Đưa lao động về với giá trị thực

Thứ Năm, 16/02/2017, 08:00

Năm 2016 đánh dấu tròn 30 năm Việt Nam sống trong thời kỳ Đổi mới, tận hưởng những thành quả từ đổi mới và tất nhiên, cũng đối diện với những thách thức rất lớn trong quá trình phát triển. Và một trong những thách thức lớn nhất, được nêu rõ trong Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) chính là "Biểu hiện suy thoái về đạo đức, lối sống" của cán bộ, quan chức, được thể hiện qua hiện tượng "Cá nhân chủ nghĩa, sống ích kỷ, thực dụng, cơ hội, vụ lợi; chỉ lo thu vén cá nhân, không quan tâm đến lợi ích tập thể". 


Chính vì thế, ở những ngày đầu tiên của năm 2017 này, Đảng và Chính phủ đã xác định rất cụ thể những nhiệm vụ cần phải làm ngay, mà đặc biệt trong đó là nhiệm vụ xây dựng Đảng, đổi mới cơ chế quản lý dựa trên những con người có phẩm chất.

Trong bài phát biểu đầu Xuân của Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng khi đến thăm và làm việc với Ban Kinh tế Trung ương có những nội dung đoạn rất đáng lưu ý tới.

Nhiều lao động Việt Nam có nhu cầu tìm đường ra nước ngoài để có thu nhập xứng đáng (ảnh chỉ mang tính minh họa).

Tổng Bí Thư nhấn mạnh rằng nhiệm vụ cấp thiết của Ban Kinh tế Trung ương trong năm 2017 này phải là "Tập trung ưu tiên triển khai nghiên cứu xây dựng các đề án: Đổi mới cơ chế quản lý, cơ chế tài chính, tổ chức lại hệ thống các đơn vị sự nghiệp công lập; cải cách chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội và chính sách đối với người có công…".

Và trong những nhiệm vụ đổi mới ấy, chúng ta nhận thấy rất rõ tầm quan trọng của việc cải cách chính sách tiền lương cũng như cơ chế quản lý ở các đơn vị sự nghiệp công lập. Đó cũng chính là hai lô cốt của bảo thủ và trì trệ trong nhiều năm qua, khiến cho tiến trình phát triển kinh tế-xã hội luôn gặp phải những trở lực không đáng có.

Một trong những vấn đề nhiều năm nay chúng ta vẫn thường than thở với nhau chính là "người cán bộ, công chức bây giờ không thể sống bằng lương" và trên thực tế, vấn đề ấy tồn tại chứ không phải là một tưởng tượng phiếm chỉ hay trào lộng. Nhưng nếu cán bộ, công chức không thể sống bằng lương thì rốt cuộc họ tồn tại trong bộ máy để làm gì, và bằng cách nào? Tiêu cực nảy sinh chính từ điểm mấu chốt đó chứ không phải từ nơi nào khác.

Cơ chế lương công chức, bậc ngạch thực chất hiện thời vẫn được áp dụng một cách khá rộng rãi, không chỉ ở các đơn vị hành chính sự nghiệp, không chỉ với công chức đúng nghĩa. Các doanh nghiệp nhà nước, tức là các đơn vị hoạch toán độc lập vẫn áp dụng khung lương kia và áp dụng cho tất cả những lao động trong đơn vị, từ biên chế cho tới hợp đồng.

Như vậy, bất hợp lý đã hiển thị vô cùng rõ ràng. Lương bậc ngạch lẽ ra chỉ nên được áp dụng hạn chế, ở những đơn vị quản trị nhà nước, với những loại hình công chức chuyên biệt mà thôi. Phần còn lại, với những người làm việc mà hiệu quả công việc của họ chính là thước đo cho giá trị mà họ tạo ra, chính sách lương phải được áp dụng khác biệt, theo cơ chế thỏa thuận và song song đó, phải phù hợp với ngân sách lương thực tế của đơn vị chi trả.

Có như vậy, người điều hành đơn vị mới cảm nhận rõ hơn trách nhiệm của mình trong việc sử dụng quỹ lương ngân sách sao cho hiệu quả nhất, không để bộ máy phình to với những cá nhân có vị trí nhưng thực tế chẳng có việc gì để làm, chỉ tồn tại để chờ đợi tuần tự nhi tiến mấy năm tăng lương một lần và đủ năm thì lĩnh sổ hưu, coi như hoàn thành nghĩa vụ.

Đó chính là biểu hiện cụ thể nhất của một nền hành chính cồng kềnh, quan liêu, lạc hậu và không hướng đến mục đích lợi ích chung, lợi ích toàn dân. Thậm chí, chính cơ chế cồng kềnh ấy còn là kẽ hở để số ít những người lao động ở các doanh nghiệp nhà nước bỗng dưng trở thành quan chức chính trị sau một thời gian khoác áo "phấn đấu" và để lại những thiệt hại to lớn không chỉ đối với nền kinh tế mà còn đối với cả hình ảnh của một Chính phủ ngày một muốn cải cách hơn, hành động thực tế hơn.

Nếu chúng ta thử so sánh các đơn vị sự nghiệp công lập, các doanh nghiệp nhà nước với chính những doanh nghiệp đã được cổ phần hoá và có sự tham gia mạnh mẽ của thành phần kinh tế tư nhân, chúng ta sẽ nhận thấy sự biến chuyển rất mạnh trong cải cách chế độ lương thưởng. Chính cải cách ấy kích thích người lao động hơn và tạo ra một môi trường lao động thực sự chứ không chỉ là địa chỉ cho các công chức sáng cắp ô đi, tối cắp ô về.

Nếu trong năm 2017 này, Ban Kinh tế Trung ương thực hiện được các đề án cải cách mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng yêu cầu để sớm đưa vào thực tiễn, chắc chắn bộ mặt kinh tế - xã hội sẽ có nhiều biến chuyển tích cực trong tương lai lâu dài. Và như thế, có thể xem bài phát biểu của Tổng Bí thư cũng như một "đơn đặt hàng" cho Ban Kinh tế Trung ương để đưa lao động trở về với đúng giá trị thực của nó.

Hà Quang Minh
.
.