Đi tìm diện mạo văn học 8x, 9x
Một thế hệ nhiều bứt phá hay cô độc thời Facebook?
Mai Quỳnh Nga
Sống ở TP Hồ Chí Minh - thành phố sôi động nhất nước, quay cuồng với tốc độ chóng mặt thời Facebook, lại ở độ tuổi trẻ trung và nhiệt huyết nhất của đời người, thế hệ văn chương 8x, 9x đang tạo ra diện mạo riêng của chính mình. So với thế hệ cha anh, họ có một lực lượng đông đảo và mang cái nhìn tỉnh táo hơn với nghiệp văn. Họ không đặt cược hoàn toàn số phận mình vào con chữ. Lắm người chỉ coi đó như cuộc dạo chơi.
Vậy nên tuy số lượng đông đảo nhưng số gương mặt 8x, 9x tạo được dấu ấn với các tác phẩm nổi bật vẫn là con số khiêm tốn. Người ta sẽ nhớ tới cây bút 8x đời đầu như Nguyễn Phong Việt, Dương Bình Nguyên, Võ Thu Hương… hay đời sau như Tiểu Quyên, Nguyễn Thiên Ngân, Ploy Ngọc Bích, Ngô Thúy Nga, Lê Hữu Nam, Trần Minh Hợp…
Thế hệ 9x thì có Nhật Phi, Phạm Bá Diệp, Huỳnh Trọng Khang… Họ có những tác phẩm giàu tính nghệ thuật, cách thể hiện mới mẻ, đi sâu phản ánh hiện thực bộn bề đời sống và nội tâm con người hiện đại. Thậm chí, có những tác giả đã mạnh dạn lần tìm về quá khứ, giải mã thế hệ mình qua phận người xưa cũ như “Hạt hòa bình” của Minh Moon (tác phẩm mang tính kỳ ảo kể về một người trẻ hiện đại lên đường ra trận) hay “Mộ phần tuổi trẻ” của cây bút mới toanh Huỳnh Trọng Khang (táo bạo đi sâu vào cuộc sống, nội tâm của thế hệ thanh niên hippie Sài Gòn thời kỳ trước 1975).
Có tác giả khai phá với thể loại fantasy (văn chương kỳ ảo) mà ở đó họ thỏa sức lên tiếng trước bao bách bí phận người. Được chú ý nhất phải kể đến Nhật Phi với “Người ngủ thuê” và Phạm Bá Diệp - “Urem- người đang mơ”. Thế nhưng, những tác phẩm này lại có số lượng sách ấn bản thường rất ít, chưa được đón nhận rộng rãi của bạn đọc.
Có lẽ chỉ có văn chương 8x, 9x TP Hồ Chí Minh mới có sự chia tách rõ rệt giữa hai dòng văn học. Bên cạnh dòng văn học được giới chuyên môn đánh giá cao như trên còn xuất hiện các tác phẩm bị cho là chạy theo thị hiếu độc giả, dễ dãi, đề tài thường mang tính lãng mạn, ngôn tình và đậm sự ảnh hưởng của văn học mạng Trung Quốc.
Những tác giả thế hệ 8x, 9x TP Hồ Chí Minh đã thổi một luồng gió mới, khơi dậy văn hóa đọc của giới trẻ. (ảnh Thắng Đặng). |
Nhanh và ngắn với những dòng tản văn, du ký tựa như một status (dòng trạng thái) trên mạng xã hội được gia cố thêm. Thế nhưng, ở dòng chảy này lại xuất hiện hàng loạt cái tên hút khách như Anh Khang, Hamlet Trương, Gào, Phan Ý Yên, Nguyễn Ngọc Thạch, Jun Phạm, Iris Cao…
Thành công của họ không chỉ bởi những trang viết dễ đọc, dễ cảm mà còn bởi họ biết cách quảng bá tác phẩm lẫn hình ảnh của mình. Chuyện độc giả xếp hàng dài từ sáng đến tối chờ nhà văn ký tặng không còn là “độc quyền” của “ông hoàng văn chương thiếu nhi” Nguyễn Nhật Ánh. Văn trẻ đã làm được như thế, thậm chí là hơn thế.
Nhà văn trẻ Minh Nhật công nhận rằng công nghệ PR của các nhà văn miền Nam hơn hẳn các nhà văn miền Bắc. Mạng xã hội là đôi hài vạn dặm cho việc PR. Ở thế giới ảo này, các nhà văn không chỉ giới thiệu trang viết và tương tác với độc giả trước khi nó chính thức in thành sách mà họ còn quảng bá hình ảnh của bản thân, cách mình suy nghĩ, mình ăn, mình mặc, mình có tài lẻ và mình sống như thế nào…
Công chúng nhận thấy nhà văn không còn là một nhân vật cao vời mà rất gần gũi, thân thiện. Vậy nên có rất nhiều trường hợp độc giả mua sách không hẳn vì chất lượng sách mà vì bị “đốn tim” bởi hình ảnh lung linh và hoàn hảo của tác giả. Có lẽ cũng phải đến văn chương thế hệ 8x, 9x mới xuất hiện thuật ngữ “văn chương thần tượng”.
Hầu như ở bất kỳ cuộc tọa đàm, hội thảo nào về văn học trẻ, đều xuất hiện ý kiến cho rằng văn trẻ bây giờ nhiều nỗi buồn quá. Mà nỗi buồn ấy không phải là nỗi buồn nhân thế gì cho cam, hầu hết đều là nỗi buồn u ám của tình yêu được tô vẽ đậm màu.
Có bạn đọc thốt lên rằng, các nhà văn trẻ dựng lên quá nhiều nhà tù cảm xúc để giam cầm người đọc. Ở văn trẻ, cái Ta dường như đang nhường chỗ cho cái Tôi cô độc, tựa hồ như sự cô độc của con người trước chiếc smart-phone. Lắm lúc, cái Tôi ấy bị quy là trốn chạy thực tại khi đắm mình vào không gian kỳ ảo, hão huyền của thể loại fantasy.
Thực tế, không thể phủ nhận rằng văn trẻ có chủ đề đa dạng, mang sắc màu hiện đại, cách viết tự nhiên, bứt phá hơn so với thế hệ đi trước. Văn trẻ TP Hồ Chí Minh với ưu điểm và cả những khiếm khuyết bồng bột của mình đang dần định hình nên một diện mạo văn chương với tôn chỉ: giải phóng con người cá nhân. Và phải thừa nhận rằng: họ đã và đang làm nên một thị trường văn chương sôi động chưa từng thấy từ trước đến nay.
Tác giả trẻ Phạm Bá Diệp: Chúng tôi không trốn chạy thực tại
Phan Thi Uyên (Thực hiện)
- Nếu tôi nhớ không lầm, bạn từng nói vui rằng “nếu không viết fantasy thì tôi không biết viết gì cả”. Tại sao thế?
+ Với bản thân tôi, việc cho rằng mình "không biết viết gì khác ngoài fantasy" là hoàn toàn... đúng nghĩa đen. Có lẽ do cách viết của tôi không có sự cô đọng, thiếu vốn sống mà cũng không có khả năng truyền tải cảm xúc mạnh. Tôi cũng đã thử viết truyện ngắn vài lần nhưng đều không thành công. Tôi tự tin hơn và cũng thoải mái hơn với công việc sáng tạo thế giới kỳ ảo, cũng như xây dựng mạch truyện dài. Hiện tại tôi sắp hoàn thành cuốn tiểu thuyết fantasy thứ hai lấy cảm hứng từ Đạo Mẫu.
- Theo bạn, vì lý do gì mà văn học fantasy ở Việt Nam được mặc định là mảng văn học dành cho người viết trẻ bây giờ?
+ Fantasy là một trong những thể loại văn học gần gũi nhất với người trẻ nói chung, thông qua số lượng sản phẩm văn hóa giải trí khổng lồ mà họ tiếp xúc hàng ngày, đa nền tảng và thể loại. Nhưng tại Việt Nam, fantasy vẫn bị xem là "của lạ", liên tục bị mổ xẻ và chất vấn ngay từ những yếu tố cơ bản nhất: fantasy là gì, định nghĩa thế nào cho đúng, tại sao fantasy lại là xu hướng...
Trong số đó bao gồm cả ý kiến thắc mắc về việc tại sao người trẻ lại viết fantasy? Theo tôi, câu hỏi đúng phải là: vì sao người trẻ không viết fantasy? Và nếu có, tại sao các tác phẩm fantasy này lại xuất hiện quá ít ngoài thị trường?
- Có ý kiến cho rằng, thế hệ văn chương 8x, 9x theo đuổi trào lưu fantasy là để trốn chạy thực tại, quay mặt với đời sống của dân tộc và đất nước vốn có quá nhiều biến động mà thật ra người cầm bút phải có trách nhiệm phản ánh và soi chiếu.
+ Kể từ lúc bắt đầu viết tiểu thuyết fantasy từ năm 2012 đến nay, suy nghĩ và động lực duy nhất khiến tôi cầm viết và nỗ lực phấn đấu chỉ gói gọn trong một câu: có được tác phẩm hay. Tôi không cố gắng để lý giải hoặc mổ xẻ nguyên nhân mình cầm bút, cũng chưa áp đặt bất kỳ sứ mệnh nào cho sáng tác của mình.
Tôi nghĩ, với người trẻ, viết được tác phẩm có chất lượng, trong sáng và được độc giả ủng hộ đã là một điều đáng quý. Nhất là trong bối cảnh fantasy đang bị nhìn nhận một cách mâu thuẫn tại Việt Nam, thì việc "được công nhận" đã là một hành trình rất dài.
Nói fantasy không phản ánh thực tại cũng là ý kiến gây hiểu lầm khá lớn. Cho dù ở thế giới kỳ ảo ấy tồn tại phép thuật, những sinh vật huyền bí, những mạch truyện "ảo" đến mức nào đi chăng nữa thì người sáng tạo ra chúng cũng là "thật". Và, chẳng một người viết nào không phơi bày trải nghiệm, cảm xúc, quan điểm sống hiện thực của mình vào truyện, dù vô tình hay hữu ý.
- Nếu nói về đặc điểm nhận diện văn chương thế hệ mình, bạn sẽ nói gì?
+ Trong số tác phẩm của thế hệ 8x, 9x, tôi đặc biệt thích thú với tinh thần sáng tạo, sẵn sàng phá cách và đập vỡ mọi giới hạn, không gò bó mình trong một thể loại, dòng văn chương hay một đường dây trói buộc nào về tính logic, tính truyền thống, quy tắc văn học hoặc chủ đề cốt truyện. Tôi cho rằng, đây là "đặc sản" của những thế hệ người viết trẻ và cũng là cơ sở cần thiết để những tác phẩm hay hơn, đột phá hơn ra đời trong tương lai.
Đáng tiếc là một lượng lớn tác phẩm như thế hiện đang "trôi" trên những trang viết online, hoặc được phát triển một cách dở dang, chưa hoàn thiện. Phần vì những khó khăn trong khâu xuất bản, phần vì chính bản thân người viết cũng không tin vào đứa con tinh thần của mình. Với người viết trẻ, giữa "tác phẩm hay" và "tác phẩm được xuất bản" đang có một sự cách biệt rất khó dung hòa.
Tác giả Võ Thu Hương: Môi trường tốt để tác giả khẳng định mình
Đa số độc giả trẻ TP Hồ Chí Minh không thích đọc những gì viết kĩ lưỡng, nặng nề, ý tứ nhiều quá. Tôi vẫn nghĩ đó là lí do chính khiến nhiều tác giả trẻ TP Hồ Chí Minh chọn cách viết sao cho dễ chịu, dễ đọc với số đông độc giả.
Và quả thực, xét về mặt kinh tế, họ thành công với chọn lựa này, với những đầu sách có số lượng in lên tới cả chục ngàn bản. Những đầu sách có tên, tựa na ná nhau, với những trang sách, câu chuyện cũng không có nhiều cá tính sáng tạo. Nếu gọi đó là văn học thị trường thì có lẽ Sài Thành là nơi duy nhất trong cả nước có được đội ngũ tác giả thành công với dòng văn học này.
Ở cả góc độ người viết, lẫn người đọc, tôi không khó chịu, coi thường hay nể trọng, trầm trồ với những tác phẩm, tác giả đứng hẳn về phía thị trường. Dù tôi không phải là tác giả có lượng sách bán chạy. Sách của tôi, viết về những đề tài (tạm gọi là) truyền thống, cuốn bán cao nhất cũng chỉ tới 5000 bản, là một con số bình thường.
Tôi cho rằng, độc giả có quyền chọn cho mình tác phẩm giá trị, ngược lại, nhà văn/ tác giả cũng có quyền chọn cho mình những đề tài giá trị. Giá trị như thế nào là ở lăng kính khác nhau của mỗi người. Không thể ép người này giống người kia. Tác giả có sách bán chạy, họ hoàn toàn có thể tự hào về việc mỗi năm ra 2 – 3 cuốn sách, lượng in vạn bản. Tác giả có sách in khiêm tốn hơn cũng hoàn toàn có thể tự hào khi nghĩ, sách mình viết “kén” độc giả nhưng đó là những độc giả đích thực, dành cho mình những tình cảm chân thành với câu chữ, với tác phẩm.
Văn trẻ ở TP Hồ Chí Minh có “ngó lơ” thời cuộc không? Thực ra số tác phẩm được coi là tiếng nói thời cuộc hiện nay đếm trên đầu ngón tay, nếu tính cả nước, chứ không riêng gì một thành phố. Câu hỏi ấy không hẳn đặt ra để tìm một câu trả lời, mà để nhắc nhà văn, tác giả đừng tự ru mình trong những vỏ kén chữ nghĩa lãng mạn, có cũng được mà không có cũng chẳng sao. Tuy nhiên, bản thân mỗi tác phẩm, cần phải có ít nhiều tiếng nói thời cuộc trong đó mới có khả năng đứng được trong lòng độc giả hiện nay.
Nói về các mối quan hệ, văn trẻ TP Hồ Chí Minh khá thân thiện với nhau. Hầu như không có (hoặc tôi không thấy) có bè cánh, phe phái mà đều có thể chia sẻ, hỗ trợ nhau trong điều kiện có thể. May mắn của những tác giả trẻ là có các bậc “tiền bối” luôn nhiệt tình dẫn dắt.
Không có kiểu phân biệt “chiếu trên, chiếu dưới” ở thành phố này. Miễn là có duyên thì một tác giả chưa có tác phẩm, đang tập tọng viết cũng có thể gặp, ngồi chung “chiếu” với những nhà văn tên tuổi, được truyền dạy bài học về nghề, về đời.
Thậm chí, có khi chỉ cần viết email trao đổi, cộng tác, thấy phù hợp là được nhà văn tên tuổi mời đi ăn, giới thiệu đầu mối in sách. Đó dường như là đặc ân mà không phải vùng đất nào cũng có được.
Với tất cả những mặt trái – phải, hay – dở như vậy, TP Hồ Chí Minh là môi trường phù hợp cho các tác giả, nhà văn trẻ phát triển khả năng, đam mê của mình. Điều quan trọng vẫn là bản lĩnh của mỗi người để có thể biết mình là ai, đứng chỗ nào trên hành trình chữ nghĩa. Và đáng mừng, nhiều nhà văn, tác giả trẻ hiểu rõ điều này, hầu như không sống với ảo vọng.
Tác giả Tiểu Quyên: Người trẻ đang làm chủ ngòi bút
Nhiều năm trước tôi nghe những ý kiến của các nhà văn đi trước, đại loại rằng: “Hãy cho người trẻ có thêm thời gian”. Nhiều năm sau tôi nghe thêm những nhìn nhận khác: “Người trẻ thiếu trải nghiệm, thiếu dấn thân, lười sáng tạo dẫn đến viết những vấn đề vụn vặt, cái tôi nhỏ bé, nông cạn…”. Nhưng hiện tại, tôi thấy người viết trẻ đã cùng nhau tạo nên diện mạo của văn chương trẻ theo những cách riêng.
Nhiều lúc tôi nghĩ rằng, những người trẻ bây giờ thật giỏi. Họ đã làm cho văn chương trẻ thật sôi động. Những cuộc dấn thân, trải nghiệm của người trẻ bây giờ cũng khác thế hệ trước nhiều lắm. Ngòi bút của họ chạm đến những miền đất xa lạ khắp thế giới. Tư duy họ tiệm cận đến những điều tiến bộ, văn minh, bình đẳng và tự do trong thế giới phẳng.
Mỗi người đều biết tạo dựng phong cách và có lượng độc giả riêng. Có những tác giả còn rất mới nhưng tác phẩm vừa ra mắt đã best-seller hoặc được đánh giá rất cao. Tôi cho rằng người trẻ đang làm chủ ngòi bút của họ, mỗi tác giả chọn cày một cánh đồng và cùng làm cho mọi cánh đồng đều trở nên tươi tắn, giàu cảm xúc và bát ngát những khát vọng, hy vọng.
Văn chương là phản ánh hiện thực, là ghi chép thời đại, là thân phận con người. Ở một góc độ nào đó, người viết trẻ đã thể hiện được tinh thần, tư tưởng của bản thân trong những cuốn sách. Lâu rồi, tôi không còn để cụm từ “tác phẩm đỉnh cao” chi phối cảm nhận của mình về tác phẩm của người trẻ, lẫn trong lựa chọn sáng tác của mình.
Đích đến của một tác phẩm – suy cho cùng vẫn là đến với số đông độc giả. Vậy nhà văn có bản lĩnh là người dám lựa chọn và đi được một đường dài với văn chương, chạm đúng tần số rung cảm của bạn đọc. Nếu không, thời gian luôn biết cách chọn lọc, khẳng định và đào thải.
Tôi nhìn những đầu sách mới phát hành mỗi năm, những cuộc đón nhận của bạn đọc và cả những chia sẻ, kế hoạch của bạn viết, tôi tin có một thế hệ người viết trẻ, mới đầy bản lĩnh, có cá tính, trí tuệ đang ngày càng khẳng định mình. Nếu nhắc đến thế hệ người viết trẻ 8X, 9X, mà trong đầu bạn hình dung lên những cái tên nào, thì chính là “họ” đấy – những người đang lặng lẽ, cần mẫn thắp lên những ngọn lửa làm sáng bừng chân trời chữ nghĩa.
Tác giả Anh Khang: Nhờ văn trẻ, văn hóa đọc tái sinh mạnh mẽ
Dù ở thời nào, khi nhắc đến ba chữ “văn học trẻ” thì tôi tin rằng nó luôn gợi lên những làn sóng trái chiều. Chẳng hạn cách đây gần 100 năm, khi phong trào Thơ Mới ra đời thì những nhà văn, nhà thơ thời đại đó cũng được gọi là cây bút trẻ. Trong cuốn “Thi nhân Việt Nam”, Hoài Thanh và Hoài Chân đã viết rất hay như thế này: “Đừng lấy một người sánh với một người.
Hãy sánh thời đại cùng thời đại”. Nói thế để thấy rằng mỗi thời đại sẽ có một thế hệ nhà văn phục vụ, góp tiếng nói, tiếng lòng của họ cho thời đại đó. Tác phẩm sẽ gửi gắm dòng chảy cảm xúc, dòng chảy nhân sinh quan của chính thời đại đó.
Thế hệ 8x, 9x chúng tôi lớn lên trong thời đại internet, mọi thứ đều được cập nhật từng giây từng phút, công nghệ thông tin bao trùm lên tất cả thành thử cách chúng tôi tiếp cận văn chương và gửi gắm những gì qua nó sẽ khác với bậc cha chú.
Chúng tôi ngày nay thiệt thòi hơn thế hệ cha anh vì công chúng dành nhiều thời gian cho văn hóa nghe, nhìn. Cho nên cách duy nhất và phù hợp nhất với thời đại này đó là tiếp cận độc giả qua mạng xã hội, trên internet. Và có thể do cách đến gần độc giả của chúng tôi có hơi fastfood (thức ăn nhanh) và xô bồ như văn hóa mạng nên cách nhìn của bậc đàn anh, đàn chú sẽ khắt khe hơn.
Tác phẩm của tôi ra đời với hy vọng là mình có thể ghi lại hơi thở cuộc sống hiện thời. Tôi bắt đầu viết từ những điều rất riêng tư, những trải nghiệm nhỏ của bản thân, cho đến khi nhận diện, đi nhiều hơn, nghĩ nhiều và sâu hơn về mọi thứ.
Tôi không cố gồng mình làm điều gì với văn chương, tôi viết những điều tự nhiên và mong rằng độc giả sẽ đi cùng với sự trưởng thành của tác giả. Tôi luôn quan niệm mình phải viết những gì của bản thân mình trước nhất vì khi nhà văn không chân thật với cảm xúc của mình thì những tác phẩm đó không thể nào đến trái tim độc giả.
Chưa bàn về chất lượng, điều lạc quan và tích cực nhất mà các cây bút trẻ TP Hồ Chí Minh đã và đang làm được trong vài năm trở lại đây đó là nền văn hóa đọc được vực dậy và tái sinh rất mạnh mẽ. Điều tôi ao ước là góp một phần nhỏ bé vào việc khơi dậy cảm xúc văn chương, tình yêu chữ nghĩa cho các bạn trẻ.