Hội nhập văn học:

Để văn học Việt Nam được thế giới biết đến

Thứ Hai, 01/10/2007, 09:50
Nói một cách công bằng thì văn học nghệ thuật Việt Nam nhiều năm qua cũng đã từng được giới thiệu rộng rãi với thế giới. Một số đoàn nghệ thuật, một số bộ phim và một số văn nghệ sĩ đã đi giao lưu ở nhiều quốc gia khác nhau.

Nhưng, quan sát kỹ thì có thể thấy, trở đi trở lại chủ yếu vẫn là các tác phẩm truyền thống, là sáng tạo lâu đời của các thế hệ đi trước.Chúng ta hãy nhìn cụ thể vào lĩnh vực văn học.

Ai cũng có thể nhận thấy tác động to lớn của văn học trong việc giới thiệu hình ảnh một quốc gia. Mỗi tác phẩm văn học có giá trị là một đại sứ thuyết khách lưu động đầy ma lực để giới thiệu về một dân tộc, một thời đại. Nhiều quốc gia được thế giới biết đến nhờ tên tuổi một nhà văn, một tác phẩm, thậm chí một nhân vật văn học.

Đầu tư cho một tác phẩm nghệ thuật có khi cần tới một kinh phí rất lớn. Những ngày này báo chí Việt Nam đang xôn xao về câu chuyện đạo diễn người Mỹ Oliver Stone đến Việt Nam chọn bối cảnh để làm phim Pinkville- Mỹ Lai với dự án kinh phí xấp xỉ 40 triệu USD (con số này nếu đem so với tiền nhà nước tài trợ cho điện ảnh Việt Nam 7 tỷ đồng năm thì nền điện ảnh Việt Nam phải đợi 100 năm mới có được một khoản tiền “kếch xù” như vậy).

Dẫn một so sánh để bạn đọc thấy rằng đầu tư cho văn học thường rẻ hơn rất nhiều mà hiệu quả không hề thấp.Trong những năm gần đây, qua các kênh quan hệ khác nhau, một số tác phẩm của một số tác giả đương đại đã được in hoặc dịch in ở một số nước.

Gần đây nhất, Rosemary Nguyễn (nữ dịch giả người Mỹ lấy chồng Việt Nam) đã dịch sang tiếng Anh truyện ngắn của nhiều tác giả đương đại như: Nguyễn Huy Thiệp, Nguyễn Quang Thân, Nguyễn Quang Lập, Lê Văn Thảo, Ngô Ngọc Bội, Lê Minh Khuê, Đoàn Lê... và mới rồi là tiểu thuyết “Gia đình bé mọn” của Dạ Ngân...

Nhưng phải nhìn nhận một sự thật là, trên văn đàn thế giới vẫn chưa có được một thương hiệu văn học Việt Nam. Nói chung, số lượng phát hành, số người tìm đọc còn rất khiêm tốn. Những tác phẩm đã được dịch ra nước ngoài là hoàn toàn phụ thuộc vào sự lựa chọn và khả năng của một số cá nhân trong và ngoài nước.

Do thiếu một bàn tay tổ chức, bức tranh văn học Việt Nam trong mắt độc giả quốc tế chưa thật sự tiêu biểu. Một nhà văn đi thăm Trung Quốc về kể lại, ở đất nước rộng lớn này, cho đến nay những gì bạn đọc biết về văn học Việt Nam mới chỉ dừng lại ở những tác phẩm được dịch từ thời chống Mỹ như  “Bài ca chim Chơ-rao” của Thu Bồn, “Sống như anh” (Trần Đình Vân) và “Những bức thư từ tuyến đầu Tổ quốc”.

Hội nghị các nhà văn 3 nước láng giềng thân thiết Việt- Lào- Campuchia vừa diễn ra cũng công nhận một sự thật, các nhà văn ba nước biết rất ít về tác phẩm của nhau

Đặt trong toàn cảnh văn học thế giới mới thấy rõ hơn những hạn chế của văn học nước ta, mặc dù văn học của ta đã có bước chuyển rõ rệt từ một nền văn học nghiêng về số phận tập thể, cộng đồng chuyển sang hướng quan tâm nhiều hơn đến số phận cá nhân với nhiều ẩn ức dị biệt về tâm lý, sinh lý.

Cùng với đó là sự phát triển rộng rãi cả về số lượng tác phẩm và tác giả. Nhưng để có thể giới thiệu với bạn bè quốc tế, thành tựu đó trước hết phải được ở một số tác phẩm cụ thể. Trên biển sách mênh mông của thế giới, bạn đọc luôn tìm kiếm những nền văn học có bản sắc, các tác giả lớn, những tác phẩm tiếp cận được với những dấu ấn thời đại.

Có rất nhiều việc phải làm để có thể giới thiệu được một hình ảnh Việt Nam, một thương hiệu văn học Việt Nam ra thế giới, trong đó sự cố gắng của từng cá nhân nhà văn sẽ không bao giờ là đủ mà phải cần tới một chương trình hành động thiết thực của Hội Nhà văn Việt Nam và các cấp quản lý văn hóa

Vũ Quỳnh Trang (thực hiện)
.
.