Nhà báo và blog:

Đừng quá say sưa với những tiếng vỗ tay trên mạng

Thứ Sáu, 25/07/2008, 10:00
Pháp luật không cấm nhà báo viết blog. Nhưng nhà báo phải hiểu rằng anh đang có được một thế mạnh mà vị trí nhà báo cho anh, là có được những thông tin nhanh hơn, nhiều hơn những công dân khác. Anh viết sao thì viết, nhưng phải biết có "điểm dừng".

- Với tính cá nhân cho phép của một blog, dường như nhà báo có thể bộc lộ được nhiều hơn quan điểm của mình, so với trên mặt báo, thưa anh?

+ Cá nhân tôi, lập blog bắt đầu từ nhu cầu tiếp nhận những thông tin phản hồi về những bài viết của mình ra sao. Tôi cũng muốn đó là một nơi để mình bộc lộ những quan điểm riêng của mình. Tôi rất bất ngờ về tính siêu liên kết, hay nói khác đi, là sự phản hồi tức thì, do những lợi thế của internet mang lại, trên blog nhanh hơn trên mặt báo. Thực sự là viết blog là để phục vụ cá nhân mình, bộc lộ quan điểm cá nhân mình là chủ yếu. Còn khi đã xuất hiện trên mặt báo, anh đại diện cho quan điểm của tờ báo.

- Có thể thấy rằng, blog của nhà báo thường thu hút sự quan tâm nhiều hơn của người đọc. Theo anh vì sao?

+ Nhà báo, do đặc điểm nghề nghiệp, họ được tiếp nhận thông tin nhanh hơn, kỹ năng phân tích, thẩm thấu thông tin tốt hơn, có thể nhờ thế mà blog của họ hấp dẫn hơn

- Anh có mất nhiều thời gian hàng ngày để "chăm chút" blog của mình không?

+ Bài học của tôi là đừng để mình quá lệ thuộc vào blog. Có những nhà báo cứ 5 phút thay blast một lần. Họ bị nghiện blog. Còn tôi thì không. Tôi không mất quá nhiều thời gian vào việc đó

- Ngẫm lại, anh được gì trên phương diện làm nghề, từ blog?

+ Blog là nơi giúp tôi có thể định lượng được thái độ xã hội đối với các vấn đề mà mình đang quan tâm. Những phản hồi ngay lập tức của độc giả khiến cho tôi nhìn nhận vấn đề nhanh hơn, đa chiều hơn. Có nhiều vấn đề trao đổi trên đó trở thành đề tài báo chí của tôi.

- Trên blog, nhà báo và một công dân bình thường có điểm gì khác nhau cần lưu ý, thưa anh?

+ Pháp luật không cấm nhà báo viết blog. Nhưng nhà báo phải hiểu rằng anh đang có được một thế mạnh mà vị trí nhà báo cho anh, là có được những thông tin nhanh hơn, nhiều hơn những công dân khác. Anh viết sao thì viết, nhưng phải biết có "điểm dừng". Điều này chứng minh bản lĩnh của mỗi nhà báo. Có những phát ngôn không phải cơ quan nào cũng chấp nhận. Anh không được phép làm tổn thương vai trò nhà báo của mình, cho dù anh có ngụy biện anh là một công dân bình thường đi nữa.

- Có hay không căn bệnh ảo tưởng của nhà báo trên blog?

+ Tôi nghĩ là có. Nhiều nhà báo có vẻ như bị ảnh hưởng hiệu ứng đám đông của blog quá mạnh. Tất nhiên ai cũng có nhu cầu khẳng định mình, nhưng một số người lại quá say sưa với những comment, những tiếng vỗ tay trên mạng, và không biết kiềm chế bản thân mình.

- Làm thế nào để xây dựng một "văn hóa blog", thưa anh?

+ Tôi nghĩ cộng đồng blog đang phân chia thành những nhóm nhỏ thiết lập được văn hóa riêng của từng nhóm họ tham gia. Những comment không phù hợp, nội dung xấu, sẽ dần trở nên lạc lõng. Quy luật tự đào thải cũng rất đúng ở đây

.
.