Đầu tư sáng tác: Cần tài trợ đúng người, đúng lúc

Thứ Ba, 28/04/2009, 10:20
"Tôi rất ủng hộ cách làm của Hội Nhà văn TP HCM là dành tiền để hỗ trợ đầu ra cho các tác phẩm chất lượng đã hoàn thành, như công tác in ấn, xuất bản, phát hành. Nó thiết thực hơn ở chỗ tiền tài trợ tìm đến được đúng với những người đang cần hỗ trợ. Giúp đỡ họ lúc này là bắc một cây cầu để họ nhanh chóng đến được với độc giả...", nhà phê bình văn học, Tiến sĩ Nguyễn Thị Minh Thái tâm sự.

-Thưa Tiến sĩ Nguyễn Thị Minh Thái, theo bà, phương thức tài trợ, đầu tư sáng tác cho văn học của Hội Nhà văn hiện nay có điều gì đáng băn khoăn, suy nghĩ?

+ Trước tiên cần phải khẳng định ngay rằng đầu tư sáng tác là một cử chỉ đẹp của Nhà nước đối với anh chị em văn nghệ sĩ nói chung và các nhà văn nói riêng. Mỗi năm có một khoản tiền để tài trợ cho một số người cầm bút nào đó để văn học có được những tác phẩm hay, tốt, là hết sức cần thiết. Nhìn vào thực tế đời sống văn học nghệ thuật hiện nay, tôi cảm thấy lao động của nhà văn là thứ lao động... ái ngại nhất. Đó là thứ lao động vất vả nhất mà lại được hưởng thù lao thấp nhất, thấp đến mức... tội nghiệp. Tiền nhuận bút cho một cuốn tiểu thuyết của nhà văn có khi chỉ bằng nhuận bút một bài báo. Điều này nghe ra có điều gì hơi hài hước, nhưng nó vẫn tồn tại bao năm nay. Sự chênh lệch trong đời sống của nghệ sĩ các loại hình nghệ thuật là rất lớn. Một ca sĩ hát một đêm có thể có hàng chục triệu, trong khi nhà văn đau đớn viết một cuốn sách thì lại được trả một khoản tiền rất bọt bèo. Ở Việt Nam, số nhà văn chuyên nghiệp sống bằng ngòi bút của mình chỉ đếm trên đầu ngón tay. Phần lớn họ phải làm nghề khác để kiếm sống, và đời sống nói chung là chật vật. Vì vậy, sự khích lệ của Nhà nước, dù là chẳng nhiều nhặn gì qua việc đầu tư sáng tác là rất đáng trân trọng. Tất nhiên mục tiêu thì rất tốt, nhưng phương thức phân phối của Hội thì còn có chỗ, có lúc chưa hợp lý, gây tâm lý thất vọng ít nhiều với cả người được nhận tài trợ và người không được nhận.

- Gần đây có một số nhà văn có tên trong danh sách nhận tiền tài trợ của Hội nhưng họ đã từ chối, bà nghĩ sao về điều này?

+ Tôi nghĩ việc đó cũng là bình thường. Mỗi người sẽ có những lý do riêng để từ chối khoản tiền tài trợ này. Có thể họ không muốn ràng buộc vào việc phải viết như kiểu theo đơn đặt hàng của Hội hoặc cũng có thể có những người có điều kiện tương đối tốt, họ thấy không cần thiết phải nhận số tiền tài trợ ấy, để được viết tự do, phóng khoáng theo cảm xúc của mình. Tôi cho rằng cũng không nên vì thế mà nghĩ theo hướng cực đoan là việc tài trợ không cần thiết hoặc không mang lại kết quả nào đó. Tất nhiên cách làm của Hội theo tôi phải có báo cáo cụ thể, và phải đúng người, đúng việc. Người ta thường nói: "cách cho hơn của đem cho", có thể việc lựa chọn tác giả để đầu tư cũng phải nghiêm túc hơn, để tránh việc một số người viết tự ái, không muốn nhận.

- Hội Nhà văn TP HCM hiện đang áp dụng một cách làm mới, là dành tiền để hỗ trợ đầu ra cho các tác phẩm chất lượng đã hoàn thành, như công tác in ấn, xuất bản, phát hành. Bà thấy cách làm này liệu có thiết thực hơn việc đầu tư theo đề cương nhà văn gửi về như Hội Nhà văn đã làm bấy lâu?

+ Tôi rất ủng hộ cách làm của Hội Nhà văn TP HCM. Rõ ràng nó thiết thực hơn, ở chỗ tiền tài trợ tìm đến được đúng với những người đang cần hỗ trợ. Rất nhiều nhà văn sáng tác xong thì gặp khó khăn ở khâu xuất bản, phát hành vì không có kinh phí. Giúp đỡ họ lúc này là bắc một cây cầu để họ nhanh chóng đến được với độc giả. Nó thực tế hơn việc ta ngồi chờ đợi những đề cương tác phẩm trở thành tác phẩm thực sự. Trên thực tế, rất nhiều đề cương đã không bao giờ trở thành tác phẩm trên giá sách. Rất nhiều nhà văn trở thành "chuyên gia" trong việc viết đề cương mang đến nộp cho Hội để nhận tiền tài trợ mà tác phẩm thì chẳng khi nào hoàn thành. Tiền giúp đỡ đúng người, đúng lúc là cách hay nhất, chứ không nên theo kiểu cào bằng, rốt cục vẫn không có tác phẩm hay mà người xứng đáng lại chưa chắc đã được nhận.

- Để đầu tư cho sáng tác hiệu quả hơn nữa, theo bà đâu là việc Hội Nhà văn nên bổ sung trong tương lai?

+ Cử chỉ đầu tư sáng tác cho nhà văn của Nhà nước, như tôi đã nói là nên cám ơn và tận dụng nguồn kinh phí sao cho hiệu quả nhất. Từ thực tiễn đời sống xuất bản hiện nay, như số lượng bản in cho một tác phẩm văn học ở một đất nước hơn 80 triệu dân chỉ vỏn vẹn ở con số 1.000, và hiện tượng sách lậu làm đau đầu nhà quản lý, tôi thiết nghĩ việc chi tiêu tiền tài trợ của Nhà nước nên đặt trong một chuỗi liên hoàn những công việc như hỗ trợ để tăng tia-ra phát hành một đầu sách, tăng nhuận bút cho nhà văn, quảng bá tác phẩm rộng rãi với bạn đọc, hạn chế sách lậu... Những động tác ấy sẽ có tác dụng "kích cầu" giúp cho môi trường văn học ngày một lành mạnh hơn, tốt hơn...

- Xin cảm ơn Tiến sĩ Nguyễn Thị Minh Thái

Hội Quân
.
.