Để mỗi người Việt là một "Đại sứ văn hóa"

Thứ Năm, 30/05/2019, 08:44
Khi ra nước ngoài, hay khi tiếp xúc với người nước ngoài, lẽ ra mỗi người Việt Nam phải là một "Đại sứ văn hóa" góp phần vào quảng bá hình ảnh tươi đẹp của đất nước Việt Nam với bạn bè quốc tế, nhưng ngược lại, tám tật xấu điển hình của một bộ phận du khách Việt Nam gây bức xúc cộng đồng...


Tuần qua, trên mạng xã hội lan truyền những hình ảnh ghi nhận cảnh tượng "như bãi chiến trường" tại một số siêu thị thuộc hệ thống Auchan Retail của Pháp trong ngày giảm giá mạnh để xả hàng trước khi đóng cửa, chia tay thị trường Việt Nam. Những chia sẻ bày tỏ thái độ "vừa buồn, vừa tức" trước những hình ảnh xấu xí của khách hàng tại hệ thống Auchan. Không ít người đặt câu hỏi "Có đói khát túng thiếu đến mức mất luôn ý thức vậy không?".

Rồi chuyện báo chí trong và ngoài nước chỉ trích gay gắt việc "Nữ hoàng nội y" Ngọc Trinh hở bạo tại thảm đỏ Liên hoan phim Cannes 2019 với những dòng tít lớn "Hãy cấm những cô gái như Ngọc Trinh trên thảm đỏ Cannes", "Ngọc Trinh diện trang phục như cởi truồng", "Hình như cô ấy tới nhầm chỗ, đây đâu phải lễ trao giải phim khiêu dâm"… Bên cạnh đó, một số tờ báo hé lộ những buổi tiệc thâu đêm đã kéo theo "văn hóa tình dục và ma túy" ở Cannes, đây là mảnh đất màu mỡ, nơi kiếm tiền của những "khách mời vô danh"…

Rõ ràng hành động đơn lẻ của một số cá nhân đã và đang gây tổn hại đến hình ảnh đất nước và con người Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế. Ấn tượng từ hành xử của người Việt Nam sẽ tác động tới nhận thức, đánh giá của bạn bè quốc tế về chúng ta. Không phải là quá lời nếu coi đó là việc làm ảnh hưởng đến thể diện quốc gia. Thật buồn lòng, xấu hổ khi chứng kiến cảnh khoe thân của "Nữ hoàng nội y" và hình ảnh dẫm đạp, giành giật đồ ở siêu thị Auchan vừa qua.

Chuyện đáng phê phán bởi những người vào siêu thị Auchan lấy đồ ăn uống thoải mái, không trả tiền (Ảnh nguồn internet).

Những hiện tượng rất không đẹp ấy dường như có chiều hướng gia tăng; hành vi phản cảm, lố bịch của giới Showbiz được báo mạng quảng bá hàng ngày; khá nhiều danh hiệu hão được tiếp tay bởi các cơ quan có trách nhiệm; tệ nạn mua điểm, chạy chức, chạy quyền, chạy tiêu chuẩn, chạy tuổi… ai cũng thấy nhưng coi như không biết. Hai giá trị giữ vị trí thống trị ngày nay rất tiếc lại là "quyền" và "tiền", từ đó hình thành căn bệnh khoe khoang: Khoe gia thế, khoe tiền, khoe của, khoe giàu sang, rồi lối sống xa hoa, hưởng lạc…diễn ra rất công nhiên.

Khi ra nước ngoài, hay khi tiếp xúc với người nước ngoài, lẽ ra mỗi người Việt Nam phải là một "Đại sứ văn hóa" góp phần vào quảng bá hình ảnh tươi đẹp của đất nước Việt Nam với bạn bè quốc tế, nhưng ngược lại, tám tật xấu điển hình của một bộ phận du khách Việt Nam gây bức xúc cộng đồng đã được "chỉ mặt đặt tên" gồm: Mặc đồ ngủ ra khỏi nhà; nói chuyện, nghe điện thoại ồn ào, chửi thề; hay trễ giờ; ăn uống lãng phí; xả rác, khạc nhổ bừa bãi; trốn vé tham quan; ăn cắp vặt và trốn để lao động bất hợp pháp. Hậu quả là tại một số nước có đông du khách Việt ghé thăm xuất hiện biển cảnh báo bằng tiếng Việt với nội dung: "bỏ thừa thức ăn sẽ bị phạt tiền", "ở đây có camera an ninh", "xử lý nghiêm du khách ăn cắp vặt"! Có cửa hàng công khai danh tính du khách Việt đã có hành vi trộm cắp để răn đe, phòng ngừa. Thậm chí, có nơi còn treo biển từ chối không tiếp khách Việt Nam.

Đương nhiên, không thể phủ nhận thế giới đang biết nhiều hơn về Việt Nam và "người Việt xấu xí" không phải mang tính phổ biến, nhưng những hình ảnh đó đang làm méo mó hình ảnh đất nước, con người Việt Nam. Tạo dựng một hình ảnh đẹp đã khó, xóa bỏ những ấn tượng xấu lại càng đòi hỏi nỗ lực lớn hơn rất nhiều. Do đó, mỗi người Việt cần góp sức chung trong việc làm đẹp ấn tượng Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế.

Vậy cần phải thay đổi như thế nào và từ đâu? Lâu nay công tác tuyên truyền ý thức giữ gìn nếp sống văn minh, thanh lịch, tuân thủ quy định của pháp luật đã được triển khai rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng, nhưng không phải mọi người đều nghiêm túc chấp hành. Một số người chẳng cần nghĩ, chẳng cần quan tâm tới việc giữ thể diện bản thân cũng như hình ảnh quốc gia mà vẫn "hồn nhiên" hành xử tùy tiện, bất chấp nội quy, quy định.

 Jean de La Bruyere - một nhà văn Pháp từng nói "Không có phụ nữ xấu mà chỉ có phụ nữ không biết làm đẹp". Một con người đã vậy, với một dân tộc có vậy không? Những cái xấu, những cái đi ngược lại với thiện tính của con người không thuộc về tính cách của một dân tộc mà chủ yếu chỉ là biểu hiện của những con người trong những hoàn cảnh cụ thể đã để mất cái chân - thiện - mỹ của mình.

Biết nhận thức cái xấu, biết tự phê phán là thái độ khôn ngoan không chỉ với một cá nhân, một cộng đồng mà có thể của cả một dân tộc. Và đó cũng là triết lý sâu sắc, bộc lộ rõ nhãn quan biện chứng cùng những chiêm nghiệm, những đúc kết về con người và việc giáo dục con người của Chủ tịch Hồ Chí Minh thể hiện trong bài thơ "Nửa đêm", trích trong tập thơ "Nhật ký trong tù":

Ngủ thì ai cũng như lương thiện,
Tỉnh dậy phân ra kẻ dữ hiền.
Hiền dữ phải đâu là tính sẵn,
Phần nhiều do giáo dục mà nên.

Mỗi người Việt Nam hãy tự phấn đấu để trở thành một "Đại sứ văn hóa" để giới thiệu, quảng bá hình ảnh đất nước Việt Nam ra thế giới, góp phần mang lại sức mạnh cho quốc gia, dân tộc.

Cù Tất Dũng
.
.