Đổi mới giáo dục nhìn từ góc độ “người trong cuộc”

Thứ Bảy, 22/10/2016, 08:04
Cải cách giáo dục ở Việt Nam là nỗi ám ảnh là bởi nó dường như chưa được thực hiện dựa trên các phân tích, đánh giá, kiểm chứng bằng khoa học một cách kỹ lưỡng, nhẫn nại của những cán bộ quản lý ngành. Nó chỉ là các hành động được xuất phát từ các mong muốn, những ý tưởng khởi sinh nhỏ lẻ của những người làm giáo dục theo tư duy nhiệm kỳ...


Nền giáo dục tiến bộ phải đặt học sinh làm trọng tâm

Hà Quang Minh

Cuối tháng Chín vừa rồi, Prince Ea (tên thật là Richard Williams), một nghệ sỹ trình diễn ngôn ngữ, nhà thơ, rapper Mỹ mới tung ra một video trên youtube có tên “Tôi đã kiện hệ thống giáo dục học đường” với câu mở đầu khá sốc của Albert Einstein rằng: “Ai cũng là thiên tài. Nhưng nếu bạn đánh giá con cá bằng khả năng leo cây, suốt đời nó sẽ sống với một niềm tin rằng nó là kẻ đần độn”.

Video đó được dàn dựng trên bối cảnh Prince đóng vai luật sư bên nguyên, và anh mở đầu “phiên tòa” bằng câu: “tôi khởi kiện nền giáo dục này vì nó không chỉ bắt cá leo cây mà còn bắt chúng phải xuống dốc và chạy đua”. Sau đó, Prince đưa ra bằng chứng rất thuyết phục rằng chiếc điện thoại bây giờ khác 100 năm trước ra sao; phương tiện giao thông cá nhân hôm nay khác 100 năm trước thế nào… còn lớp học của ngày hôm nay vẫn chẳng khác gì lớp học của một thế kỷ trước.

Bằng video của mình, Prince chứng minh sự lạc hậu, bó buộc chính mình của ngành Giáo dục và video đó lập tức đã được chia sẻ với tốc độ chóng mặt, được dịch phụ đề ra nhiều thứ tiếng (cả tiếng Việt) cùng lượng lượt xem lên tới hàng triệu trong quãng thời gian chưa đầy nửa tháng.

Câu chuyện của Prince Ea cho thấy một chân lý: “như vạn vật, giáo dục phải vận động, và bởi thế, buộc phải tiến hành cải cách”.

Nhưng ở Việt Nam, bốn tiếng “cải cách giáo dục” lại là ám ảnh kinh khủng đối với cộng đồng. Các bậc phụ huynh sợ hãi đến mức chống lại nó, kể cả là những chống lại phi lý nhất bởi bản thân phụ huynh cũng không nắm vững các nguyên lý của ngành giáo dục, của khoa học… Nhưng họ vẫn phải chống lại, vì một lý do đơn giản nhất: Họ không muốn con cái mình trở thành chuột bạch cho những cải cách mang tính cảm hứng từ những người hoạch định chính sách.

Sở dĩ, cải cách giáo dục ở Việt Nam là nỗi ám ảnh là bởi nó dường như chưa được thực hiện dựa trên các phân tích, đánh giá, kiểm chứng bằng khoa học một cách kỹ lưỡng, nhẫn nại của những cán bộ quản lý ngành. Nó chỉ là các hành động được xuất phát từ các mong muốn, những ý tưởng khởi sinh nhỏ lẻ của những người làm giáo dục theo tư duy nhiệm kỳ.

Bởi vậy, mỗi nhiệm kỳ của một Bộ trưởng Giáo dục sẽ lại có vài chính sách cải cách; ý tưởng thay đổi được đưa ra, và được áp dụng một cách vội vã, để từ đó, cứ đến hẹn lại lên, 5 năm một lần lại có vài thế hệ bị mang ra làm “vật thí nghiệm” của ngành Giáo dục cồng kềnh mà không hiệu quả này.

Khát vọng thay đổi, cải tiến, cách tân nhằm nỗ lực kiến tạo những thế hệ người Việt văn minh hơn, giàu tri thức hơn, gần với thực tiễn hơn, giỏi về ứng dụng nhưng cũng tài về khoa học là một khát vọng đẹp, nếu không nói là vĩ đại.

Nhưng bất kỳ mục tiêu nào cũng vậy, cần phải được cân nhắc hướng tới bằng một kế hoạch hành động mang tính khoa học, có các đối chứng, các phản biện kiểm chứng, có các đánh giá chi tiết nhất, cụ thể nhất để giảm thiểu những nhóm cá biệt rủi ro. Thế hệ tương lai là sản phẩm của chúng ta và bởi thế, như một dây chuyền sản xuất, chúng ta phải giảm thiểu phế phẩm xuống mức thấp nhất.

Nhưng cơ bản, ngành Giáo dục Việt Nam dường như hiếm khi đặt học sinh vào trọng tâm của các cuộc cải cách, mà thay vào đó, trọng tâm được đặt ra luôn dựa trên ý kiến chủ quan của vài người, dựa trên mục tiêu thành tựu của một ê kíp nhiệm kỳ. Chính vì thế, khi học sinh thành nạn nhân, phụ huynh tất nhiên sẽ nổi lên “chống” lại ngành Giáo dục bất chấp họ cũng không có kiến thức khoa học về ngành nghề gian khó bậc nhất nhân loại này.

Đã đến lúc, các thế hệ học sinh không thể bị biến thành những vật thí nghiệm kiểu bắt cá leo cây, xuống dốc và chạy đua nữa. Họ phải được trân trọng, đặt vào trọng tâm của tất cả các chiến lược, chính sách, kế hoạch hành động của ngành giáo dục, với tiêu chí duy nhất “mang lại lợi ích tối đa cho học sinh; xây dựng tính dân chủ và tự chủ cho học sinh từ nhỏ; phát huy hết tiềm năng của học sinh”. Nhược bằng không, với các thí nghiệm của mình, ngành Giáo dục sẽ tiếp tục sản sinh ra những thế hệ mang nỗi ám ảnh rằng mình là người không có khả năng.

Thầy Nguyễn Chí Công- Giảng viên đại học Sư phạm Hà Nội: Thay đổi để phát triển luôn là điều khó khăn

Linh Nguyễn (thực hiện)

- Anh có ủng hộ việc thay đổi của Kỳ thi chung Quốc gia theo đề án mới của Bộ Giáo dục và Đào tạo hay không? Từ góc độ là một giáo viên, theo anh, cách thức đào tạo của chúng ta hiện nay có đủ điều kiện để đáp ứng được những đổi mới của kỳ thi?

+ Việc thay đổi của kì thi tốt nghiệp THPT quốc gia về cơ bản là sự kế thừa và phát triển của các kì thi trước nên tôi ủng hộ. Với môn toán, chuyển thi tự luận sang thi trắc nghiệm khách quan là một thay đổi đáng kể.

Hình thức thi trắc nghiệm môn toán có phần khác với hình thức thi tự luận ở chỗ, câu hỏi đa dạng, bao quát được toàn bộ kiến thức toán. Ngoài ra cần làm bài nhanh, có kĩ năng sử dụng máy tính thành thạo. Cách thức đào tạo của chúng ta trước đây chủ yếu là tự luận, khi chuyển đổi sang trắc nghiệm thì cũng không phải là vấn đề trở ngại lớn.

- Vậy theo anh, từ phía giáo viên sẽ gặp thuận lợi/ khó khăn gì?

+ Trước đây các thầy cô giáo chúng ta đã quen với cách dạy tự luận; khi chuyển sang trắc nghiệm thì bản chất bài toán cũng không thay đổi, mà chỉ là thay đổi cách giải như thế nào cho phù hợp để nhanh ra đáp án chính xác. Ngoài kĩ năng phân tích vấn đề, giải quyết vấn đề thì thầy cô cũng cần hướng dẫn học sinh giải bài toán đó theo nhiều cách khác nhau, đặc biệt là những cách giải nhanh, sử dụng được máy tính hỗ trợ. Cần tổng quát hoá được bài toán.

- Còn từ phía học sinh, việc thay đổi liên tục các hình thức thi cử như thế có cần thiết hay không, bởi nó có tác động không nhỏ đến tâm lý của học sinh. Và sự thay đổi này có quá đột ngột, dẫn đến việc học sinh trở tay không kịp?

+ Thay đổi hình thức thi tự luận toán sang thi trắc nghiệm cũng không phải là một vấn đề quá lớn. Vì dù sao khi đã giải quyết được bài toán thì hình thức thi nào cũng không đáng ngại lắm. Do là một sự thay đổi mới nên học sinh lo lắng cũng là đúng, tuy nhiên với đề thi minh hoạ của bộ thì các em cũng yên tâm là nội dung nằm hoàn toàn trong sách giáo khoa toán lớp 12.

Để giải nhanh được một bài toán thì trước hết các em cần phải hiểu bản chất bài toán đó, giải được bằng tự luận, giải thích các bước giải. Từ đó làm đi làm lại bài toán, sử dụng kĩ năng máy tính để giải nhanh ra đáp án cần lựa chọn.

- Vậy nhưng Hội Toán học phản đối thi trắc nghiệm môn toán, họ cho rằng như thế không phù hợp với mục tiêu đào tạo, còn quan điểm của cá nhân anh thì sao?

+ Thi với hình thức trắc nghiệm hay tự luận đều có điểm mạnh và điểm yếu riêng. Từ trước tới nay chúng ta quen với hình thức thi tự luận, bài tập cần sự phân tích tổng hợp, lập luận chặt chẽ mới giải được bài toán. Và học toán không phải chỉ ra được đáp án, mà phải giải thích vì sao ra được đáp án đó.

Tuy nhiên khi gộp kì thi tốt nghiệp và thi đại học vào làm một đề chung thì hình thức thi tự luận không còn phù hợp nữa, vì số lượng câu hỏi ít, không bao quát được nội dung chương trình học. Do đó hình thức thi trắc nghiệm phù hợp hơn, có nhiều câu hỏi hơn, đồng nghĩa với có nhiều nội dung để hỏi hơn và sẽ bao quát được hầu hết các chương trình học.

Và thực tế với đề thi minh hoạ, có những câu hỏi đơn giản chỉ bấm máy tính là ra đáp án, nhưng cũng có nhiều câu hỏi muốn ra được đáp án, các em cần phải phân tích, tư duy mới giải được (như câu 8, 10, 21, 40, 50). Thi trắc nghiệm đúng là không trình bày cách giải mà chỉ cần cho ra đáp án. Tuy nhiên để ra được đáp án đúng thì các em cũng phải trình bày, lập luận cách giải "trong đầu", và viết ra nháp chứ không phải là vào bài làm mà thôi.

- Là một giáo viên môn toán lâu năm ở Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, theo anh, với hình thức thi trắc nghiệm như thế, học sinh sẽ học như thế nào để đạt hiệu quả cao trong kỳ thi này?

+ Khi học: Để có thể làm nhanh và đúng các câu hỏi trắc nghiệm, các em cần theo thứ tự như sau: làm một bài tập theo hình thức tự luận đầy đủ, hiểu được bài tập đó một cách tổng quát, làm lại bài tập đó nhiều lần để hoàn thành kĩ năng bấm máy tính, mẹo giải nhanh một số bài...

Khi thi: Thi trắc nghiệm khác với thi tự luận là các câu hỏi khó lẫn vào các câu hỏi dễ không theo một trật tự nào. Do đó, khi làm bài các em cần đọc từng bài một, khoanh luôn đáp án cho câu dễ. Dừng lại suy nghĩ cho các câu hỏi khó hơn khoảng 2 phút, nếu không xong thì khoanh câu đó lại làm sau. Với các câu dài và khó hiểu các em cần khoanh tròn 2 vòng. Cứ như thế cho hết lượt đề 50 câu. Sau đó các em quay lại làm câu khoanh tròn, rồi mới đến các câu khoanh tròn 2 vòng.

- Sự thay đổi liên tục các phương thức thi cử có tác động như thế nào đến việc học và dạy của thầy và trò, và theo anh, chúng ta nên lựa chọn một phương thức nào để phù hợp hơn là việc mang học sinh ra thí nghiệm như hiện nay?

+ Thay đổi để phát triển là điều luôn khó khăn, nhưng đó lại là sự cần thiết. Chúng ta có cả một năm học để cùng thay đổi, cùng hoàn thiện các kĩ năng. Thời gian đó không phải là dài nhưng là đủ để thực hiện được. Thi cử là điều tất nhiên phải có để tìm ra được người giỏi, người tài cho sự phát triển của một đất nước. Tuy nhiên học không phải chỉ để thi không thôi, mà học là phải có hành, phải được vận dụng vào thực tiễn cuộc sống.

- Cảm ơn cuộc trò chuyện của anh.

Tiến sĩ Trương Minh Đức - Giảng viên Trường Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội: Bộ cần mạnh dạn giao quyền cho các trường đại học

Chúng ta có thể khẳng định một điều rằng việc tổ chức thi vừa qua của Bộ Giáo dục &đào tạo so với những năm trước đã có nhiều chuyển biến tích cực và được dư luận xã hội ghi nhận.

Việc Bộ Giáo dục & Đào tạo vẫn tiếp tục cải tiến thi cử theo hướng kết hợp 2 cuộc thi tốt nghiệp phổ thông và thi Đại học thành cuộc thi chung theo tôi đó là chủ chương đúng nhằm giảm bớt áp lực thi cử không cần thiết cho các thí sinh, đồng thời giảm bớt những khó khăn cho các gia đình thí sinh ở vùng sâu vùng xa khi phải đi lại nhiều lần đưa con em đi thi. Bên cạnh đó đã có một số trường đã mạnh dạn tổ chức thi riêng như thi trắc nghiệm tổng hợp một số môn để xét vào trường của mình như: trường Đại học Quốc Gia Hà Nội.

Thí sinh sau khi thi xong là có thể biết được điểm ngay, nếu thời gian thi trước đây mỗi thí sinh cần dự thi đủ 3 buổi, nay thí sinh chỉ cần dư thi 1 buổi. Điều này đã giúp cho các thí sinh thi trở nên nhẹ nhàng hơn, gia đình thí sinh cũng đỡ vất vả hơn khi phải đưa đón con đi thi so với trước đây.

Tuy nhiên với hình thức thi này, theo quan điểm của tôi vẫn còn một số điểm bất cập: Thứ nhất, mục tiêu của thi tốt nghiệp phổ thông khác với mục tiêu của thi Đại học. Nếu như mục tiêu của thi tốt nghiệp THPT là nhằm đánh giá kiến thức phổ thông toàn diện của thí sinh thu nhận được cho cả quá trình học 12 năm (đây là cuộc thi không cạnh tranh), còn thi Đại học là đánh giá năng lực của thí sinh có khả năng theo học những ngành nghề do trường đào tạo hay không (đây là cuộc thi cạnh tranh).

Việc kết hợp 2 cuộc thi vào 1 cuộc thi dẫn tới việc lấy kết quả thi tốt nghiệp THPT vào việc tham gia đánh giá kết quả thi Đại học là không chính xác. Nên chăng Bộ Giáo dục nên sửa lại: bài thi chung nên có 2 phần riêng biệt: thi tốt nghiệp THPT và phần thi Đại học. Kết quả xét tuyển đại học chỉ căn cứ vào điểm phần thi đại học còn điểm thi tốt nghiệp phổ thông chỉ là điều kiện cần để xét.

Thứ hai, nên chuyển sang thi trắc nghiệm với bài thi tổng hợp như một số trường đã thử nghiệm thành công trong đó chia làm 2 phần rõ rệt: phần thi tốt nghiệp THPT và phần thi đại học. Điều này sẽ giảm bớt gánh nặng cho gia đình thí sinh và giảm bớt áp lực thi cử.

Thứ ba, Bộ Giáo dục & Đào tạo nên mạnh dạn giao quyền tự chủ cho các trường đứng ra tổ chức thi. Phần câu hỏi dành cho thi tốt nghiệp THPT Bộ sẽ đưa ra khung chương trình để mỗi trường có thể tự xây dựng đề thi riêng của mình.

Tiến sĩ Giáp Văn Dương: Giáo dục cần sự ổn định nhất định

Linh Chi (thực hiện)

- Anh có nhìn nhận như thế nào về những thay đổi liên tục của giáo dục Việt Nam trong thời gian qua. Mỗi năm lại có một thay đổi, từ việc cấm dạy thêm học thêm, đến việc chuyển đổi kỳ thi quốc gia thành thi trắc nghiệm (trừ môn văn)?

+ Giáo dục bắt đầu ở con người và cũng kết thúc ở con người. Giáo dục cần sự ổn định nhất định. Nhưng thay đổi liên tục như vậy thì chỉ có hai khả năng, hoặc là lòng người bất an, thấy có điều gì đó sai cần phải thay đổi, nhưng không thay đổi được tận gốc rễ nên cứ xoay vòng vòng theo kiểu chắp vá, chạy theo dự luận và sự vụ, hoặc là vẽ việc ra làm để chứng tỏ sự quan trọng của mình. Ở đây ta loại trừ khả năng thay đổi chỉ để giải ngân, dù trên thực tế, điều này có thể xảy ra.

Giờ nhìn lại một số thay đổi nổi bật, nhưcấm dạy thêm học thêm, đổi thi tốt nghiệp quốc gia sang trắc nghiệm, tôi thấy đây không phải là những thay đổi tệ. Tôi ủng hộ việc cấm dạy thêm học thêm. Tôi cũng xin phép các thầy cô cho con tôi không nhận bài tập về nhà ở bậc Tiểu học. Tôi khuyến khích cháu đi học về thì chơi với bố mẹ và em, hoặc làm điều mình thích, thay vì làm bài tập về nhà. Tôi cũng không bao giờ cho con mình đi học thêm.

Về việc thay đổi kỳ thi tốt nghiệp sang trắc nghiệm thì tôi cho rằng, nếu chuẩn bị đề thi tốt và giữ được sự nghiêm túc trong thi cử, thì thi trắc nghiệm sẽ phát huy được ưu điểm, và nên ủng hộ.

Tôi đã trải nghiệm ở cả hai hình thức thi tự luận và thi trắc nghiệm trong nhiều năm, thấy rằng, mấu chốt của việc thi trắc nghiệm là ở khâu ra đề. Nếu đề thi tốt thì có thể dùng để đánh giá học sinh rất chính xác.

Cũng nên lưu ý là khi thi trắc nghiệm thì việc đọc kết quả cho nhau rất dễ dàng, chỉ 1-2 phút là xong. Thi tự luận thì phải chép tay, còn trắc nghiệm chỉ việc khoanh tròn là xong. Vì thế, giữ được sự nghiêm túc trong thi cử đóng vài trò quyết định. Tôi chưa biết ngành Giáo dục sẽ làm gì để giữ sự nghiêm túc này.

Mà thi kiểu gì thì tỷ lệ đỗ cũng ở mức 95-98%, như mọi năm. Phải chăng chúng ta đã nói quá nhiều, kỳ vọng quá nhiều ở một kỳ thi mà chưa thi đã biết là sẽ đỗ như vậy?

- Nhiều người lo lắng rằng, việc thi trắc nghiệm sẽ ảnh hưởng đến tư duy của học sinh, dẫn đến việc học tủ, học lệch. Theo anh thì sao ạ?

+ Ngành Giáo dục thường nói: Học gì thi nấy. Nhưng trên thực tế thì ngược lại, thi gì học nấy. Vậy nên thi cử chắc chắn sẽ ảnh hưởng ít nhiều đến cách học, và cách tư duy của học sinh. Tuy nhiên, cách tư duy hình thành trong suốt 12 năm học, và không chỉ ở trong nhà trường.

Chính ở các bậc học thấp mới có ảnh hưởng quyết định đến cách tư duy của học sinh. Các thầy cô hoàn toàn có thể cho học sinh của mình làm bài theo lối tự luận trong các bài thi cuối kỳ, cuối năm. Nên tôi không thấy việc thi theo tự luận sẽ có ảnh hưởng gì ghê gớm đến tư duy của học sinh.

Nếu cho rằng thi tự luận sẽ giúp học sinh phát triển tư duy thì chắc hẳn chúng ta đã trở thành cường quốc... tư duy. Nhưng thực tế ngược lại hoàn toàn. Mọi sự vùng vẫy, thay đổi đều có ý nghĩa riêng của nó.

- Những thay đổi liên tục về giáo dục như thế liệu có làm cho nền giáo dục Việt Nam khá hơn hay ngược lại, tạo ra sự hoang mang, lo lắng. Bởi có lẽ nền giáo dục của chúng ta vẫn thiếu một vấn đề cốt lõi gì đó thưa anh?

+ Với nền giáo dục hiện thời, bậc phụ huynh nào ở ta mà chẳng có tâm trạng hoang mang, lo lắng? Không chỉ trẻ con, mà cả người lớn. Không chỉ người nghèo, mà cả người giàu. Vì thế để giải quyết việc hoang mang lo lắng, chúng ta cần giải quyết câu chuyện to hơn câu chuyện của giáo dục.

Tuy nhiên, nếu chỉ xét riêng giáo dục thì đúng là nguyên nhân của tình trạng hiện nay là do thiếu vắng một triết lý giáo dục sâu làm trụ đỡ, đúng đắn để dẫn dắt, và tường minh để mọi người cùng đồng thuận thực hành. Giáo dục Việt Nam đang đào tạo con người công cụ, nhưng chưa bao giờ thừa nhận việc này. Mọi thứ từ đó bung bét dần ra, dẫn đến tình trạng này.

- Với quan điểm đào tạo những con người tự do, tự thân khai sáng, theo anh, trong bối cảnh hiện tại, chúng ta có thể lựa chọn con đường nào tốt nhất cho giáo dục Việt Nam, để không phải cứ loay hoay với đổi mới?

 + Hãy học tập thế giới. Hãy đưa mọi thứ bất thường trở lại bình thường. Hãy để giáo dục làm đúng chức năng của nó, là nâng đỡ và phát triển con người, giải phóng con người thay vì đày đọa con người, thì khi đó mọi thứ sẽ ổn? 

PV
.
.