Người Hà Nội trước đại lễ 1.000 năm Thăng Long:

Để xứng đáng với truyền thống

Chủ Nhật, 10/05/2009, 08:30
Ở một vị trí trang trọng trên đường Đinh Tiên Hoàng, chiếc đồng hồ đếm ngược mỗi ngày báo hiệu thời điểm đại lễ 1.000 năm Thăng Long đang đến gần. Rất nhiều hoạt động cho ngày đại lễ đang đồng loạt được triển khai.

Nhà văn Nguyễn Khắc Phục, trong lời phát biểu về nội dung kịch bản đại lễ do ông và một nhóm các nghệ sĩ thực hiện đã nhấn mạnh, rằng ngoài những hoạt động cụ thể, tinh thần ngày đại lễ còn làm sao để truyền cho toàn thể người dân Hà Nội, đặc biệt là lớp trẻ cảm hứng yêu nước, cảm hứng anh hùng, tự tin trước lịch sử của thủ đô và của dân tộc.

Và để hun đúc được tinh thần tự tin ấy, không chỉ là câu chuyện của ngày đại lễ, nó còn là câu chuyện dài về văn hóa của người Hà Nội mà bất cứ ai quan tâm đến truyền thống 1.000 năm của thủ đô văn hiến không thể không có nhiều mối bận tâm suy nghĩ.

Còn nhớ cách đây không lâu, sự kiện người dân bẻ cành, dẫm nát phố hoa, một lễ hội lần đầu tiên tổ chức ở Hà Nội đã gióng lên hồi chuông về ý thức văn hóa của người dân thủ đô vốn có tiếng là văn minh, thanh lịch.

Rất nhiều vấn đề từ văn hóa ứng xử giữa con người với con người, con người với thiên nhiên, với các giá trị văn hóa vật thể, đến văn hóa ẩm thực, trang phục của người Hà Nội đang khiến cho không ít nhà nghiên cứu tỏ ra lo ngại.

Quá trình hội nhập văn hóa, ngoài những yếu tố tích cực của nó, đang bộc lộ rõ những mặt trái. Đó là một bộ phận người dân thiếu bản lĩnh văn hóa đã chạy theo xu hướng lai căng, vọng ngoại, quên dần những giá trị truyền thống tốt đẹp của người Tràng An.

Nhiều ví dụ vẫn thường ngày được đăng tải trên các phương tiện truyền thông đã gây không ít thất vọng cho người dân cả nước và du khách nước ngoài khi đến Hà Nội. Từ tháng 8 năm 2008, Hà Nội mở rộng địa giới, cùng với đó số lượng công dân  được gọi là người thủ đô tăng lên đáng kể.

Làm thế nào để những công dân thủ đô mới tiếp nhận được những giá trị truyền thống và có ý thức xây dựng bản thân mình trở thành người Hà Nội văn minh, thanh lịch cho xứng với truyền thống cha ông đang là một dấu hỏi lớn với không chỉ những người làm văn hóa

Tưởng Ngạn
.
.