Đầu tư sáng tác: 4 lần thay đổi phương thức tài trợ

Thứ Ba, 28/04/2009, 10:00
"Đỉnh cao trong nghệ thuật là thứ hiếm hoi, trời cho, không phải cứ nhiều tiền hay hô hào là được. Có nhiều tác phẩm chất lượng không tốt, Hội Mỹ thuật VN không nghiệm thu. Và danh sách tác giả nhận tài trợ hàng năm luôn luôn được thông báo công khai. Tuy nhiên thực tiễn những năm qua khiến cho những người cầm cân nảy mực của Hội cũng đau đầu lắm. Hội đã phải 4 lần thay đổi phương thức tài trợ cho phù hợp", họa sĩ Trần Khánh Chương, Chủ tịch Hội Mỹ thuật VN.

- Thưa họa sĩ Trần Khánh Chương, từng nhớ có lần ông phát biểu "Chúng ta đang hiểu không đúng về vấn đề tài trợ cho sáng tác". Xin ông có thể nói rõ hơn về điều này?

+ Đúng là các phương tiện truyền thông hiện nay đang hiểu không đúng về chuyện tài trợ sáng tác. Nhiều ý kiến cho rằng đây là khoản tiền bao cấp của Nhà nước để chia cho các hội viên. Tất nhiên ở nơi này nơi kia có thể có những tổ chức, cá nhân làm chưa đúng với chủ trương Nhà nước đề ra, nhưng tôi có thể đảm bảo rằng Hội Mỹ thuật những năm qua đã làm rất tốt công tác tài trợ cho các tác phẩm tốt. Hiện tượng một số họa sĩ nhờ các mối quan hệ cá nhân mà xin được tiền tài trợ của các dự án nước ngoài, hay được mời ra nước ngoài triển lãm thì quay lại có thái độ không tốt với việc đầu tư, tài trợ của Hội là rất không nên. Họ không biết rằng những đồng tiền mà họ nhận được từ các quỹ văn hóa hay các dự án nước ngoài cũng chính là tiền tài trợ của chính phủ các nước đó. Tôi thừa nhận rằng tiền Nhà nước tài trợ cho sáng tác làm ra tấm ra món là rất khó. Nhưng ở Hội Mỹ thuật, chúng tôi làm hiệu qủa vì chúng tôi công khai, minh bạch và có những nguyên tắc chung.

- Những nguyên tắc đó cụ thể như thế nào, thưa ông?

+ Đầu năm bao giờ Hội cũng có thông báo cụ thể về tiền tài trợ của Nhà nước và đưa ra những điều kiện, tiêu chí chung để tất cả các hội viên có thể tham gia. Mỹ thuật là một ngành nghệ thuật đặc thù, vì vậy tiêu chí của chúng tôi cũng hết sức cụ thể. Ví dụ với tranh sơn dầu thì tiền tài trợ cho tác phẩm khổ 0,5m; 0,75m; 1m; 2m sẽ là bao nhiêu. Tranh sơn mài hay tranh lụa cũng được tính toán tương ứng như vậy. Hay các tác phẩm điêu khắc chiều cao bao nhiêu thì ứng với số tiền như thế nào... Tất cả đều có quy định cụ thể, có cơ sở hợp lý chứ không tùy tiện và được công bố đến mọi hội viên.

- Đưa ra tiêu chí rõ ràng thì nhiều Hội nghề nghiệp làm tốt. Nhưng câu trả lời cuối cùng vẫn là tác phẩm cụ thể. Mà tác phẩm yêu cầu lại phải đạt chất lượng tốt. Vậy công tác nghiệm thu được thực hiện như thế nào, thưa ông?

+ Tôi rất hiểu băn khoăn này của giới truyền thông. Rõ ràng chủ trương của Nhà nước là tài trợ cho những tác phẩm có chất lượng cao. Để hướng tới điều đó thì công tác nghiệm thu không thể qua loa được. Chúng tôi không khuyến khích các họa sĩ vẽ tranh khổ lớn mà quan trọng là nội dung tác phẩm đó như thế nào. Nói đầu tư sáng tác để có các tác phẩm đỉnh cao thì theo tôi hơi khó. Tôi cho rằng các tác phẩm được tài trợ trước tiên phải là các tác phẩm tốt. Vì ai cũng biết đỉnh cao trong nghệ thuật là thứ hiếm hoi, trời cho, không phải cứ nhiều tiền hay hô hào là được. Có nhiều tác phẩm chất lượng không tốt, Hội không nghiệm thu. Và danh sách tác giả nhận tài trợ hàng năm luôn luôn được thông báo công khai. Đại hội Hội mỹ thuật 5 năm một lần, danh sách này cũng được phát cho các đại biểu và đăng tải trên tạp chí của Hội. Tuy nhiên thực tiễn những năm qua khiến cho những người cầm cân nảy mực của Hội như chúng tôi cũng đau đầu lắm. Hội đã phải 4 lần thay đổi phương thức tài trợ cho phù hợp.

- Xin ông cho biết 4 lần thay đổi phương thức tài trợ của Hội cụ thể như thế nào?

+ Đầu tiên chúng tôi chỉ cần anh em nghệ sĩ có phác thảo gửi về Hội là sẽ được cấp tiền tài trợ. Các phác thảo được duyệt xong, tác giả sẽ được nhận 70% số tiền, 30% còn lại sẽ trả nốt khi tác phẩm hoàn thành. Nhưng rồi chúng tôi nhận thấy rằng, rất nhiều tác phẩm lúc phác thảo thì đẹp mà khi trở thành tranh lại rất xấu. Đấy là chưa kể nhiều tác giả cầm tiền tạm ứng rồi thì... chẳng làm gì với phác thảo của mình và kết quả là không có tác phẩm. Tiền tạm ứng Hội cấp rồi cũng không đòi lại được. Một số tác giả nợ tác phẩm từ năm 1999 đến nay mà vẫn chưa hoàn thiện. Trước tình hình đó, chúng tôi chuyển hướng chọn tác giả để đầu tư. Mỗi năm có khoảng 200 tác giả được chọn để tài trợ tiền. Nhưng rồi cũng không ổn ở chỗ, đến lúc nghiệm thu thì có năm có tới một nửa số người nhận tiền tài trợ nhưng không có tác phẩm. Mà đáng buồn là có rất nhiều tác giả nổi tiếng cũng không có tác phẩm. Chúng tôi lại thay đổi phương thức khác là cho công bố tiêu chí tài trợ trước, rồi để các tác giả tự đăng ký và mang tác phẩm đã hoàn thành đến. Hội đồng nghiệm thu nếu tác phẩm nào đạt yêu cầu thì sau đó sẽ được nhận tiền tài trợ. Cách làm "nắm đằng chuôi" này xem ra có hiệu quả, nhưng ngặt nỗi nhiều tác giả có tài, có tác phẩm tốt lại không mang tới nghiệm thu để nhận tài trợ. Như vậy lại không công bằng với những người xứng đáng. Hiện nay, Hội chúng tôi đang thực hiện cùng một lúc 3 phương thức. Thứ nhất, nếu ai có tác phẩm gửi đến và được nghiệm thu thì Hội sẽ cấp tiền ngay. Thứ hai, các tác phẩm đã từng đoạt giải thưởng trong các cuộc thi, các cuộc triển lãm hàng năm, cả trong nước và quốc tế cũng sẽ đương nhiên được nhận tài trợ. Thứ ba, Hội sẽ tổ chức trại sáng tác, mời những người giỏi đến tham gia và cấp tiền tài trợ, sau đó sẽ lưu tác phẩm của họ vào bộ sưu tập của Hội. Hiện nay chúng tôi cũng bắt đầu nhìn ra những bất cập của cách làm này, và sang năm có thể sẽ tìm ra cách mới để khắc phục. Nghĩa là chúng tôi không cứng nhắc và bao giờ cũng muốn tiền tài trợ sáng tác đến đúng địa chỉ để có được những tác phẩm chất lượng.

- Các hội nghề nghiệp đều có số lượng hội viên rất đông đảo, trong khi đó tiền tài trợ hàng năm thì có hạn. Việc chọn lựa tác giả để đầu tư cho đúng, cho công bằng là việc chắc chắn không đơn giản. Với cương vị là Chủ tịch Hội, ông cảm thấy đâu là vấn đề khó khăn nhất?

+ Tôi xin nói thật cái khó nhất hiện nay của Hội Mỹ thuật, và theo tôi là của nhiều hội khác nữa, là đối xử với các nghệ sĩ già. Nhiều nghệ sĩ có đóng góp trong quá  khứ nay tuổi cao, không sáng tác nữa nhưng họ vẫn có tư tưởng là Nhà nước phải chăm lo đời sống cho họ. Họ đòi hỏi họ phải nhận được tiền tài trợ hàng năm và thậm chí là phải được nhiều tiền hơn người khác. Nhưng tiền của Chính phủ là để đầu tư cho tác phẩm chứ không phải tiền trợ cấp, cào bằng, ai cũng như ai. Chuyện một số nghệ sĩ già hay có ý kiến, kiện cáo Hội về chuyện này cũng là rất thường tình. Bởi vậy cho nên, các Hội không phải lúc nào cũng "nhăm nhăm" được vào mục tiêu hỗ trợ tác phẩm tốt, mà có lúc cũng phải mềm dẻo hơn một chút. Vì chúng ta đều hiểu, Hội là nơi mà ngoài mục tiêu về nghệ thuật còn phải chú trọng đến các mục tiêu khác như tập hợp lực lượng, vấn đề vùng miền, mở rộng đề tài sáng tác... Nói chung chúng tôi gặp rất nhiều cái khó trong công tác lãnh đạo Hội.

- Xin cảm ơn ông

.
.