Quyền và nghĩa vụ văn hóa khi tham gia truyền thông:

Đừng lấy nội dung thông tin đo giá trị thông tin

Thứ Sáu, 11/01/2019, 08:28
Sóng  gió nổi lên khi vài bức ảnh chụp hai cô gái ở Trường Đại học Sư phạm TP Hồ Chí Minh mặc áo dài và quần short được đăng trên trang Confession của trường này. Các bức ảnh được cho là chụp tại cơ sở chính của trường để đăng kỷ yếu. 

Sau sự phá cách, nhiều người đã lên án hai cô gái trẻ, cho rằng việc kết hợp trang phục như thế gây phản cảm, cách tạo dáng lộ liễu gây khó chịu, không phù hợp với văn hóa sinh viên và môi trường sư phạm. Chỉ trích rầm rộ nổi lên không chỉ trên mạng xã hội. Nhiều tờ báo cũng tham gia, đặt vấn đề khá nghiêm trọng về ý thức, từ khả năng thẩm mỹ, trách nhiệm xã hội cho đến cả kỷ luật học đường, nhất là trong môi trường đại học.

Trước áp lực của dư luận, Trường Đại học Sư phạm TP Hồ Chí Minh thậm chí đã có động thái xác minh sự việc để  xác định nguyên nhân vì sao, chụp kỷ yếu hay riêng lẻ. Một cán bộ Đoàn Trường cho biết, Ban Giám hiệu sẽ đưa ra kết luận vụ việc. Trường Đại học Sư phạm TP Hồ Chí Minh vốn có 10 quy chế ứng xử văn hóa đối với sinh viên. Nếu thực sự các nhân vật trong ảnh là sinh viên của trường, họ sẽ bị xử lý bằng hình thức kỷ luật thỏa đáng, phù hợp nào đó.

Ngay lập tức, cũng có nhiều ý kiến ngược chiều, bày tỏ sự bênh vực hai cô gái. Xấu hay đẹp, thích hay không, đó là quyền cá nhân, họ không có lỗi, không thể phải nhận hình thức nào cả.

Bức ảnh gây tranh cãi của Trường Đại học Sư phạm TP Hồ Chí Minh.

Vụ việc "nhỏ xíu" nhưng những tranh cãi gay gắt quanh nó đang đặt ra cả một vấn đề rộng lớn. Đó là không phải là chuyện xấu hay đẹp của những bức ảnh, không phải là đúng hay sai của người chụp và đăng, không phải chuyện đáng kỷ luật hay kiểm điểm. Đó là ý thức về quyền và nghĩa vụ văn hóa khi tham gia truyền thông.

Trước hết, phải nói ngay rằng, những bức ảnh kỷ niệm trên không đẹp về mọi mặt, từ phối trang phục, tạo dáng của mẫu cho đến màu sắc ánh sáng… Nói chung, nó không đạt bất kỳ một yêu cầu nào trong tiêu chuẩn ảnh nghệ thuật.

Nhưng, không thể lấy tiêu chuẩn nghệ thuật nào để đánh giá và quyết định kỷ luật một người/một nhóm cá nhân như dư luận đang sôi. Dù xấu hay đẹp, nếu những bức ảnh đó là kỷ niệm lưu ký của hai cô gái, họ rõ ràng đã không vi phạm bất kỳ một nội quy kỷ luật nào.

Việc chụp ảnh với cảnh trường cũng không làm xấu đi, không phá hoại hình ảnh đẹp đẽ (và nghiêm túc) của môi trường sư phạm nếu những bức ảnh đó chỉ được cất giữ cá nhân hoặc chỉ chia sẻ trên trang riêng của họ. Đưa cái nhìn đạo đức - kỷ luật vào trường hợp này là không hợp lý.

Nếu bức ảnh bị coi là không đẹp đó được đưa vào trang kỷ yếu của trường, lỗi cũng chỉ thuộc về người biên tập trang, chọn ảnh không phù hợp. Đơn giản chỉ cần bỏ chúng ra, không cần bàn đến kỷ luật nào cả. Lỗi lớn nhất, tôi cho rằng thuộc về giới truyền thông đã đưa chúng lên báo chí, mạng xã hội, khuấy thành to tát một câu chuyện vô bổ.

Cuộc tranh luận gay gắt sau đó chỉ làm tốn thời giờ, công sức của xã hội một cách vô ích, che mờ khuynh hướng lá cải, rẻ tiền, thu hút bằng sự nghèo nàn và dễ dãi. Lâu dần, nó bào mòn nhận thức thẩm mỹ, tư duy phản biện của xã hội. Và chính cách làm truyền thông như thế đang bào mòn văn hóa chứ không phải những bức ảnh vốn dĩ vô can, không nhằm mục đích làm "quà vặt" của truyền thông lề phố.

Cần giáo dục ý thức thẩm mỹ cho sinh viên -TS Hà Thanh Vân, Viện Khoa học Xã hội vùng Nam Bộ

Vụ hai sinh viên Trường Đại học Sư phạm TP Hồ Chí Minh chụp ảnh áo dài trắng tạo dáng "không phù hợp" ngay ở bậc thềm cổng trường đã chia dư luận thành hai luồng ý kiến. Một phía cho rằng đây chỉ là một chuyện tinh nghịch của thời sinh viên, là chuyện nhỏ không nên nhắc đến. Phía khác thì cho rằng đây là hành động phản cảm cần phải nghiêm trị. Về phần hai nữ sinh viên, họ được nhà trường yêu cầu viết bản tường trình.

Rõ ràng đây là một câu chuyện đánh động dư luận xã hội, khơi nguồn cho nhiều ý kiến trái chiều và có thể thấy được rất nhiều điều qua sự việc này.

Nhiều tờ báo đã vào cuộc và cho biết là các nữ sinh viên không phải là người phát tán ảnh, mà là chính người thợ chụp hình được thuê từ ngoài vào đã gửi cho một người bạn xem và người này đã phát tán. Như vậy người thợ ảnh này đã không làm đúng đạo đức nghề nghiệp khi phát tán hình ảnh riêng tư của những khách hàng của mình. Người thợ ảnh này cần phải bị lên án. Và chính các tờ báo khi đăng tin, đăng hình ảnh (may mà có che mặt các nhân vật), cũng góp phần làm hình ảnh này lan rộng.

Ở đây có một vấn đề cần đặt ra là đạo đức nghề nghiệp của các nhà báo. Liệu có cần thiết xoáy sâu quá mức vào những sự việc tương tự như sự việc này không? Khi đọc những tờ báo như vậy, người đọc chân chính có thể cảm nhận được đây chỉ là hành vi viết bài để câu khách. Vì hai em nữ sinh viên không chủ động phát tán ảnh.

Ở một góc độ nào đó các em cũng là nạn nhân. Có thể khi đấy các em chỉ nghĩ đơn giản rằng đây là những hình ảnh chụp cho vui, để kỷ niệm thời sinh viên sôi động và đẹp đẽ. Các em không phải là những người khoe hình ảnh lên mạng. Các nhà báo có bao giờ nghĩ rằng chính những bài báo của mình đã làm ảnh hưởng đến cuộc sống của hai em sinh viên không?

Các bạn đọc thử đặt ở địa vị của các em, là những con người bình thường, một sáng ngủ dậy thấy hình ảnh mình tràn ngập trên báo chí kèm những lời bình luận khiếm nhã, thì các bạn sẽ nghĩ sao?

Thông cảm với việc các em nữ sinh viên là nạn nhân, song chúng ta cũng phải khách quan để đánh giá vấn đề. Các em sinh viên cũng là những người có lỗi. Ở tuổi của các em, các em đều là những người trưởng thành, tự nhận thức được hành vi của mình.

Lỗi của các em là đã vi phạm kỷ luật nhà trường. Được biết Thạc sĩ Huỳnh Công Ba - Trưởng phòng Công tác chính trị và Học sinh sinh viên Đại học Sư phạm TP Hồ Chí Minh đã xác nhận hai cô gái xuất hiện trong loạt hình là nữ sinh viên học năm cuối của trường, học ngành mầm non. Giữa lúc dư luận đang sục sôi vụ các cô giáo mầm non thác loạn, sử dụng ma túy, ăn mặc hở hang ở Hương Khê (Hà Tĩnh), mà hai em sinh viên này học ngành mầm non, thế thì góp phần làm xã hội tăng thêm nghi ngờ về phẩm chất giáo viên mầm non.

Có thể nói rằng trong thời gian qua, nhiều sự việc tiêu cực, bê bối của ngành Giáo dục bị phát hiện, hai em sinh viên này lại là sinh viên Sư phạm, tất yếu người ta sẽ có sự liên tưởng những sự việc này với nhau và sẽ có tâm lý chán ngán, lên án nền giáo dục Việt Nam.

Ông Huỳnh Công Ba cho biết: "Trường có 10 quy tắc ứng xử văn hóa tại trường, trong đó có quy định về trang phục. Theo đó, sinh viên đến trường không được mặc quần đùi chứ chưa nói đến việc mặc quần đùi với áo dài". Vậy những sinh viên này đã vi phạm kỷ luật nhà trường. Họ sẽ bị phạt theo kỷ luật nhà trường và có lẽ đây là điều cần thiết để làm một bài học suốt đời cho hai em sinh viên. Các bạn sinh viên này ăn mặc không theo đúng quy tắc ứng xử văn hóa của nhà trường thì nhà trường cứ việc phạt. Sự việc có lẽ chỉ nên dừng ở mức độ này và khép lại, không nên đi xa hơn. Vậy, tung vấn đề và vụ kỷ luật lên truyền thông thì có ích gì?

Theo tôi đáng nói hơn là ý tưởng chụp ảnh của sinh viên không đẹp mắt chút nào. Đồng ý là con người có quyền sáng tạo, phá cách trong ăn mặc, song sự sáng tạo phá cách ấy phải đặt trên một cơ sở ý thức thẩm mỹ cao. Hai em sinh viên ấy lại không phải là người có hình thể đẹp và chuẩn, nên ý tưởng mặc cách tân, ý thích riêng về phong cách ăn mặc đã làm lộ ra hết các khuyết điểm hình thể.

Nguyễn Đức
.
.