Dịch giả Trần Đình Hiến: Vì sao tôi chọn dịch Mạc Ngôn?

Thứ Tư, 23/04/2008, 09:30
Trong mươi năm lại đây, Trần Đình Hiến được biết đến như một dịch giả hàng đầu về văn học Trung Quốc. Năm 2001, với việc xuất bản "Báu vật của đời" (nguyên tác "Phong nhũ phì đồn") ông đã tạo nên một cơn sốt Mạc Ngôn trong đời sống văn học Việt Nam. Sau đó liên tục là nhiều tác phẩm gây ấn tượng.

Ngoài Mạc Ngôn, ông cũng là dịch giả của nhiều tác gia văn học Trung Quốc nổi tiếng khác như Lý Nhuệ, Khương Nhung... Văn nghệ Công an đã có cuộc trao đổi với ông xung quanh việc dịch Mạc Ngôn nói riêng và văn học Trung Quốc nói chung...

- Thưa ông, nguyên là một cán bộ ngoại giao, vậy duyên do nào để ông đến với văn học và trở thành dịch giả?

+ Tôi nguyên là giáo viên tiếng Hán. Năm 1965-1966, từ Trường Ngoại ngữ chuyên tu (nay là Đại học Ngoại ngữ Hà Nội), tôi đi làm nghiên cứu sinh Hán ngữ cổ đại tại Trường đại học Tổng hợp Bắc Kinh. Chương trình nghiên cứu kết thúc, chưa kịp bảo vệ luận án thì nổ ra Cách mạng Văn hóa (tháng 6/1966).

Trong khi chờ đợi có chuyến tàu về nước, vì thiếu người xử lý thông tin, tôi được triệu tập lên Đại sứ quán Việt Nam tại Bắc Kinh và sau đó được điều chuyển từ Bộ Đại học sang Bộ Ngoại giao, chuyên nghiên cứu về Trung Quốc.

Đến khi nghỉ hưu, tôi chẳng có vốn liếng nào khác ngoài một mớ chữ nghĩa, cả tiếng Hán lẫn tiếng Việt, đã được chắt lọc nghiêm ngặt trong quá trình  "nói lại lời người khác" (phiên dịch), thêm vào đó là những trải nghiệm về nhân sinh, tôi chọn công việc dịch văn học, nhưng chỉ gói gọn trong tiểu thuyết.

- Ông đã dịch văn học Trung Quốc từ trước. Nhưng công chúng thực sự biết đến tên tuổi của ông khi "Báu vật của đời" được giới thiệu ở Việt Nam. Tại sao trong rất nhiều tác phẩm của Mạc Ngôn, ông lại chọn "Báu vật của đời" để khởi đầu?

+ Đầu những năm 60 (của thế kỷ XX), tôi có dịch tuyển tập kịch Lão Xá để phục vụ công tác giảng dạy. Sau đó tôi cũng có dịch tiểu thuyết "Gieo hạt tình yêu" của Từ Hoài Trung.

Nhưng từ đó đến năm 1995, tôi không dịch cuốn truyện nào nữa. Lý do: Chúng ít chất văn học. Phương pháp sáng tác trong thời kỳ này ở Trung Quốc không thoát khỏi khuôn phép của "lễ trị" xưa kia, vẫn theo chủ nghĩa thần bản, vật bản, rất xa lạ với chủ nghĩa nhân bản vốn là đặc trưng của văn học.

Tình hình ấy tiếp  diễn cho đến khi xuất hiện tác phẩm "Báu vật của đời" của Mạc Ngôn, tháng 9 năm 1995.

Trước quyển này, Mạc Ngôn đã viết gần một trăm truyện ngắn, truyện vừa. Nhưng tôi chọn giới thiệu "Báu vật của đời" làm tác phẩm đầu tiên giới thiệu với bạn đọc Việt Nam, vì những lý do dưới đây:

Thứ nhất, "Báu vật của đời" viết theo quan điểm lịch sử, nhưng là lịch sử trong con mắt nhân dân, tức viết về mảng khuất trong lịch sử Trung Quốc khoảng 100 năm. Với lối viết như vậy, tác giả đã mở ra một không gian lịch sử rộng lớn, cực kỳ hấp dẫn, vì nó phản ánh thực chất cuộc sống con người như  vốn có.

Trong con mắt nhân dân, lịch sử được ghi chép khá đầy đủ, và thái độ thì rất công bằng. Nếu qua những hình ảnh lịch sử đã bị khúc xạ, thì những bài học rút ra đều vô nghĩa.

Thứ hai, thông qua gia đình Thượng Quan, Mạc Ngôn bày tỏ nỗi đau trước số phận con người. Có những nỗi đau nhìn thấy. Nhưng có những nỗi đau hơn nhiều lần mà không dễ nhận ra. Các thế lực đến rồi đi, còn tai họa thì bám riết lấy người dân.

Với sức khái quát rộng lớn, thủ pháp điêu luyện, lối kể chuyện hấp dẫn, ngôn ngữ khoáng đạt, "Báu vật của đời" vượt lên các tác phẩm thuộc dòng "văn học vết thương", "văn học tầm căn". Và vì vậy, nó được trao giải Nhất về tiểu thuyết năm 1995, với tiền thưởng dành cho bậc đại gia (33 vạn nhân dân tệ). Khi ấy Mạc Ngôn mới 40 tuổi.--PageBreak--

- Văn học Trung Quốc sau Cách mạng Văn hóa có nhiều tác giả lớn, nhưng ông đã chọn Mạc Ngôn như một tác gia tiêu biểu nhất để giới thiệu ở Việt Nam, và giới thiệu một cách rất hệ thống, rất chủ ý. Vì sao vậy?

+ Tôi chọn Mạc Ngôn vì  tác phẩm của ông giải đáp được những vấn đề về nội dung, đề tài và phương pháp sáng tác.

Mạc Ngôn là người đầu tiên đoạn tuyệt với phương pháp sáng tác theo chủ nghĩa vật bản, đưa văn học trở lại với chức năng cơ bản của văn học, tức phản ánh số phận con người. Thiếu vắng số phận con người thì không phải văn học.

Sau đó là vì những tác phẩm của Mạc Ngôn có nội dung phong phú, đề tài đa dạng, tình tiết mới lạ và hấp dẫn, ngôn ngữ khoáng đạt, giàu hình ảnh.

Một điều khiến Mạc Ngôn nổi bật trên văn đàn, trở thành "hiện tượng Mạc Ngôn", không chỉ vì ông viết rất khỏe, mà còn vì ông không lặp lại mình, mỗi tác phẩm một đề tài, một phong cách, không bao giờ trùng lặp. Khả năng đồng hóa với cuộc sống của ông cực kỳ mạnh mẽ. Cũng có nghĩa là ông luôn luôn nâng tầm của mình lên, không chịu dừng lại ở bất cứ cấp độ nào.

Tôi đã dịch 6 tác phẩm của Mạc Ngôn:  "Báu vật của đời", "Đàn hương hình", "Cây tỏi nổi giận", "Rừng xanh lá đỏ","Tửu quốc", "Bốn mươi mốt chuyện tầm phào". Đến đây tôi dừng lại, vì lẽ không thể dịch hết gần ba trăm tác phẩm của ông để chứng minh ông không hề lặp lại mình. Vả lại, tôi còn có những nhà văn khác muốn giới thiệu với độc giả Việt Nam.

- Tác phẩm của Mạc Ngôn hầu như chỉ xoay quanh địa danh Cao Mật. Tác giả có vẻ chỉ có một điểm đứng để phóng chiếu tới toàn bộ lịch sử và nhân sinh. Điều này có ý nghĩa như thế nào?

+ Đúng là như thế. Ông đã biến khái niệm địa lý của nhà văn thành khái niệm văn học, một khái niệm mở. ông đã biến Cao Mật thành một cảnh ảo do ông tưởng tượng trên cơ sở những kinh nghiệm của tuổi ấu thơ, và ra sức biến nó thành một Trung Quốc thu nhỏ, gắn những niềm vui và nỗi buồn của Cao Mật với niềm vui và nỗi buồn của nhân loại. Cốt truyện thì ông dàn dựng, còn các loại nhân vật thì lúc nào cũng sẵn.

Lấy một ví dụ: Khi làm phóng viên cho báo Kiểm sát, ông đọc được  tin Huyện X. (có tên hẳn hoi) thấy xuất khẩu ngồng tỏi hái ra tiền, liền huy động toàn huyện dẹp hết các cây trồng khác, chuyển sang trồng tỏi. Tỏi tốt bời bời, nhưng không có đầu ra, đắp đống để đấy cho thối rữa. Và thế là bao nhiêu chuyện bi hài xảy ra.

Chuyện chỉ có thế, người khác chỉ vài cột báo là hết. Nhưng Mạc Ngôn quyết định thông qua chuyện đó viết thành tiểu thuyết về số phận người nông dân. Ông mượn một căn nhà kho bỏ không, đóng cửa trong 35 ngày, viết "Cây tỏi nổi giận" (nguyên tác có tên "Bài ca ngồng tỏi Thiên Đường").

Người ta hỏi, ông điều tra lúc nào mà nhanh thế? Ông trả lời rằng ông không đi đâu cả, và làm gì có huyện Thiên Đường. Huyện Thiên Đường là do ông bịa ra, nhưng những nhân vật trong truyện thì không phải đi đâu xa, lấy nguyên mẫu từ người nông dân Cao Mật cùng những cảnh đời của họ.

Ông nói khi ông đặt bút viết, những nhân vật trong truyện đứng sắp hàng sau lưng ông để đòi vào truyện, thậm chí chú Tư (nhân vật trong truyện bị xe của Bí thư công xã cán chết) còn kéo áo ông, đề nghị: "Cháu cho chú vào truyện mấy, để người ta biết có thằng Tư này ở trên đời. Chú khổ quá, sống mà như đã chết, có cũng như không".

Thuật lại mẩu chuyện bên lề để bạn đọc hiểu thêm về phương pháp sáng tác của Mạc Ngôn.

- Ông đã nói, Mạc Ngôn không lặp lại mình. Mỗi tiểu thuyết là một phong cách riêng. Văn Mạc Ngôn vô cùng uyển chuyển, kết hợp nhiều thủ pháp… ông có cảm thấy khó khăn khi chuyển ngữ tác giả này?

+ Tôi quan niệm dịch văn học không chỉ là chuyển ngữ, mà ở tầm cao hơn, là sự giao lưu giữa hai nền văn hóa. Một dịch phẩm văn học thành công, nhiều khi yếu tố văn hóa quan trọng hơn yếu tố ngôn ngữ. Câu chữ chỉ là vật liệu. Đằng sau câu chữ là cái hồn của tác phẩm. Phải từ cái tầm của văn hóa mới bắt được cái hồn đó. Khi đã bắt được cái hồn thì câu chữ trong đầu tự ùa ra, chỉ còn mỗi việc Việt hóa sao cho nhuần nhuyễn.

 

Tôi có cái thuận lợi là dịch văn học Trung Quốc, một đất nước mà về mặt văn hóa lịch sử có nhiều nét tương đồng với Việt Nam. Trước một cảnh huống trong truyện, tôi chỉ cần chuyển dịch tâm thế là bắt được mạch của tác phẩm, thuận lợi hơn nhiều so với dịch giả phương Tây.

Nhưng không có nghĩa mọi sự xuôi chèo mát mái. Có nhiều lúc vì một lý do nào đó, không dịch nổi một câu, dù ngữ nghĩa đã hiểu. Sửa chữa bằng cách nào? Phải lập lại tâm thế để bắt nhịp cảm hứng trong nguyên tác.

Tôi nhiều lần nghĩ rằng, bây giờ mà cho tôi dịch lại các tác phẩm tôi đã dịch, chắc chắn bản dịch mới sẽ kém hơn bản dịch cũ, dù câu chữ trau chuốt hơn. Vì sao? Vì cảm hứng không phải lúc nào cũng như cũ để người dịch thăng hoa.

- Cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này

Trần Thanh Hà (thực hiện)
.
.