Bản quyền âm nhạc

Để việc thực thi Luật Sở hữu trí tuệ được tốt

Thứ Ba, 20/03/2012, 08:00
Phỏng vấn ông Vũ Ngọc Hoan - Phó Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả.

- Thưa ông Vũ Ngọc Hoan, theo ông, hệ thống văn bản pháp luật để bảo vệ quyền tác giả ở nước ta hiện nay đã đầy đủ và hoàn thiện để bảo hộ quyền tác giả và quyền liên quan cho các tác giả trong nước?

+ Theo tôi, hệ thống văn bản pháp luật để bảo vệ quyền tác giả ở nước ta hiện nay là tương đối đầy đủ và hoàn thiện, tương thích với luật pháp quốc tế về quyền tác giả, quyền liên quan: Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005, sửa đổi, bổ sung năm 2009 dành riêng phần thứ hai từ điều 13 đến điều 57 ghi rõ các quy định về quyền tác giả và quyền liên quan; Bộ luật Dân sự và Bộ luật Hình sự cũng có các điều khoản quy định về quyền tác giả, quyền liên quan; Nghị định 100/2006/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật Dân sự, Luật Sở hữu trí tuệ về quyền tác giả, quyền liên quan; Nghị định 85/2011/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 100; Nghị định số 47/2009/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính về quyền tác giả, quyền liên quan; các luật chuyên ngành như Xuất bản, Điện ảnh... cũng có đề cập đến việc bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan.

- Nhưng theo báo cáo của Trung tâm bảo vệ Quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC) - nơi có 2.038 hội viên đăng ký ủy thác về quyền tác giả - thì tỉ lệ các chương trình biểu diễn âm nhạc vi phạm về tác quyền lên tới 80%. Phải chăng là do chế tài xử phạt vẫn chưa đủ sức răn đe?

+ Theo tôi, các quy định về việc xử phạt vi phạm hành chính về quyền tác giả, quyền liên quan hiện nay là khá mạnh tay: mức xử phạt vi phạm cao nhất lên tới 500 triệu đồng - cũng là mức phạt tiền cao nhất trong Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính, tại Điều 18 Nghị định 47 quy định về xử phạt hành chính bằng tiền lên đến 30 triệu đồng đối với hành vi xâm phạm quyền biểu diễn tác phẩm trước công chúng (biểu diễn tác phẩm mà không được sự đồng ý của chủ sở hữu quyền tác giả hoặc tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả theo luật định). Tôi cho rằng, vấn đề chủ yếu nằm ở cả nhận thức và ý thức của các tổ chức, cá nhân sử dụng tác phẩm.

Thực tế, hầu hết các tổ chức, cá nhân đều đã nhận thức được việc phải thực hiện quyền tác giả trong khi sử dụng tác phẩm văn học, nghệ thuật, nhưng nhiều người chưa có ý thức chấp hành việc xin phép và trả tiền bản quyền cho chủ sở hữu quyền tác giả. Trong khi đó, việc thanh tra, kiểm tra sự tuân thủ pháp luật trong hoạt động biểu diễn hiện nay không thể làm xuể. Theo quan điểm của tôi, các chủ sở hữu quyền tác giả âm nhạc cũng cần nâng cao nhận thức và ý thức trong việc tự bảo vệ quyền tài sản của mình được pháp luật bảo hộ để khi bị xâm hại, họ hoàn toàn có thể không cho phép biểu diễn, kiện ra tòa và yêu cầu bồi thường thiệt hại.

- Vừa qua, VCPMC đã có bản kiến nghị gửi đến Cục Nghệ thuật biểu diễn (NTBD) là nơi cấp phép các chương trình biểu diễn ca nhạc, yêu cầu Cục NTBD đưa vào Dự thảo Nghị định về hoạt động nghệ thuật biểu diễn với nội dung là: "Trong hồ sơ xin cấp giấy phép biểu diễn phải có hợp đồng với tác giả hoặc chủ sở hữu quyền tác giả". Là cơ quan quản lý nhà nước về quyền tác giả và quyền liên quan, vậy Cục Bản quyền tác giả có quan điểm thế nào về vấn đề này?

+  Tại điều 20 Luật Sở hữu trí tuệ có quy định khi sử dụng tác phẩm để biểu diễn thì người sử dụng phải có nghĩa vụ xin phép và trả tiền cho tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả. Cục NTBD hoặc Sở VH, TT&DL là cơ quan quản lý Nhà nước về hoạt động biểu diễn có chức năng cấp giấy phép cho các chương trình biểu diễn nghệ thuật, trong đó có âm nhạc. Bởi vậy, cho đến nay vẫn có những người cứ cố tình hiểu lập lờ rằng "đã xin phép Cơ quan quản lý Nhà nước" có nghĩa là được cho phép rồi, không cần phải xin phép chủ sở hữu quyền tác giả hoặc tổ chức được ủy quyền nữa. Tôi cho rằng, việc VCPMC đề nghị như thế là họ cũng phần nào thể hiện động thái mong muốn việc thực thi bảo hộ quyền tác giả âm nhạc được tốt hơn. Ý kiến Cục Bản quyền tác giả là, nếu có thêm tài liệu, chứng cứ để chứng minh cho việc đã xin phép và được sự đồng ý của chủ sở hữu quyền tác giả hoặc tổ chức được ủy quyền trước khi tiến hành các thủ tục hành chính tiếp theo trong việc cấp phép biểu diễn của cơ quan quản lý Nhà nước về nghệ thuật biểu diễn, thì có thể nâng cao ý thức tôn trọng quyền tác giả của người sử dụng tác phẩm âm nhạc và tránh được những hệ lụy phát sinh trong việc vi phạm quyền tác giả. Nếu như thủ tục này không phức tạp, lại không vi phạm các quy định về thủ tục hành chính và các quy định khác của pháp luật thì chúng ta nên ủng hộ.

- Vậy, ông đánh giá thế nào về hiệu quả hoạt động của VCPMC hiện nay?

+ Tôi cho rằng, gần 10 năm qua, VCPMC đã làm việc khá tích cực và hiệu quả. Theo báo cáo năm 2011, họ thu được 41 tỉ đồng và đặt mục tiêu là năm 2012 thu được 48 tỉ là con số ấn tượng. Trong số 4 tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả, quyền liên quan ở Việt Nam, công bằng mà nói, VCPMC là tổ chức đạt được hiệu quả cao nhất. Tất nhiên, lĩnh vực âm nhạc cũng có nhiều thuận lợi hơn lĩnh vực văn học hay công nghiệp ghi âm bởi nó có phạm vi và tần suất sử dụng và sử dụng lại tác phẩm nhiều nhất. VCPMC cũng đang trên đường hướng tới sự chuyên nghiệp, góp phần làm cho việc thực thi Luật Sở hữu trí tuệ tốt hơn, đồng thời góp phần làm cho hình ảnh môi trường bảo vệ quyền tác giả ở Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế tốt hơn.

- Xin cảm ơn ông Vũ Ngọc Hoan!

Việt Hà (thực hiện)
.
.