Đời sống âm nhạc Việt: Ồn ào mà trống vắng

Thứ Sáu, 01/03/2013, 09:13

Một mùa giải thưởng âm nhạc đang rộn ràng trên các phương tiện truyền thông đại chúng. Những chương trình truyền hình thực tế về ca nhạc đang được dịp bung nở, áp đảo các lĩnh vực khác... Tuy nhiên, trái ngược với không khí sôi động ấy, đời sống âm nhạc lại đang thiếu vắng những tài năng âm nhạc thực sự, thiếu vắng những liveshow ca nhạc chất lượng đánh dấu bước trưởng thành của các nghệ sĩ. Những xu hướng trái chiều trong bức tranh âm nhạc đa sắc màu ấy đã cho thấy: Chúng ta đang có một đời sống âm nhạc tẻ nhạt và ít đột phá.

Âm nhạc luôn chiếm một vị trí quan trọng trong đời sống nghệ thuật. Chính vì thế, các giải thưởng trong lĩnh vực âm nhạc luôn nhận được sự quan tâm của đông đảo khán giả. Những ngày đầu năm này, một loạt giải thưởng âm nhạc lần lượt được tổ chức như "Làn sóng xanh", "Zing music award", "Mai Vàng", "Bài hát yêu thích"… Một số giải thưởng khác cũng đang rục rịch bước vào giai đoạn nước rút như "Bài hát Việt", "Cống hiến", "HTV Award". Chưa kể tới nhiều chương trình truyền hình liên quan tới ca hát cũng đã và đang thống lĩnh trên các phương tiện truyền thông như "Giọng hát Việt", "Vietnam Idol", "Gương mặt yêu thích"…

Giải thưởng là thước đo ở mọi lĩnh vực chứ không riêng gì âm nhạc. Nếu chỉ nhìn vào số lượng các giải thưởng âm nhạc, số lượng các chương trình truyền hình thì liệu có đủ căn cứ để chúng ta hy vọng về một đời sống âm nhạc chất lượng hay không? Câu trả lời là "không" bởi đã nhiều năm trôi qua, những giải thưởng âm nhạc lần lượt được trao nhưng không mấy giải thưởng thuyết phục được người yêu nhạc. Nhàm chán, ít nhân tố mới là điều dễ nhìn thấy nhất trong đời sống âm nhạc mà nó thể hiện rõ nét qua các giải thưởng. Hàng chục năm nay, danh sách các ca sĩ đề cử ở hàng chục các giải thưởng quanh đi quẩn lại vẫn là những cái tên quen thuộc như Mỹ Tâm, Đan Trường, Hồ Ngọc Hà, Đàm Vĩnh Hưng, Hồ Quỳnh Hương, Cẩm Ly… Đàm Vĩnh Hưng vừa ẵm trọn giải thưởng "Nam ca sĩ được yêu thích nhất" của "Zing music award" thì lại tiếp tục rinh về giải "Nam ca sĩ nhạc nhẹ được yêu thích nhất" của giải Mai Vàng. Chưa kể, anh cũng kịp lận lưng giải phụ video clip cho album "Tuổi hồng thơ ngây" cũng tại "Zing music award". Tương tự, ca sĩ Hồ Ngọc Hà cũng bội thu giải thưởng khi trước đó, cô vừa vinh danh tại giải thưởng "Làn sóng xanh", giải "Nghệ sĩ của năm" ở "Zing music award", rồi lại tiếp tục lên bục nhận giải "Mai Vàng" dành cho "Nữ ca sĩ nhạc nhẹ được yêu thích nhất". Giải thưởng nhiều như vậy nhưng thực sự tài năng của các ca sĩ này hay những đóng góp của họ cho âm nhạc hiện vẫn là một điều dư luận còn tranh cãi.

Đáng buồn hơn, tiêu chí: "Không có tai tiếng trong giới showbiz, có đạo đức nghề nghiệp, tạo ấn tượng tốt với khán giả" mà giải thưởng "Làn sóng xanh" đề ra dường như là một yêu cầu quá cao với thực tế. Bởi không khó để nhìn thấy không ít ca sĩ vinh danh tại các giải thưởng đã vướng vào những scandal khó có thể cảm thông. Nụ hôn phản cảm của ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng với một sư thầy tại một buổi đấu giá từ thiện dường như không tạo trở ngại gì trên con đường rinh giải thưởng của nam ca sĩ này. Tương tự, trước đó, ca sĩ Minh Hằng cũng đã vượt lên trên không ít đồng nghiệp được đánh giá là có nhiều nỗ lực hơn để mang về khá nhiều giải thưởng dù thực tế, hoạt động nghề nghiệp của cô ít hơn nhiều so với scandal mà cô mắc phải. Trước những phản ứng không đồng tình của dư luận, phía nhà tổ chức cho rằng, họ tôn trọng sự bình chọn của khán giả. Tuy nhiên, đã có nhiều chứng minh cho thấy, không phải sự lựa chọn nào của số đông cũng là chính xác, nhất là trong thời buổi người ta có thể bỏ tiền túi ra để mua bình chọn như hiện nay. Một vài ban tổ chức giải thưởng ca nhạc đã mạnh dạn có những động thái can thiệp vào những sự bình chọn không công bằng, thiếu minh bạch. Ban tổ chức chương trình "Bài hát yêu thích" không chấp nhận tin nhắn từ những sim có sêri liền nhau bởi đó là hành vi mua một loạt sim khuyến mại để bình chọn cho thần tượng của mình.

Bước ra từ các cuộc thi, ai trong số họ sẽ trở thành những nghệ sĩ đóng góp tích cực cho âm nhạc.

Tràn lan giải thưởng nhưng để tìm được những giải thưởng thuyết phục, kết quả giải thưởng minh bạch lại khó khăn như mò kim đáy bể. Cũng tại chương trình "Bài hát yêu thích", khi ca khúc "Chiếc khăn Piêu" do ca sĩ Tùng Dương thể hiện bất ngờ vượt lên ca khúc "Người hát tình ca" của ca sĩ Uyên Linh để đạt danh hiệu "Bài hát của năm" với giải thưởng 1 tỷ đồng thì nhận được ý kiến không đồng tình của cả khán giả và người trong cuộc. Trước đó không lâu, vào thời điểm nước rút, nhiều khán giả cho biết, họ đã không thể bình chọn cho ca khúc mà mình yêu thích là "Người hát tình ca". Trong khi, nếu bình chọn cho "Chiếc khăn Piêu" thì lại được?! Chương trình "Vietnam Idol" năm nay được đánh giá là một mùa thất bát vì không có nhiều giọng ca chất lượng lọt vào chung kết. Nhưng việc Ya Suy - chàng trai Tây Nguyên bất ngờ vượt lên trên Hoàng Quyên - cô ca sĩ nhỏ bé nhưng được đánh giá là có năng khiếu chuyên môn vượt trội để dành danh hiệu Thần tượng Âm nhạc Việt đã thực sự khiến dư luận một phen "dậy sóng". Sự bình chọn cảm tính, thiếu chính xác, thiếu công tâm đã khiến cho những giải thưởng không tìm được điểm chung giữa khán giả và Hội đồng nghệ thuật. Nhưng không thể làm khác vì quyền quyết định đã được trao vào chính số đông khán giả.

Từ các giải thưởng, chúng ta thấy rõ, đời sống âm nhạc đang rơi vào vòng luẩn quẩn: "Hay" thì không "mới" mà "mới" thì không "hay". Tại "Zing music award" vừa qua, việc album "Nợ" của ca sĩ Phạm Trưởng đạt danh hiệu album của năm khiến dư luận ngỡ ngàng bởi rất nhiều người không biết Phạm Trưởng là ai. Trước đó, cũng tại giải thưởng này, khi Dương Triệu Vũ bất ngờ đạt danh hiệu "Nghệ sĩ trẻ được yêu thích" cũng chưa thật sự thuyết phục. Tương tự, nhiều tên tuổi tham gia một cuộc thi, hát một vài ca khúc như Bùi Anh Tuấn, Đồng Lan… cũng đã kịp nhận về một số giải thưởng.

Đời sống âm nhạc được đánh giá là trầm lắng, thiếu những đỉnh cao khi mà trái ngược với những cuộc thi âm nhạc đang nở rộ trên truyền hình, chúng ta đang thiếu vắng những liveshow ca nhạc chất lượng, hoành tráng. Không thể phủ nhận, tình trạng suy thoái kinh tế, thiếu vắng nhà tài trợ là một nguyên nhân quan trọng khiến các ca sĩ dừng kế hoạch tổ chức liveshow cho mình. Một trong những nguyên nhân ít liveshow còn bởi nghị định biểu diễn bắt đầu có hiệu lực từ tháng 1/2013 quy định khá mạnh tay về việc hát nhép nên những liveshow của các ca sĩ trẻ nhằm quảng bá tên tuổi sẽ ít hẳn.

Không chỉ những ca sĩ trẻ như Dương Triệu Vũ, Đông Nhi, Noo Phước Thịnh... mà ngay cả những tên tuổi như Đàm Vĩnh Hưng, Hồ Quỳnh Hương, Phương Thanh cũng biết chắc sẽ lỗ khi làm liveshow. Ca sĩ Hồ Quỳnh Hương từng chia sẻ: "Thuyền lớn sóng lớn. Mình càng đầu tư hoành tráng cho chương trình thì lỗ càng nặng"; hay - nói như ca sĩ Phương Thanh: "Làm liveshow cầm chắc lỗ trong tay"... Thế nên năm qua, những liveshow đình đám chỉ đếm trên đầu ngón tay. Đó là liveshow của ca sĩ Bằng Kiều; "Những câu chuyện kể của tôi "của nhạc sĩ Dương Thụ, "Như chờ từng giấc mơ" của nhạc sĩ Trần Tiến. Năm qua, chỉ có ca sĩ tiềm lực như Đàm Vĩnh Hưng mới mạnh dạn thực hiện liveshow "Số phận" còn lại hầu hết các ca sĩ đều án binh bất động. Về phía khán giả cũng vậy, trong thời buổi kinh tế eo hẹp hiện nay, không phải dễ dàng để họ có thể bỏ ra vài triệu mua một chiếc vé ca nhạc. Có hai xu hướng của các ca sĩ hiện nay là tổ chức liveshow mini tại các phòng trà - nơi mà các ca sĩ không phải chi phí nhiều và chỉ dành cho các khán giả ruột có tiềm lực kinh tế sẵn sàng bỏ tiền mua những chiếc vé với giá thành cao. Xu hướng thứ 2 là chuyển địa điểm tổ chức sang những nơi bình dân để có thể mở rộng đối tượng khán giả.

Thừa những giải thưởng nhạt nhòa, thiếu vắng những liveshow chất lượng, chúng ta đang có một nền ca nhạc rộn ràng bề nổi mà thiếu chiều sâu. Nên chăng, bản thân các nhà tổ chức giải thưởng cần có nghiên cứu, điều chỉnh cũng như thật công tâm để những tên tuổi được vinh danh thực sự là những nghệ sĩ có đóng góp quan trọng cho đời sống âm nhạc. Như vậy, giải thưởng mới thực sự là đòn bẩy, là động lực để các nghệ sĩ cống hiến hết mình

T.D.
.
.