Điện ảnh thế giới không có những siêu phẩm về bóng đá

Thứ Ba, 21/06/2016, 08:00
Có một sự thật đáng ngạc nhiên khi bóng đá là nguồn đề tài vô tận của con người, là thứ có thể mang lại nhiều cảm hứng đối với thi ca, âm nhạc và nghệ thuật thì, như một nghịch lý, thật khó để tìm thấy một siêu phẩm về bóng đá trên phim trường. Đã có một kết luận đáng ngạc nhiên là bóng đá không có duyên với màn bạc...


Bóng đá - môn thể thao vua mang lại nhiều xúc cảm

Những ngày này, gần như cả thế giới, những fan hâm mộ môn thể thao vua và trót mê đắm bởi lực hấp dẫn của quả túc cầu biến hóa dưới những đôi chân nghệ sĩ của các cầu thủ giỏi nhất châu Âu có lẽ như đang phát cuồng lên bởi cơn sốt giải Vô địch bóng đá châu Âu 4 năm mới có một lần trong mùa giải 2016 này.

Sở dĩ bóng đá được xếp là bộ môn thể thao vua bởi có lẽ, trong tất cả các bộ môn thể thao thì bóng đá là bộ môn duy nhất mang lại cho con người, không phân biệt màu da, sắc tộc, biên giới nhiều xúc cảm đỉnh điểm như vậy.

Với số đông người hâm mộ trên thế giới, bóng đá là cả một kho đề tài vĩ đại. Có biết bao câu chuyện từ bóng đá. Những sự kiện, những hồi ức, và nó chứa đựng không biết bao nhiêu cảm xúc. Bóng đá là một thế giới sống động, và nó là một phần của cuộc sống, của thế giới này.

Có một sự thật đáng ngạc nhiên khi bóng đá là nguồn đề tài vô tận của con người, là thứ có thể mang lại nhiều cảm hứng đối với thi ca, âm nhạc và nghệ thuật thì, như một nghịch lý, thật khó để tìm thấy một siêu phẩm về bóng đá trên phim trường. Đã có một kết luận đáng ngạc nhiên là bóng đá không có duyên với màn bạc.

Ngay ở một kinh đô điện ảnh của thế giới như Holywood, người hâm mộ không thể tìm đâu ra một bộ phim "bom tấn" về bóng đá. Holyood gần như khá ghẻ lạnh với bóng đá, bằng chứng là trong lịch sử lâu đời của điện ảnh thế giới, khó tìm được một tác phẩm điện ảnh kinh điển nào về bóng đá trong khi sách "best-seller" viết về bóng đá xưa nay có đến hàng trăm quyển.

“Looking for Eric” - một bộ phim nói về bóng đá khá mờ nhạt.

Bóng đá cũng tỏa sáng trong âm nhạc, từ các nghệ sĩ vĩ đại như Sir Elton John hoặc Freddy Mercury với những nhạc phẩm tuyệt vời. Hay thậm chí ở cả lĩnh vực nhạy cảm như chính trị thì họ cũng đã có những sự kết hợp với bóng đá như một đòn bẩy chính trị giúp các chính khách chạm tay đến vị trí quyền lực mà họ dày công chinh phục. Một trong những tên tuổi lớn trên chính trường như Silvio Berlusconi là một ví dụ khi ông yêu và đam mê bóng đá, đưa bóng đá vào chương trình hành động tranh cử và xây dựng hình ảnh của mình.

Nói như thế để thấy, bóng đá có một sức hút kinh khủng và sự lan tỏa của nó là vô cùng mãnh liệt. Bất cứ lĩnh vực nào cũng có thể kết hợp tốt với bóng đá. Bóng đá còn là thương mại, là chính trị, là kinh tế.... Duy có điện ảnh là thứ mà bóng đá gần như không thể kết hợp. Nói chính xác là những câu chuyện bóng đá thường rất khó chuyển tải thành những tác phẩm điện ảnh nổi tiếng. Vì sao vậy?

Mối lương duyên tẻ nhạt với điện ảnh

Nhiều người còn hài hước khi cho rằng mối lương duyên giữa điện ảnh và bóng đá là mối lương duyên tẻ nhạt nhất trong lịch sử mà họ từng biết. Mặc dù được đánh giá là môn thể thao có sức mạnh siêu cường nhất để có thể kết nối mọi người trên khắp hành tinh và mang lại cho con người nhiều cung bậc cảm xúc nhất, thế nhưng hành trình và con đường của bóng đá đến với màn bạc có vẻ như rất khó khăn. Bóng đá không chinh phục được điện ảnh, hay điện ảnh không thể chinh phục được bóng đá?

Vì sao Hollywood lạnh nhạt với trái bóng tròn? Sự thờ ơ của kinh đô điện ảnh thế giới với bộ môn thể thao vua là vấn đề gây nhiều tranh cãi. Công bằng mà nói, đã có nhiều bộ phim về bóng đá được sản xuất. Chỉ có điều, đa số là những tác phẩm tồi.

Có thể khẳng định: mối duyên giữa bóng đá và điện ảnh là một trong những mối lương duyên… vô duyên nhất trên đời! Trong một bài tổng hợp từ các nguồn tài liệu ở nước ngoài đăng trên báo Bóng đá Việt Nam, tác giả Cát Phương đã nêu ra: "Cho đến thời điểm này, đáng kể nhất trong những tác phẩm điện ảnh về bóng đá có lẽ là tác phẩm "United", nhưng sở dĩ nó được biết đến chẳng qua vì nó được chiếu trên kênh truyền hình của BBC.

Còn trên màn bạc nói chung thì hầu như không có những tác phẩm "vua biết mặt, chúa biết tên" mà cụ thể nhất là kinh đô điện ảnh Hollywood, các đạo diễn nổi tiếng hình như cũng bất lực trước đề tài sôi nổi này, vì bằng chứng họ chưa làm được một bộ phim về bóng đá nào đáng gọi là "bom tấn", là "siêu phẩm". Phim ăn khách nhất về bóng đá cho đến lúc này là "Bend it likes Beckham" cũng chỉ thu về được hơn 20 triệu USD tiền lãi. Không lớn, thậm chí có thể nói là quá ít, nếu so với những bộ phim nổi tiếng về chiến tranh, mafia hay cao bồi của Hollywood.

Đáng kể hơn, những bộ phim mà đạo diễn cố mời những siêu sao bóng đá vào vai thì rất dễ trở thành thảm họa. Cách đây hai thập kỷ, đạo diễn nổi tiếng John Huston từng cho ra đời bộ phim về bóng đá với tựa đề "Escape To Victory" (1981) trong đó, ngoài các ngôi sao điện ảnh như Michael Caine, Silvester Stallone, Max von Sydow, còn có sự tham gia của những huyền thoại túc cầu như Pele, Bobby Moore, Osvaldo Ardiles, Kazimierz Deyna, Paul Van Himst.

Rút cuộc, bộ phim bị đánh giá rất thấp cả về bóng đá lẫn điện ảnh. Trong số những bộ phim làm nên tên tuổi của John Huston, chắc chắn người ta không dám kể ra "Escape To Victory", vì sợ… ông buồn. Mà John Huston đâu phải đạo diễn hạng xoàng. Ông đã 2 lần giật giải Oscar, mãi đến 79 tuổi vẫn còn được đề cử Oscar.

Điểm chung của tất cả những phim vừa nêu là rất xoàng. Ngược lại, tìm ra một phim xem được liên quan đến môn thể thao vua, đặc biệt các phim do Hollywood sản xuất, lại khó như mò kim đáy biển. Phil Crossley, một cô động viên trung thành và xuất sắc của bóng đá, đồng thời là nhà nghiên cứu ở Học viện Điện ảnh Anh (British Film Institute). Ông cho biết đã xem khoảng 500 phim liên quan đến bóng đá, thuộc đủ mọi thể loại để phục vụ cho công việc nghiên cứu, nhưng Crossley đã phải thốt lên đầy thất vọng "hầu như chẳng tìm được phim nào đáng khen".

Sao thế giới kém hiểu biết về bóng đá

Một trong những nguyên nhân khiến cho bộ môn thể thao vua không thể ghi danh trên màn bạc với những siêu phẩm "bom tấn" một phần là bởi phần lớn các sao điện ảnh nổi tiếng trên thế giới họ kém hiểu biết về bóng đá, và họ không phải là những cổ động viên, những fan hâm mộ của môn thể thao vua này.

“Bend It Like Beckham” - bộ phim nói về bóng đá và danh thủ Beckham của một hãng phim độc lập được khán giả ít nhiều biết đến.

Phân tích về nguyên nhân bóng đá không tạo nên những siêu phẩm trên màn bạc, tác giả Cát Phương cũng đã nêu: "Hầu hết diễn viên giỏi đều không giỏi chơi bóng đá (dù chỉ bàn về đẳng cấp nghiệp dư). Ngược lại, ngôi sao bóng đá không thể diễn xuất như một nghệ sĩ trung bình. Vấn đề không chỉ là các ngôi sao điện ảnh phải đá quả bóng sao cho giống như cầu thủ chuyên nghiệp. Phải hiểu về bóng đá, biết cách thưởng thức bóng đá sao cho trùng khớp với dân mê bóng đá đích thực nữa.

Ở một mức độ cao hơn, các tình huống hay nhất trong môn bóng đá đều là các tình huống hầu như không bao giờ lặp lại (bởi thế mà bóng đá mới hay, mới hấp dẫn đặc biệt). Đấy có thể là kịch tính cao độ từ một cú sút trúng xà ngang, khi dội xuống mặt cỏ lại trúng vạch vôi. Đấy có thể là một thoáng gian lận xuất thần như pha bóng "Bàn tay của Chúa", nếu không chiếu đi chiếu lại hoặc không có ảnh chụp để chứng minh thì chẳng ai dám khẳng định là Diego Maradona dùng tay ghi bàn.

Về mặt bản chất: những tình huống như thế là hay, là đáng nhớ, vì người ta dù có muốn cũng không lặp lại được, hoặc nếu muốn diễn lại (như chuyện đóng phim chẳng hạn), cũng chẳng bao giờ còn nét tự nhiên. Trên nguyên tắc, điện ảnh không giải quyết được một vấn đề quá lớn là làm sao tạo ra được những hình ảnh có thể xảy ra thật trên sân. Người ta đành phải lồng hình ảnh bóng đá thật vào phim là vì rắc rối này. Nhưng như thế là hạ sách. Quá hạ sách! Phim về bóng đá mà lại không thể hiện được những hình ảnh "đúng chất bóng đá" thì còn nói làm gì nữa. Phải thất bại thôi".

Tất nhiên để sản xuất được một bộ phim ăn khách về bóng đá đạt tới đẳng cấp siêu phẩm cần có nhiều yếu tố kết hợp như có kịch bản hay, có đạo diễn giỏi, có diễn viên xuất sắc. Nhưng có lẽ, một trong những cái khó của việc làm phim về bóng đá đó là kịch tính, là hiện trường, là khoảnh khắc, là sự kiện bất ngờ ở thời điểm diễn ra bộ môn thể thao vua này. Dường như mọi cao trào xảm xúc chỉ diễn ra trên sân cỏ, trong một tình huống thật, trận đấu thật, những pha xuất thần không ai có thể đoán trước...

Ở đó không có sự hư cấu, không có bất kỳ một sự sắp đặt nào của bàn tay đạo diễn, hay khả năng diễn xuất của diễn viên. Bóng đá là cái gì đó thật đặc biệt, nó như một hơi thở nóng hổi của cuộc sống, nếu ta dựng lại nó, tái hiện lại nó thật khó để mang lại cảm xúc kỳ ảo như khi khán giả hồi hộp theo dõi trận đấu ở trên sân. Có phải vì thế chăng mà bóng đá sẽ không còn vẹn nguyên sức hấp dẫn tối thượng của nó khi bước chân lên màn ảnh?

Nguyễn Hương Giang (tổng hợp)
.
.