Điện ảnh Việt: Chỉ hội nhập khi có bản sắc

Thứ Bảy, 10/11/2018, 08:44
Không phải ngẫu nhiên mà Liên hoan phim (LHP) Quốc tế Hà Nội lần thứ V vừa qua có khẩu hiệu "Điện ảnh hội nhập và phát triển bền vững". Điều ấy cho thấy tầm quan trọng của hội nhập trong giai đoạn hiện nay.


Hành trình gian nan nhưng không ngừng hy vọng

Được mệnh danh là bộ môn nghệ thuật thứ 7, điện ảnh không chỉ mang trong mình chức năng giải trí mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc kết nối, giao lưu văn hóa giữa các quốc gia trên thế giới. Hội nhập vừa là xu hướng, vừa là yêu cầu bắt buộc với điện ảnh Việt nếu muốn khẳng định vị trí của mình trên bản đồ điện ảnh quốc tế.

Mặc dù được đánh giá là một nước có thị trường điện ảnh đang phát triển và chứa đựng nhiều lợi thế, tuy nhiên, hội nhập của điện ảnh Việt Nam vẫn còn có sự chênh lệch khá lớn so với nhiều quốc gia trong khu vực và trên thế giới. Để thu hẹp khoảng cách đó, thời gian qua, những người làm điện ảnh Việt Nam cũng đã có những cố gắng, nỗ lực trong việc giao lưu, hợp tác với các nước trên thế giới để bước đầu tạo được những dấu ấn quan trọng.

Có một niềm vui là từ đầu tháng 9 đến nay, 3 bộ  phim của điện ảnh Việt Nam đã giành được tổng cộng 4 giải thưởng tại các LHP quốc tế. Tại LHP Toronto lần thứ 43, bộ phim "Người vợ ba" của đạo diễn Nguyễn Phương Anh với bối cảnh Việt Nam thế kỷ XIX đã được công chiếu trong hạng mục "Khám phá" dành cho các tài năng mới. Sau đó, bộ phim được mạng lưới các nhà phê bình phim châu Á - Thái Bình Dương trao giải "Phim Châu Á hay nhất".

LHP Quốc tế Hà Nội là một trong những hoạt động thiết thực giúp điện ảnh Việt Nam hòa nhập quốc tế.

Trước đó, điện ảnh Việt Nam tham dự LHP Châu Á - Thái Bình Dương lần thứ 58 tổ chức ở Đài Loan (Trung Quốc) có 5 bộ phim tham gia bao gồm "Đảo của dân ngụ cư", "Cô Ba Sài Gòn", "Em chưa 18", "Cô gái đến từ hôm qua" và "Khi con là nhà".

Theo đó, bộ phim "Đảo của dân ngụ cư" đạt 2 giải thưởng: giải "Câu chuyện sáng tạo nhất" và diễn viên nữ chính Ngọc Thanh Tâm được vinh danh ở hạng mục "Giải đặc biệt của Ban giám khảo" dành cho diễn viên xuất sắc.

Bên cạnh đó, phim "Cô Ba Sài Gòn" được giải "Trang phục đẹp nhất". Trong năm 2017, một số phim của Việt Nam cũng đã tham dự một trong những sự kiện điện ảnh lớn nhất thế giới: LHP Cannes. Ngoài ra, chúng ta cũng đã có những bộ phim đoạt giải thưởng quốc tế như "Cha cõng con"...

Trong tình trạng mỗi năm có tới 40 bộ phim được sản xuất nhưng lượng phim nghệ thuật vô cùng ít ỏi thì những tín hiệu trên thật đáng mừng. Sự hội nhập bằng các giải thưởng quốc tế dẫu còn thưa thớt nhưng cũng đã cho thấy sự tiếp nối với những thành tựu chúng ta đã có được trước đây.

Những người yêu điện ảnh Việt hẳn còn nhớ bộ phim "Đời cát" của đạo diễn, NSND Nguyễn Thanh Vân từng đoạt giải Vàng tại LHP Châu Á - Thái Bình Dương; "Đừng đốt" của đạo diễn, NSND Đặng Nhật Minh đoạt giải phim xuất sắc nhất do khán giả bình chọn tại LHP Fukuoka (Nhật Bản) hay "Chơi vơi" của đạo diễn Bùi Thạc Chuyên cũng có một hành trình khá dài tại các LHP quốc tế.

Bên cạnh việc trực tiếp đưa phim tham gia các LHP quốc tế thì thời gian qua, các đơn vị điện ảnh trong nước cũng đã tích cực quảng bá cho điện ảnh thông qua các sự kiện như: Tuần phim Việt Nam tại các nước, LHP Tài liệu Châu Âu... Các sự kiện bước đầu đã thu hút được sự quan tâm của công chúng yêu điện ảnh trong và ngoài nước, từ đó lan tỏa tình yêu điện ảnh, các giá trị văn hóa tới đông đảo công chúng.

Một thực tế là mặc dù một số nhà làm phim trẻ của Việt Nam đã có nhiều cố gắng trong việc đưa phim Việt ra thế giới, tuy nhiên, chúng ta mới chỉ dừng lại ở việc phim có mặt ở những hạng mục nhỏ, chưa vươn được tới giải thưởng lớn của các LHP quốc tế lớn. Chúng ta vẫn là những vị khách bé nhỏ trong những bữa tiệc điện ảnh rộng lớn, hoành tráng và đa sắc.

Khát vọng quảng bá, phát hành được phim Việt cho thị trường nước ngoài vẫn là điều xa vời. Có quá nhiều khó khăn cho việc thực hiện giấc mơ này. Các hãng phim Nhà nước lẽ ra phải là chủ lực thì lại đang rơi vào cảnh sống thoi thóp, bế tắc nhiều năm qua.

Những đơn vị giàu truyền thống và nhân lực điện ảnh ấy không có kinh phí cũng như gặp quá nhiều vướng mắc để làm nghề. Một vài phim được làm theo đơn đặt hàng của Nhà nước chỉ với mục đích "cúng cụ", rất khó ra rạp nói gì tới đưa đi giao lưu quốc tế.

Các hãng phim tư nhân hăng hái làm phim nhưng khó có thể mang những bộ phim đó để đại diện cho điện ảnh Việt Nam ra đấu trường quốc tế. Hầu hết đều là những bộ phim giải trí không khó tìm thấy nhan nhản ở các nền điện ảnh khác. Vấn đề cốt lõi để hội nhập là điện ảnh Việt phải có thật nhiều những bộ phim mang đậm bản sắc Việt, có giá trị nghệ thuật để có thể tạo được ấn tượng mạnh với khán giả ngoài biên giới.

Đạo diễn Đinh Tuấn Vũ: Phim phải có nét riêng và khai thác được thế mạnh của dân tộc

- Cũng như nhiều lĩnh vực khác, hội nhập với điện ảnh vừa là xu thế, vừa là yêu cầu bắt buộc nếu muốn khẳng định được vị thế của mình. Chính vì vậy, không phải ngẫu nhiên mà LHP quốc tế Hà Nội vừa qua lấy khẩu hiệu "Hội nhập và phát triển bền vững"... Với góc nhìn của một đạo diễn trẻ, hẳn Đinh Tuấn Vũ thấy rất rõ tầm quan trọng của hội nhập?

+ Theo tôi, "hội nhập" không chỉ là tiếp cận được những công nghệ mới và những cách làm phim mới trên thế giới. "Hội nhập" còn ở việc chúng ta phải tạo nên được những cách kể chuyện mới so với điện ảnh các nước khác. Bởi mỗi đất nước, mỗi dân tộc đều có đặc điểm khác nhau về văn hoá, xã hội và con người. Điều quan trọng là tìm ra được sự độc đáo của chính dân tộc mình, đất nước mình và biến nó thành ngôn ngữ điện ảnh.

Tôi nghĩ điều này mang tính sống còn nếu chúng ta muốn khẳng định vị trí của mình trên bản đồ điện ảnh thế giới.

- Với điện ảnh Việt Nam, để hội nhập và phát triển bền vững, theo Vũ cần chú trọng những điều gì?

+ Đó chính là những bộ phim không ăn khách! Để tôi nói rõ hơn. Nếu bạn chịu khó ra rạp, bạn sẽ thấy những bộ phim Việt Nam có doanh thu cao đều xoay quanh một thể loại duy nhất: Hài. Những bộ phim "dám" vươn sang những thể loại khác hoặc chỉ cần giảm "nồng độ" hài trong phim xuống dưới 60% gần như đều phải nhận thất bại ê chề.

Nhưng nếu cứ chỉ "hài" mãi như thế, chúng ta sẽ mãi không thể hội nhập được với thế giới và đương nhiên, càng không thể phát triển bền vững khi nền điện ảnh thiếu tính đa dạng và sự phong phú về thể loại. Tôi mong một ngày nào đó, ngay cả những bộ phim tâm lý hay những bộ phim về lịch sử, chiến tranh của Việt Nam cũng sẽ trở nên ăn khách. Còn làm sao để đi tới được ngày đó là một kế hoạch dài hơi và cần sự chung tay của rất nhiều người.

- Đã từng có mặt tại các LHP quốc tế cũng như theo dõi khá sát sao hoạt động trong các kỳ LHP quốc tế tại Việt Nam, Đinh Tuấn Vũ thấy đâu là điều sẽ giúp điện ảnh Việt Nam "ghi điểm" trong con mắt của bạn bè quốc tế?

+ Điều gì khiến bạn tò mò và rồi yêu thích những bộ phim Iran? Đó là bởi những bộ phim của họ luôn lột tả được con người Iran, xã hội Iran, văn hoá và tôn giáo của những người Iran. Điện ảnh Việt Nam cũng vậy. Nếu chúng ta biết khai thác những nét riêng và thế mạnh của dân tộc, chúng ta sẽ khiến khán giả nước ngoài ấn tượng.

- Lâu nay có một nghịch lý là có những bộ phim khán giả trong nước thờ ơ thì lại thường nhận được giải thưởng hay "ghi điểm" trong lòng khán giả quốc tế và ngược lại... Dường như các đạo diễn Việt Nam ít người thu hẹp được khoảng cách của sự khác biệt trong gu thưởng thức này?

+ Tôi nhìn theo hướng tích cực hơn. Và tôi cũng nghĩ, chỉ khi ta nhìn theo hướng này, ta mới có thể làm được những bộ phim "được lòng" cả khán giả trong và ngoài nước. Đừng nghĩ gu thưởng thức của khán giả quốc tế và khán giả mình khác biệt, hãy đơn giản cho rằng những phim đó dù lạ, dù mới với nước ngoài nhưng chưa đủ hay, chưa đủ sâu, và chưa đủ gây xúc động với tất cả mọi người.

- Công chúng kỳ vọng nhiều vào đội ngũ những đạo diễn trẻ như Vũ sẽ góp phần quan trọng đưa điện ảnh trong nước hội nhập với quốc tế! Nhưng hình như còn rất nhiều khó khăn trong hành trình thực hiện mơ ước đó?

+ Không đạo diễn trẻ nào không muốn đưa bộ phim của mình vươn tầm quốc tế, nhưng bên cạnh khả năng của từng người, cái chúng tôi luôn khó khăn nhất là có được nhà sản xuất, êkip đồng chí hướng. Tôi nghĩ những LHP như LHP Quốc tế Hà Nội lần thứ V vừa qua có sức lan toả rất lớn và sẽ giúp những nhà làm phim có cái nhìn bao quát hơn, rộng lớn hơn. Bởi nếu chỉ làm phim vì lợi nhuận, vì doanh thu, cuối cùng ta sẽ đánh mất những nét đẹp nhất của công việc thiêng liêng này!

- Cảm ơn đạo diễn Đinh Tuấn Vũ!

Đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp:

Với điện ảnh Việt Nam, những bộ phim được Nhà nước đàu tư về đề tài chiến tranh, về cuộc sống người dân thời hậu chiến ít dần. Phim nhà nước tài trợ gần như không còn. Cùng thời điểm này, các nhà làm phim trẻ, các hãng phim tư nhân có nhu cầu kể câu chuyện của họ, theo góc nhìn riêng của họ, với mong muốn khán giả đến với họ. 

Có một thực tế là, trong suốt giai đoạn học tập tại trường Điện ảnh hay mới đi làm, tôi luôn được nghe về sự so sánh giữa điện ảnh Việt Nam và điện ảnh Iran. Trong đó, những câu hỏi như: Hãy nhìn điện ảnh Iran, họ làm phim với kinh phí rất thấp, họ không cần kỹ xảo hoành tráng, không làm theo công thức phim Hollywood. Họ làm theo công thức riêng của họ. Khi ấy còn trẻ, tôi ngưỡng mộ các nhà làm phim Iran nhưng âm thầm có những "phản kháng" về các câu hỏi đặt ra cho các nhà làm phim trẻ Việt Nam.

Sau này, số lượng phim Việt Nam sản xuất trong một năm ngày càng nhiều. Có năm tới 40 bộ phim, nhưng 90 - 95% trong số đó là phim thương mại, hài hước. Câu hỏi thường xuyên nhất mà tôi nghe ở các nhà làm phim, các nhà phát hành là liệu phim này có ăn khách không? 

Rõ ràng hiện tại, chúng ta đang chỉ tập trung vào nhóm đối tượng khán giả trẻ khi thường xuyên đưa ra thắc mắc: Phim này có già quá không? Tại sao không có nhân vật trẻ? Người ta quen nhìn điện ảnh như một dự án kinh doanh hơn là một tác phẩm nghệ thuật. Ban đầu tôi thấy bình thường, điện ảnh cần phát triển đa dạng, nhưng sau này tôi thấy như vậy không ổn.

Những người làm những bộ phim khác với xu hướng đó đã thấy không có tương lai. Chúng ta đang phải làm phim trong khung cảnh có quá nhiều đòi hỏi: Phim phải có nhiều ngôi sao, thu hút đông đảo khán giả. Bạn bè, người thân cũng khuyên tôi nên làm phim giải trí để có khán giả. Nhưng trong suy nghĩ những người làm phim trẻ như chúng tôi, làm sao để mang nghệ thuật điện ảnh tới những người yêu nó. Làm thế nào để có được những khuôn hình tự nhiên nhất, có được tiếng nói riêng biệt, cá tính nhất trong mỗi tác phẩm của mình. Và những tác phẩm ấy khi ra đời phải khiến xã hội sáng tạo hơn, cởi mở hơn, chứ không chỉ làm thế nào để chiều được thị hiếu khán giả.

Tôi rất yêu Hà Nội, nơi tôi sinh ra và lớn lên cùng với tình yêu điện ảnh. Chính vì thế tại nơi đây, tôi có phòng chiếu "nhỏ nhất thế gian" phục vụ tình yêu điện ảnh của tôi và những người cùng sở thích với mình. Tôi thấy nhiều phụ nữ, người có tuổi không tìm được vị trí, cái họ cần ở những rạp chiếu lớn nên tôi muốn phục vụ những nhu cầu ấy. Tuy phòng chiếu nhỏ nhưng chúng tôi có những trải nghiệm điện ảnh tuyệt vời. Đó là giây phút tôi nhìn lại việc chúng ta cần học tập cách kể của Iran, về cách kể câu chuyện nhỏ, không cần ồn ào nhưng chạm được đến trái tim khán giả.

Ông Orugi kohei - Đạo diễn, biên kịch Nhật Bản:

Ở điện ảnh Việt Nam, tôi có xem và ấn tượng với những bộ phim của đạo diễn Đặng Nhật Minh. Bộ phim gần đây nhất mà tôi xem của Việt Nam là bộ phim "Cánh đồng bất tận" - bộ phim về cuộc sống của người dân trên vùng sông nước. Việt Nam cũng là một trong những quốc gia có diện tích nước bao phủ rất lớn. Việc khắc họa cuộc sống của người dân trên sông nước mênh mông như vậy gây ấn tượng rất lớn và chạm đến trái tim người xem.

Không chỉ ở LHP lần này mà tôi quan niệm, tiêu chí đánh giá một bộ phim bên cạnh cách kể chuyện thông minh, các yếu tố nghệ thuật thì bộ phim phải chạm vào trái tim khán giả. Nếu làm được điều đó thì bộ phim chinh phục được bất kỳ khán giả ở quốc gia nào. Điện ảnh có ngôn ngữ rộng lớn, phi quốc gia, dân tộc. Chỉ cần những người làm phim thực hiện bằng tất cả tài năng, tâm huyết và trái tim của mình sẽ có được thành công.

Đạo diễn, NSND Phạm Nhuệ Giang: Muốn hội nhập tốt phải có phim nghệ thuật hay

- Thưa đạo diễn, NSND Phạm Nhuệ Giang, mặc dù gần đây, mỗi năm điện ảnh Việt Nam ghi dấu sự xuất hiện của gần 40 bộ phim, nhưng trong số đó, đại diện của dòng phim nghệ thuật ngày càng thưa thớt. Theo chị, điều này có ảnh hưởng tới việc hội nhập trong lĩnh vực này hay không?

+ Tôi cho rằng, đối với các LHP Quốc tế (dù tổ chức ở trong nước hay ngoài nước), quan trọng nhất là phải có phim nghệ thuật. Tuy nhiên, đúng thời điểm này, phim nghệ thuật ở Việt Nam lại rất ít. Gần đây, có phim "Người vợ ba" của đạo diễn Nguyễn Phương Anh được giải phim Châu Á hay nhất LHP Toronto. Phim "Song Lang" tham dự LHP Quốc tế Tokyo... Sự hội nhập của điện ảnh Việt Nam còn chưa thật tốt. Trong khi mỗi năm có tới 40 bộ phim thương mại ra đời nhưng nếu để những phim ấy tham dự các LHP sẽ rất nhạt nhòa. Để có hội nhập tốt, phải có phim nghệ thuật, trong khi đó, các nhà sản xuất chưa chú ý đến điều này. Họ luôn luôn sợ bị lỗ khi làm phim.

Hàng chục năm nay, sản xuất phim, phát hành phim chủ yếu chạy theo thị trường để đáp ứng thị hiếu của một bộ phận khán giả. Khách quan mà nói, điều đó khiến cho khán giả không có nhiều lựa chọn trong thưởng thức điện ảnh mà chỉ có một món - đó là phim thương mại. Lâu dần, khán giả sẽ không biết, không quen đến xem phim nghệ thuật. Nếu kéo dài tình trạng như thế rất nguy hiểm. 

Giá trị một nền điện ảnh được xác lập bởi dòng phim nghệ thuật. Vì ở các bộ phim này, đạo diễn luôn tìm kiếm một cách kể mới lạ, một sự khác biệt. Trong khi ở các phim thương mại, đạo diễn không quan tâm đến điều đó. Họ sẽ chỉ chú trọng tới việc hút khách bằng những tình huống gây cười, bạo lực, kinh dị.

- Chị từng làm phim nên chị hiểu ám ảnh về bài toán "cơm áo gạo tiền" của các đạo diễn?

+ Đúng vậy, doanh thu là điều ám ảnh với các nhà làm phim hiện nay. Tuy nhiên, Điện ảnh ngay từ khi sinh ra đã là lĩnh vực nghiêm túc phục vụ nhân dân, đất nước. Hãng Phim truyện Việt Nam là nơi từng sản xuất nhiều bộ phim nghệ thuật thì gần như bị bỏ rơi. 

Để xây dựng được rất khó, nhưng chỉ cần 1 vài năm không được quan tâm là có thể bị phá tan. Tôi cho rằng lãnh đạo ngành Điện ảnh phải có chính sách nuôi điện ảnh nghệ thuật. Ví dụ như ở Pháp, điện ảnh cũng đi 2 chân: dòng phim thương mại và nghệ thuật. Khi khán giả mua vé xem phim thì một phần lợi nhuận đó được trích ra để phát triển điện ảnh nghệ thuật. Hiện nay, ở Việt Nam, các rạp chiếu rất nhiều phim nước ngoài. Nên chăng, nhà nước cần trích một phần từ nguồn lợi đó, thành lập quỹ điện ảnh để nuôi sống phim nghệ thuật.

- Trong xu hướng hội nhập của điện ảnh hiện nay, có sự góp công rất lớn của những người trẻ, đúng không chị?

+ Trong số các bạn trẻ, tôi rất ấn tượng với Ngô Thanh Vân. Cô ấy rất nhiệt tình mang phim tham dự các LHP quốc tế. Ngô Thanh Vân năng động, giỏi tiếng Anh và là một nhà sản xuất nên có quan hệ quốc tế rất tốt. Ngoài ra còn có Nguyễn Hoàng Điệp, Phan Đăng Di... 

Nhưng, phim Việt Nam ra quốc tế vẫn đa phần chiếu ở mục toàn cảnh, ít phim tham gia chính thức. Làm thế nào để dòng phim nghệ thuật mạnh lên và có rạp chiếu riêng là điều quan trọng. Đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp có một rạp chiếu phim nhỏ (giống như nhạc sĩ Dương Thụ) với mong muốn là nơi tụ họp cho những người yêu điện ảnh. Nhưng đa phần là chiếu phim cũ, không có phim mới. Thời gian vừa qua, Nguyễn Hoàng Điệp cũng rất nhiệt tình kêu gọi mọi người ủng hộ phim "Song lang" một bộ phim nghệ thuật hiếm hoi được làm.

Tôi cho rằng nhân tài hiếm như lá mùa thu, có khi một vài năm, thậm chí lâu hơn mới có, nhưng tôi không ngừng hy vọng. Điện ảnh Ba Lan là một ví dụ. Nhiều năm họ không có được phim hay, nhưng gần đây lại liên tục có thành tựu. Thành tựu điện ảnh xuất phát từ truyền thống nhưng cũng lại phụ thuộc vào một số cá nhân nhất định.

- Để hội nhập tốt, theo chị phim Việt cần đạt được những điều gì?

+ Phải là phim đưa ra những vấn đề tốt của điện ảnh Việt Nam của con người, xã hội để khán giả xem phim thấy được Việt Nam trong đó. Không ít phim hiện nay xa rời đời sống, thiếu vắng hình ảnh người nông dân mà chỉ thấy xuất hiện những chàng trai, cô gái trong các gia đình có điều kiện. Những tình huống phim cũng rất Tây, không phù hợp với tâm lý người Việt. Một số đạo diễn Việt kiều được học bài bản ở nước ngoài về nước làm phim, tuy nhiên phim lại chưa có được bản sắc Việt rõ nét.

- Chị vẫn còn ấp ủ phim nghệ thuật chứ?

+ Tất nhiên rồi. Vừa qua tôi có được một kịch bản khá ưng ý, nhưng vì vấn đề mua bản quyền khá đắt đỏ nên lại bị lỡ. Tôi vẫn tiếp tục chờ đợi những kịch bản ưng ý. Cũng như mỗi khi có cơ hội giảng dạy cho các bạn trẻ, tôi thường xuyên khuyến khích các bạn theo đuổi việc làm phim nghệ thuật.

- Xin cảm ơn đạo diễn Phạm Nhuệ Giang!
Thảo Duyên - Tuấn Phong
.
.