Điện ảnh Việt: Bao giờ mới hết quẩn quanh?
Lọ Lem chưa thể thành công chúa
Mai Quỳnh Nga
Thời gian gần đây, số lượng phim Việt không ngừng tăng ở mảng phim điện ảnh lẫn phim truyền hình khi rạp tiêu chuẩn quốc tế không ngừng mọc lên, sóng giờ vàng ưu ái phim Việt. Theo Tạp chí “Hollywood Reporter”, tỷ suất tăng trưởng từ doanh thu bán vé phim của Việt Nam lên đến 614%, xếp cao nhất trong số 13 thị trường điện ảnh "nóng" nhất thế giới năm 2012.
Con số ấn tượng này vẫn tiếp tục tăng không ngừng trong 5 năm trở lại đây. Tuy nhiên, theo nhìn nhận của những người trong nghề, sở dĩ Việt Nam có con số kỷ lục trên vì nền điện ảnh chúng ta ở mức quá thấp so với mặt bằng chung của điện ảnh thế giới. Do đó dù doanh thu phòng vé không thể sánh được các quốc gia có nền điện ảnh phát triển nhưng tỉ suất tăng trưởng lại vượt bậc họ.
Một điều phải công nhận về mặt công nghệ, kỹ thuật, kỹ xảo, hình ảnh và âm thanh chúng ta đang ngày càng tiệm cận với chuẩn quốc tế. Nội dung phim Việt cũng phong phú hơn so với các phim nhập khẩu từ Hollywood hay Trung Quốc.
Hết hài rồi đến kinh dị, hết ngôn tình chuyển sang phim bi. Dù rằng thị trường đã có những phim tạo doanh thu kỷ lục lấn át cả phim “bom tấn” nước ngoài như “Để Mai Tính 2” (hơn 101 tỷ đồng) hay “Em là bà nội của anh” (hơn 102 tỷ đồng) nhưng phim Việt tạo được chỗ đứng vững chắc trong lòng khán giả nội địa và xa hơn là xuất khẩu đi nước ngoài vẫn là một giấc mơ xa xỉ.
Cái neo đậu lại chính là chất lượng nghệ thuật, cảm xúc, đặc biệt là văn hóa bản địa đậm đặc vẫn rất ít phim làm được. Bản sắc Việt mờ nhạt, thậm chí mất hút trong hàng chục phim hài hước, đánh đấm, đồng tính và yêu đương sướt mướt đến phi lí. Có người ví von nếu tắt tiếng của diễn viên và lồng tiếng nước ngoài vào, người ta không thể nhận ra đó là phim Việt Nam!
Ở địa hạt phim truyền hình, dù khai thác nhiều nội dung trong cuộc sống, được phát trên sóng giờ vàng nhưng vẫn còn rất nhiều điều khiến người làm nghề trăn trở. Chưa có phim truyền hình xuất khẩu ra nước ngoài nhưng chúng ta vẫn nỗ lực đặt viên gạch đầu tiên cho giấc mơ này bằng các dự án phim hợp tác với nước ngoài.
Tuy nhiên, theo bà Ngô Ngọc Ngũ Long, Phó Chủ tịch Hội Điện ảnh TP Hồ Chí Minh, ở những dự án này chúng ta dường như bị yếu thế. Nếu xem phim Việt Nam hợp tác với Hàn Quốc, người ta không khó cảm nhận rằng đây là phim Hàn nói tiếng Việt chứ không phải phim Việt Nam. Mọi cung cách ứng xử, văn hóa, ẩm thực… đều là của Hàn Quốc dù bối cảnh quay ở Việt Nam.
Phim Việt đang có bước phát triển mạnh mẽ về số lượng nhưng hiếm phim đột phá về nội dung, nghệ thuật (Trong ảnh: phim “Dạ cổ hoài lang” được đầu tư công phu nhưng vẫn vấp nhiều sạn). |
Trong khi phim truyền hình ở phía Bắc có sản phẩm chất lượng, hấp dẫn, đặt được những vấn đề nhức nhối của xã hội thì phim truyền hình ở phía Nam đang tuột dốc không phanh. Tư nhân tham gia làm phim rất nhiều nhưng phim đều chạy theo thị hiếu nên không đạt được vấn đề lớn, sâu sắc, có tính nhân văn cao.
Lứa diễn viên trẻ không phải không xuất hiện gương mặt triển vọng có tài năng diễn xuất, đam mê, không quản ngại khó khăn, mạo hiểm. Nhưng đất diễn dành cho họ quá bó hẹp khi đạo diễn kém tay nghề, nội dung kịch bản rời rạc, thiếu chiều sâu. Lắm người không hiểu nổi vì sao nhiều đạo diễn tài năng ở trong nước lẫn Việt kiều vốn có nhiều sản phẩm rất tốt trước đây nhưng càng về sau sản phẩm của họ càng đuối, thậm chí là quay về tình trạng nghiệp dư?
Với những đạo diễn nổi tiếng này, người xem đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác không phải vì nó quá hay mà vì sự quái đản, phi lí và lộn xộn trong cách kể chuyện. Phim chỉ cốt khoe sắc đẹp diễn viên, phong cảnh hoặc lạm dụng kỹ thuật tối tân để khoe kỹ xảo, âm thanh thu hút, hình ảnh lung linh. Giữa vòng xoáy thị trường, người làm phim vẫn vấp phải thực trạng là có gì xài cái đó, không được bồi bổ để nâng cao tay nghề, tiếp lửa sáng tạo mà chỉ chăm chăm học chiêu trò câu khách.
Sự sôi động của thị trường điện ảnh còn khiến cho lắm kẻ tay ngang, không am hiểu chút gì về phim ảnh cũng nhảy vào làm phim hòng chia miếng bánh tưởng như béo bở. “Rác” điện ảnh tràn lan là điều hiển nhiên. Ở đây, phim có doanh thu cao chưa hẳn đồng nghĩa với phim có nội dung tốt.
Sự tệ hại này có phải do nhà nước đuối hơi trong cuộc đua phim ảnh với các hãng tư nhân? Năm 2017, năm đầu tiên giải Cánh Diều hoàn toàn thiếu vắng phim nhà nước. Đơn giản vì năm qua không có phim nào được nhà nước sản xuất hay đặt hàng. Điều này dấy lên hoang mang cho những người tâm huyết với điện ảnh nước nhà. Bởi có người ví von: Không có sự định hướng, tài trợ của nhà nước, điện ảnh như con thuyền bị mất bánh lái.
Bà Ngô Phương Lan, Cục trưởng Cục Điện ảnh cho biết, từ sự thành công của phim “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” - phim nhà nước đặt hàng tư nhân thành công vang dội cả về mặt nghệ thuật lẫn thương mại, trong năm 2017, việc nhà nước đặt hàng phim sẽ được đưa vào hạng mục đặc biệt.
Ngoài đẩy mạnh phim đặt hàng, một điều mà các nhà làm phim mong mỏi đó chính là triển khai Quỹ Điện ảnh. Bởi họ tin chắc chắn sẽ có nhiều tác phẩm chất lượng cao ra đời khi Quỹ là bà đỡ cho các tài năng trẻ thực hiện dự án đầu tay, hỗ trợ nhà làm phim độc lập… Dù đã trình lên Chính phủ hai lần vào năm 2010 và 2012 nhưng đến nay, việc triển khai Quỹ vẫn đi vào ngõ cụt bởi nhiều vướng mắc chưa thể giải quyết rốt ráo.
Đạo điễn Đào Bá Sơn: Thiếu bột không thể gột thành hồ
Điện ảnh thị trường đã chính thức lên ngôi hoàng đế. Ngày nay, ăn khách đã trở thành một nghệ thuật, đó là nghệ thuật ăn khách. Khán giả bây giờ vào rạp là các cháu ở độ tuổi từ 15 đến 29. Chính những khán giả này đã giúp cho các hãng phim, nhà sản xuất có lãi, thậm chí lãi to hoặc ngược lại là lỗ, thậm chí lỗ to đến mức trắng tay.
Đối tượng khán giả này đã trở thành thượng đế. Và đương nhiên hoàng đế thì phải chiều những sở thích của thượng đế. Tôi muốn nói để chúng ta thấy đồng cảm với các nhà sản xuất – những người can đảm bỏ tiền ra đầu tư cho điện ảnh. Sau khi nhà nước xóa bỏ bao cấp thì sự tồn tại của điện ảnh ngày hôm nay chính là do thị trường điện ảnh quyết định. Sứ mệnh này bây giờ đang nằm trên vai các nhà sản xuất của hãng phim tư nhân.
Để phim bán được vé luôn là một thách thức lớn. Có người chế lại câu nói trứ danh của Acsimet thành: “Hãy cho tôi một công thức “thế nào là phim ăn khách”, tôi sẽ là chúa tể phòng vé”. Công thức này các nhà sản xuất vẫn đang trong quá trình thể nghiệm.
Ở phòng vé, phim Việt vấp phải sự cạnh tranh hết sức khốc liệt với các ông kẹ khổng lồ đó là điện ảnh Mỹ, Trung Quốc… Dù gì, trong sự cạnh tranh khốc liệt đó, khán giả càng có nhiều phim để lựa chọn. Đó là một trong những điều để điện ảnh có điều kiện phát triển và hòa nhập với thế giới.
Vẫn biết làm một bộ phim điện ảnh thì nó vô cùng khó khăn khổ ải, là sự lao động vất vả của cả tập thể với số tiền đầu tư không nhỏ nhưng thật đáng buồn khi rất nhiều phim là sự dễ dãi, nghèo nàn trong xây dựng cốt truyện và tính cách nhân vật; là sự rời rạc, chắp vá trong cấu trúc của chuyện phim.
Dù rằng nhiều đạo diễn khá giỏi, dù rằng họ luôn khai thác tối đa các hành động, các chi tiết của hàng loạt các góc độ nhân vật, dù rằng công tác quay phim rất kỳ công nhưng khó cứu vãn nổi sự nghèo nàn của nội dung, sự đơn điệu một chiều của nhân vật.
Và có thể nói việc thiếu kịch bản hay đang là một lỗ hổng hết sức lớn vì “có bột thì mới gột thành hồ” được. Chúng ta không có một kịch bản tốt thì khó mà có một tác phẩm điện ảnh tốt. Nếu như ngày nay chúng ta có quá nhiều thực phẩm nhưng lại quá ít dinh dưỡng thì điện ảnh cũng tương tự như vậy. Chúng ta có quá nhiều phim nhưng quá ít các chất dinh dưỡng dành cho các bạn trẻ. Đặc biệt là các chất dinh dưỡng cho tâm hồn Việt, cho lòng yêu thương và vẻ đẹp của cuộc sống chúng ta ngày hôm nay.
Đạo diễn Việt Linh: Sợi dây liên kết giữa thế hệ già và trẻ rất lỏng lẻo
Cái yếu của chúng ta đó là sự bắt tay giữa thế hệ trẻ và già rất lỏng lẻo. Rất nhiều hoạt động nghề nghiệp của Hội Điện ảnh, các hội viên trẻ không hề tham gia.
Điều đáng mừng nhất là hiện nay phim Việt đã chiếu quanh năm chứ không chăm chăm vào dịp Tết và khán giả đã chịu khó đến rạp. Khoảng 20 năm nữa chắc chắn sẽ có một thế hệ khán giả Việt biết xem phim. Vậy nên ngay từ bây giờ, chúng ta hãy đầu tư, dìu dắt cho những nhà làm phim trẻ.
Các bạn trẻ bây giờ chỉ thiếu kịch bản hay thôi chứ các bạn làm tốt lắm, tốt hơn chúng ta rất nhiều. Thế hệ già chúng ta đừng nên ganh tị với thế hệ trẻ mà nên nâng đỡ các em ấy bởi các em ấy đang lúng túng, chưa có nhiều kinh nghiệm lẫn trải nghiệm dù rằng các em có trong tay rất nhiều phương tiện hiện đại.
Phần nữa, tôi không buồn trước thực trạng không có phim nhà nước mà chỉ toàn tư nhân sản xuất trong năm nay. Tôi nghiên cứu điện ảnh nhiều nước trên thế giới, trong đó hai nền điện ảnh tôi ái mộ là Hàn Quốc và Pháp.
Ở họ, vai trò của nhà nước chỉ mang tính chất tác động, hỗ trợ và quan sát chứ không phải là dẫn dắt, định hướng, chỉ đạo nền điện ảnh. Người ta chỉ ủng hộ cái gì của nghệ sĩ đưa ra và người ta cảm thấy điều đó phù hợp với sự tiến bộ, tuyên truyền văn hóa của đất nước mình thì họ sẽ cấp thêm kinh phí để làm chứ không định hướng.
Nhà nước không nhất thiết phải làm phim cho bằng được mà là dùng ngân sách của nhà nước để hỗ trợ phim nào của tư nhân mà mình thấy cần hỗ trợ ví dụ như phim “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” mà tôi từng chuyển thế kịch bản. Tôi thấy công thức bắt tay giữa nhà nước và tư nhân là công thức rất đẹp.
Nhà phê bình, nhà biên kịch Đoàn Tuấn: Điện ảnh nhà nước phải là dòng chủ đạo
Các nước đều coi điện ảnh là tư tưởng dân tộc, điện ảnh là văn hóa quốc gia. Nhưng chúng ta thấy các phim Việt hiện nay hoàn toàn không chú ý đến vấn đề này. Tư tưởng quốc gia hay hình ảnh dân tộc, vẻ đẹp con người của đất nước Việt Nam, họ ít chú ý đến. Họ chủ yếu là kiếm tiền.
Ở Hàn Quốc có một Quỹ Điện ảnh, lúc đầu họ có 50 triệu đô la thôi nhưng bây giờ đã hơn 1 tỷ đô la. Quỹ điện ảnh này hỗ trợ cho những phim mang tiếng nói, hình ảnh của dân tộc Hàn Quốc để đi khoe với thế giới. Còn chúng ta cũng có Quỹ Điện ảnh nhưng chẳng có ai ủng hộ Quỹ Điện ảnh này cả.
Không có Quỹ Điện ảnh thì làm sao chúng ta có những tác phẩm mang tiếng nói của dân tộc, làm sao hỗ trợ những người làm phim có tấm lòng với đất nước này? Nhà nước hiện chỉ cấp tiền làm phim cho các hãng chứ không cấp tiền để quảng cáo, phát hành bộ phim. Bản thân chúng tôi luôn gặp những vấn đề không thể giải quyết nổi, nhiều lúc rất buồn, bất lực.
Điện ảnh có nhiều dòng chảy nhưng phải có một dòng chính thống là dòng nhà nước. Nước nào cũng vậy thôi, họ phải có dòng chủ lưu của nhà nước để mang câu chuyện của đất nước mình đến với thế giới. Bây giờ, điện ảnh tư nhân át điện ảnh nhà nước. Đó là điều đáng suy nghĩ.
Nhà biên kịch Đỗ Thị Thanh Hương: Thuê học sinh viết kịch bản thì hỏi sao phim truyền hình không dở?
Tôi là một nhà biên kịch gần như được chỉ định viết thiên về dòng thương mại cho phim truyền hình. Về điện ảnh, trong tay tôi đã có 7 kịch bản điện ảnh nhưng chưa cái nào dựng thành phim. Khi ai đó đề cập đến vấn đề dựng phim, tôi chưa bao giờ hỏi họ trả kịch bản của tôi giá bao nhiêu mà hỏi rằng họ sẽ đầu tư cho phim của tôi bao nhiêu tiền.
Có vị nói rằng 4 tỉ làm phim và 1 tỉ quảng cáo. Có vị nói 8 tỉ làm phim, 1 tỉ quảng cáo. Khó mà chấp nhận được vì một phim điện ảnh làm cho đàng hoàng, có tính nghệ thuật lẫn thương mại thì không thể làm được ở mức đầu tư như thế.
Về phim truyền hình, quả nhiên không hiếm phim bị Hàn hóa, Trung Quốc hóa… Họ ăn mặc kiểu Hàn, tỏ tình kiểu Hàn. Trong suốt thời gian làm nghề, tôi không bao giờ chấp nhận người ta đặt hàng mình chuyển kịch bản nước ngoài sang kịch bản thuần Việt. Hơn 20 bộ phim truyền hình của tôi đều do tôi tự sáng tác hoặc chuyển thể từ tiểu thuyết của mình.
Phim truyền hình năm 2016 là một giai đoạn suy giảm tồi tệ. Từ nhiều ngàn tập của những hãng phim lớn nay đã giảm rất nhiều. Những lý do khách quan thì ai cũng biết, nào là do sự cạnh tranh của gameshow, sự hạn chế về khuôn mẫu sáng tác, nào là khán giả quay lưng vì những kịch bản phim na ná nhau…
Điện ảnh và truyền hình đều bám xu hướng ăn theo. Hễ một phim hài nhảm mà ăn khách thì lập tức các nhà sản xuất đi truy lùng kịch bản hài nhảm. Hễ một bộ phim lãng mạn, ngôn tình làm mưa làm gió là lại truy lùng phim như thế. Họ không có tầm nhìn, tầm phán đoán thị trường đang cần cái gì. Điều đó là thảm họa khiến người ta lúng túng, bối rối.
Tôi có xu hướng sáng tác theo kiểu quan sát, ngẫm xem xã hội xảy ra điều gì nóng bỏng nhất thì sau đó tôi sẽ viết kịch bản. Trên truyền hình phải cần có thương mại vì nếu không có thương mại thì chúng tôi không thể còn tiền để làm phim thứ hai. Nên mọi người thông cảm cho chúng tôi.
Vậy vì sao thời gian vừa qua phim truyền hình từ chết nhỏ lẻ đến chết ồ ạt? Quả đúng như mọi người nói, vấn đề lớn nhất là kịch bản. Kịch bản chiếm 70% sự thành công của phim. Kịch bản dở cũng bởi điều khủng khiếp này: Một em gái nhảy vào Facebook của tôi để xin cùng tôi viết kịch bản phim truyền hình. Tôi nói với em rằng tôi không có nhu cầu viết kịch bản theo nhóm. Tôi hỏi em là ai và em từng viết chưa? Em tự tin giới thiệu em từng viết cho rất nhiều biên kịch, rất nhiều đạo điễn trẻ đã đặt hàng. Tôi há hốc miệng khi em nói em mới có 16 tuổi!
16 tuổi, đang ngồi trên ghế nhà trường thì em ấy lấy đâu ra kinh nghiệm lẫn sự từng trải, vốn sống để viết kịch bản? Thế nhưng người ta vẫn tận dụng, thậm chí bóc lột sức lao động của em. Em kể rằng ban đầu em viết không công cho người ta để học hỏi kinh nghiệm. Về sau thì em được trả 200-500 ngàn cho một tập phim trong khi hiện phim truyền hình của tôi bán giá 10 triệu/ tập. Người ta nỡ lòng nào.
Tôi nghĩ họ trả 200 ngàn thì chắc họ chỉ lấy 2, 3 ý tưởng từ kịch bản của em rồi xào nấu lại. Lúc đó tôi mới biết rằng từ xưa đến nay rất nhiều biên kịch viết nhóm đã tận dụng cách làm này. Họ lấy rất nhiều ý tưởng của các em học sinh, sinh viên đam mê phim ảnh và viết lách rồi tập hợp lại thành kịch bản. Nếu các em gặp được người nâng đỡ tốt thì các em đã phát triển nghề, trở thành một biên kịch giỏi. Nhưng thường người ta không chấp nhận người sau giỏi hơn mình, đó là nỗi nhục. Nên cứ để các em tự bơi và bị bóc lột không thương tiếc.
Kịch bản dở và sạn nhiều còn là do người ta viết nhóm. Một kịch bản có 10 người hoặc 5 người chịu trách nhiệm thì mỗi người viết một khúc. Có lần tôi được một hãng phim nhờ biên tập, tôi đọc rất mắc cười: Một con gà dọn lên bàn, hai đứa ăn hai cái đùi. Nhưng tập kế tiếp thì đĩa thịt gà còn một cái đùi nữa, vậy con gà có 3 cái chân.
Bây giờ, nhà biên kịch chúng tôi bị gò bó trong khuôn khổ nhiều quá. Khả năng “phiêu” trong sáng tác bị đóng khung. Đóng khung do nhiều yếu tố. Yếu tố lớn nhất là tài chính (không đủ tiền làm phim nên viết phải dè chừng), thêm nữa là các đạo diễn, nhà đài có thể gọt giũa kịch bản bất cứ lúc nào. Rất tội cho biên kịch khi phải chịu trách nhiệm đến 70% chất lượng phim nhưng nếu bị đạo diễn hoặc nhà đài cắt giũa thì biên kịch không được thông báo hay hỏi ý kiến. Đôi khi “con” họ lên sóng mà họ không nhìn ra “con” mình nữa.