Đừng để giáo dục tiếp tục tụt hậu

Thứ Năm, 23/05/2019, 08:15
Theo con số thông kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, kỳ tuyển sinh cao đẳng, đại học năm 2019, chỉ tiêu vào ngành sư phạm tăng hơn 30% so với năm 2018, thế nhưng tổng số nguyện vọng đăng ký vào sư phạm lại giảm đến 10.000.


Những năm qua, hầu hết các trường chỉ tuyển được 80 - 85% là tối đa. Từ những con số thống kê ở trên cho thấy, học sinh chọn ngành sư phạm ngày một ít, người học giỏi lại càng tránh ngành này mà chỉ chú trọng vào các ngành có mức lương cao, dễ xin việc.

Điều này khiến không ít lo ngại chất lượng tuyển sinh của các trường sư phạm, đồng thời việc thiếu giáo viên trong những năm tới sẽ khó có thể giải quyết được. Đây là những thực trạng buồn đang diễn ra trong ngành giáo dục.

Phải chăng, sự đổ vỡ trong các thang giá trị, sự xuống cấp của đạo đức xã hội, những tiêu cực trong thi cử, bạo lực học đường, bệnh chạy theo thành tích, coi nhẹ khoa học nhân văn, coi nhẹ giáo dục cái đẹp và cái thiện, thêm nữa là vấn đề tiền lương giáo viên thấp, các chế độ đãi ngộ không có gì đáng kể đã khiếu phụ huynh và học sinh không thiết tha, không còn mong muốn cống hiến cho sự nghiệp "trồng người"?

Trước mùa tuyển sinh (ảnh chỉ mang tính chất minh họa).

Thất bại lớn nhất của chúng ta trong thời gian qua là không đưa được chủ trương "giáo dục là quốc sách hàng đầu" vào cuộc sống. Chủ trương này đã và đang là khẩu hiệu suông, chỉ mang tính "an thần" là chính. Giáo dục chỉ thành quốc sách hàng đầu khi nghề làm thầy được người đời ngưỡng mộ, luôn được tôn vinh là một nghề cao quý, giáo viên có mức sống đàng hoàng, dư giả bằng sự cống hiến của mình, khi mỗi gia đình ý thức được một cách sâu sắc việc dạy dỗ con cái quan trọng hơn việc nuôi nấng chúng.

Tình trạng không thu hút được chất xám vào giáo dục đến lúc nào đó sẽ tác động đến quá trình phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam, nguy cơ rơi vào "bẫy thu nhập trung bình" đang hiện hữu mà rất khó thoát ra và điều này sẽ khiến cho các mối quan hệ xã hội trì trệ, rơi vào khủng hoảng. Nhà sư phạm nổi tiếng người Nga Antôn Makarenko từng nói

 "Một sự giáo dục đúng đắn là tuổi già hạnh phúc của chúng ta; một sự giáo dục xấu, đó là nỗi khổ của chúng ta, nước mắt của chúng ta, lỗi lầm của chúng ta đối với người khác trong tương lai". Như vậy, không ai có thể thay thế người thầy trong việc chăm lo, nuôi dưỡng ước mơ và hình thành các giá trị cơ bản cho thế hệ tương lai. Giáo dục là động lực phát triển đất nước, cơ sở trường tồn dân tộc, sức bền đảm bảo chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc, cầu nối để có tình bạn quốc tế cao cả.

Tụt hậu về giáo dục sẽ kéo theo sự chậm phát triển, nghèo nàn về kinh tế, phai nhạt về bản sắc văn hóa, về lý tưởng sống. Đó là nguy cơ, một nguy cơ tiềm ẩn về một xã hội bất ổn. Nhưng dường như chúng ta chưa quan tâm, định hướng cụ thể, đúng mức tới ngành giáo dục, bỏ ngỏ để cho nó phát triển tự phát, chưa có một kế hoạch đầu tư đủ mạnh để thay đổi vai trò của giáo dục với sự phát triển của quốc gia, dân tộc.

Mục tiêu của cải cách giáo dục là làm cho học sinh nắm được kiến thức, có lòng yêu nước và quý trọng văn hóa dân tộc, tinh thần trách nhiệm với xã hội, có tinh thần nhân văn, có tâm hồn và thể chất khỏe mạnh. Cải cách giáo dục là quy hoạch xã hội tương lai, chuẩn bị phần quan trọng nhất cho tương lai của xã hội. Bởi sản phẩm của giáo dục sẽ là những chính trị gia, các nhà quản lý kinh tế, là cán bộ, công chức, chuyên gia hàng đầu ở mọi lĩnh vực của đất nước trong tương lai.

Chúng ta đang phấn đấu trở thành nước phát triển nhanh và bền vững, trong khi chỉ đào tạo ra được những giáo viên có trình độ nhàng nhàng như hiện nay thì liệu 15 - 20 năm nữa chúng ta đi thêm được mấy bước so với thế giới và đến bao giờ Việt Nam mới trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại?

Để phát triển đất nước bền vững, không thể chờ đợi thêm nữa, thầy cô giáo, phụ huynh nên động viên những học sinh có tố chất tốt về sư phạm, có niềm đam mê nghề giáo, có năng lực học tập tốt... thi vào sư phạm.

Bên cạnh đó, Chính phủ phải quyết liệt chỉ đạo các Bộ Tài chính, Bộ Nội vụ tham mưu ban hành chính sách cho giáo viên, phải thực sự quan tâm đến đội ngũ giáo viên trong cả nước, trong tất cả các bậc học đúng như những gì Đảng và Nhà nước thể hiện trong Luật Giáo dục và Đào tạo "giáo dục là quốc sách hàng đầu". Lúc đó, chất lượng đào tạo giáo viên chắc chắn được nâng cao.

Điều đó có nghĩa là quốc sách hàng đầu không chỉ là đầu tư về chính sách cho giáo viên, về đào tạo giáo viên... mà cả quản lý nhà nước về giáo dục cũng phải quan tâm hàng đầu! Còn cứ hô hào khẩu hiệu thì mọi thứ vẫn quanh quẩn chỗ cũ, như bao lần "cải cách", "đổi mới"...

Cù Tất Dũng
.
.