Dự thảo chương trình giáo dục phổ thông mới

Đừng làm giáo dục như làm dự án

Thứ Hai, 08/05/2017, 08:00
Dự thảo chương trình Giáo dục phổ thông mới do Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết làm tổng chủ biên vừa đưa ra lấy ý kiến. Tinh thần của dự thảo nhằm hướng tới việc đổi mới giáo dục, góp phần đưa giáo dục Việt Nam tiệm cận với thế giới.


Chúng ta đang bốc thuốc sai

Tôi nhớ, trong một cuốn sách về giáo dục, Giáo sư Hoàng Tụy, người tâm huyết, trăn trở với giáo dục Việt Nam từng viết rằng, giáo dục của chúng ta không phải lạc hậu mà đang đi sai hướng. Vậy liệu dự thảo đổi mới giáo dục phổ thông lần này có khắc phục được những sai lầm quan trọng đó.

Thực tế, những ngày qua, rất nhiều ý kiến phản hồi của các giáo sư, tiến sĩ, những nhà khoa học cho dự thảo lần này. Và phần nhiều trong số họ có những ý kiến trái chiều về dự thảo vì nó chưa giải quyết được những vấn đề cốt lõi của giáo dục Việt Nam, như thiếu một triết lý giáo dục tổng thể mang tính nhân văn như tinh thần nhân bản, khai phóng và tự cường.

Với đề án này, rõ ràng học sinh Việt Nam vẫn chưa được giảm tải, một vấn đề rất nặng của giáo dục Việt Nam, khiến học sinh không có thời gian tự học, tự trau dồi kiến thức và tìm kiếm đam mê của mình.

Thực tế, chúng ta đang đào tạo con người công cụ chứ không phải con người sáng tạo. Anh Nguyễn Tuấn Hải, người sáng lập Eton Grammar School cho rằng, giáo dục không cẩn trọng sẽ triệt tiêu những khả năng tuyệt vời mà tạo hóa ban tặng cho con người, đó là khả năng sáng tạo. Với một chương trình giáo dục mới vẫn nặng nề, mang tính lý thuyết nhiều hơn thực tiễn như thế, liệu chúng ta có cơ hội khắc phục được những vấn nạn của giáo dục Việt Nam, giúp học sinh Việt Nam tự tin trong cuộc hội nhập càng ngày càng sâu rộng với khu vực và thế giới?

Học sinh - những mầm non tương lai của đất nước.

Trong một thống kê thực tế, nhiều năm qua, có 80 ngàn người Việt ở Hàn Quốc làm nghề ô sin, trong khi đó có 80 ngàn người Hàn Quốc ở Việt Nam họ đều làm vị trí quản lý ở các nhà máy, khu công nghiệp. Điều đó minh chứng cho sản phẩm của nền giáo dục chúng ta như thế nào? Trong thời đại của cách mạng 4.0, nhiều người hoang mang khi nhìn vào dự án đổi mới vì không hình dung ra chân dung học sinh của chúng ta trong tương lai như thế nào.

Thời đại của cách mạng 4.0 nhưng học sinh Việt Nam vẫn xa lạ với Stem, với dự án, với công nghệ, những môn học quan trọng chưa được nhắc đến trong dự thảo đổi mới. Nhiều người cho rằng, chúng ta phải mạnh dạn phá bỏ cái cũ, thiết kế một chương trình thực tế và thiết thực hơn mới hy vọng trong cuộc cải cách này, chúng ta sẽ có một thế hệ học sinh mới.

Anh Nguyễn Thế Trung, sáng lập học viện Stem cho rằng: “Chương trình giáo dục phổ thông chỉ là một công cụ, giống như việc chúng ta khẳng định phải lái xe trên một con đường và phải tuân thủ luật pháp. Tuy nhiên, đã đến lúc chúng ta phải quyết định chúng ta sẽ lái một chiếc xe Mercedes hay một chiếc xe bò. Tôi chưa nhìn thấy tư tưởng đó trong chương trình giáo dục phổ thông".

Từ năm 2000 đến nay, chúng ta loay hoay với hai chữ “đổi mới” trong giáo dục và chúng ta đã làm được gì cho sự đổi mới đó, khi những vấn nạn của giáo dục vẫn chưa được giải quyết. Ông Đào Tuấn Đạt, hiệu trưởng trường THPT Anhxtanh đã dùng một hình ảnh ví von rằng: “Các nhà quản lý giáo dục đang bốc thuốc sai”. Và hệ lụy của việc bốc thuốc sai như thế nào, chắc ai cũng hiểu.

Ông Lê Trường Tùng – Chủ tịch HĐQT Đại học FPT, Thành viên Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực: Tiếng Anh phải trở thành công cụ chứ không phải chỉ là môn học

Dự thảo chương trình giáo dục phổ thông vừa đưa ra có khá nhiều điểm mới - đã tiệm cận gần đến yêu cầu học vấn phổ thông cho thế kỷ XXI theo mô hình 3R+4C.  4C là Critical thinking and Problem solving (tư duy phê phán và kỹ năng giải quyết vấn đề), Communication Skill (kỹ năng giao tiếp), Collaboration Skill (kỹ năng hợp tác) và Creativity and Innovation (sáng tạo và đổi mới). Mô hình trước đây là 3R, là Read (đọc), write (viết) và arithmetic (làm tính).

Tuy nhiên có một số vấn đề cơ bản chưa được đề cập tới trong dự thảo:

1. Việc giảm tải, không chỉ là để giảm so với chương trình quá tải hiện nay, mà là giảm để phù hợp với xu thế tri thức kỹ năng thay đổi nhanh chóng cả việc dạy và học. Trong chương trình giáo dục phổ thông mới, cần giảm tải ít nhất là thông qua việc giảm thời gian học trực tiếp với giáo viên trên lớp. Với thời lượng trung bình 6-7 tiết/ngày như hiện nay, học sinh sẽ phải học 2 buổi tại trường hoặc hàng tuần phải học cả thứ 7. Cần giới hạn thời gian trên lớp xuống còn tối đa 25 tiết/tuần, tức giảm khoảng gần 20% thời gian ghi trong dự thảo - trên cơ sở đó quyết định số môn học và thời lượng mỗi môn học cho phù hợp.

Theo dự thảo, việc hướng nghiệp dồn chủ yếu vào PTTH (lớp 10, 11, 12) - như vậy là quá muộn, không phân luồng sau THCS được. Hai năm cuối PTTH nên xem là dự bị đại học với định hướng chọn môn chuyên sâu. Các nội dung định hướng nghề nghiệp nên tập trung vào các lớp 8, 9, 10 và cho phép bắt đầu lựa chọn môn học với các lớp học này (đây cũng là một giải pháp giúp giảm tải). Nhưng mục tiêu quan trọng hơn là để có thể sớm phân luồng giáo dục nghề nghiệp, để khi học xong lớp 10, học sinh có thể đi học cao đẳng luôn chứ không phải chờ học xong lớp 12.

Giáo dục phổ thông cần đặt mục tiêu giải quyết xong việc học ngoại ngữ (tiếng Anh) cho học sinh và để làm được việc này, tiếng Anh trong trường phổ thông phải trở thành công cụ chứ không chỉ đơn thuần là môn học.

Như vậy một số môn cần dạy bằng tiếng Anh và sử dụng giáo trình của nước ngoài. Có thể quy định các môn khoa học sẽ học bằng tiếng Anh với giáo trình chuyển giao từ nước ngoài - thực hiện việc này không chỉ giải quyết tiếng Anh, mà còn hòa nhập chương trình đào tạo phổ thông Việt Nam vào chương trình và phương pháp đào tạo của các nước tiên tiến.

Việc thi tốt nghiệp phổ thông không nên để từng trường tự thực hiện, vì tốt nghiệp phổ thông là chuẩn quốc gia. Việc này cần làm tập trung thông qua một tổ chức khảo thí độc lập - để đảm bảo chất lượng và thuận lợi cho việc chuyển đổi bằng cấp với các nước.

Chấp nhận hình thức học tập tại gia (Home Schooling) - để học sinh có thể thi tốt nghiệp phổ thông mà không cần phải theo học ở một trường cụ thể. Việc này nếu được thực hiện thì sẽ giải quyết các vấn đề kèm theo về nhiều loại sách giáo khoa, nhiều phương pháp đào tạo, nhiều đối tác tham gia đào tạo - miễn là cuối cùng thi được.

Ông Đào Tuấn Đạt - Hiệu trưởng trường THPT Anhxtanh: Hãy trao quyền tự chủ cho giáo viên

- Trong dự thảo về đổi mới giáo dục, chân dung của người thầy được đề cập đến khá mờ nhạt, trong khi ai cũng hiểu, muốn thay đổi một nền giáo dục thì vai trò của người thầy rất quan trọng. Theo ông, với nguồn nhân lực giáo viên hiện nay có đáp ứng được nhu cầu đổi mới của giáo dục? Nhiều người lo ngại chất lượng giáo viên của chúng ta còn thấp, không đủ trình độ để dạy tích hợp như trong dự thảo đưa ra?

+ Người ta cứ nói đổi mới chứ có chỉ rõ là đổi mới những gì đâu. Chương trình tổng thể thì chưa thuyết phục. Chương trình bộ môn thì chưa có. Chỉ thấy số môn học tăng, số giờ học vẫn như cũ. Trong khi chưa giảm được sỹ số học sinh một lớp, cuộc sống giáo viên chật vật, trường học còn thiếu dân chủ thì mọi cải cách đều sẽ thất bại.

Giáo viên được học hành mấy năm liên tục ở đại học, cao đẳng sao lại nói là chưa đáp ứng. Khi có đổi mới về nội dung, phương pháp đòi hỏi phải có tài liệu đi kèm, đầy đủ và chi tiết để giáo viên nghiên cứu và thảo luận. Bày vẽ tập huấn hình thức như lâu nay thì không giúp gì cho giáo viên cả.

Và cũng không nên hy vọng thời gian tập huấn ít ỏi đó có thể nâng cao được chất lượng giáo viên. Quan trọng là chúng ta phải có hệ thống tài liệu tham khảo, các sách “teacher book”, sách giáo viên thực sự chất lượng làm cẩm nang cho giáo viên. Điều này chưa được nói tới trong dự thảo, trong khi nó rất quan trọng. Các bộ sách giáo khoa của nước ngoài đều có cuốn này đi kèm và được viết rất khoa học, giúp giáo viên dễ tiếp cận.

- Theo xu hướng tích hợp các môn học hiện nay thì giáo viên sẽ thành “hai trong một”, “ba trong một”, thậm chí “N trong một”. Ông thấy có khả quan không trong khi đời sống giáo viên thấp, họ được đào tạo hoàn toàn khác?

+ Không khả quan, tất nhiên và chắc chắn là thất bại. Giáo viên được đào tạo môn A lại đi dạy môn B thì chẳng khác gì "cơm chấm cơm”. Nếu giờ đào tạo 3-4 năm một giáo viên dạy 2 trong 1 chẳng hạn, thì chắc không thể tốt bằng 2 trong 2 được.

- Ông không ủng hộ việc tích hợp môn học, vậy lý do ông đưa ra là gì?

+ Người viết chương trình phải giải thích rõ tích hợp là gì và cho ví dụ. Tôi thì đoán đó chỉ là sự tổ hợp các môn học, kèm theo mấy bài học liên hệ giữa các môn. Còn dạy học tổng hợp là một chuyện khác. Ở đây khái niệm dạy học tổng hợp đã không được nhắc đến.

- Nếu không tích hợp các môn học thì theo ông, làm thế nào chúng ta giải quyết được vấn đề quá tải các môn học hiện nay?

+ Quá tải là do nhiều môn. Do nội dung nhồi nhét mà thời gian lại ít. Muốn thay đổi phải thay thế nền giáo dục hiện nay. Không thể sửa chữa gì được nữa.

- Ông cho rằng, không nên lo về chất lượng giáo viên mà phải quan tâm đến vấn đề sách giáo khoa có đủ tư liệu cho giáo viên tự nghiên cứu, tự học hay không. Vậy theo ông, chúng ta nên trao quyền tự chủ cho giáo viên như thế nào?

+ Giáo viên phải được quyền quyết định dạy nội dung gì, nông sâu đến đâu, miễn là trong chương trình. Thậm chí cắt bỏ một phần chương trình. Chỉ giáo viên đứng lớp mới biết học sinh của họ cần gì. “Kỹ sư tâm hồn” gì mà không được phép dạy theo cách của mình mà phải nhồi nhét cho hết bài để lấy thành tích ảo. Đó là phản giáo dục.

- Vậy cốt lõi cần thay đổi trong vấn đề giáo dục của chúng ta hiện nay là gì thưa ông?

+ Là hãy nghiêm túc nghiên cứu các tiến bộ của khoa học giáo dục, nghiên cứu thực tiễn giáo dục rồi mới biết làm gì, như thế nào. Đừng làm giáo dục như làm dự án. Học sinh không phải đối tượng cho các dự án thiếu khoa học, thiếu nhân bản.

- Cảm ơn những ý kiến của ông.

GS Phạm Tất Dong - Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam: Các chuyên gia giáo dục ở ta quá ảo tưởng

- Giáo sư có cho rằng dự thảo chưa giải quyết được vấn đề nhức nhối nhất của giáo dục hiện nay là khắc phục tình trạng quá tải đối với học sinh?

+ Có thể thấy, trong dự thảo chương trình phổ thông tổng thể, tổng số môn học nhiều lên, số môn học bắt buộc nhiều và xuất hiện khá nhiều những môn học mới. Nhìn vào đó, nhiều người sẽ cảm ấy lo lắng, nhưng điều này rất dễ hiểu. Vì chúng ta học để phân hóa nên cần tăng cường điều kiện để học sinh tự chọn các môn. Mà đã là tự chọn thì phải nhiều môn hơn.

Thế nhưng điều tôi lo lắng là chúng ta không hề biết chương trình cụ thể, nội dung chi tiết của từng môn học, khối lượng kiến thức cho từng môn thì lấy đâu căn cứ. Thực tế cả xã hội đều hy vọng chương trình giáo dục phổ thông tổng thể sẽ giảm tải chương trình, sắp xếp lại các môn học hợp lý, tránh dàn trải, hướng nghiệp sớm cho học sinh. Tuy nhiên, nhìn vào dự thảo thì chương trình vẫn chưa thực hiện được mục tiêu giảm tải cho học sinh.

Dường như tổng số môn học quá “đồ sộ” và số tiết học cũng quá lớn. Thời lượng học ở cấp THCS và THPT là 29-30 tiết một tuần, với một buổi học/một ngày, tương đương với chương trình hiện hành. Với thời lượng này thì không thể có thời gian cho các hoạt động khác... Thậm chí, học sinh lớp 10 có tới 15 môn học bắt buộc và tự chọn bắt buộc, chưa tính 2 môn tự chọn. Tổng số tiết trong một năm học từ 985 tiết đến 1.184 tiết học.

Về thời lượng chương trình quy định trong Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể, ở tiểu học số lượng môn học không giảm mà những môn như giáo dục lối sống, cuộc sống quanh ta, thế giới công nghệ, hoạt động trải nghiệm sáng tạo... khối lượng thời gian chiếm tới hơn 1/3 thời gian. Trong khi yêu cầu của bậc tiểu học là học sinh chỉ cần nắm được kiến thức sơ đẳng nhất, không thể học đủ các thứ trên đời.

Trong dự thảo, số tiết của tiểu học nhiều quá nên yêu cầu muốn trẻ con thân thiện môi trường sống, có hiểu biết xã hội là xa vời. Ngay cả thời gian dành cho các môn học văn nghệ, thể dục thể thao cũng còn quá ít.

Thực tế tiểu học rất đơn giản, chỉ có văn, toán, những thường thức khoa học, một số vấn đề luân lý đơn giản, có gì đâu mà phải lối sống… làm phức tạp vấn đề. Không ít nhà giáo dục cứ nghĩ một cách ngây thơ là làm rối vấn đề lên mới là khoa học. Nhưng thực chất khoa học càng đơn giản bao nhiêu thì càng sâu sắc bấy nhiêu, từ cái khó thành dễ thì mới gọi là khoa học, chứ từ dễ làm cho thành khó không ai hiểu được thì còn gì khoa học.

Có thể nói dự thảo hầu như không giải quyết được vấn đề giảm tải và vẫn rất nặng nề, theo tinh thần cũ học là chính. Đã thế học thì chỉ học những vấn đề người ta gọi là phổ thông, tức là những kiến thức cần thiết, tối thiểu, đằng này lại yêu cầu chuyên sâu một số môn ví như trẻ con mà học đến môn Quốc phòng toàn dân thì có nên không?

- Với tinh thần học kiểu đổi mới này, như ông phân tích thì học sinh của chúng ta vẫn “ngựa quen đường cũ”, chạy đua theo kiến thức một cách thụ động chứ không còn thời gian tự học, tự nghiên cứu, trong khi về lý thuyết, dự thảo đổi mới cho rằng, học là con đường dài, học trọn đời?

+ Tôi hồ nghi rằng nhiều người không hiểu được vấn đề hiện nay của giáo dục trong câu chuyện giảm tải. Giảm tải là giảm tải kiến thức chứ không phải là môn học. Hiện nay chúng ta đang ép buộc con trẻ phải ngốn một lượng kiến thức khổng lồ và dư thừa. Lượng kiến thức này chỉ khiến cho trẻ càng ngày càng trở nên thụ động vì học và phải học giỏi tất cả các môn.

Giáo dục là giúp con trẻ phát triển những năng lực sẵn có, nhưng chúng ta không làm được mà thay vào đó là đi làm những thứ đâu đâu. Chúng ta đang thay vì đi truyền kì kiến thức lại đi xây dựng năng lực, đó là điều cực kì vô lý.

- Vậy nên có rất nhiều ý kiến cho rằng chương trình quá ôm đồm, tham vọng mà chưa đi vào thực tế. Giáo sư nghĩ sao về vấn đề này?

+ Lạ lùng là trong dự thảo có những môn học lại đòi hỏi rất cao như  âm nhạc, trẻ học lớp 11, 12 phải biết biểu diễn hợp xướng thì làm sao làm được, hát tập thể còn khó nữa là nói đến sáng tác âm nhạc. 

Chưa kể, trẻ em lớp 1 còn có môn tự chọn, 6 tuổi làm sao chọn được, chỉ có bố mẹ chúng chọn mà thôi. Có những môn tôi còn không hiểu như thế giới công nghệ, dạy công nghệ là dạy làm chứ không phải dạy lý thuyết. Tôi đọc thấy thế giới công nghệ sinh học… là thấy kinh khủng lắm. Tôi thì tôi cho rằng chỉ là viết cho sướng tay chứ làm sao có thể thực hiện được. Nhiều lúc tôi có cảm giác các chuyên gia giáo dục ở ta quá ảo tưởng, tham vọng.

Ngay cả việc đưa ra mục tiêu phân luồng, thất bại bao nhiêu lần rồi vẫn bắt làm. Phân luồng thì phân luồng đi đâu, đi vào các trường  dạy nghề thì phải bàn với Bộ Lao động Thương binh và Xã hội. Đằng này anh cứ tùy tiện làm, không nghe, không hỏi, chỉ nhìn mà làm thì khác gì hái sao trên trời, hỏi sao không thất bại.

Hiện nay, dư luận chung cũng đang thấy e ngại. Mấy năm nay dự thảo đưa ra toàn đổ, đơn giản là vì thiếu thực tế, không hợp thực tiễn. Hai đối tượng cần được quan tâm nhất là giáo viên và học sinh thì lại không được hỏi, không được phép nói. Cứ cho họ nói thẳng nói thật, làm một cuộc khảo sát trên diện rộng rồi từ đó dựa trên mong muốn kết hợp với thực tế thì tôi nghĩ may ra còn có thể. Chứ hiện nay ai cũng muốn cải cách giáo dục…

Vấn đề là làm thế nào và thực hiện ra sao. Tôi cũng hồ nghi rằng dự thảo chưa tính đến câu chuyện giáo viên, cứ như dự thảo đưa ra thì lấy đâu ra giáo viên giảng dạy? Các chuyên gia cứ ngồi vẽ, vẽ ra có thực hiện được đâu.

Vậy nên nói một cách sòng phẳng thì dự thảo vẫn đi theo lối mòn chứ chưa có nhiều sáng tạo và rơi vào vòng luẩn quẩn y như bao nhiêu chương trình cải cách khác. Cá nhân tôi không hy vọng dự thảo này được ra đời.

- Vâng, cảm ơn ý kiến của ông. 
Hà - Linh (thực hiện)
.
.