Văn hoá lễ hội

Đừng dung tục hoá các hoạt động tín ngưỡng

Thứ Hai, 20/02/2012, 08:00
Phỏng vấn GS Tô Ngọc Thanh - Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam.

- Thưa Giáo sư Tô Ngọc Thanh, ông có thường đi lễ đền chùa vào những ngày đầu năm không, và ông thường cầu xin điều gì?

+ Nhiều năm nay tôi không còn thói quen đi đền chùa những ngày đầu năm nữa. Vì tôi rất sợ cảnh chen lấn hỗn độn nơi cửa chùa, cửa thánh. Người ta xô đẩy nhau, ai cũng đua sắm lễ thật nhiều, thật to, và toát mồ hôi để vượt lên trước người khác mà khấn vái, xin xỏ Thần, Phật. Mà người ta xin những gì? Phần lớn là xin chức tước, xin nhà cửa, đất đai, xin nhiều tiền, nhiều vàng, xin trúng số đề… Xin nhiều đến nỗi Thần, Phật có lẽ cũng… chóng mặt. Xin nhiều thế, nhưng khi ra ngoài, có người hỏi ngôi chùa này, ngôi đền này thờ vị Phật, vị Thánh nào thì nhiều người không trả lời được. Cảnh tượng nhốn nháo thế thì tôi chen lấn đến đấy để làm gì…

- Đi lễ đầu năm tất nhiên ai cũng phải mong cầu điều gì chứ. Vậy nếu đi lễ, Giáo sư thường cầu điều gì là chính?

+ Tôi có lúc đến chùa mà không cầu gì. Đức Phật nói ở hiền gặp lành, tôi đã cố gắng thực hành điều đó trong suốt cuộc đời. Còn đến chùa hay đến đền là tìm đến một không gian tĩnh tại, yên lành. Đó là không gian để con người được giao hòa với thiên nhiên, trời đất, thánh thần. Nó rất thiêng liêng, chứ tuyệt nhiên không phải là chỗ để cho con người đến xin xỏ hay hối lộ thánh thần. Nếu con người có xin điều gì thì theo tôi chỉ một điều duy nhất, là xin được bình an, thanh thản. Trong truyền thống văn hóa Việt Nam, việc đi lễ đền, chùa hay tham gia các ngày hội làng là mang một ý nghĩa linh thiêng như vậy. Nay thì truyền thống đó đã bị méo mó đi bởi yếu tố dung tục, thực dụng và tâm lý kinh tế thị trường rồi.

- Thưa Giáo sư, hằng năm, vào mùa xuân có hàng trăm lễ hội được mở ra, nhưng xem chừng những lễ nghi truyền thống cùng với những ý nghĩa tốt đẹp của lễ hội đang mai một dần. Là người hoạt động văn hóa dân gian, ông trăn trở điều gì nhất?

+ Tôi phải nói ngay là trong truyền thống văn hóa của ta không có từ lễ hội. Ngày xưa người ta nói Hội làng, Đám làng, chứ không nói lễ hội. Hội cũng không phân chia thành hai phần: lễ nghiêm trang và hội vui vẻ như hôm nay. Cốt lõi của Hội là phải có một hạt nhân tín ngưỡng để thờ, đó là một vị thần, một vị thánh, một người có công với làng nước… Và những ngày hội thường được diễn ra vào dịp đầu xuân, là thời khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới - thời khắc thiêng liêng mà con người tin rằng họ có thể giao hòa với vũ trụ, trò chuyện với thánh thần, gặp gỡ một thế giới mà họ không nhìn thấy nhưng họ tin là có thật và tác động đến đời sống của họ. Hội mở ra do các hội đồng già làng đứng đầu và nhân dân làm chủ. Mỗi người dân đến Hội là họ trở thành một phần của Hội, họ là nhân vật chính. Nay thì hội biến thành lễ hội và người dân không phải là nhân vật chính nữa. Lễ hội hôm nay là nơi kiếm tiền của những nghệ sĩ sáng tác kiểu như ông đạo diễn nọ, ông nhạc sĩ kia kiếm tiền tỉ nhờ viết kịch bản lễ hội. Tệ hơn, có những lễ hội người ta thuê công ty tổ chức sự kiện làm. Người dân thì đứng vòng ngoài để xem, nhường sân khấu chính và nơi trang trọng cho các vị quan chức. Các hoạt động ở đây không còn là Hội theo nghĩa cổ truyền nữa. Chúng ta đã làm cho Hội biến tướng đi quá nhiều, giải thiêng ý nghĩa của nó, và vì thế những vẻ đẹp văn hóa của Hội cũng mất dần đi…

- Thưa Giáo sư, trong các lễ hội hôm nay có rất nhiều những trò vui chơi giải trí nhằm "móc túi" người đến tham gia, các trò vui chơi có thưởng nhưng thực chất là nạn cờ bạc trá hình mà báo chí và các cơ quan chức năng đã nhiều lần lên tiếng. Trong văn hóa cổ truyền của ta, các hoạt động mang tính chất giải trí được tổ chức như thế nào và ý nghĩa của nó ra sao?

+ Trong một Hội, theo ý nghĩa cổ truyền luôn có những nghi thức bắt buộc, không có chuyện thích tổ chức gì thì bày cái nấy ra, không có chuyện làm kinh doanh hay kiếm tiền ở đấy. Ví dụ ngày xưa trong hoạt động của một Hội luôn có sới vật, pháo đất, trò bắt chạch trong chum… Đấy không phải là những trò giải trí như hôm nay chúng ta quan niệm, mà đó là những sinh hoạt văn hóa mang ý nghĩa biểu tượng rất cao. Chẳng hạn, sới vật bao giờ cũng diễn ra trong một cái khung vòng tròn, giữa có chấm đỏ tượng trưng cho mặt trời.

Trong Hội cổ truyền, các đô vật thắng hay thua đều có phần thưởng cả. Người thắng được tặng đai đỏ, người thua được tặng đai xanh. Xanh và đỏ tượng trưng cho âm và dương. Hay trò pháo đất được kết hợp hai yếu tố âm và dương trong vũ trụ. Đất là âm, còn tiếng pháo nổ tượng trưng cho tiếng sấm là dương. Tiếng pháo đất trong lễ hội tượng trưng cho sự mong cầu mùa màng tươi tốt, mưa thuận gió hòa. Trò bắt trạch trong chum với hình tượng đôi trai gái một tay lùa bắt trạch, một tay đặt vào những phần cơ thể nhạy cảm của nhau chính là tượng trưng cho tín ngưỡng phồn thực của người Việt… Không có nạn quay xổ số, ăn nhậu, mua bán tùm lum như trong những cái mà chúng ta gọi là lễ hội hôm nay.

- Vậy để có thể gìn giữ và phát huy những ý nghĩa tốt đẹp của tục lệ đi lễ, đi hội đầu xuân, theo Giáo sư, chúng ta cần phải làm những gì?

+ Theo tôi, chúng ta không nên đổ lỗi cho người dân. Trong một thời gian dài chúng ta đã quên việc giáo dục văn hóa truyền thống, văn hóa dân gian cho dân chúng. Người ta không được dạy thì người ta không có hiểu biết, không có tâm thế đúng khi đến những không gian linh thiêng, và từ đó không biết điều chỉnh hành vi của mình cho phù hợp. Phần lớn những người đi chùa, đi đền, đi phủ, tham gia các ngày hội hôm nay đều đi theo tâm lý đám đông, với ý thức vụ lợi, lợi dụng, dung tục hóa cửa đền, cửa chùa. Đấy là điều các nhà quản lý văn hóa cần phải suy ngẫm.

Tôi đã không ít lần phát biểu, rằng nếu chúng ta không có những giải pháp cụ thể cho vấn đề này, thì những truyền thống tốt đẹp trong văn hóa dân tộc đến một ngày sẽ không còn nữa. Những nghi lễ linh thiêng sẽ mất dần đi trong các hoạt động tín ngưỡng và trong lòng người. Cần phải giáo dục cho người dân hiểu sâu sắc về ý nghĩa của lễ hội, xây dựng cho họ một tâm thức tôn nghiêm khi đến nơi cửa chùa, cửa đền. Trước mắt, trong từng ngày Hội, hãy phát tờ rơi cho người tham gia để ít nhất họ hiểu được không gian linh thiêng nơi họ đang đến có lịch sử tín ngưỡng như thế nào, và họ cần phải có cung cách lễ nghi như thế nào cho phù hợp.

- Xin cảm ơn Giáo sư Tô Ngọc Thanh về cuộc trò chuyện này

Bình Nguyên Trang (thực hiện)
.
.