Điện ảnh tư nhân: "Chấn hưng" lịch sử dân tộc bằng loạt dự án “khủng”

Thứ Bảy, 16/11/2019, 08:49
So với điện ảnh lịch sử cổ trang Trung Quốc, Hàn Quốc... đang phát triển mạnh mẽ như vũ bão thì phim lịch sử xa xưa Việt Nam dường như đã bị bỏ lại một khoảng cách khá xa. Trong đó phim cổ trang Việt Nam thì hoàn toàn tụt hậu và giẫm chân tại chỗ so với các nước bạn.


Phải đam mê lắm!

Việc giới trẻ Việt am hiểu văn hóa, lịch sử Trung Quốc qua điện ảnh nhưng lại mù mờ về lịch sử nước nhà là một điều đáng lo ngại. Đây chính là một biểu hiện của thứ "quyền lực mềm" mà phim Trung Quốc đem đến. Vì thế, nếu yêu nước thì hãy tiếp tục làm phim cổ trang. Không phải những bộ phim hời hợt, cẩu thả mà là những bộ phim cổ trang nghiêm túc, có sự đào sâu nghiên cứu về lịch sử, văn hóa dân tộc.

Sau một thời gian dài, màn ảnh rộng mới lại có dự án khai thác đề tài lịch sử Việt. Nguyên nhân, theo người trong giới, làm phim lịch sử hết sức khó khăn, vốn đầu tư cao nhưng lại khó hoàn vốn, sinh lợi. 

Đạo diễn Đức Thịnh với dự án "Phượng khấu" từng nhận định rằng ở Việt Nam, làm phim dã sử, lịch sử, cổ trang khó gấp 10 lần thể loại khác bởi đoàn phim phải đầu tư vào bối cảnh, phục trang... 

"Tôi nghĩ nhà làm phim nào chọn chủ đề lịch sử cũng phải đam mê lắm! Gia đình tôi có truyền thống làm phim và võ thuật, cha tôi - NSND Lý Huỳnh say mê làm phim lịch sử, ngợi ca tinh thần dân tộc, thượng võ nên gia đình mới dốc sức làm cho được "Tây Sơn hào kiệt" về nhân vật Hoàng đế Quang Trung dẫu phải trải qua nhiều khó khăn" - diễn viên Lý Hùng tâm sự. 

Sau dự án phim "Phượng khấu" ra mắt, mới đây, nhà sản xuất kiêm diễn viên Trương Ngọc Ánh công bố dự án phim huyền sử "Trưng Vương" (tên tiếng Anh: She-kings) ca ngợi Hai Bà Trưng trong lịch sử Việt Nam. Dự án được khán giả chờ đợi bởi đã lâu điện ảnh Việt mới lại có tác phẩm về nhân vật lịch sử Việt Nam sau hàng loạt các phim ngôn tình, hài, kinh dị.

“Tấm Cám: Chuyện chưa kể” là bộ phim có kinh phí khủng.

Hầu hết các phim đề tài sử Việt đều mất nhiều thời gian cho phần tiền sản xuất. Nhà sản xuất Trương Ngọc Ánh cho biết cô và cộng sự Janet Ngô cùng ê-kíp mất đến 3 năm chuẩn bị cho dự án phim "Trưng Vương". 

"Chúng tôi mong muốn mang đến khán giả bộ phim đề tài lịch sử chân thực nhất của Việt Nam. Chúng tôi đã làm việc với nhiều giáo sư sử học, nhà nghiên cứu lịch sử... nhằm tạo nên dự án chỉn chu từ kiến trúc, trang phục, bối cảnh và câu chuyện liên quan đến Hai Bà Trưng. 

Chúng tôi hy vọng đây sẽ là tác phẩm mang lại niềm tự hào cho công chúng Việt Nam, cũng như giới thiệu nét đẹp văn hóa của dân tộc ta đến với bạn bè quốc tế" - Trương Ngọc Ánh bày tỏ.

Phim "Trưng Vương" lấy bối cảnh gần 2.000 năm trước, xoay quanh sự nghiệp của 2 nữ anh hùng Trưng Trắc - Trưng Nhị cùng các nữ tướng khác. Thông qua cuộc khởi nghĩa chống ách đô hộ Đông Hán, phim cũng khắc họa cuộc sống của dân Việt giai đoạn đó. Bên cạnh 2 nhân vật Trưng Trắc - Trưng Nhị, phim còn xây dựng chân dung 6 nữ tướng gồm: Bát Nàn, Ả Chạ, Hồ Đề, Lê Chân, Phật Nguyệt và Thánh Thiên. 

Mặc dù vẫn còn ở giai đoạn khởi động, tiếp tục phát triển kịch bản, chưa công bố đạo diễn hay diễn viên nhưng nhà sản xuất Trương Ngọc Ánh cho biết: "Bộ phim này mang đậm bản sắc dân tộc Việt, nên do người Việt thực hiện là phù hợp nhất. Bởi chỉ có người Việt mới hiểu đúng về lịch sử, ngôn ngữ và văn hóa của mình hơn cả. Tất nhiên, chúng tôi sẽ hợp tác với các đối tác nước ngoài về kỹ thuật, kỹ xảo tân tiến, để bộ phim đạt được chất lượng tốt nhất".

Đoàn phim cũng làm việc với hơn 10 họa sĩ để tìm tòi, sáng tạo về trang phục, hoa văn, hình tượng, vật dụng, vũ khí gần nhất với thời điểm đó. Để góp phần quảng bá, làm nóng, dự án đầu tư một số phim hoạt hình ngắn đi kèm để giới thiệu nhân vật. Mỗi phim là một câu chuyện riêng, được sáng tạo cuốn hút. Phim được kỳ vọng sẽ đến được khán giả, giúp nhà sản xuất hoàn vốn đầu tư, không vướng tình cảnh của những phim đề tài lịch sử trước đó.

Kế hoạch đường dài chỉn chu

Nhà sản xuất phim "Phượng khấu" cho biết, họ gặp nhiều khó khăn khi triển khai dự án, ngoài vấn đề vốn. Đoàn phim cố xây dựng một kịch bản vừa hài hòa giữa các dữ kiện lịch sử được ghi chép lại vừa bảo đảm tính gay cấn và hấp dẫn cần có. Thêm vào đó, vấn đề bối cảnh cũng khiến đoàn phim đau đầu. 

Đạo diễn Huỳnh Tuấn Anh cho biết: "Các công trình tại Đại nội Huế hiện tại không đáp ứng đủ cho bối cảnh kịch bản của bộ phim miêu tả. Đoàn phim định tìm đến các khu phủ đệ của các hoàng tử nhưng vẫn không khả thi. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng đã khảo sát khu vực các lăng tẩm của các vua Gia Long, Minh Mạng, Tự Đức nhưng vẫn gặp nhiều bất cập. 

Việc quay 100% ở Huế có quá nhiều rủi ro với đoàn làm phim, không thể mạo hiểm". Cuối cùng, sau thời gian đắn đo, ê-kíp quyết định thực hiện các cảnh quay nội tại khu du lịch làng cổ Phước Lộc Thọ (ở tỉnh Long An), các cảnh quay ngoại và đại cảnh sẽ thực hiện ở Huế.

Ông Tôn Thất Minh Khôi, Giám đốc truyền thông của dự án "Phượng khấu" bộc bạch: "Không chỉ là "Phượng khấu", chúng tôi có một kế hoạch đường dài trong tương lai, có thể sẽ là triều Lê, triều Lý hoặc triều Trần".

Trương Ngọc Ánh cũng chia sẻ Janet Ngô là người Úc gốc Việt, luôn mơ ước thực hiện một sản phẩm văn hóa, lịch sử, mang đậm bản sắc Việt. Nếu không phải gặp nhau ở niềm đam mê lịch sử và điện ảnh, khao khát mang văn hóa Việt ra thế giới thông qua điện ảnh thì "Trưng Vương" cũng khó ra đời. 

Có lẽ, đằng sau mỗi dự án chủ đề lịch sử, ngoài đam mê, còn là niềm tự hào dân tộc, mong muốn được kể câu chuyện về những anh hùng dân tộc, tiền nhân... Những khát vọng tạo nên giá trị đặc biệt mang đậm dấu ấn văn hóa là động lực để giúp các nhà làm phim vượt khó khăn.

Những thách thức

Cái khó khăn đầu tiên khi đầu tư làm phim cổ trang là vấn đề chi phí. Những phim cổ trang nổi tiếng như như “Lục Vân Tiên”, “Ngọn nến Hoàng Cung”, “Khát vọng Thăng Long”, “Long Thành Cầm Giả Ca”... đều do Nhà nước đầu tư, đặt hàng và mang tính chất "kỷ niệm". Những năm gần đây một số nhà sản xuất tư nhân cũng có đầu tư sản xuất phim cổ trang như “Tây Sơn Hào Kiệt”, “Mỹ Nhân Kế”, “Thiên Mệnh Anh Hùng”, “Tấm Cám: Chuyện Chưa Kể”,… song vẫn còn khá dè dặt.

Phim lịch sử cổ trang luôn đòi hỏi kinh phí đầu tư cao, từ phục trang đến bối cảnh, kỹ xảo hậu kỳ. Ở Việt Nam không có phim trường chuyên nghiệp cho phim cổ trang nên tiền đầu tư bối cảnh thường tốn kém. 

Đạo diễn – nhà sản xuất Ngô Thanh Vân từng than thở rằng: "Nếu chỉ có 20 tỷ đồng làm phim cổ trang sẽ rất khó. Chúng tôi muốn có nhiều thứ, cố gắng hết sức nhưng vẫn là điều không tưởng trong bối cảnh điện ảnh Việt". Hầu hết các bộ phim cổ trang đều có mức đầu tư cao hơn so với mặt bằng chung, “Thiên mệnh anh hùng” có mức đầu tư 25 tỷ, “Mỹ nhân kế” tiêu tốn 17 tỷ, “Tây Sơn hào kiệt” và “Ngày nảy ngày nay” thì "khiêm tốn" hơn với mức 12 tỷ.

Ở Việt Nam không có những ê kíp làm phim cổ trang chuyên nghiệp nên mọi thứ còn rất mới mẻ, bỡ ngỡ. Một số phim cổ trang tạm chấp nhận được, dù vẫn còn sạn như “Thiên mệnh anh hùng” của Victor Vũ hay "Lửa Phật" của Dustin Nguyễn đều do những đạo diễn nước ngoài, Việt kiều hoặc những người từng học tập ở nước ngoài thực hiện. Bộ phim “Lý Thái Tổ - Đường tới thành Thăng Long” là một ví dụ cho việc thiếu hụt ê kíp sản xuất chuyên nghiệp. Là một bộ phim kỷ niệm đại lễ 1000 năm Thăng Long nhưng trong số 3 đạo diễn của phim thì có đến 2 người Trung Quốc.

Bên cạnh đó, phim cổ trang thường đòi hỏi cao về yếu tố kỹ xảo với những cảnh võ thuật nhưng hầu như không bộ phim cổ trang Việt Nam nào có được cảnh đánh đấm ra hồn. “Thiên Mệnh Anh Hùng”, “Lửa Phật”, “Mỹ Nhân Kế” là một số ít bộ phim được đầu tư vào những cảnh võ thuật. Đa số những phim còn lại, dù được đánh giá tốt về nội dung như “Lục Vân Tiên”, “Tây Sơn Hào Kiệt” nhưng phần võ thuật, kỹ xảo còn rất yếu kém. 

Ngay cả bộ phim “Lửa Phật” của đạo diễn Dustin Nguyễn cũng bị chỉ trích khi có nội dung nói về cuộc chiến chống giặc ngoại xâm, bảo vệ đất nước nhưng lại không có nổi một cảnh "binh đao khói lửa" nào nên hồn. Lý giải về điều này, đạo diễn Dustin Nguyễn nói: "Kinh phí của phim không đủ để thực hiện những cảnh vĩ đại của chiến binh chống giặc ngoại xâm. Điện ảnh Việt Nam còn quá nhỏ, kinh phí làm phim rất eo hẹp, thù lao không xứng đáng với thời gian và công sức".

Bộ phim được đầu tư khá nhiều cho phục trang như “Tấm Cám: Chuyện Chưa Kể” vẫn bị khán giả chỉ trích vì "làm màu" cho nhân vật, không phù hợp với bối cảnh. Có những phim chưa phát hành đã không qua nổi khâu kiểm duyệt hoặc bị khán giả chỉ trích gay gắt khiến chúng mãi mãi bị xếp kho. 

Bộ phim “Lý Công Uẩn – Đường tới Thành Thăng Long” đã bị cấm chiếu vĩnh viễn vì sử dụng phục trang Trung Quốc, phim được quay ở phim trường Hoành Điếm - Trung Quốc nên bối cảnh không có một nét nào thuần Việt. "Cố đấm ăn xôi" như phim “Mỹ nhân kế” cũng không thể trụ nổi quá một tuần khi ra rạp.

Văn Hùng-T.T
.
.