Đầu tư sáng tác: Để không "ném đá ao bèo"

Thứ Ba, 28/04/2009, 09:30
Đã thành thông lệ, hàng năm Nhà nước đều dành một số tiền không nhỏ để hỗ trợ đầu tư sáng tác cho các văn nghệ sĩ. Trung bình mỗi Hội nghề nghiệp một năm được cấp khoảng trên dưới một tỉ đồng nhằm mục tiêu tài trợ để có được những tác phẩm chất lượng. Tuy nhiên, hiệu quả của việc tài trợ sáng tác đạt được ở mức độ nào đang còn nhiều vấn đề phải bàn.

Trên các phương tiện truyền thông gần đây, không ít ý kiến cho rằng cách đầu tư sáng tác cho văn nghệ sĩ như hiện nay chỉ giống như cách "ném đá ao bèo", không để lại những gợn sóng đáng kể. Tiền hỗ trợ sáng tác dường như mang ý nghĩa "từ thiện", giúp đỡ nhiều hơn là hướng tới mục tiêu có được những tác phẩm hay phục vụ công chúng.

Nhiều cuộc cãi vã, xích mích của các văn nghệ sĩ bắt đầu từ việc ai nhận được tài trợ, ai không. Có cả những kiện tụng xung quanh việc một vài lãnh đạo Hội "xà xẻo" tiền tài trợ của anh em văn nghệ, không công khai, minh bạch trong việc cấp tiền cho ai, vào việc gì...

Bộ Văn hóa -Thể thao và Du lịch tổng kết, trong 5 năm vừa rồi đã có tới 250 trại sáng tác gồm văn học, âm nhạc, điêu khắc, hội họa, sân khấu, điện ảnh của Trung ương và địa phương được mở ra, nhưng mặt bằng chung của đời sống văn học nghệ thuật không có nhiều thay đổi đáng kể.

Những tác phẩm văn học nghệ thuật có chất lượng ra đời từ những trại sáng tác như vậy cũng chỉ có thể đếm được trên đầu ngón tay. Nhiều ví dụ cho thấy, một số tác giả sau khi nộp đề cương, phác thảo và nhận tiền tài trợ rồi thì "bặt vô âm tín”, chờ mãi không thấy tác phẩm được hoàn thành.

Rất nhiều văn nghệ sĩ khi được hỏi đều nhất trí cho rằng việc đầu tư cho sáng tác là thể hiện sự quan tâm của Nhà nước đối với văn học nghệ thuật và điều đó là hết sức cần thiết. Nhưng phần lớn vẫn băn khoăn về việc làm thế nào để chọn người đầu tư cho đúng, cho hữu ích, để tiền đến được với những cá nhân đang thực sự cần hỗ trợ.

Gần đây một số đơn vị như Hội Nhà văn TP HCM, Hội Mỹ thuật Việt Nam đã có những đổi mới thiết thực trong việc sử dụng tiền tài trợ của Nhà nước, như hỗ trợ đầu ra cho các tác phẩm nghệ thuật, giúp đỡ khâu in ấn, quảng bá, giới thiệu tác phẩm đến với công chúng... được nhiều văn nghệ sĩ ủng hộ.

Câu chuyện đầu tư sáng tác tưởng dễ mà rất khó. Nếu chỉ cào bằng, mỗi năm các Hội dùng tiền hỗ trợ lần lượt cho các hội viên theo kiểu "hoa thơm mỗi người hưởng một tí" thì quá đơn giản. Nhưng để những đồng tiền tài trợ thực sự mang lại kết quả bằng sự hiện diện của ngày một nhiều hơn các tác phẩm có hàm lượng nghệ thuật cao mới là chuyện để các nhà quản lý phải đau đầu
Hoàng Minh
.
.