Văn hóa tranh luận:

Để cùng tìm ra chân lý

Thứ Hai, 20/04/2009, 09:15
Theo đạo diễn, nhà thơ Đỗ Minh Tuấn "Để có một cuộc tranh luận nghệ thuật lành mạnh, sòng phẳng điều quan trọng nhất là cần trung thực, tự tin, tôn trọng người có quan điểm khác với mình, coi mục đích tranh luận là cùng nhau tìm ra chân lý hoặc chinh phục đối phương một cách chân thành và có nguyên tắc để họ chia sẻ với quan điểm và lý tưởng của mình...".

- Đời sống văn nghệ những năm gần đây chứng kiến nhiều cuộc tranh luận, bút chiến, nhưng dường như nó không có tác dụng tích cực đối với người sáng tác và công chúng. Theo ông, nguyên nhân của việc này là do đâu? Chúng ta hiện nay có cái gọi là "văn hóa tranh luận" chưa?

+ Nguyên nhân chính là trình độ tư duy khoa học của  những người tham gia tranh luận thường là thấp, nên dẫn đến tình trạng ông nói gà bà nói vịt vì không thống nhất với nhau về chuẩn mực, về khái niệm. Chẳng hạn, khi tranh luận thế nào là "tính chuyên nghiệp" trong văn học nghệ thuật, có người hiểu chuyên nghiệp là viết ra tác phẩm hay, có người hiểu chuyên nghiệp là toàn tâm toàn ý cho việc viết, có người lại hiểu chuyên nghiệp là được vào Hội Nhà văn. Trừ phi các khái niệm được định nghĩa rõ trong từ điển chuyên ngành, các khái niệm có thể được quy ước với nhau trước khi đi vào tranh luận. Các chuẩn mực cũng phải được thống nhất, trong trường hợp hai bên không thể tìm ra một cái chuẩn chung, hoặc đối phương không đủ trình độ hay không đủ trung thực để ngửa bài về chuẩn mực tranh biện thì có thể đưa ra một cái chuẩn rất dễ thống nhất, chẳng hạn "Mẹ là thiêng liêng", hoặc "Vay thì phải trả" để từ đó dẫn dắt về vấn đề đang tranh luận. Nếu không thống nhất chuẩn sẽ dẫn đến tình trạng "cò quay", khi đuối lý người ta dễ đổi chuẩn một cách vô tình hay cố ý, chỉ để thắng trong cuộc tranh biện. Một nguyên nhân nữa dẫn đến tình trạng tranh luận không đến đầu đến đũa, hoặc chuyển sang công kích cá nhân là những người tranh luận không vì mục đích nhận thức chân lý, mà vì hiếu thắng, vì ân oán giang hồ muốn hạ bệ nhau, bôi nhọ nhau. Một nguyên nhân khách quan là các diễn đàn báo chí ở ta thường ngại tranh luận đến đầu đến đũa, thường stop giữa chừng do không đủ trình độ và bản lĩnh quản lý và dẫn dắt vấn đề đến đích, hoặc không thể cho các bên tranh luận tiếp tục thóa mạ nhau.

- Có một vài lần ở đâu đó trong các cuộc tranh luận về văn học nghệ thuật, ông là một trong số rất ít người sẵn sàng nhận lỗi, khi mình nói sai, nói chưa đúng, chưa chuẩn. Nhưng số người dám thừa nhận những sai sót của mình trong quá trình tranh luận một vấn đề nào đó rất hiếm. Hiện nay người ta có xu hướng  bỏ qua tính học thuật trong tranh luận. Ông nghĩ sao về điều này?

+ Với người tự tin và tự trọng thì việc thừa nhận những điều mình thấy sai cũng có giá trị như việc bảo vệ đến cùng điều mình tin là chân lý. Hàng ngày chúng ta vẫn chơi với nhau những trò chơi như đánh bài, cờ tướng với quy định ai thua phải bị bôi nhọ lên mặt, hầu hết những người thua đều vui vẻ chìa mặt ra cho bạn bè vẽ nhọ bôi hề một cách vui vẻ. Đó là tinh thần bè bạn. Hay ở một số cuộc tranh cử Tổng thống ở Mỹ, có ứng viên thấy đối phương xứng đáng hơn đã tuyên bố thua khi chưa kiểm phiếu xong. Nhưng có trường hợp thấy mình xứng đáng hơn mà bị ăn gian số phiếu,  các ứng viên có thể đòi kiểm lại phiếu như ông Al Gore đã làm trước đây. Tại sao trong tranh luận học thuật văn chương trên báo chí, chúng ta ít làm được điều ấy?

- Hiện tượng nổi bật trên Internet hiện nay là người ta thường dùng nickname để trả đũa, bôi xấu, thóa mạ một ai đó. Một người tham gia tranh luận nghiêm túc theo ông có cần phải giấu tên không, thưa ông?

+ Việc dùng nickname để tranh luận một cách thiếu tôn trọng với những người dùng tên thật trên các diễn đàn là một sự bất công, không sòng phẳng và không đàng hoàng trong luật chơi. Tôi đã tham gia nhiều diễn đàn lớn, hầu hết đều dùng tên thật, chỉ có một lần dùng nickname do hoàn cảnh tế nhị, như năm 1997 tôi tham gia diễn đàn của lưu học sinh Việt Nam ở nước ngoài, tôi ký tên Hoàng Khoa Quyền, nhưng ai cũng biết nickname đó là tôi. Ngay cả khi đó tôi cũng không núp sau nickname để ném bùn bôi nhọ đối phương. Nếu có giễu cợt trong tranh luận thì cũng chỉ giễu cợt sau khi đã dùng lập luận và thông tin để chỉ ra những sai lầm, bất cập về quan điểm hay thái độ của đối thủ. Sau này những người từng tranh luận nảy lửa với Hoàng Khoa Quyền đều trở thành bạn bè gần gũi với tôi.

- Để có một cuộc tranh luận nghệ thuật lành mạnh, sòng phẳng, theo ông cần phải tuân theo những nguyên tắc gì?

+ Như tôi đã nói ở trên, điều quan trọng nhất là cần trung thực, tự tin, tôn trọng người có quan điểm khác với mình, coi mục đích tranh luận là cùng nhau tìm ra chân lý hoặc chinh phục đối phương một cách chân thành và có nguyên tắc để họ chia sẻ với quan điểm và lý tưởng của mình. Mặt khác, về kỹ năng cần  thống nhất với nhau các chuẩn mực và khái niệm trước khi bước vào tranh luận.

- Xin cảm ơn nhà thơ, đạo diễn Đỗ Minh Tuấn

Bình Nguyên Trang
.
.