Đô thị và cơ hội

Thứ Năm, 04/05/2017, 08:06
Dịp lễ Thống Nhất (30-4) và Quốc tế Lao động vừa rồi, có một chùm phóng sự ảnh khá thú vị được đăng tải trên một tờ báo điện tử. Chùm ảnh ấy so sánh một số tuyến đường Hà Nội giữa 2 ngày: Ngày 28-4 và ngày 29-4. Sự tương phản đối lập là vô cùng rõ rệt. Nếu ngày 28, từ góc chụp trên cao, chúng ta nhìn thấy những con đường Hà Nội ken kín người và xe, một hình ảnh mệt nhoài thường nhật của một đô thị lớn, thì ngày 29, cũng những nút giao thông kia, tịnh không một bóng người. 


Điều đó cũng tương tự như thành phố Hồ Chí Minh. Dịp nghỉ lễ dài, thành phố như được xả hơi, không còn phải oằn mình gánh những gánh nặng thị dân. Khu phố đông người, đông xe nhất thành phố Hồ Chí Minh chỉ là đoạn quận 1, từ bùng binh Điện Biên Phủ về Dinh Thống Nhất, và chỉ đông đúng khoảng gần một giờ đồng hồ buổi sáng 30-4. Đó là giờ đã thành thói quen hằng năm, lúc đoàn đua xe đạp xuyên Việt đổ về đích cuối cùng.

Hai thành phố lớn nhất nước vắng vẻ. Như Tết. Trong khi đó, chỉ một hôm trước là sự quá tải, quá tải đến mức rất nhiều người để kịp giờ bay đã phải bỏ taxi để chạy bộ vào sân bay Tân Sơn Nhất như một tờ báo đã đưa tin.

Hình ảnh tương phản kể trên không mới. Nó đã là hình ảnh quen thuộc tới mức nhiều thị dân chọn cách “khôn ngoan” mỗi dịp lễ: Ở lại thành phố tận hưởng sự tĩnh lặng, thoáng đãng, thay vì đổ dồn về các khu du lịch đông đúc như thành phố ngày thường.

Phố Tây Sơn, Hà Nội thưa bóng người trong sớm 30 - 4.

Câu chuyện cũ này cho chúng ta nhận thấy 2 điều. Thứ nhất, dịp nghỉ lễ dài là khoảng thời gian có rất nhiều cư dân thành thị về lại quê nhà hoặc đi nghỉ dưỡng cùng bạn bè, gia đình ở đâu đó. Thứ hai, cư dân thành thị nhìn chung có mức sống đã được cải thiện hơn rất nhiều. Vì thế, dịp nghỉ lễ là dịp họ có khả năng trang trải cho một cuộc du lịch, nghỉ dưỡng phù hợp với ngân sách gia đình mình.

Nhắc đến mức sống cư dân thành thị, tôi chợt nhớ đến câu chuyện mà một người bạn mới chia sẻ gần đây. Một người thành đạt ở Hà Nội mới đây đã quyết định đưa toàn bộ bạn học từ thời cấp I của mình từ một tỉnh Bắc Trung Bộ ra Hà Nội họp lớp, nhân thể đi cho biết Hà Nội luôn. Đa số (trên 90%) bạn học của anh chưa một lần trong đời biết Hà Nội như thế nào, dù khoảng cách địa lý không phải quá xa. Và họ, năm nay đều đã ở vào tuổi trên 60.

Rõ ràng, trong khi ở hai đô thị lớn nhất Việt Nam, đa số cư dân có khả năng trang trải cho một chuyến đi phù hợp với ngân sách gia đình mình thì ở các địa phương khác, đặc biệt ở các tỉnh lẻ, đa số cư dân chưa bao giờ có được điều kiện để nghĩ đến một chuyến rời khỏi quê hương mình, dù ngắn ngày thôi. Sự chênh lệch giàu nghèo quả thực quá rõ rệt và sự quá tải của các đô thị lớn cũng ngày một rõ rệt hơn.

Chúng ta từng nhắc đến cụm từ “thành phố đáng sống”, đặc biệt khi nhắc đến Đà Nẵng. Gia đình tôi may mắn khi mẹ tôi là con độc nhất, và ông bà ngoại ở Đà Nẵng để lại cho mẹ một căn nhà phố. Bởi thế, nghiễm nhiên khi về hưu, ba mẹ tôi có thể về sống ở “thành phố đáng sống” ấy. Nhưng nếu nghĩ về bốn tiếng “thành phố đáng sống” ấy, chúng ta nhận thấy điều gì? Với tất cả những người mơ ước về nó, bầu chọn cho nó, đầu tư để sống ở đó, họ đều nghĩ đơn giản: đó là nơi dưỡng già sau khi họ đã về hưu, coi như hết trách nhiệm lao động. Tư tưởng này không chỉ áp dụng cho những cư dân ngoài Đà Nẵng mà còn áp dụng cho ngay cả người Đà Nẵng. Dễ hiểu, người Đà Nẵng vẫn vào Sài Gòn lập nghiệp, dù họ có yêu quê nhà đến cháy lòng.

Ngày càng nhiều người đầu tư bất động sản ở Đà Nẵng, Nha Trang, Phú Quốc… để dưỡng già. Họ biết, họ có thể thoát khỏi sự ồn ào náo nhiệt đến hỗn loạn của đô thị lớn ở những nơi ấy. Nhưng nếu đầu tư để lập nghiệp tại đó từ khi còn trẻ thì rất hiếm người nghĩ tới. Đơn giản, các thành phố nhỏ, các địa phương không phồn hoa đô hội ở Việt Nam đang là những nơi không cho họ thấy họ có cơ hội ở đó.

Suy cho cùng, sự quá tải cho Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh cũng bắt nguồn từ chỗ đó là 2 đô thị có cơ hội lập nghiệp hiếm hoi ở Việt Nam. Và đây chính là vấn đề mà chúng ta phải đối diện hôm nay, với hướng giải quyết vô cùng phức tạp.

Giảm tải cho các đô thị lớn không thể bằng cách thể lý là mở rộng nó, quy hoạch đường sá, các khu vực dân cư… đơn thuần mà phải tìm nơi “chia lửa” cho nó. Nếu cơ hội ở Nha Trang không thua gì cơ hội ở thành phố Hồ Chí Minh, chúng ta có thể tin chắc rằng số người muốn rời Nha Trang vào  thành phố Hồ Chí Minh lập nghiệp sẽ bớt đi rất nhiều. Và cơ hội ở đây không chỉ đơn thuần là cơ hội lập nghiệp mà nó còn là cả cơ hội về an sinh, giáo dục, y tế, văn hoá…

Ở thời đại công nghệ thông tin xoá nhòa các khoảng cách tạo ra lạc hậu giữa các vùng miền với nhau như hôm nay, việc nâng cao cơ hội sống ở các đô thị nhỏ là nhiệm vụ tối quan trọng. Nếu chúng ta không tạo ra được các đô thị có cơ hội thực sự cho người dân, tin tôi đi, chỉ 5 năm nữa, cả Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh sẽ chính thức quá tải. Lúc ấy, chúng sẽ trở thành những đô thị nguy nan và đáng sợ chứ không phải là đáng sống nữa.

Hà Quang Minh
.
.