Để chống "thiên tai", phải chống "nhân tai"

Thứ Năm, 15/11/2018, 08:23
"Tham nhũng trong những dự án thiên tai là tội ác" chính là thông điệp mà Thủ tướng đưa ra nhằm nhắc nhở cán bộ, công chức cần phải nói và làm đúng quy định của pháp luật; phải biết lo trước cái lo của nhân dân, đau trước cái đau của nhân dân và phải là người đầy tớ trung thành của nhân dân. Tham ô, tham nhũng để ảnh hưởng tới tính mạng, tài sản của nhân dân thì luật pháp và đạo lý dân tộc không bao giờ tha thứ....


Tuần qua, trong cuộc họp về tình hình sạt lở bờ biển và bồi lấp cửa sông các tỉnh ven biển miền Trung từ Nghệ An vào đến Bình Thuận, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: "Nói công trình này cấp bách, theo Luật Đấu thầu được chỉ định thầu, nhưng chỉ định nhà thầu không biết làm, tiền vào túi cá nhân là thành câu chuyện tiêu cực. Tham nhũng trong những dự án thiên tai là tội ác. Đồng tiền, hạt gạo của người dân phải sử dụng đúng mục đích".

Câu nói của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khiến tất cả chúng ta phải giật mình suy ngẫm. Nghe thật buồn lòng, phải chăng Thủ tướng đang nhắc nhở các lãnh đạo Bộ, ngành, địa phương để chống "thiên tai" chúng ta phải đặc biệt chú trọng tới việc chống "nhân tai", mà cụ thể ở đây là chống tiêu cực, tham nhũng trong việc thực hiện các dự án trị thủy ở miền Trung tới đây.

Nhiều người trong chúng ta từng được tận mắt chứng kiến mảnh đất miền Trung nghèo "Sáng chắn bão giông, chiều ngăn nắng lửa" phải hứng chịu đủ mọi mất mát vì thiên tai. Để giành lấy sự sống, người miền Trung đã gồng mình, lao động kiên cường để vươn tới ấm no, hạnh phúc. Nhưng rồi, hằng năm, dòng nước lũ cuồn cuộn chảy về đã cuốn phăng đi nhà cửa, trâu bò, cây cối… và cả người thân của họ.

Mồ hôi, nước mắt của người dân miền Trung cũng trôi theo dòng lũ dữ. Những hạt gạo, những gói mì, nước uống, chăn màn, quần áo, … những viên thuốc cho người già, em nhỏ, những tấm áo nghĩa tình trở nên quý giá vô cùng. Khi hoạn nạn chúng ta mới cảm nhận về nghĩa tình thủy chung, chia ngọt, sẻ bùi của đồng bào cả nước dành cho nhân dân miền Trung.

Vào những ngày gặp phải bão lũ, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước cùng chính quyền địa phương đến với đồng bào. Từng cái nắm tay, một gói mì nhỏ đủ làm ấm lòng: gian khó rồi sẽ đi qua, tình người ở lại mãi.

Ai cũng biết rằng, mưa bão, lũ lụt, hạn hán là thuộc tính của tự nhiên từ muôn đời, con người không thể ngăn chặn được hoàn toàn mà chỉ có thể chủ động trong phòng ngừa để hạn chế bớt tác hại mà nó gây ra. Tuy nhiên, trong một thời gian dài, các dự án lớn được phê duyệt bằng cơ chế "xin - cho" với sự bôi trơn mềm mại.

Không những vậy, sau khi dự án được thông qua dễ dàng, thì khâu thực hiện cũng không kém phần cẩu thả, bỏ mặc cho chủ đầu tư tự tung, tự tác, không ai kiểm tra hoặc kiểm tra cho có, kết cục là nhiều dự án làm chưa xong đã hỏng, chưa kể đến việc không làm mà vẫn quyết toán ở một số công trình thủy lợi trong thời gian qua.

Chúng ta đã nói quá nhiều về việc triển khai các dự án bằng tiền ngân sách kiểu "tiền chùa" và cái gọi là hiệu quả và chất lượng dự án luôn day dứt chúng ta. Điển hình là công trình kênh chính Ngàn Trươi, dài 16,2km thuộc "Dự án thủy lợi nghìn tỷ" đi qua địa bàn huyện Vũ Quang và Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh được khởi công tháng 5-2013, đến tháng 7-2018 các hạng mục cơ bản đã hoàn thành, được nghiệm thu.

Tuy nhiên, trung tuần tháng 7-2018, tại một số hạng mục kênh chính Ngàn Trươi đã hoàn thành nghiệm thu, cũng như những nơi đang thi công dở dang đã bị sạt lở nghiêm trọng, bê tông đáy, bê tông mái đứt gãy ngổn ngang. Vụ tham ô tài sản xảy ra tại Công ty TNHH MTV khai thác công trình thủy lợi Nam Khánh Hòa.

Qua điều tra, cơ quan điều tra xác định Công ty Thủy lợi Nam Khánh Hòa được giao thực hiện 24 công trình nạo vét, bơm tưới; sửa chữa thường xuyên 49 công trình thủy lợi để chống hạn đã bị làm giả giấy tờ, lập hồ sơ khống, hợp thức hóa hồ sơ, chứng từ để thanh quyết toán hầu hết các công trình với tổng kinh phí gần 8,5 tỷ đồng.

Qua đây cho thấy sự thờ ơ tắc trách mọi lúc, mọi nơi đang dung dưỡng cho "nhân tai" hoành hành, trong khi môi trường, khí hậu đang có những biến đổi khôn lường thì mức độ phá hủy của thiên tai cũng sẽ còn tăng lên gấp bội.

Rõ ràng nhân tai, nếu được hạn chế và ngăn chặn gắt gao, thì khi thiên tai xảy đến, tin rằng hậu quả của nó gây ra cũng không đến mức khốc liệt bằng khi cả hai thiên tai và nhân tai cùng hợp lực!

Việc bớt xén tiền bạc dành cho các dự án đầu tư công đã trở thành một điểm nóng trong nhiều điểm nóng mà đất nước và nhân dân ta đang phải đối mặt và kiên quyết đấu tranh để tiền bạc, mồ hôi công sức của nhân dân không rơi vào vòng xoáy của tham nhũng. Có những vụ án làm thất thoát hàng ngàn, hàng trăm tỉ đồng không làm ngạc nhiên dư luận, nhưng có những vụ án chỉ làm mất đi vài triệu thôi cũng đủ làm mọi người phẫn nộ.

"Tham nhũng trong những dự án thiên tai là tội ác" chính là thông điệp mà Thủ tướng đưa ra nhằm nhắc nhở cán bộ, công chức cần phải nói và làm đúng quy định của pháp luật; phải biết lo trước cái lo của nhân dân, đau trước cái đau của nhân dân và phải là người đầy tớ trung thành của nhân dân. Tham ô, tham nhũng để ảnh hưởng tới tính mạng, tài sản của nhân dân thì luật pháp và đạo lý dân tộc không bao giờ tha thứ.

Hiện trường công trình thủy lợi Ngàn Trươi, Hà Tĩnh nghìn tỷ đồng chưa đưa vào nghiệm thu đã bị vỡ.
Cù Tất Dũng
.
.