Đưa sân khấu tới học đường: Khán giả cũng cần được... đào tạo

Thứ Hai, 25/11/2013, 08:32

"Thiết kế khán giả" là việc làm cần thiết, cần được quan tâm từ phía cơ quan quản lý cũng như sự chung sức của các đơn vị làm nghệ thuật sân khấu nói chung. Tôi rất tâm đắc với một câu nói của một người bạn khi đồng tình với chương trình sân khấu hướng tới học đường của tôi rằng: "Một cánh én không làm nên mùa xuân, nhưng mỗi cánh én nên có trách nhiệm với mùa xuân…". Tôi thực sự mong mỗi nghệ sĩ sẽ là một "cánh én". - NSND Hồng Vân.

Vừa qua, chương trình sân khấu hướng tới học đường mang tên "Kết nối cộng đồng" do các diễn viên của Sân khấu kịch Hồng Vân (thuộc Công ty cổ phần sân khấu và điện ảnh Vân Tuấn) đã bắt đầu khởi động với buổi công diễn đầu tiên cho khoảng 2.000 khán giả là các học sinh Trường PTTH Marie Curie (Tp HCM). Từ dự án "Kết nối cộng đồng" do Công ty cổ phần sân khấu và điện ảnh Vân Tuấn đề xuất, Sở Văn hóa - Thể thao & Du lịch Tp HCM đã cho phép thành lập đội xung kích nhỏ gọn với kinh phí được cấp là 6 triệu đồng/suất diễn để đi biểu diễn tại 30 trường học trên địa bàn thành phố.

Thông qua các vở kịch ngắn, tiểu phẩm biểu diễn tại các trường là thông điệp về an toàn giao thông, bảo vệ môi trường, cách ứng xử trong cộng đồng và đề tài nông thôn mới. Đây thực sự là một việc làm mở ra hướng đi tốt của sân khấu kịch trong bối cảnh "đói" khán giả như hiện nay. Đây là dự án chứa đựng nhiều tâm huyết của NSND Hồng Vân - Giám đốc Sân khấu kịch Hồng Vân - một người không quản ngại khó khăn, gian khổ.

Ngay từ buổi biểu diễn đầu tiên, các nghệ sĩ Sân khấu kịch Hồng Vân đã nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của các khán giả nhỏ tuổi và sự cổ vũ của báo chí. Điều này cho thấy, các trường học thực sự là nguồn khán giả tiềm năng mà nghệ thuật sân khấu cần hướng tới. Cách làm của Sân khấu kịch Hồng Vân cũng chính là cách Nhà hát chèo Hà Nội đã làm từ hàng chục năm nay nhưng với quy mô nhỏ lẻ hơn, lặng lẽ hơn.

Theo chia sẻ của NSƯT Thúy Mùi, việc đưa sân khấu vào học đường nhằm trang bị cho các em học sinh những kiến thức sơ khai về bộ môn nghệ thuật chèo truyền thống cũng là cách Nhà hát chèo Hà Nội "đào tạo" một thế hệ khán giả cho tương lai. Với học sinh bậc tiểu học, Nhà hát Chèo Hà Nội đưa vào nhà trường những trích đoạn chèo được xây dựng từ các câu chuyện cổ tích như "Tấm Cám", "Cây khế"..., còn với học sinh bậc THPT, các trích đoạn được biểu diễn thường là "Xã trưởng - mẹ Đốp", "Thầy đồ dạy học", "Thị Màu lên chùa"... Nhà hát Tuổi trẻ cũng từng có chương trình sân khấu học đường mang tên "Tiếng nói trẻ thơ" nhận được sự quan tâm, ủng hộ của nhiều nhà trường trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Đưa sân khấu đến với học đường là một việc làm hay, chứa đựng nhiều yếu tố tích cực. Ngoài cách tiếp cận với khán giả bằng cách đem các vở diễn, trích đoạn sân khấu vào biểu diễn trong nhà trường, từ cách đây hơn chục năm, dự án "Sân khấu học đường" được khởi động từ ý tưởng của NSND Phạm Thị Thành với sự hỗ trợ của Quỹ Ford cũng đã tạo nên một số chuyển biến trong nhận thức về nghệ thuật sân khấu dân tộc ở một bộ phận không nhỏ học sinh phổ thông.

Chính thức bắt đầu từ năm 2001 đến nay, dự án "Sân khấu học đường" do Cục Nghệ thuật biểu diễn phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc thực hiện đã ghi nhận được một số kết quả tích cực như: góp phần định hình trong tâm thức các em học sinh những kiến thức về các bộ môn sân khấu truyền thống, phát hiện một số có năng khiếu để bồi dưỡng, động viên, khích lệ.

Chặng đường 10 năm kiên trì thực hiện mục tiêu được kỳ vọng của dự án "Sân khấu học đường" là đào tạo khán giả và nghệ sĩ cho sân khấu truyền thống, dự án đã tiến hành giảng dạy về chèo, tuồng, cải lương, bài chòi, dân ca Nghệ Tĩnh, dân ca Bình Trị Thiên, cải lương và dân ca Nam Bộ... cho học sinh của trên 100 trường phổ thông trung học tại gần 40 tỉnh, thành ở cả ba miền Bắc, Trung, Nam. Hàng ngàn học sinh được tiếp cận, học, thực hành biểu diễn các bộ môn nghệ thuật sân khấu truyền thống. Dự kiến, đề án "Sân khấu học đường" sẽ vẫn còn tiếp tục cho đến năm 2020.

Những người quan tâm đến sân khấu như GS. Hoàng Chương, NSND Phạm Thị Thành, nhà biên kịch Đăng Chương… còn nuôi dưỡng hi vọng một ngày nào đó bộ môn sân khấu sẽ được đưa vào giảng dạy trong nhà trường. Đến năm 2013 này, dự án tiếp tục được Bộ Văn hóa - Thể thao & Du lịch giao cho Cục Nghệ thuật biểu diễn triển khai tại 9 trường THCS thuộc 3 tỉnh: Quảng Ngãi, Vĩnh Phúc, Ninh Bình với loại hình nghệ thuật chèo, dân ca và bài chòi. Tuy nhiên, những kết quả ấy nếu đem so sánh với tổng thể thì vẫn chỉ như "muối bỏ bể" - như lời của Giáo sư Hoàng Chương có lần đã ngậm ngùi tâm sự. Để "gieo mầm" cho thế hệ khán giả, diễn viên tương lai, cần có những việc làm mang tính thường xuyên, liên tục và có định hướng chứ không phải là những dự án mang tính "phong trào" cho đến khi hết tiền trong dự án thì lại… thôi không "tiếp lửa" nữa.

Để dự án "Sân khấu học đường" thành công, cần có thêm những đơn vị đi tiên phong như Sân khấu kịch Hồng Vân, Nhà hát chèo Hà Nội, Nhà hát Tuổi trẻ.... Được biết hàng năm, các nhà hát đều được nhà nước giao phải có đủ chỉ tiêu đi biểu diễn phục vụ nhân dân khoảng 120 đến 150 đêm. Mặc dù nhiều nhà hát công lập luôn ở trong tình trạng "tối lửa tắt đèn" nhưng không hiểu sao trong các báo cáo thành tích hàng năm thì luôn đủ và vượt chỉ tiêu. Nên chăng, trong giai đoạn khó khăn chung này, các nhà hát cần bổ sung vào lịch lưu diễn của mình các buổi diễn tại các trường - nơi có thể dễ dàng tập trung một lượng khán giả đông đảo như một số nhà hát đã làm trong thời gian qua để "Sân khấu học đường" có được sức lan tỏa bền lâu.

NSND Phạm Thị Thành:

"Gọi tôi là người khai sinh ra đề án "Sân khấu học đường" cũng không sai đâu, bởi lúc đầu nó ra đời hoàn toàn là do suy nghĩ chủ quan của tôi với nỗi niềm đau đáu với sân khấu. Xin được tiền từ quỹ Ford, tôi tìm người dạy, tìm người học. Các em có năng khiếu ở các trường được dạy về sân khấu đều tỏ ra thích thú lắm, còn tôi thấy rất vui. Về sau, khi nó thành đề án được chính phủ phê duyệt và cho tiền trong vòng 10 năm, do Cục Nghệ thuật biểu diễn phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc đứng ra thực hiện đã thu được nhiều kết quả đáng mừng. Tôi cho rằng, những năm qua, đề án này đã cho những hiệu quả thực tế như: lưu giữ được vốn quý của các bộ môn nghệ thuật truyền thống, bồi đắp tình yêu đối với sân khấu cho các em học sinh, tạo ra một nguồn nhân lực quý từ các học sinh có năng khiếu nghệ thuật. Để tiếp tục làm được việc này, ngoài trách nhiệm và tâm huyết của những nghệ sĩ sân khấu, thì mấu chốt vẫn là vấn đề kinh phí. Hết kinh phí là mọi dự án đều phải dừng lại và đôi khi lại bỏ phí mất một nguồn tài nguyên về con người đã được đề án phát hiện và bồi dưỡng trước đó".

NSND Hồng Vân:

"Tôi rất xúc động khi chứng kiến sự đón nhận nồng nhiệt của các em thiếu nhi khi xem các nghệ sĩ biểu diễn tại sân Trường PTTH Marie Curie. Đến dự buổi biểu diễn hôm ấy còn có hiệu trưởng của 15 trường PTTH trên địa bàn thành phố và các thầy cô đều thấy rằng, đây là cách làm cần được nhân rộng. Với kinh phí 6 triệu/suất diễn và tiền tài trợ chúng tôi xin được từ hai doanh nghiệp thì thực sự chỉ đủ cho chúng tôi trang trải chứ không có lời đâu. Nhưng tôi vẫn tâm huyết làm bởi vì tôi quan tâm tới việc "thiết kế" một thế hệ khán giả tương lai biết yêu mến và thưởng thức nghệ thuật sân khấu. Sau 30 buổi diễn, chúng tôi sẽ tính cách nào đó để đưa sân khấu kịch nói vào các nhà trường ở cả khu vực ngoại thành để dự án có sức sống hơn nữa.

Theo tôi, để làm tốt việc này thì không thể hô hào, làm theo phong trào hay khẩu hiệu chung chung, mà phải đưa vào vở diễn những câu chuyện cụ thể liên quan đời sống, tâm lý của các em. Về lâu dài, bộ môn nghệ thuật sân khấu nên được đưa vào giảng dạy trong nhà trường bình đẳng với các môn học khác như hội họa, âm nhạc… để các em học sinh được tiếp cận và hiểu về sân khấu sớm hơn.

"Thiết kế khán giả" là việc làm cần thiết, cần được quan tâm từ phía cơ quan quản lý cũng như sự chung sức của các đơn vị làm nghệ thuật sân khấu nói chung. Tôi rất tâm đắc với một câu nói của một người bạn khi đồng tình với chương trình sân khấu hướng tới học đường của tôi rằng: "Một cánh én không làm nên mùa xuân, nhưng mỗi cánh én nên có trách nhiệm với mùa xuân…". Tôi thực sự mong mỗi nghệ sĩ sẽ là một "cánh én".

N.H.
.
.