Đờn ca tài tử được UNESCO vinh danh: Bước ngoặt nhiều thách thức

Thứ Sáu, 07/03/2014, 08:00
Lễ đón bằng của UNESCO vinh danh đờn ca tài tử là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại đã diễn ra long trọng vào tối 11 và 12/2 tại Hội trường Thống Nhất Tp HCM. Khó có thể diễn tả hết niềm vui của những người đã dành trọn tâm huyết cho nghệ thuật đờn ca tài tử khi chứng kiến lễ vinh danh trong điệu đàn, hoạt cảnh đậm chất sông nước miệt vườn Nam bộ. Nghệ thuật đờn ca tài tử đã bước sang trang mới, đầy hân hoan nhưng cũng lắm cam go, thử thách ...

Ngày 5/12/2013 là một ngày đặc biệt. Nhắc lại giây phút ấy, nghệ sĩ Hải Phượng  tưởng chừng như mọi chuyện vừa diễn ra hôm qua: "Khi chúng tôi đến Thủ đô Baku, Azerbaijan để tham dự phiên họp quyết định của UNESCO, mọi người bảo nhau mang theo quốc kỳ. Nhưng tìm khắp thành phố, chúng tôi cũng không tìm được chỗ nào bán quốc kỳ Việt Nam. Cuối cùng, mọi người quyết định lấy hình lá cờ trên máy tính để in ra. Rất may là khách sạn chúng tôi ở có chiếc máy in rất tốt, in màu rất đẹp.

Đến lượt đoàn Việt Nam, ai nấy đều rất lo vì trước đó nhiều đoàn có hồ sơ rất tốt nhưng vẫn bị hội đồng phản biện và không ít trong số đó bảo vệ không thành công. Mọi người hồi hộp, căng thẳng. Lá cờ tổ quốc úp xuống mặt bàn như một tờ giấy trắng được chúng tôi cầm chặt trong tay. Đến khi nhận được tin vui, chúng tôi vỡ òa hạnh phúc, những lá cờ đồng loạt phất lên, đỏ rợp một góc phòng".

Khi tấm bằng vinh danh từ tay bà Katherine Muller - Marin, Trưởng đại diện Văn phòng UNESCO tại Việt Nam trao cho Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hoàng Tuấn Anh và đại diện 21 tỉnh thành phía Nam, niềm xúc động ngày nào lại ùa về. Vậy là bao tâm huyết, bao nỗ lực nghiên cứu, bảo tồn và phát huy của các nhà nghiên cứu, các nghệ sĩ, nghệ nhân và người yêu nghệ thuật đờn ca tài tử đã đưa loại hình nghệ thuật truyền thống của cha ông vào kho tàng di sản văn hóa vô giá của nhân loại, được thế giới bảo hộ, giữ gìn. Đó phải kể đến các công trình của Giáo sư, Tiến sĩ Trần Văn Khê, Giáo sư - nhạc sĩ Phạm Lê Tuyên, nhạc sư Vĩnh Bảo... và tấm lòng của người dân miền Nam - cái nôi sinh ra nghệ thuật độc đáo này.

Các tiết mục đờn ca tài tử tại Lễ đón bằng công nhận của UNESCO tối 11/2 tại Hội trường Thống Nhất. Ảnh: Nguyễn Á.

Đờn ca tài tử được quốc tế ghi nhận như một môn nghệ thuật dân gian có bề dày lịch sử, giàu tính nhân văn, dân tộc, đầy tính phóng khoáng và sáng tạo nghệ thuật của người dân Nam bộ. Tại 21 tỉnh thành miền Nam, sức sống của đờn ca tài tử rất mãnh liệt. Hiện nay, cả nước có hơn 2.258 câu lạc bộ đờn ca tài tử với gần 14.000 người tham gia sinh hoạt thuộc đủ mọi thành phần, độ tuổi. Loại hình nghệ thuật bác học nhưng lại mang tính dân dã ra đời từ cuối thế kỷ 19 này phát triển sâu rộng, được truyền dạy chính thức lẫn không chính thức.

Đêm vinh danh, sân khấu được thiết kế công phu, cảnh đánh bắt cá, hái sen, tát đìa, buôn bán trái cây trên bến dưới thuyền... đậm chất miệt vườn. Tiếng đờn ca tài tử vang lên đầy tự hào, khoe những bản đờn ca đã đi vào lòng người như: "Lưu thủy trường", "Dạ cổ hoài lang", "Nhớ ơn tổ nghiệp"... Ngày thứ hai biểu diễn phục vụ miễn phí cho người dân, khán đài của Hội trường Thống Nhất đông kín chỗ. Không chỉ người dân thành phố mà người dân từ các tỉnh miền Tây xa xôi cũng đến tham dự để đón nhận niềm vui này.

 NSƯT Phượng Hằng cho biết, dù đi hát đã bao năm nhưng đây là lần đầu tiên trên sân khấu chị cảm thấy tự hào và vinh dự đến vậy. Còn nghệ nhân Thanh Hùng, đại diện cho đoàn nghệ thuật đờn ca tài tử Tp Cần Thơ thì tâm sự: "Tôi cũng rất mừng khi dịp này chương trình hành động quốc gia bảo vệ và phát huy nghệ thuật đờn ca tài tử Nam bộ được phát động. Sẽ có rất nhiều thách thức, khó khăn nhưng tôi tin với sự chung tay góp sức của xã hội, nghệ thuật đờn ca tài tử của cha ông ngày sẽ càng thăng hoa và khẳng định giá trị của mình với bạn bè quốc tế"

GS-TS Trần Văn Khê: "Người Việt phải thương câu hát Việt"

Gắn bó với đờn ca tài tử mấy chục năm trời, theo sát quá trình lập hồ sơ và trình UNESCO, tôi cho rằng việc đờn ca tài tử được công nhận là dĩ nhiên vì nó xứng đáng như vậy. Sự kiện này khiến tôi rất vui, coi như nghệ thuật đờn ca tài tử đã có thêm một người bạn, một người tri kỷ yêu nhạc mình, hiểu được nhạc của mình. Đây cũng là dịp để chúng ta nhớ ra rằng đất nước mình có nhiều bộ môn nghệ thuật giá trị. Tuy nhiên, điều khiến tôi trăn trở là bây giờ đờn ca tài tử đã và đang biến chất ngày càng nhiều. Bài bản thì còn đầy đủ, kỹ thuật có thể cao hơn nhưng cái tinh thần và phong cách thua ngày xưa. Không còn cái thanh thản, thú vui chơi với nhau. Nhiều người đặt ra chuyện ký âm các bản đờn ca tài tử, điều đó là cần thiết. Nhưng không nên ký âm theo đồ, rê, mi, fa, sol... của nhạc Tây phương, làm vậy là hư đờn ca tài tử. Việc ký âm để có một cơ sở vững chắc làm nền tảng sẽ rất tốt, rồi từ đó mình tập cho học trò cách sáng tạo lúc biểu diễn. Chúng ta chỉ ký âm được cái lòng bản của đờn ca tài tử chứ không thể để vậy mà học răm rắp theo, như vậy sẽ bị xơ cứng, không còn "tài tử" nữa. Học đờn ca tài tử là "học chân phương mà đờn hoa lá". Tôi chỉ buồn là bây giờ nhiều người Việt mình đang coi thường nghệ thuật của chúng ta rồi mang mặc cảm tự ti. Họ cho rằng chúng ta thua kém rồi vọng ngoại. Bên ngoài dù có cái đẹp cái hay, mình có chấp nhận thì nó cũng là khách. Mình là chủ. Khách đến chơi thì chủ mở cửa chào đón khách, khách chơi hai ba bữa rồi về. Khách cũng chỉ được ở phòng khách chứ không phải vào từ đường ông bà để cho người ta xúm xít lại thờ tự. Do đó, họ cần phải thay đổi tư duy, là người Việt Nam chúng ta phải thương câu hát Việt Nam.

Nghệ sĩ Hải Phượng: "Nên có những chính sách đãi ngộ cho nghệ nhân"

Sau khi đờn ca tài tử được vinh danh, những người chơi nhạc tài tử chúng tôi có ba điều mong muốn. Thứ nhất là mong các thầy, các nhạc sư, các nghệ nhân của mình có được chính sách đãi ngộ để họ yên tâm làm nghề và cống hiến hết mình cho nghệ thuật. Khi nhìn thấy các thầy sống một cách tốt đẹp, nhận được sự nể trọng của cộng đồng thì học trò sẽ có động lực phấn đấu để đạt được vị trí như các thầy. Điều thứ hai, đó là sẽ có những sân chơi nhạc tài tử dành cho tất cả mọi người. Nhiều người thành phố muốn đi coi đờn ca tài tử nhưng họ không biết coi ở đâu? Cái đó đang thiếu. Mặc dù các nhóm đờn ca tài tử rất nhiều nhưng chơi và sinh hoạt là một chuyện còn việc có riêng một không gian để phục vụ khán giả thì mình chưa có. Điều thứ ba, tôi muốn những hiểu biết cơ bản về nghệ thuật đờn ca tài tử sẽ được dạy trong nhà trường. Chính học sinh, sinh viên mới là thế hệ kế thừa. Và khi các em hiểu, các em đã có một niềm tự hào về dân tộc. Khi đó, người ta sẽ sống tốt hơn và có trách nhiệm hơn đối với quê hương, đất nước.

NSƯT Ba Tu: "Đừng để đờn ca tài tử thành mảnh vườn bỏ hoang"

Một mảnh vườn rất tốt mà chúng ta dừng lại, không vun xới, không ươm hạt giống mà bỏ đất trống thì cỏ dại sẽ lên khắp mảnh đất ấy. Cho nên, sau khi đờn ca tài tử được vinh danh, ai sẽ làm công việc bảo tồn, ai tổ chức và làm cái gì, làm ra sao đang là câu hỏi lớn không dễ trả lời. Có người nói với tôi rằng đờn ca tài tử không cần bảo tồn, bảo tàng gì hết, nó sẽ tự lan tỏa, tự duy trì. Tôi không dám nói vậy. Tôi cho rằng nếu đờn ca tài tử không được tu dưỡng, bảo tồn thì nó sẽ như mảnh vườn bị bỏ hoang và mọc toàn cỏ dại. Đơn giản vì mình không học, mình không có cái nguồn gốc, cái nền tảng vững chắc. Vì nhạc tài tử rất bác học, đó là tinh hoa của dân ca, nhạc lễ, thính phòng và nhạc cung đình Huế, có bài bản đàng hoàng. Có nền tảng mới có thể sáng tạo. Còn chuyện bắt chước nhau thì không thể trưởng thành và chuyên nghiệp được. "Tài tử" có nghĩa là người giỏi, có tài về nhạc nhưng hiện nay những người thực sự giỏi đờn ca tài tử còn rất ít. Nếu họ mất, đờn ca tài tử sẽ không thất truyền nhưng nó sẽ hư, không còn là nó nữa.

Mai Quỳnh Nga
.
.