "Bộ tứ 10A8" (đạo diễn Hoàng Điệp), "Những phóng viên vui nhộn" (đạo diễn Đào Thanh Hưng), "Cửa sổ thủy tinh" (đạo diễn Tuấn Quang). Nếu "Nhật ký Vàng Anh" hướng đến câu chuyện mang tính giáo dục cao thì "Bộ tứ 10A8", "Cửa sổ thủy tinh" lại thiên về sự hài hước và giải trí. Thành công của "Những phóng viên vui nhộn" là tạo ra nhiều tình huống oái oăm nhưng hài hước, hấp dẫn của nhóm cộng tác viên tòa soạn báo Xì tin.

Quy tụ nhiều hotboy, hotgirl với tình huống hấp dẫn, "5S Online" là một trong những bộ phim sitcom hiếm hoi tạo được dấu ấn với khán giả trẻ.

2. Có thể thấy rằng, phim sitcom "made in Việt Nam" hướng đến khán giả trẻ đang có xu hướng khai thác những yếu tố giới tính, nhạy cảm để tạo nên tiếng cười hài hước trong phim. Những lùm xùm xung quanh bộ phim "Căn hộ số 69" (nhà sản xuất Nam Cito) thời gian gần đây là một ví dụ.

Theo quảng cáo thì "Căn hộ số 69" đề cập thẳng thắn, trực diện đến những vấn đề về tình yêu, tình dục, những cung bậc tình cảm, tâm lý, sinh lý của những thanh niên thành thị ở độ tuổi trưởng thành. Câu chuyện xoay quanh ba bạn trẻ, một nam, hai nữ cùng chung sống trong một căn hộ. Vì lý do kinh tế, các bạn trẻ phải chia sẻ, thuê chung một căn phòng và hệ lụy cũng bắt đầu nảy sinh từ tình huống trớ trêu đó. Cô ca sĩ gợi cảm, quyến rũ Sỹ Thanh, diễn viên xinh đẹp Ngọc Thảo sánh vai với ca sĩ điển trai Hoàng Kỳ Nam. Kỳ Nam, một nhân viên bảo hiểm đăng tin tìm người ở chung và người tìm đến căn hộ của anh là Ngọc Thảo, cô gái xinh đẹp với tính tình quái gở, bị chủ nhà trọ "tống cổ" 12 lần trong vòng một tháng. Vừa tới căn hộ của Kỳ Nam, Ngọc Thảo đã ưng ý ngay nhưng do không hợp tính, Ngọc Thảo đã bị Kỳ Nam "tống cổ" lần thứ 13. Không chịu thua, Ngọc Thảo đã nhờ cô bạn Sỹ Thanh đến để lừa Kỳ Nam ký vào bản hợp đồng để Ngọc Thảo được đến ở căn hộ số 69.

Với thời lượng chưa đầy 30 phút nhưng nhiều cảnh quay trong "Căn hộ số 69" bị đánh giá là hơi quá, dung tục và phản cảm. Bộ phim khiến người ta liên tưởng đến những bộ phim giáo dục giới tính kiểu như "Sex is zero - Tình dục là chuyện nhỏ" của Hàn Quốc. Mở đầu bộ phim là hình ảnh cô gái trẻ đi tìm nhà trọ giữa tiết trời oi bức của mùa hè. "Ấn tượng" nhất trong cảnh quay này là cô gái kéo chiếc váy vốn đã được xẻ rất cao lên để "hóng gió". Cô đến căn hộ số 69 và nằm dài trên ghế sofa, cởi chiếc "áo vú" (theo cách nói của nhân vật nữ) màu hồng một cách điệu nghệ và tung lên cao, rơi trúng đầu nhân vật nam đang đứng cách đó không xa. Cảnh quay nhân vật nam chính "tự sướng" trên ghế hay ngay tại điểm chờ xe bus cũng gây nhiều tranh cãi. Nhiều người cho rằng, những hành động của nhân vật nam chính không phù hợp với logic tâm sinh lý lứa tuổi, thậm chí là "bệnh hoạn". Nhân vật nữ thứ hai xuất hiện cũng với điệu bộ và hành động rất kỳ quái. Cô có sở thích là ăn chuối và hình ảnh này được lặp đi, lặp lại nhiều lần có chủ đích.

Bộ phim "My best gay friend" là một ví dụ khác. Nếu "Căn hộ số 69" đề cập đến mối tình tay ba với nhiều cảnh nóng thì "My best gay friend" kể về cuộc sống của ba bạn trẻ sống đồng tính sống chung tại một căn hộ ở TP Hồ Chí Minh. "My best gay friend" được coi là hài kịch tình huống đầu tiên ở Việt Nam. Ba nhân vật có thân phận và tính cách khác nhau là Khoa, một sinh viên bị gia đình bắt học cách sống tự lập tìm đến thuê chung nhà với Hân - chàng trai làm nghề bán bún ngoài chợ và Nhật, chàng trai có quá khứ bí ẩn. Cũng giống như "Căn hộ số 69", "My best gay friend" nhận được nhiều ý kiến trái chiều. Có ý kiến thẳng thắn đánh giá, "My best gay friend" cổ xúy cho lối sống không lành mạnh.

3. Phải thừa nhận rằng, phim sitcom Việt dành cho giới trẻ đã mang đến món ăn tinh thần mới lạ cho giới trẻ. Những người trẻ có thể tìm thấy chính mình trong câu chuyện được kể qua các tình huống. Bên cạnh đó, công nghệ số, mạng xã hội là những công cụ tương tác hữu hiệu để phim sitcom rút ngắn khoảng cách với khán giả, đồng thời, chính nhà sản xuất cũng thông qua đó để nắm bắt suy nghĩ, tâm tư, trào lưu trong giới trẻ. Tuy nhiên, cũng cần thấy rằng, "điểm yếu" của phim sitcom dành cho giới trẻ là đề tài.

Nhiều người nhận định rằng, phim sitcom đang rơi vào tình trạng "đường trường hụt hơi" khi thiếu vắng đề tài mới. Cuộc sống của của các bạn trẻ trong phim chủ yếu là những người sinh ra trong gia đình có điều kiện, sống ở thành thị và có lẽ, khán giả trẻ ở các miền quê nghèo khi xem phim sẽ cảm thấy lạc lõng và khó hiểu? Chưa kể, một số tình huống trong phim bị đánh giá là giả, là cường điệu quá mức, có tình tiết trong phim vô lý, thiếu logic, gây cười gượng ép. "Những phóng viên vui nhộn", "Cửa sổ thủy tinh", "Tiệm bánh hoàng tử bé" đều trùng lặp về đề tài, tình huống và bối cảnh phim. "Bộ tứ 10A8" do "trùng màu" và trước cái bóng quá lớn của "Nhật ký Vàng Anh" nên cũng nhanh chóng bị "khai tử". Một điểm yếu nữa của dòng phim này là diễn viên dù rất "hot" nhưng do không chuyên nên diễn xuất còn gượng gạo, khô cứng, lại xuất hiện ở quá nhiều phim khiến dòng phim sitcom Việt dành cho giới trẻ thiếu sự đa dạng.

Theo đánh giá chung của nhiều khán giả thì phim sitcom Việt dành cho khán giả trẻ dù đã "khởi động" khá lâu, chặng đường đã qua không ngắn nhưng con đường phía trước còn dài và đích còn xa. Phim sitcom vẫn đang ở mức độ "tìm tòi, thử nghiệm, học hỏi" là chính

P.T.G.
.
.