Đời sống âm nhạc hiện đại

Thứ Bảy, 13/01/2018, 08:22
Âm nhạc chưa bao giờ mất đi vị thế của nó trong đời sống tinh thần của con người. Thậm chí, khi cuộc sống ngày càng phát triển, bận rộn và căng thẳng thì nhu cầu thưởng thức âm nhạc lại càng tăng cao. Chính vì thế, âm nhạc là một trong những lĩnh vực đứng đầu ở mức độ sôi động và luôn biến đổi không ngừng để phù hợp với thị hiếu khán giả.


Những dòng chảy đa màu

Số lượng ca sĩ ngày một nhiều, các cuộc thi hát, các gameshow ca nhạc nhan nhản trên sóng truyền hình, những giải thưởng âm nhạc sôi động cuối năm... là minh chứng cho sức hấp dẫn của lĩnh vực này trong đời sống giải trí.

Không thể phủ nhận, cùng với sức sống lâu bền của dòng nhạc truyền thống thì ngày càng xuất hiện nhiều dòng nhạc có ảnh hưởng từ các nền âm nhạc, giải trí thế giới, đáp ứng nhu cầu nhất thời của nhiều khán giả trẻ. Sự phát triển như vũ bão tới mức khó kiểm soát của thị trường ca nhạc giải trí đã từng mang đến những lo lắng về sự biến chất, lai căng trong âm nhạc.

Theo đó, thị trường âm nhạc đang thừa những sáng tác nhạt nhẽo, nội dung vô bổ, mà thiếu những sáng tác mang giá trị nghệ thuật và đậm bản sắc Việt. Nhiều nhạc sĩ cho rằng, sở dĩ có tình trạng trên vì một bộ phận người trẻ hướng ngoại và tôn sùng vô điều kiện lối sống ngoại nhập. Nếu theo dõi thường xuyên sẽ thấy, mấy chục năm qua, đời sống âm nhạc Việt chạy theo khá nhiều trào lưu, khi thì nhạc Hoa lời Việt, rồi Hàn hóa, Nhật hóa...

Lĩnh vực sáng tác đã vậy, ở khía cạnh biểu diễn, việc trở thành ca sĩ dễ bề nổi tiếng, nhanh chóng mang lại thu nhập cao đã tạo ra trào lưu đổ xô đi làm ca sĩ. Thậm chí, ngay cả với những người không có giọng hát nổi trội cũng bằng mọi cách để đứng trên sân khấu. Họ nhờ sự hỗ trợ của vũ đạo, trang phục sexy mà che đi khuyết điểm trong giọng hát của mình. Hoặc, gây sự chú ý bằng những scandal đời tư hơn là những trau dồi về mặt chuyên môn.

Ngoài ra, những giải thưởng âm nhạc cuối năm từ thượng vàng hạ cám, hàng trăm tác phẩm âm nhạc được xếp hàng tôn vinh lại khiến chúng ta có cảm giác đời sống âm nhạc lòe loẹt, sặc sỡ nhưng ít giá trị thực chất. Giải thưởng nhiều, khiến sự tôn vinh bị lạm phát và trở nên hình thức.

Chưa kể, hiện nay, vì mục tiêu thương mại, quảng cáo, nhiều ca khúc, chương trình biểu diễn âm nhạc thiếu thẩm mỹ, chất lượng nghệ thuật kém vẫn được giới thiệu, lăng xê trên các kênh truyền hình, các phương tiện truyền thông đại chúng. Điều này góp phần quảng bá cho những sản phẩm kém chất lượng ngày một tràn lan trong xã hội. Chính vì vậy, một thời gian dài, đời sống âm nhạc rơi vào tình trạng sôi động bề mặt nhưng thiếu chiều sâu, thiếu những giá trị bền vững.

Nhạc giao hưởng - thính phòng ngày càng có chỗ đứng trong lòng khán giả.

Mặc dù đời sống âm nhạc còn chứa đựng nhiều yếu tố đáng buồn như vậy, nhưng hầu hết những nhà chuyên môn đều cho rằng, đây sẽ chỉ là giai đoạn quá độ của âm nhạc. Thực tế cho thấy, bên cạnh dòng nhạc truyền thống mà giá trị đã được khẳng định thì nhạc trẻ Việt Nam đang có một sự chuyển mình, biến đổi và bất cứ sự phát triển nào cũng cần mang tính kế thừa và đột phá.

Nhìn ở góc độ lạc quan thì chính sự rối ren, hỗn độn với những thử nghiệm mới mẻ vẫn đáng mừng hơn một thị trường nhạc phẳng lặng, đơn điệu. Cùng với đó, những gì có giá trị, tất yếu sẽ tồn tại với đời sống. Những gì không phù hợp sẽ bị quên lãng.

Không thể phủ nhận, nhạc trẻ đã mang lại một làn gió mới cho đời sống âm nhạc và trong số những bài hát nặng tính thị trường vẫn có những tác phẩm được đánh giá cao khiến không chỉ giới trẻ mà người lớn tuổi cũng quan tâm ủng hộ. Thế hệ nhạc sĩ trẻ như Khắc Việt, Tạ Quang Thắng, Tiên Cookie, Châu Đăng Khoa, Phạm Toàn Thắng, Vũ Cát Tường... mang đến những dấu hiệu đáng mừng cho người hâm mộ.

Nhìn vào những tác phẩm được khán giả yêu thích gần đây cho thấy, thị hiếu của giới trẻ vẫn xoay quanh những tác phẩm đơn giản, nhẹ nhàng nhưng xu hướng dịch dần về những sáng tạo và thử nghiệm mới. Cùng với việc bắt kịp sự phát triển của âm nhạc thế giới, nhiều tác giả cũng đã tìm về các giá trị tinh hoa dân tộc, ủng hộ những ca khúc có yếu tố dân gian, truyền thống.

Để đẩy lùi những mảng tiêu cực trong đời sống âm nhạc, góp phần định hướng nâng cao thẩm mĩ âm nhạc cho công chúng cần đồng loạt thực hiện nhiều giải pháp. Ngoài việc thắt chặt những vấn đề cấp phép, phổ biến ca khúc, kiểm duyệt chặt chẽ khâu biểu diễn, kiểm duyệt kỹ các chương trình phát sóng, tổ chức nhiều giải thưởng vinh danh các ca - nhạc sĩ có nhiều đóng góp những sản phẩm nghiêm túc thì việc đẩy mạnh, nâng cao giáo dục thẩm mĩ cho giới trẻ là việc làm cần thiết.

NSƯT Quốc Hưng, Quyền Trưởng khoa Thanh nhạc, Nhạc viện Quốc gia Việt Nam: Theo đuổi dòng nhạc nào thì nên làm tốt dòng nhạc ấy

- Thưa NSƯT Quốc Hưng, các thuộc thi hát, các gameshow ca nhạc vẫn đang "làm mưa làm gió" trên các kênh sóng truyền hình và với không ít ca sĩ trẻ, họ coi đây là một trong những cách khiến họ tới gần khán giả hơn. Anh nghĩ sao về điều này?

+ Quả thật hiện nay đang có quá nhiều cuộc thi hát diễn ra trên truyền hình. Bên cạnh một số cuộc thi có uy tín thì có nhiều cuộc thi hát không được giới chuyên môn đánh giá cao. Làm công tác giảng dạy nên tôi nhận thấy có những ca sĩ, khi học ở trường rất tốt nhưng sau khi vào đời, có quá nhiều cuộc thi khiến họ hoang mang không xác định được đâu là con đường đi đúng của mình nữa. Thấy cuộc thi này cũng đăng ký, thấy cuộc thi kia cũng tham gia mà hiệu quả không cao.

Có những cuộc thi chỉ phù hợp với các sinh viên hoặc những giọng hát không chuyên nghiệp tham gia. Vì ở những cuộc thi này, yếu tố chuyên môn không được đề cao, phía nhà sản xuất chủ yếu tập trung vào những chiêu trò để thu hút khán giả. Đã từng có học sinh của tôi hát khá tốt nhưng khi tham gia vẫn bị loại. Có những giọng hát bình thường nhưng lại được vào.

Tiêu chí mỗi cuộc thi khác nhau mà. Có học sinh của tôi từng nhận được giải thưởng danh giá về chuyên môn, là giảng viên của một trường nghệ thuật nhưng lại đăng ký tham gia một cuộc thi của dòng nhạc đang gây sốt trên truyền hình. Tôi đã phải khuyên em đừng đi thi những cuộc thi kiểu này nữa, vì nó khiến những gì em có được trước đó đổ xuống sông xuống bể...

- Những nghệ sĩ tương lai của anh đều là những người được học hành bài bản về thanh nhạc, nhưng nhìn vào thực tế đời sống, sự nổi tiếng đôi khi lại không đến với những người tài năng, chuyên cần... Vậy anh làm thế nào để học trò của mình bớt hoang mang?

+ Nhìn vào đời sống âm nhạc thực tế bạn sẽ thấy hầu hết những ca sĩ hay tạo scandal thường là những người không được học hành bài bản. Vì không có tài năng nên họ mới phải nhờ những yếu tố ấy để được khán giả biết tới. Không chỉ học trò mà ngay cả tôi cũng chạnh lòng khi có những giọng hát nhờ công nghệ lăng xê mà trở nên hot trên thị trường. Nhưng sự nổi tiếng ấy chỉ là nhất thời, không thể vĩnh cửu được.

Tôi thường nói với học trò rằng, tất cả những người tạo được vị trí trong nghệ thuật đều chuyên tâm sáng tạo vào một lĩnh vực nào đấy. Ví dụ như các nghệ sĩ Đăng Dương, Trọng Tấn, Lan Anh... chỉ theo đuổi một dòng nhạc họ có sở trường. Và đều thành công nhờ tài năng của mình. Mình theo đuổi dòng nhạc nào thì nên làm thật tốt dòng nhạc đấy. Vừa dạy, tôi vừa định hướng cho học sinh và thường xuyên khuyên các bạn ấy đừng quá mải mê kiếm tiền mà quên việc học tập.

- Vừa là nghệ sĩ biểu diễn, vừa làm công tác quản lý, giảng dạy, vừa tổ chức biểu diễn, anh thấy mức thu nhập của các ca sĩ hiện nay thế nào?

+ Mỗi chương trình, mỗi ca sĩ có cátsê riêng, nhưng tôi cảm nhận, đời sống những ca sĩ ở dòng nhạc chính thống khá tốt. Tôi từng trả cátsê cho những ca sĩ của dòng nhạc này nên tôi biết nó tương đối cao so mới mặt bằng chung những nghề nghiệp khác. Nếu ca sĩ có tên tuổi, thậm chí một buổi biểu diễn của họ có thể đủ sống bình thường cả tháng.

- Đời sống âm nhạc luôn sôi động và có sự biến đổi không ngừng, với anh đó là những tín hiệu lạc quan chứ?

+ Đời sống âm nhạc chuyên nghiệp không bao giờ chững lại. Thậm chí nó ngày càng đòi hỏi sự đi lên. Gần đây, các chương trình ca nhạc ở Hà Nội khá sôi động cho thấy nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của người dân Thủ đô tăng nhanh. Có một đặc điểm là chinh phục được khán giả Hà Nội không dễ, nhưng khi đã có được tình yêu của họ rồi thì họ lại là những khán giả khá trung thành. Tôi rất lạc quan vào đời sống âm nhạc. Bản thân tôi, mỗi tháng làm 1- 2 chương trình, thậm chí có những tháng 4 - 5 số, dù chi phí nhiều hay ít nhưng đều mong muốn mang đến cho khán giả những chương trình nghệ thuật đích thực.

Có điều đặc biệt là, trước đây, mảng opera thính phòng là thế mạnh của Hà Nội thì giờ đây, phía Nam lại phát triển khá tốt. Thỉnh thoảng vào cộng tác với Nhà hát nhạc vũ kịch thành phố Hồ Chí Minh, tôi thấy lịch biểu diễn, lịch dựng vở của họ gần như kín. Sở dĩ có điều này vì các chương trình nhạc kịch ở phía Nam đều được nâng cao. Đội ngũ nghệ sĩ có chuyên môn vững, nhiều em có giọng rất tốt.

Hiện tại, khán giả mới chỉ bỏ tiền ra để nghe ca khúc nhưng tôi hy vọng đến một thời điểm nào đó, họ sẽ hào hứng với âm nhạc giao hưởng thính phòng, với opera, nhạc kịch... Nhạc viện Âm nhạc quốc gia vừa qua cũng đã có dự án làm vở "Trà hoa nữ", các vai đã được phân cho những giọng hát phù hợp. Chúng tôi chỉ đợi chuyên gia người Áo sang là triển khai.

- Xin cảm ơn anh!

Ca sĩ Phạm Thu Hà: Mong muốn lớn nhất là sự yêu mến dài lâu của khán giả

Càng ngày khán giả càng có nhiều cơ hội lựa chọn cho nhu cầu giải trí của mình. Đời sống âm nhạc hiện nay rất phong phú. Phong phú không chỉ từ thể loại âm nhạc, mà còn đa dạng ở nhạc sỹ, ca sỹ, nhóm nhạc và các không gian biểu diễn khác nhau.

Đương nhiên không thể đòi hỏi chất lượng nghệ thuật và giải trí một cách đồng đều. Nhưng khán giả bây giờ họ cũng rất thông minh, họ sẽ lựa chọn cái gì hợp với mình mà tốt nhất. Đó cũng chính là tạo nên sự cạnh tranh và cũng là động lực để anh chị em nghệ sỹ tăng thêm tính sáng tạo cho các sản phẩm âm nhạc của mình.

Mỗi ca sĩ sẽ có khán giả riêng và mỗi khán giả cũng có ca sĩ riêng trong lòng mình. Tôi may mắn có được điều ấy. Đó là điều mà tôi cảm thấy tự hào và hạnh phúc. Nhưng để duy trì được điều đó dài lâu và có nhiều khán giả hơn thì bắt buộc luôn phải làm mới mình. Trong cuộc sống âm nhạc hiện giờ, để làm mới mình qua các sản phẩm âm nhạc, ngoài sự rèn luyện thường xuyên thì kinh tế là điều cũng không thể thiếu. Và khán giả chính là những người nuôi sống tôi, là những nhà đầu tư cho tôi trong từng sản phẩm. Rất may là họ chưa từng thất vọng.

Kiên định đi theo dòng nhạc bán cổ điển của mình, quả thực tôi không hề chạnh lòng khi có một số giọng hát không được đánh giá cao nhưng lại nổi tiếng rất nhanh. Mỗi người luôn có một con đường, một cách đi riêng, một điểm đến không giống nhau. Ai cũng muốn được nổi tiếng khi đã là nghệ sỹ, nhưng mong muốn lớn hơn chính là có được sự yêu mến dài lâu trong lòng khán giả. Bản thân tôi cũng rất ngưỡng mộ những anh chị em nghệ sỹ đã làm được như vậy.

Hiện nay có rất nhiều chương trình, gameshow truyền hình dành cho nghệ sĩ. Việc lên sóng truyền hình vừa có mặt tích cực, vừa có mặt hạn chế. Sóng truyền hình giúp nghệ sỹ tiếp cận đông đảo các tầng lớp khán giả, giúp khán giả biết đến nghệ sỹ nhanh hơn. Nhưng cũng chính sóng truyền hình sẽ truyền đi những hạn chế của anh chị em nghệ sỹ về mặt chuyên môn nếu họ chưa chuẩn bị một cách đầy đủ, nếu họ chưa chuyên nghiệp.

Khán giả bây giờ rất tinh, họ có những đánh giá rất nhanh và chính xác, và chủ yếu là qua sóng truyền hình. Tôi vẫn xuất hiện trên truyền hình đều đặn nhưng không phải trong các trò chơi có âm nhạc. Tôi thích những chương trình biểu diễn có chủ đề hơn. Vì với tôi, mỗi lần xuất hiện, ngoài việc trình diễn khả năng chuyên môn, tôi còn muốn chia sẻ cách nhìn về cuộc sống qua những phần biểu diễn của mình.

Năm 2018 này, tôi chắc chắn sẽ có album mới, chắc chắn sẽ vẫn có màu bán cổ điển. Nhưng sẽ là một sản phẩm mang nhiều bất ngờ hơn, cho dù sản phẩm nào của tôi cũng có yếu tố bất ngờ.

Nhạc sĩ Trương Ngọc Ninh, Chủ tịch Hội Âm nhạc Hà Nội: Tôi tin vào lớp trẻ

- Thưa nhạc sĩ Trương Ngọc Ninh, là người hoạt động lâu năm trong lĩnh vực âm nhạc, ông có nhận xét gì về đời sống âm nhạc hiện nay?

+ Cùng với sự phát triển của xã hội, âm nhạc phát triển và biến đổi rất nhanh. Khán giả chia thành nhiều nhóm với gu thưởng thức âm nhạc khác nhau. Đầu tiên phải kể đến là dòng âm nhạc cách mạng. Đây là dòng âm nhạc chủ chốt và luôn có một lớp đối tượng khán giả yêu thích không hề thay đổi. Ở mảng này, chúng ta có những tên tuổi nhạc sĩ nổi tiếng như Hoàng Vân, Huy Du, Hồ Bắc, Chu Minh... gắn liền với nhiều ca khúc hay, mang giá trị nghệ thuật cao.

Bên cạnh dòng nhạc cách mạng, phản ánh những vấn đề lớn lao của đời sống thì nhu cầu phản ánh đời sống cá nhân phát triển, kéo theo sự phát triển của một số loại nhạc như nhạc tiền chiến, nhạc trữ tình, nhạc vàng... Đây là loại nhạc miêu tả những sắc thái tình cảm trong con người như nỗi buồn, đau khổ, mất mát trong tình yêu... Mặc dù trên các phương tiện truyền thông thường gọi dòng nhạc này là Bolero, giới chuyên môn chúng tôi cho rằng, gọi như vậy là chưa chính xác. Bolero thực ra chỉ là một tiết tấu trong âm nhạc.

Và ngoài ra, không thể không nhắc tới dòng nhạc trẻ, dòng nhạc thị trường đang có ảnh hưởng rất nhiều từ nền âm nhạc K-pop của Hàn Quốc. Trong các sáng tác, cách biểu diễn đều mang đậm hơi thở tiêu biểu như hiện tượng Sơn Tùng - MTP. Tôi cho rằng, đây là điều hết sức bình thường của sự phát triển. Vì bản thân khán giả có gu âm nhạc mang hơi hướng Hàn Quốc và các nước khác, tất sẽ xuất hiện loại nhạc này để đáp ứng.

- Nhân việc ông nhắc tới sự quay lại của dòng nhạc trữ tình Bolero, ở góc độ chuyên môn, theo ông, đâu là nguyên nhân của tình trạng này? 

+ Như tôi đã nói ở trên, nhạc Bolero có khả năng phản ánh được tâm tư tình cảm, đặc biệt là nỗi buồn của con người một cách khá hiệu quả. Nó ra đời trong hoàn cảnh nhất định: đất nước chia cắt, sự ly tán của con người... Những ai đã từng trải qua giai đoạn ấy thì khó có thể quên được những kỷ niệm, những câu chuyện nghe bằng âm thanh. Ngoài ra hiện nay, chúng ta cũng đã cấp phép cho khá nhiều ca khúc sáng tác vào thời kỳ này cũng như cơ chế biểu diễn tạo điều kiện thuận lợi cho sự giao lưu của ca sĩ trong và ngoài nước.

Tuy nhiên, tôi cho rằng, số lượng các chương trình dành cho dòng nhạc này đang quá nhiều. Chúng ta nên điều chỉnh ở những cơ quan truyền thông có đối tượng khán giả theo dõi lớn như Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam và địa phương... để cân đối với các dòng nhạc khác.

Ngoài ra, không nên tạo ra quá nhiều cuộc thi hát, các gameshow xung quanh dòng nhạc này, vì suốt ngày chúng ta ỉ ôi, não nề, mang lại cảm giác con người lúc nào cũng mệt mỏi. Cả một lớp trẻ đang hừng hực sức sống với rất nhiều nhiệm vụ phía trước thì cần được "tiêm" những gì tích cực, phấn chấn. Chưa kể tới việc, hầu hết nền âm nhạc của các nước trong khu vực và trên thế giới đều mang âm hưởng chung là vui tươi, phơi phới.

- Hội Âm nhạc cũng là nơi thường xuyên tiếp nhận những sáng tác mới của các tác giả, ông đánh giá thế nào về mảng sáng tác ca khúc hiện nay?

+ Tôi cho rằng, các tác giả trẻ hiện nay khá giỏi. Họ có được tư duy sáng tác hiện đại, phong phú của thế giới, được tiếp cận với kỹ nghệ thông tin hỗ trợ rất lớn cho âm nhạc như những phần mềm hỗ trợ hòa âm, phối khí. Đề tài trong các sáng tác của họ cũng khá phong phú, như về quê hương, đất nước, tình yêu nam nữ... Cách thể hiện tình yêu đất nước của họ đi vào chi tiết chứ không thông qua những điều hoành tráng, lớn lao như các thế hệ trước.

Nhiều người cho rằng, lớp trẻ ngày nay không chịu trau chuốt ngôn từ, giai điệu, tôi lại cho rằng, thế hệ nhạc sĩ thời chúng tôi có thuận lợi là có đề tài lớn để phản ánh. Trong hoàn cảnh binh đao khói lửa, các phương tiện truyền thông ít, viết bài nào là khán giả biết bài ấy. Giờ đây, các bạn trẻ phải chịu sự cạnh tranh sàng lọc rất lớn. Lớp nhạc sĩ trẻ hiện nay có nhiều bài hay chứ. Những tên tuổi như Đức Trí, Nguyễn Hải Phong, Huy Tuấn, Anh Quân... rồi các bạn trẻ hơn như Đức Cường, Duy Hùng, Lê Cát Trọng Lý, Trịnh Minh Hiền... đều có được những tác phẩm khán giả yêu thích. Tôi tin vào lớp trẻ.

- Hiện nay vẫn phổ biến tình trạng những tác phẩm âm nhạc được giải thưởng của các hội nghề nghiệp nhưng lại không được nhiều khán giả biết đến bằng những tác phẩm có khi chưa được đánh giá cao về chất lượng nghệ thuật, thưa ông?

+ Đây thực sự là một vấn đề nan giải. Là Chủ tịch Hội Âm nhạc Hà Nội nên tôi biết, có nhiều sáng tác hay nhưng trong khả năng của các nhạc sĩ, họ chỉ có thể thu âm làm thành đĩa gửi cơ quan chuyên môn là xong. Nhưng các ca sĩ trẻ, có điều kiện kinh tế thì lại khác. Họ đầu tư vào hình ảnh, quảng bá cho ca khúc nên thu hút đông đảo khán giả.

Các nhạc sĩ không có điều kiện đầu tư nên tác phẩm không đến với khán giả được, ngoại trừ một vài trường hợp ca khúc ấy được ca sĩ nổi tiếng biểu diễn hoặc bản thân tác giả có điều kiện. Tuy nhiên, tình trạng này có thể dần được cải thiện khi thế hệ nhạc sĩ trẻ hiện nay có sự hiểu biết tốt về âm nhạc. Hầu hết họ đều là những nhà sản xuất âm nhạc, vừa sáng tác, phối khí và phổ biến ca khúc của mình.

- Xin cảm ơn nhạc sĩ!
Thảo Duyên - Tuấn Phong (Thực hiện)
.
.