Đề cao ý thức thượng tôn pháp luật

Thứ Hai, 11/09/2017, 08:02
Hình ảnh ông Phó Chủ tịch quận I với những chỉ đạo trực tiếp sát sao, quyết liệt và bộ mặt khó đăm đăm đã trở nên quen thuộc, trở thành một thời sự “nóng” kéo dài nhiều tháng liền trong chiến dịch giải tỏa lấn chiếm vỉa hè
. Hai luồng dư luận tranh cãi theo hai hướng đồng tình và phản đối bất phân thắng bại lại tiếp tục...


Cảm thông không đồng nghĩa với làm ngơ, dung túng

Tuấn kiệt

Cuối tháng 8 -2017, chiến dịch giải tỏa lấn chiếm vỉa hè, lập lại trật tự đô thị lại tiếp tục được quận I, TP Hồ Chí Minh tích cực tái triển khai. Giữa hai đợt ra quân là một thực tế: hễ có đoàn công tác thì vỉa hè thông thoáng, trật tự ngăn nắp; đoàn ngưng hoạt động, người dân buôn bán nhỏ lại tràn ra đường, các bãi giữ xe tự phát lại tha hồ lấn chiếm vỉa hè, trật tự vệ sinh đô thị lại quay lại với vẻ nhếch nhác, lộn xộn.

Hình ảnh ông Phó Chủ tịch quận I với những chỉ đạo trực tiếp sát sao, quyết liệt và bộ mặt khó đăm đăm đã trở nên quen thuộc, trở thành một thời sự “nóng” kéo dài nhiều tháng liền. Hai luồng dư luận tranh cãi theo hai hướng đồng tình và phản đối bất phân thắng bại lại tiếp tục. Lấy lý do người nghèo còn nhiều, dẹp trật tự hè phố, chính quyền đã khiến sinh kế của một bộ phận người dân bị ảnh hưởng. Họ đánh giá sự quyết liệt, triệt để trong công tác xử lý của chính quyền mà ông Đoàn Ngọc Hải đại diện là không quan tâm đến người nghèo, là nhẫn tâm…

Chiến dịch giành lại vỉa hè ở TP Hồ Chí Minh tiếp tục được triển khai quyết liệt.

Đã có người, bằng các phép tính kinh tế khẳng định rằng: kinh tế vỉa hè là thực tế không thể chối cãi, có đóng góp bằng con số % nhất định vào GDP. Ngay cả các nước tiến tiến như Pháp, Đức, Mỹ, Nhật, chính quyền vẫn cho thuê vỉa hè tăng nguồn thu. Chẳng qua, chính quyền ở ta không quản lý được nên cấm, không thừa nhận kinh tế vỉa hè mà thôi. Chưa kể, từ bao đời nay quán cóc, hàng rong… đã trở thành một hình ảnh cấu thành văn hóa, tập quán thân thuộc của thành phố!

Đã có hàng ngàn bức ảnh, hàng chục video clip, hàng trăm bài viết, nhất là trên mạng xã hội lấy ông Đoàn Ngọc Hải ra làm tiêu điểm diễu cợt, phê phán. Chính ông Đoàn Ngọc Hải cũng thừa nhận trên Vietnamnet vào sáng 4-9, rằng: “Tôi nhận 3.000 tin nhắn, cuộc gọi từ người dân về việc xử lý trật tự vỉa hè, lòng đường. Trong đó đa số tin nhắn ủng hộ, động viên. Tuy nhiên, gần đây có 6 cuộc gọi, tin nhắn đe dọa giết tôi”!

Sự phản đối đã trở nên cực đoan, mất kiểm soát.

Ngược lại, dư luận đồng thuận cũng không thiếu những lập luận. Thứ nhất, lấn chiếm vỉa hè là vi phạm luật pháp, tạo nên sự nhếch nhác, mất vệ sinh, mất an ninh trật tự cho nên dứt khoát phải cấm. Thứ hai, những con số phần trăm viện dẫn chỉ là mơ hồ, không xác thực, trong khi ảnh hưởng của việc lấn chiếm vỉa hè để buôn bán, làm dịch vụ tự phát lại gây ảnh hưởng xấu đến sự phát triển nói chung, kinh tế nói riêng của toàn thành phố. Thứ ba, việc lấn chiếm còn là yếu tố tiền đề đẻ ra nhiều loại tệ nạn xã hội như móc túi, trộm cắp, tranh giành chỗ, bảo kê… Đó là một mối nguy, phải triệt để loại trừ…

Đồng tình hay phản đối đều có lý. Nhưng nhìn nhận theo chiều để phát triển, chúng ta sẽ thấy sự phản đối, dù viện dẫn cơ sở nào cũng chỉ là ngụy biện. Cốt lõi, “chủ nghĩa mủi lòng” tưởng chừng đầy tính nhân văn, quan tâm đến người lao động nghèo đang được sử dụng nhiều nhất trong những lời biện minh. Chính nó đang kéo lùi sự phát triển chung của cả kinh tế lẫn văn minh, văn hóa xã hội.

Trong một phát biểu gần đây, Tiến sĩ kinh tế Vũ Thành Tự Anh đã ví von sự phát triển của một nền kinh tế cũng giống như tốc độ di chuyển của một đàn chim. Tốc độ di chuyển của cả đàn nhanh hay chậm không phụ thuộc chủ yếu vào những con đầu đàn khỏe nhất, bay nhanh nhất mà phụ thuộc vào tốc độ của những con yếu nhất, bay chậm nhất ở cuối đàn. Kinh tế vỉa hè chính là những cánh chim yếu đuối nhất trong cả đàn chim kinh tế đô thị. Không những đóng góp không đáng kể, nó còn khiến tốc độ phát triển của cả nền kinh tế bị khựng lại, yếu đi.

Việc cần lặp lại trật tự đô thị, đường thông, hè thoáng rõ ràng là chủ trương cần thiết và đúng đắn. Nhưng để bảo đảm hiệu quả bền vững, bên cạnh các đợt ra quân triệt để, thành phố cũng cần có những giải pháp đào tạo nghề, tạo ra công ăn việc làm mới, tạo sinh kế cho người lao động nghèo, khả dĩ giúp họ mưu sinh bằng công việc khác thay cho việc lấn chiếm lòng lề đường.

Quan tâm, chăm lo cho người nghèo không phải là làm ngơ cho họ vi phạm luật pháp và gây ảnh hưởng đến tổng thể đời sống kinh tế, văn hóa của xã hội. Điều đó cũng chưa chắc đã giúp người nghèo thoát nghèo, trong khi lại đẩy họ gần hơn về phía các tệ nạn xã hội. Về lâu dài, người nghèo vẫn nghèo nhưng văn minh đô thị thì sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng, dễ thấy nhất là với ngành du lịch. Kinh tế của cả xã hội chậm phát triển, khó khăn thì chính người nghèo là tầng lớp dễ bị tổn thương nhất.

Thái độ và cách hành xử của chính quyền trong công tác này cũng cần chấn chỉnh. Người dân dù có vi phạm cũng không nên bị xem như kẻ phá hoại hay tội đồ. Bên cạnh sự quyết liệt và triệt để cũng cần có sự cảm thông, hợp lý và đúng mực.

Quan trọng là người dân. Chúng ta không thể cứ mãi kêu ca, trách móc chính quyền vì những sự bất tiện, mất an toàn gặp phải trên lề phố, trong khi lại để cho chủ nghĩa mủi lòng thách thức sự thượng tôn luật pháp. Lòng xót thương nhẹ dạ đặt không đúng chỗ đôi khi chính là đồng lõa với cái xấu và chống lại luật pháp, về lâu dài sẽ gây phiền toái cho cuộc sống của chính bản thân mình.

Hình ảnh tan hoang tràn ngập mặt báo giữa thời bình, có nên không?

Nguyễn Đức Hiển (Tổng TKTS Báo Pháp luật TP Hồ Chí Minh)

Tôi ủng hộ việc dẹp thoáng vỉa hè, xử lý lấn chiếm. Nhưng tôi phản đối cách làm và thái độ của ông Đoàn Ngọc Hải, Phó Chủ tịch Quận I trong khá nhiều trường hợp. Thứ nhất là cách làm có vẻ đối đầu với dân, là hình ảnh đập phá xuất hiện quá nhiều trên mặt báo: xe gàu giật sập công trình; lực lượng lăm lăm khoan búa…

Thứ hai, như báo chí và nhiều chuyên gia, trí thức chuyên về luật và văn hoá đô thị đã phân tích, có nhiều dấu hiệu cho thấy xử lý sai quy định của luật xử lý vi phạm hành chính trong công tác lập lại trật tự đô thị ở quận I. Thứ ba là thái độ hằm hằm mà có tờ báo đã từng mô tả là "đằng đằng sát khí".

Đất nước đang hoà bình mà ngay giữa quận trung tâm của thành phố lớn nhất nước mỗi ngày cảnh xe gàu đập phá tan hoang tràn ngập mặt báo thì có nên không? Nó có thể mang lại suy nghĩ về sự cay cú của lực lượng thi hành công vụ và phần nào sự bất lực trong tuyên truyền ý thức pháp luật. Hình ảnh đập phá xuất hiện liên tục cực kỳ gây ức chế; và sự đổ nát khiến nhiều người từng qua chiến tranh liên tưởng đến bom pháo.

Báo chí, người dân và mạng xã hội đều đã bày tỏ lo ngại. Một lãnh đạo cao cấp cũng nói: Từ bao giờ người ta coi vỉa hè là chiến trường và coi dân là đối tượng tác chiến vậy? Tôi nghĩ đã đến lúc lãnh đạo thành phố Hồ Chí Minh cần xem xét cách làm phản cảm này!

Tôi đã xem đi xem lại nhiều clip quay ở nhiều góc máy cảnh ông Đoàn Ngọc Hải đòi “xử lý” ông bảo vệ khu phố và thấy rất chối. Người ta đã trần tình là bê đồ nặng chẳng may va vào. Dù tôi ủng hộ tuyệt đối việc lập lại trật tự vỉa hè thì về mặt con người, tôi thấy ông cũng không cần thị uy quá đáng như thế. Nếu ông Hải nghiêm giọng như hôm bị xô đẩy ở trụ sở ngân hàng: "Anh đừng làm thế với tôi, anh đang sai đấy!", có phải hay hơn và hiệu quả hơn không, vừa thể hiện cái uy, vừa thể hiện nhân văn.

Chủ trương đúng đắn và thái độ quyết liệt của ông Đoàn Ngọc Hải trong việc lập lại trật tự, văn minh đô thị ở quận I thì ai cũng thấy, cũng ghi nhận và đồng tình ủng hộ. Nhưng một ai đó bực bội nhất thời hay hành xử lỡ tay thì cũng đừng vu cho họ chống chủ trương. Cán bộ lãnh đạo làm đúng chủ trương, làm vì cái chung nhưng đừng  coi mình chính là tập thể. Cú va chạm của một người bê thùng đồ với cơ thể anh, xin đừng coi nó là chống chủ trương hay chống cấp trên.

Mỗi hành vi của người đại diện chính quyền nên có tính thông điệp và sự chính danh. Clip tổ công tác giành giật xe cá viên chiên với gia đình ông lão 80 tuổi rõ ràng là một hình ảnh không đẹp, không có lợi cho việc đề cao “trật tự, văn minh đô thị”. Trong trường hợp này, điều cần xem xét không phải là cái xe cá viên của ông lão và con cháu ông có lấn chiếm vỉa hè không. Chuyện đó thì cán bộ trật tự đô thị và phường làm được, không nhất thiết phải cần một ông Phó Chủ tịch quận trực tiếp giải quyết.

Điều cần làm rõ là thẩm quyền của họ với tài sản của dân (dù chỉ là xe cá viên chiên). Và điều tôi nghĩ là sự có mặt của ông Đoàn Ngọc Hải và việc ông chứng kiến, chỉ huy thái độ quyết liệt ấy, trong câu chuyện cụ thể này, có lợi gì cho việc chung, cho uy tín của chính quyền với dân.

Chủ nghĩa "mủi lòng" đang kéo lùi ý thức tôn trọng pháp luật

Lâm Minh Phú (Doanh nhân, Quận I)

Công ty của tôi nằm trên đường Nguyễn Trãi, quận I, có khuôn viên khá rộng rãi trong một con hẻm khá rộng rãi, hai chiếc xe hơi tránh nhau qua lại dễ dàng. Hẻm cụt, dài khoảng 150 m, có nhiều đơn vị thuê mặt bằng lập trụ sở, công ty. Ăn theo, ban đầu một vài hàng quán mọc lên, sau đó tới một số người buôn bán quần áo và một số hàng linh tinh khác. Cứ sáng họ bày hàng, tối dẹp vào, chỗ bán hàng thường nép sát vào tường, không chắn lối đi. Các công ty đều thuê mặt bằng nên đều ngại, không quyết liệt ngăn cản, cấm đoán việc bày hàng tự phát. Thôi thì chả mất gì của ai, kệ cho người nghèo còn có đường sinh sống.

Ông Đoàn Ngọc Hải - Phó chủ tịch UBND quận 1 TP Hồ Chí Minh (ảnh từ Vietnamnet).

Sau hơn 10 năm, khách đến có muốn cũng khó mà tìm ra công ty muốn đến, tưởng chừng mình đang lạc giữa một lối đi xuyên dãy sạp chợ. Đi xe hơi, khách phải xuống xe từ đầu đường Nguyễn Trãi vào. Nhiều lần, vì quá bất tiện, người của các công ty đã xảy ra cự cãi với người buôn bán lấn chiếm. Giữa người buôn bán cũng thường xuyên xảy ra tranh chấp, gây náo loạn. Không ít lần, các bên đã gọi côn đồ, xã hội đen (có thể chỉ là anh em bà con trong gia đình) đến “giải quyết” om sòm… Bất tiện, một số công ty đã đành trả mặt bằng đi thuê nơi khác.

Có một cặp vợ chồng, chồng là cán bộ nhà nước, vợ bán phở xe ở đầu hẻm. Chị vợ xin gửi xe phở qua đêm trong công ty chúng tôi, sáng đẩy ra sớm. Cơ quan có hai cửa, chị đẩy xe vào cửa phụ, sau khi đã phủ bạt chằng buộc cẩn thận. Vì cảm thông, công ty đã không phản đối, còn giao luôn chìa khóa cổng phụ cho chị để tự mở, cất và lấy xe..

Một hôm, khoảng hơn 19h tối, đúng lúc anh chồng phụ chị vợ đẩy xe phở vào cất để dọn hàng thì xảy ra xô xát. Một số thanh niên hung hăng đuổi theo, không đánh người nhưng xông vào đạp đổ xe phở. Thì ra trước khi về, chị bán phở thường ninh một nồi xương to đùng, để chuẩn bị cho buổi bán hôm sau. Nồi xương hầm bằng than, được che bạt ràng dây cẩn thận bên ngoài nên bảo vệ công ty không hề biết. Bị đạp đổ, than rơi tung tóe, bắt lửa vào tấm bạt và cháy đùng đùng. Rất may là được phát hiện nên đám cháy được dập ngay chưa gây thiệt hại cho công ty. Chúng tôi buộc phải yêu cầu chị bán phở đưa xe ra khỏi công ty và nhận lại từ chị một tràng xa xả chửi suốt  một ngày!

Chiến dịch giải tỏa lấn chiếm của Quận I đã khiến tất cả mọi hàng quán, phải dời đi. Hẻm thông thoáng trở lại, giá cho thuê nhà tăng nhưng khách vẫn cứ đông. Không có lý do gì chúng tôi lại không ủng hộ Quận I và ông Đoàn Ngọc Hải. Quyết liệt, chính quyền đã giúp làm được một việc chúng tôi rất muốn mà không làm được, chỉ vì đã đặt sự cảm thông không đúng chỗ từ hơn 10 năm về trước.

Không thể lấy “quyền của người nghèo” để biện minh

Huỳnh Phan

Cách đây 25 năm, lúc tôi bắt đầu vào làm du lịch, cũng là lúc Chính phủ bắt đầu bỏ tiền của để bảo tồn, tôn tạo di tích. Đến Huế, quanh Thành Nội, tôi thấy nhiều nhà có ông táo, chuồng heo… làm bằng gạch lấy từ di tích Thành Nội, tôi rất sốc. Đã nhiều lần, tôi nói thẳng, góp ý thẳng, bày tỏ nỗi bất bình vì chính quyền sở tại tỏ ra thờ ơ, không biết bảo vệ di tích, di sản.

Có người cho rằng tôi quá gay gắt. Những viên gạch vỡ ấy có đáng là bao. Dân cũng chỉ “tận dụng” khi chúng đã rời ra, nằm rơi rớt lẫn vào cỏ lá, đâu phải họ tự phá thành, phá hào lấy gạch? Thật sự, tôi đã rất sốc. Con mắt của một người làm du lịch, tôi biết mỗi viên gạch di tích ấy có giá trị bằng rất nhiều lần các công trình dân sinh “tận dụng” ấy. Cả giá trị vật chất lẫn giá trị văn hóa tinh thần của chúng đều rất lớn, không thể đo đếm nỗi. Thờ ơ trong việc bảo vệ chúng là một cách tiếp tay cho sự phá hoại di tích, di sản, là có tội. Nhưng tôi đã bất lực trong việc thuyết phục và ngăn chặn thực tế này.

Công việc phát triển, đi du lịch qua nhiều nước, thấy nước người ta tươm tất, văn minh, tôi lại cảm thấy giận. Đã không ít lần tôi bất mãn, cho rằng cán bộ chính quyền chỉ biết lo cho bản thân, không có tầm nhìn, không biết lo cho sự phát triển văn minh, văn hóa chung của xã hội, để cho đường phố, đô thị của chúng ta bày ra trước mắt bao nhiêu cảnh nhôm nhoam, nhếch nhác.

Câu trả lời mà tôi nhận được thường là: cấm hết, dẹp hết, người buôn bán nghèo ở đô thị biết sống bằng gì? Biết vậy là sai, nhưng cấm hết, dẹp hết thì người nghèo sẽ khổ hơn, không cấm được. Thật sự, cũng đã có những lúc, tôi bị những lập luận đó, thực tế đó thuyết phục, đành tặc lưỡi cho qua. Nhất là ở thời điểm đó, bản thân tôi cũng còn chật vật về kinh tế, tôi quá hiểu và cảm thông với nỗi vất vả của người buôn thúng bán bưng ở vỉa hè, lề phố.

Làm ăn khá giả, tôi mua được căn nhà ở đường phố rộng rãi. Ban đầu, thấy người nghèo chiếm một chút lề đường ngay trước nhà mình để buôn bán, tôi cũng thông cảm, không nỡ xua đuổi hay cương quyết ngăn cản, dù biết rõ việc lấn chiếm đó là hoàn toàn sai, gây mất an ninh trật tự và tạo ra sự nhếch nhác cho chính con phố nơi tôi sống.

Không lâu sau, tôi biết tôi đã sai lầm khi tỏ ra mủi lòng. Người này lấn một chút, kéo theo người kia chiếm một khoảng, từ từ họ mở rộng buôn bán, tranh giành, gây gổ lẫn nhau,  gây không ít chuyện mất vệ sinh, mất an ninh trật tự. Khi đó, lấy quyền chủ nhà, tôi có phản ứng cũng trễ. Từ thuyết phục, năn nỉ đến hùng hổ, làm căng, rồi báo chính quyền nhờ dẹp tôi vẫn thua. Một số người còn đe dọa nếu tôi làm căng, họ sẽ gọi người đến “xử đẹp” vì “đá bể nồi cơm của người nghèo”.

Chính quyền, Công an phường cũng bất lực. Trước nhà, trước công ty thì xe máy đậu kín. Mỗi lần ra vào nhà, công ty của mình hoặc có khách đến, tôi phải năn nỉ, xin xỏ mãi người buôn bán lấn chiếm mới chịu nhường đường cho vào, kèm theo vô số lời rủa xả sau lưng vì tôi hoặc khách của tôi đã làm gián đoạn việc buôn bán của họ. Tự cho mình cái "quyền của người nghèo”, họ đang chửi mắng người bị họ lấn chiếm, cản trở, làm phiền cái tội… giàu hơn họ.

Không lẽ lại bỏ đi nơi khác sống. Mà đi thì biết đi đâu? Cho đến một hôm, mẹ già của tôi xách giỏ đi chợ, vì lề đường bị chiếm hết, sợ xe cộ nên phải len lách đi trên vỉa hè, bị vấp té gãy tay. Đến đó thì tôi giận dữ và căm phẫn thật sự. Tôi đã định nhảy ra trước cửa nhà mình làm dữ, dẹp hết. May mà kiềm chế được, lại đành thôi, nhưng sự bực tức, nổi đóa thì vẫn không sao xóa được.

Mấy hôm nay, đọc báo, xem tivi thấy ông Đoàn Ngọc Hải dọn dẹp, cẩu xe với khuôn mặt lúc nào cũng hằm hằm, cau có. Ban đầu, cảm xúc tự nhiên khiến tôi nghĩ: họ là dân nghèo thôi mà, anh có cần nét mặt đáng sợ như vậy không? Nhớ lại cơn giận của mình cách đây chưa lâu, một cảm xúc trái ngược hoàn toàn với nỗi cảm thông lúc này, tôi chợt nhận ra mình cũng chất đầy mâu thuẫn.

Trong tôi, trong bạn, trong mỗi chúng ta luôn tồn tại mâu thuẫn đó. Đó là nỗi cảm thông với người nghèo, là chủ nghĩa mủi lòng, vô tình đã tiếp tay hoặc làm ngơ cho những điều sai trái. Chính nó đang khiến văn minh, văn hóa bị kéo lùi. Cũng chính nó về sau sẽ gây ra không ít hệ lụy phiền toái ảnh hưởng đến cuộc sống của chúng ta và nhiều người khác và gây nên những muộn phiền, bực dọc…
PV
.
.