Đội ngũ MC trẻ: Cần có phong cách riêng

Thứ Bảy, 17/09/2016, 09:08
Sự bùng nổ các chương trình giải trí trên truyền hình là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng nở rộ người dẫn chương trình (MC) ở nước ta hiện nay. Có lẽ, giờ đây, tiêu chí lựa chọn MC không đơn thuần là khả năng dẫn chuyện, sự hoạt ngôn, tinh tế trong xử lý tình huống... mà còn là nhan sắc, tên tuổi của người dẫn chương trình. Chính vì vậy mà trên các sân khấu, gương mặt MC mới xuất hiện liên tục nhưng để “điểm danh” những cái tên thực sự ấn tượng thì sẽ là bài toán có nhiều đáp án gây tranh cãi.


“Lỗi” khi dẫn chương trình – Chuyện “thường ngày ở huyện”

Trấn Thành là cái tên mà nhiều người muốn nhắc đến khi nói về gương mặt MC trẻ, triển vọng. Người viết bài này từng nhận định rằng, Trấn Thành là MC nổi bật nhất trong đội ngũ MC trẻ hiện nay bởi lối dẫn chuyện dí dỏm, duyên dáng và rất linh hoạt trên sân khấu.

Những sân chơi mà MC này “cầm trịch” như “Người bí ẩn”, “Thử thách cùng bước nhảy”, “Cặp đôi hoàn hảo” 2013, “Giọng hát Việt nhí” mùa đầu tiên… gây được ấn tượng mạnh mẽ với khán giả. Tuy nhiên, một điều mà rất nhiều người nhận thấy là cách dẫn của Trấn Thành cần phải tiết chế, vừa phải hơn, nếu không, chàng MC điển trai này khó có thể giữ được sự yêu mến của khán giả.

Đêm trao giải “Ấn tượng VTV – Chuyển động 2016” – một giải thưởng danh giá của Đài Truyền hình quốc gia dành cho những người có đóng góp cho sự phát triển của Nhà đài hôm 7/9 vừa qua, cách dẫn chuyện dông dài, hài hước của Trấn Thành không phù hợp với không gian sang trọng của buổi lễ trao giải.

Có ý kiến còn “nặng lời” chỉ trích Trấn Thành dẫn chương trình “nhạt, nhảm”, “hài chẳng ra hài mà nhí nhố”. Thêm vào đó, Trấn Thành còn “phạm lỗi nghiêm trọng” là thường ngắt lời khách mời khi họ đang nói.

MC Trấn Thành và Ái Phương dẫn chương trình Lễ trao giải “Ấn tượng VTV – Chuyển động 2016”.

Một số khán giả bức xúc khi Trấn Thành pha trò đùa bằng những câu nói tiếng Hàn trong lúc khách mời diễn viên Hàn Quốc – Kang Tae Oh đang phát biểu. Là một MC thuộc hàng đắt show hàng đầu showbiz, với kinh nghiệm tích lũy qua nhiều chương trình giải trí lớn nhỏ nhưng những gì mà Trấn Thành thể hiện trong “Ấn tượng VTV – Chuyển động 2016” khiến khán giả cảm thấy thất vọng.

Một trong những “hạt sạn” của đêm chung kết Hoa hậu Việt Nam 2016 hồi cuối tháng 8/2016 cũng là ở người dẫn chương trình. Dù hội tụ dàn MC đình đám là Á hậu Thụy Vân, Vũ Mạnh Cường, Đức Bảo, Ái Phương nhưng chung kết Hoa hậu Việt Nam 2016 vẫn không làm khán giả cảm thấy hài lòng.

Không ít lần MC của chương trình mắc lỗi ngay trên sóng truyền hình trực tiếp. Khi giới thiệu tên những hoa hậu tham dự chương trình, MC Vũ Mạnh Cường lần lượt đọc tên sáu hoa hậu, trong khi ở hàng ghế VIP mới có… hai người. Trong chương trình, khán giả cũng “bắt” được một số lỗi khác của MC như nói lắp, nói nhầm tên khách mời...

Sự phản ứng thiếu nhanh nhạy của MC và lỗi nhầm lẫn đáng tiếc của các MC là “điểm trừ” của đêm chung kết Hoa hậu Việt Nam 2016.

Thành Trung là một MC “đang lên” trong showbiz Việt. Việc anh xuất hiện với vai trò người dẫn chuyện hàng loạt gameshow lớn thời gian gần đây như “The Remix - Hòa âm ánh sáng” 2016, chung kết “Gương mặt thương hiệu – The Face”… đã chứng tỏ MC này ngày càng được yêu mến.

Tuy nhiên, cũng như Trấn Thành (phải chăng do đều xuất thân từ diễn viên hài), cách dẫn của Thành Trung thường bị “quá”, thiếu tiết chế làm khán giả cảm thấy mệt mỏi. Với tư cách là người cầm trịch chương  trình “The Remix - Hòa âm ánh sáng” nhưng Thành Trung liên tục nói sai, tấu hài dài dòng không cần thiết, thậm chí còn đeo kính đen khi dẫn chương trình.

Thành Trung cũng không khéo léo trong xử lý tình huống khi nói rằng không có thời gian phỏng vấn Giang Hồng Ngọc – quán quân chương trình mùa đầu tiên khiến cô phải “kêu than” trên trang facebook cá nhân sau đó. Tương tự như vậy, Nguyên Vũ – một MC nhiều “tai tiếng” khiến giám khảo Nguyễn Hưng nổi nóng trong chương trình “Hãy nghe tôi hát” lên sóng hồi tháng 4/2016.  Màn “đấu khẩu” của hai nghệ sỹ gây nên những luồng dư luận trái chiều trong khán giả.

Muốn đi đường dài cần có phong cách riêng

Hiếm có lĩnh vực nào lại “mở” như lĩnh vực người dẫn chương trình truyền hình. Rất nhiều hotgirl, hot boy, diễn viên, người mẫu, ca sĩ… thử sức ở lĩnh vực dẫn chương trình. Điều này có nhiều nguyên nhân và một trong những nguyên nhân chính là sự bùng nổ các gameshow trên truyền hình. Sự “khan hiếm” MC tất yếu xảy ra.

Các nhà đài muốn tìm gương mặt mới để tạo ra sự mới mẻ cho chương trình nên “mạnh dạn” mời những ca sĩ, người mẫu, diễn viên… có ít nhiều danh tiếng dẫn chương trình. Trong khi đó, ca sĩ, người mẫu, diễn viên thì “tặc lưỡi”, thôi thì để thử sức ở một lĩnh vực mới, hoặc chí ít cũng là để khán giả nhớ đến mình.

Những gương mặt mới đã tạo ra làn gió mới cho sân khấu Việt nhưng cũng không ít người bị gắn mác “bình hoa di động” hay “thảm họa MC”. “Nghề nói”, tưởng như không phức tạp nhưng khi cầm mic lại là thử thách quá sức của nhiều người đẹp. “Lỗi” phổ biến nhất mà các MC “tay ngang” thường mắc phải là quá lệ thuộc vào kịch bản nên cách dẫn chuyện cứng nhắc, nhạt, thiếu sức lôi cuốn, hấp dẫn, thiếu linh hoạt trong cách xử lý tình huống phát sinh trên sân khấu.

Dàn MC tài sắc trong đêm chung kết Hoa hậu Việt Nam 2016. Từ trái qua: Vũ Mạnh Cường, Thụy Vân, Ái Phương, Đức Bảo.

Nhiều khán giả có chung nhận định, trong tình trạng “người người dẫn chương trình” hiện nay, rất ít MC trẻ thực sự tạo được dấu ấn trong lòng khán giả. Dấu ấn đó chính là phong cách, cá tính riêng của mỗi MC.

Mỗi MC chỉ có thể thành công và đi đường dài nếu tìm được cách nói chuyện với khán giả theo cách riêng của mình. Phong cách chính là “chìa khóa” mở ra cánh cửa thành công cho các MC. Tuy nhiên, rất tiếc, đây lại là điều mà dường như đội ngũ MC Việt trẻ chưa chú trọng. Phong cách phải được xây dựng trên nền tảng của tài năng, tri thức và trước hết, đó phải là cái “tâm”, sự nghiêm túc với nghề nghiệp, sự yêu nghề, khát khao được cống hiến.

Xây dựng phong cách cũng phải là một quá trình tích lũy kiến thức, kinh nghiệm lâu dài. Kiến thức về mọi mặt sẽ là hành trang để người dẫn chương trình tiến những bước xa hơn trong nghề nghiệp.

Được biết, ở Việt Nam hiện nay chưa có trường lớp nào đào tạo “nghề” dẫn chương trình một cách bài bản, đó mới chỉ là những lớp học ngắn hạn do các trung tâm truyền hình, nhà văn hóa tổ chức. Chính vì lẽ đó, quá trình tự học, tự tích lũy tri thức của các MC càng trở nên quan trọng.

Trong bối cảnh này, những chương trình tìm kiếm tài năng dẫn chương trình rất cần thiết. Trong những năm qua, hai chương trình tìm kiếm tài năng dẫn chương trình uy tín là “Én Vàng” của Đài Truyền hình Thành phố Hồ Chí Minh (HTV), “Cầu vồng - lĩnh vực người dẫn chương trình” của VTV6 đã bổ sung cho sân khấu Việt nhiều gương mặt MC có tài, có sắc.

Chương trình “Én Vàng” 2016 cũng đã khởi động, hứa hẹn một mùa giải với nhiều “anh tài” trên khắp cả nước. Tuy nhiên, xét trên bình diện chung thì hai chương trình trên vẫn còn quá ít so với nhu cầu MC trong lĩnh vực giải trí. Bên cạnh đó, sự trang bị kiến thức “cấp tốc” thông qua các thử thách trong khuôn khổ cuộc thi cũng chưa thể cung cấp đủ cho thí sinh những kiến thức cần thiết về nghề nghiệp.

Thời gian gần đây, không nhiều phương tiện truyền thông, đặc biệt là thiếu vắng những bài viết lý luận, phê bình trên báo chí đề cập đến lĩnh vực người dẫn chương trình. Sự đồng hành của báo chí trong việc xây dựng đội ngũ MC Việt ngày càng có chất lượng, chuyên nghiệp là điều vô cùng cần thiết. Sẽ rất đáng tiếc nếu tất cả trở nên bão hòa trong showbiz Việt đang bị coi là “vàng, thau lẫn lộn”. Sẽ rất đáng tiếc nếu những “thảm họa MC” vẫn có “đất sống” và chúng ta coi đó là điều hết sức bình thường, không đáng phải lên tiếng…

Tường Phạm
.
.