Để có một tầng lớp trí thức thực sự ngang tầm quốc tế

Thứ Năm, 12/09/2019, 08:48
Hội đồng Giáo sư Nhà nước vừa công khai 555 ứng viên được Hội đồng Giáo sư cơ sở đề nghị xét công nhận đạt chuẩn chức danh Giáo sư, Phó Giáo sư năm 2019. Trước đó, năm 2017, Hội đồng Chức danh Giáo sư Nhà nước đã công bố quyết định công nhận 1.226 người đạt tiêu chuẩn chức danh Giáo sư, Phó Giáo sư. Hiện trên cả nước đang có khoảng hơn 1.600 Giáo sư và 10.000 Phó Giáo sư.


Với đội ngũ trí thức hùng hậu như thế này, Việt Nam được xếp hạng là quốc gia có nhiều giáo sư, Phó Giáo sư nhất Đông Nam Á. Nếu đúng như vậy thì chúng ta phải hóa "rồng" từ lâu rồi chứ không phải để làm sạch khoảng 14km sông Tô Lịch vẫn phải thuê chuyên gia nước ngoài, rồi năm nào cũng lâm vào tình trạng phải giải cứu nông sản. Học sinh và phụ huynh thì chóng mặt với các chương trình đổi mới, cải cách giáo dục; quy hoạch thiếu tầm nhìn khiến các thành phố lớn động mưa là úng ngập, giao thông ùn tắc nghiêm trọng… thiệt hại mỗi năm lên tới cả chục ngàn tỷ đồng…

Vậy các công trình nghiên cứu của các Giáo sư, Tiến sĩ đâu cả mà không mang ra ứng dụng để giảm bớt đi những thiệt hại, mang lại những lợi ích thiết thực cho đất nước, cho người dân?

Phải thẳng thắn nhìn nhận, Việt Nam có quá nhiều Giáo sư, Phó Giáo sư, Tiến sĩ, nhưng công trình nghiên cứu của họ đi vào thực tế quá ít ỏi mà chỉ có giá trị tham khảo, nghiên cứu, xong rồi "đắp chiếu" trong các thư viện, viện nghiên cứu. Điều này cho thấy rằng, chúng ta đang quá coi trọng lý thuyết mà quên đi thực tế.

Các công trình nghiên cứu của nhiều vị Giáo sư, Tiến sĩ Việt Nam hầu như ít được ứng dụng trong thực tế - Ảnh chỉ có tính chất minh họa.

Danh hiệu Giáo sư, Tiến sĩ thời nay khiến nhiều người liên tưởng đến bài thơ "Tiến sĩ giấy" - một bài thơ trào phúng độc đáo của nhà thơ Nguyễn Khuyến, được viết bằng thể thơ thất ngôn bát cú Đường luật:

"Cũng cờ, cũng biển, cũng cân đai,
Cũng gọi ông nghè có kém ai.
Mảnh giấy làm nên thân giáp bảng,
Nét son điểm rõ mặt văn khôi.
Tấm thân xiêm áo sao mà nhẹ ?
Cái giá khoa danh ấy mới hời
Ghế tréo lọng xanh ngồi bảnh chọe,
Nghĩ rằng đồ thật hoá đồ chơi!".

Một bức tranh biếm họa chế giễu, châm biếm những ông nghè trong thế kỷ XIX, ở thời nửa thực dân, nửa phong kiến, nhưng soi vào xã hội hiện nay, đã và đang xuất hiện không ít những Giáo sư, Tiến sĩ "giấy" mà báo chí từng nói đến.

Nhìn lại quá khứ, không phải đến hôm nay chúng ta mới nói tới việc tôn vinh và trọng dụng nhân tài, mà từ xưa ông, cha ta đã coi "Hiền tài là nguyên khí của quốc gia, nguyên khí mạnh thì nước thịnh, nguyên khí yếu thì nước suy".

Nhờ có chính sách cầu người hiền tài, không phân biệt xuất thân sang, hèn nên không ít bậc minh quân đã tuyển dụng được nhiều người đích thực tài năng, tạo dựng được thể chế của các vương quyền, tồn tại mấy nghìn năm. Ở các làng quê xưa, những người có học đều được dân làng coi trọng, mặc dù họ không giữ các cương vị gì trong thôn, trong tổng. Còn những người đỗ đạt đều phải trải qua các kỳ thi nghiêm ngặt, như: Thi hương, thi hội, thi đình, để chọn ra các tiến sĩ, thám hoa, bảng nhãn, trạng nguyên. Đặc biệt, phải chọn người có phẩm hạnh trong sáng, trung thực, vô tư mới được triều đình giao trọng trách.

Nhiều người có tên trong bảng vàng nhưng sau khi bị vua sát hạch lần cuối vẫn bị đánh rớt xuống hạng dưới. Nếu ai bị phát hiện gian lận thì cả người thi lẫn vị quan chấm trung khảo, phúc khảo đều bị phạt rất nặng. Đã không hiếm vị quan trường bị lột áo, mũ, đuổi về quê, thậm chí bị đầy đi làm lính thú…

Bởi vậy, những người đỗ đạt đều thực học và các chức vụ cao, thấp của họ đều do thứ hạng đạt được trong các kỳ thi để bổ nhiệm. Do đó các quan lại đều phục tài nhau về học vấn, tài năng và đạo đức... nên ít xảy ra trường hợp "trên bảo, dưới không nghe". Đặc biệt, tuyệt nhiên không có trường hợp làm quan rồi mới đi học và vì vậy không có các trường lớp "chuyên tu", "tại chức", rồi mới làm cao học, thạc sĩ, lại càng không có tình trạng tiến sĩ, giáo sư "giấy" như ngày nay. Phàm là người tài họ đều trung thực, thẳng thắn, có cách nhìn, cách nghĩ rất riêng, luôn sống theo lương tâm mình, không cơ hội, xu thời, nịnh bợ. Hay nói một cách khác là họ có tầm nhìn, sự hiểu biết đi trước thời đại.

Công cuộc hội nhập, phát triển đất nước đang đòi hỏi phải có một tầng lớp trí thức, các nhà khoa học ngang tầm quốc tế và khu vực, ở đó không thể có sự nửa vời, sự tự hạ thấp tiêu chuẩn để làm dáng. Giáo sư, Phó Giáo sư, Tiến sĩ không phải là hư danh để ban phát, mà đó là trách nhiệm trao cho các "đầu tàu" thật sự của khoa học Việt Nam, đưa khoa học Việt Nam tiến lên sánh vai, trước hết là với các láng giềng, đóng góp thật sự cho phát triển đất nước trong quá trình hội nhập quốc tế.

Cù Tất Dũng
.
.