Để vui Tết an lành và trọn vẹn

Thứ Năm, 28/01/2021, 10:06
Dịp cuối năm là thời điểm gia tăng tiêu thụ rượu, bia, đặc biệt là vào dịp Tết Nguyên đán. Ly rượu mừng năm mới là truyền thống văn hóa ngày Tết của người Việt. Nó không thể thiếu trên mỗi mâm cơm cúng, là thứ đồ uống nhất định phải có mỗi khi khách đến chúc Tết. Qua chén rượu ngày xuân, mọi người gửi đến nhau một năm mới mạnh khỏe, sung túc.


Tuy nhiên, những năm gần đây, tập tục này lại trở thành nỗi ám ảnh kinh hoàng với nhiều người khi bị ép rượu, bia. Đây có thể nói là văn hóa rất xấu của người Việt. Và hệ lụy của những cuộc vui như vậy không phải ai cũng lường được trước.

Tết Nguyên đán là dịp gia đình sum họp đoàn viên, ấm áp.

Chỉ còn chưa đầy 2 tuần nữa là đến Tết Nguyên đán Tân Sửu. Ai cũng mong muốn về đoàn tụ với gia đình sau một năm vất vả, việc đi lại vì thế cũng tăng lên. Theo đó, số người chết, bị thương vì tai nạn giao thông lại gia tăng đột biến. Nguyên nhân không nhỏ dẫn đến các tai nạn thương tâm chính là từ ý thức của con người, là những bữa tiệc vui nhậu “không bờ bến” mà vẫn tiếp tục điều khiển phương tiện giao thông, vẫn tiếp tục lái xe ra đường.

Chỉ trong 3 ngày nghỉ Tết Dương lịch 2021 (từ ngày 1/1 đến ngày 3/1/2021), toàn quốc xảy ra 67 vụ tai nạn giao thông, làm chết 40 người, bị thương 37 người. Điều đó cũng có nghĩa bằng đó gia đình phải chịu cảnh tang tóc, cuộc sống đảo lộn trong mấy ngày nghỉ lễ. 

Số liệu thống kê trong những năm trở lại đây cho thấy, số vụ tai nạn giao thông hàng năm do nguyên nhân sử dụng rượu, bia chiếm khoảng từ 6% đến 9% trong tổng số vụ tai nạn xảy ra. Có những người say xỉn còn chống lại lực lượng thi hành công vụ, cá biệt có trường hợp tấn công cả CSGT đang làm nhiệm vụ. Điều này cho thấy, mặc dù đã có nhiều quy định xử phạt nặng, song vấn nạn “ma men” vẫn là nỗi ám ảnh đối với toàn xã hội.

Do vui quá chừng và không biết dừng đúng lúc, trong ngày Tết đoàn viên, nhiều gia đình đã rơi vào tình cảnh chịu nỗi đau chia ly vì tai nạn giao thông, để lại những hệ lụy khủng khiếp. Nhiều người đang là lao động chính, là trụ cột trong gia đình bỗng chốc trở thành kẻ tàn phế, đặt gánh nặng lên vai người thân. Những người không may thiệt mạng thì an phận người chết, nhưng để lại khoảng trống không gì bù đắp nổi cho người thân… còn cha, mẹ già, con nhỏ rồi sẽ sao đây?

Vẫn biết, ngăn chặn việc uống rượu, bia, nhất là trong dịp Tết rất khó, có hàng trăm lý do biện minh cho hành động uống quá đà, không làm chủ được bản thân dẫn đến những hành vi sai trái, mà không thừa nhận lỗi thiếu ý thức của mình, như: “Đã nhậu là phải hết mình”,…  Cứ thế, nỗi đau mang tên “Tai nạn giao thông” cứ âm ỉ, kéo dài, trở thành nỗi ám ảnh của mỗi gia đình và toàn xã hội, nhất là vào dịp Tết mà phải nghe tiếng trẻ khóc cha, vợ khóc chồng và người đầu bạc tiễn người đầu xanh làm cho chúng ta nhói lòng.

“Phía trước tay lái là sự sống”; “Hãy lái xe bằng cả trái tim”; “Nói không với rượu, bia trước khi lái xe”… những thông điệp ấy là những lời nhắc nhở không thừa với mỗi người khi ngồi sau tay lái. Từ thực tế cho thấy, dù công tác tuyên truyền, giáo dục để thay đổi ý thức, nếp nghĩ của những “ma men” đã được tăng cường nhưng vẫn không thể lơi là việc thường xuyên kiểm tra, xử lý, ngay cả khi chế tài xử phạt đã được nâng lên đến mức cao khiến nhiều người phải e dè, lo sợ.

Sau một năm thực hiện Nghị định số 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ quy định tăng mức xử phạt tối đa đối với các hành vi vi phạm quy định về nồng độ cồn, cùng với đó là đưa Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia đi vào cuộc sống, công tác đảm bảo an toàn giao thông đã khởi sắc. 

Cả 3 tiêu chí: Số vụ, số người chết và số người bị thương đều giảm rõ rệt; trong đó, số vụ tai nạn giao thông trong năm 2020 giảm 17,7%, số người chết giảm 12,1%, số người bị thương giảm 14% và số người bị thương nhẹ giảm 24,7%. Đây là những tín hiệu đáng mừng, cho thấy ý thức tham gia giao thông của người dân đã tăng lên.

Tết là để sum vầy, mỗi dịp Tết đến, xuân về, chúng ta lại cùng nhau nâng ly rượu, chúc cho nhau những điều tốt lành, nhưng việc uống rượu thế nào cho có văn hóa, đảm bảo sức khỏe là điều quan trọng hơn cả. “Vui có chừng, dừng đúng lúc”để mùa xuân này có niềm vui trọn vẹn.

Cù Tất Dũng
.
.