Đau đầu vì quảng cáo nhảm

Thứ Sáu, 27/03/2020, 08:09
Những clip quảng cáo phản cảm, nhảm nhí liên tục đổ bộ trên sóng truyền hình. Dù bị khán giả phản ứng dữ dội nhưng nhà đài dường như tảng lờ. Còn đơn vị sản xuất ngày càng tung clip nặng "đô" hơn.


Gần đây, PGS.TS Nguyễn Quang Minh, Đại học Xây dựng Hà Nội gửi đơn đến VTV đề nghị ngừng phát sóng một clip quảng cáo về nước tăng lực ra khỏi sóng giờ vàng. Clip quảng cáo lấy bối cảnh căn nhà sàn của vợ chồng người dân tộc thiểu số. Đoạn cuối quảng cáo này, khi người chồng bảo lên giường ngủ, người vợ cầm lon nước ngọt và mời mọc "Mình uống đi cho khỏe" khiến khán giả dễ dàng hiểu thâm ý về chuyện giường chiếu.

Đáng nói là đoạn quảng cáo phát ngay sau chương trình thời sự 19 giờ của VTV - thường được coi là giờ cả gia đình quây quần bên mâm cơm. Khi clip này đăng tải trên YouTube, nó hứng chịu làn sóng chỉ trích dữ dội của dư luận. Các bậc phụ huynh cho biết rất khó chịu khi con trẻ cứ nhại theo giọng điệu của nhân vật trong quảng cáo này. Thậm chí có đứa còn thắc mắc: "Mẹ ơi, sao sắp đi ngủ mà lại uống nước tăng lực?" khiến cha mẹ lúng túng không biết trả lời sao cho phải.

Hàng loạt clip quảng cáo của một hãng bột giặt liên tục hứng chịu chỉ trích vì sự vô duyên, nhảm nhí.

Trong đơn gửi VTV, PGS.TS Nguyễn Quang Minh nhận xét đoạn quảng cáo này quá phản cảm, phát sóng ngay giờ vàng là không tôn trọng khán giả. Gay gắt hơn, ông còn cho rằng quảng cáo như vậy không khác gì nhạo báng bà con dân tộc thiểu số. Tuy nhiên, phe ủng hộ cho biết họ thấy clip quảng cáo bình thường. Việc ám chỉ chuyện phòng the cũng khá nhẹ nhàng, hài hước chứ không dung tục.

So độ nhảm nhí, tào lao thì rõ ràng clip nước tăng lực vẫn chưa là gì so với clip quảng cáo của một hãng bột giặt. Nhắc đến hãng này, khán giả ngán ngẩm vì hầu hết đoạn quảng cáo của họ giống như những thước phim kịch tính kiểu Hàn nhưng bị lỗi, nội dung tào lao, phi lý đến mức không tưởng. Một cô gái chở xe bột giặt đi giao nhưng không may làm rớt vài túi xuống đường. Người dân lao ra lượm, kêu bột giặt này nổi tiếng nè, rồi năn nỉ cô gái bán cho mình. Cô gái cương quyết không bán vì hàng giao cho người ta. Mọi người được phen cãi nhau ầm ĩ, cuối cùng cô đành bán.

Ở một clip mới đây, hãng bột giặt này còn tung chiêu độc hơn. Một cô gái đi dã ngoại cùng bạn bè nhưng hết áo quần đành mặc bộ đồ thể thao hở hang rồi kêu sợ cháy nắng. Có anh chàng hăng hái đòi thoa kem chống nắng cho cô. Khi cô gái từ chối và đi vào trong nhà, anh chàng bị người yêu cự cãi vì ghen tuông. Cuối cùng cô gái bước ra với bộ váy mới. Mọi người hỏi làm sao mà giặt áo nhanh vậy thì cô gái nói nhờ bột giặt A. nên chỉ 3 phút là xong. Quảng cáo cực phi lý (vì không tính thời gian phơi) và không dính dáng đến nội dung câu chuyện.

Điểm qua những quảng cáo nhạt nhẽo, vô duyên của nhãn hàng này có lẽ khán giả đếm không xuể. Đỉnh điểm của sự nhảm nhí phải kể đến clip về quê thăm mẹ. Cả bầy con kéo nhau về quê, nhưng chưa kịp ló mặt vô nhà đã nghe bà mẹ chửi xối xả: "Về quê mà cả đám không mua gì biếu mẹ hay sao?". Thế là cả nhóm lao ra đường kêu mua gì bây giờ. Chợt thấy xe bột giặt chạy ngang thế là mỗi người mua một túi rồi vô tặng trong sự hài lòng mãn nguyện của bà mẹ.

Ở clip khác thì một anh chàng tặng bột giặt cho người yêu cũ khi lâu ngày vô tình gặp lại. Diễn xuất của diễn viên đơ cứng cộng thêm cách lồng tiếng như phim bộ Hong Kong nhưng không khớp khẩu hình miệng khiến khán giả chỉ biết cười bò về độ cẩu thả.

Một clip quảng cáo của nhãn hãng khác thì mô tả cảnh ông chồng bỏ tiệc tùng cao lương mỹ vị, hối hả về nhà ăn tối cùng vợ con. Cô vợ xinh như hoa hậu tả xung hữu đột với đủ loại xoong nồi trong bếp. Đến khi chồng về, khán giả cứ tưởng cô sẽ mang ra món gì cầu kỳ lắm. Hóa ra là ba tô mì tôm cho cả nhà! Trước đây, nhiều quảng cáo cũng bị công chúng lên án vì không phù hợp văn hóa Việt, thậm chí là phản giáo dục.

Trong đoạn quảng cáo dầu gội, hoa hậu Mai Phương Thúy từng hứng chịu chỉ trích khi trả lời trống không, vô lễ với mẹ chồng tương lai khi được bà hỏi "Sao tóc con mượt thế?". Người mẫu Thúy Hạnh cũng chung cảnh ngộ vì cô thể hiện hình ảnh một người con bất hiếu, chỉ biết lo cho bản thân khi mẹ mình bị loãng xương.

Một quảng cáo về gia vị lại cổ xúy cho chuyện đàn ông có bồ khi đệm câu slogan: "Phở dài là của người ta, cơm ngon canh ngọt mới là vợ anh". Nhiều khán giả khẳng định chắc như đinh đóng cột khi xem quảng cáo này: "Nếu cô vợ nấu ăn dở thì chắc anh chàng này đã cặp bồ rồi".

Nhiều năm qua, hãng bột giặt có nhiều clip vô duyên trên vẫn trung thành với cách quảng cáo làm lố trên sóng truyền hình. Theo lý giải của chuyên trang maketing, đây có thể là chiến lược của họ nhằm cố tình gây sự tranh cãi để sản phẩm được chú ý hơn.

Tuy vậy, chơi dao có ngày đứt tay. Bởi khi quảng cáo này được đăng trên kênh YouTube riêng, phía dưới phần bình luận ghi nhận vô số ý kiến bức xúc, tẩy chay sản phẩm. "Quảng cáo dở tệ thế này chắc bột giặt cũng không ra gì?"; "Càng xem quảng cáo, tôi càng muốn chuyển sang bột giặt của hãng khác", … là những bình luận của khán giả.

Mẫu quảng cáo nước tăng lực bị cho là phản cảm trên sóng giờ vàng.

Quảng cáo trên truyền hình thường được ưu ái chèn vào sóng giờ vàng để có thể tiếp cận công chúng một cách tối đa. Nhiều chương trình giải trí hay phim truyện liên tục bị ngắt ngang giữa chừng để dành thời lượng cho quảng cáo. Mật độ của nó dày đặc đến nỗi khán giả ví von: phim dài 30 phút nhưng quảng cáo chiếm sóng gần một nửa.

Do đó, mọi thành phần khán giả từ già đến trẻ đều được/ bị quảng cáo viếng thăm. Dù muốn hay không muốn, họ cũng phải ráng coi hết quảng cáo mới được xem chương trình mình yêu thích. Bởi trên truyền hình thì không có chế độ bỏ qua quảng cáo như trên YouTube. Quảng cáo thường lặp đi lặp lại nên những quảng cáo xấu, phản cảm sẽ có ảnh hưởng không nhỏ đến nhận thức của giới trẻ, cố xúy cho hành vi lệch lạc.

Những quảng cáo thảm họa kể trên đa số lại là quảng cáo "made in Việt Nam" chính hiệu. Điều này cho thấy những người đảm nhiệm khâu nội dung khá nghèo nàn ý tưởng, thiếu độ tinh tế, ý thức về văn hóa vùng miền. Nhìn lại, dễ nhận thấy đa số mẫu quảng cáo của nước ngoài có nội dung rất độc đáo, hấp dẫn. Nội dung của họ vừa mang tính giải trí, vừa mang tính giáo dục rất cao khiến khán giả nhớ mãi chứ không ức chế như của ta.

Một clip quảng cáo thành công trên truyền hình chỉ cần hình ảnh và âm nhạc là đủ chứ không cần phải lê thê nhiều lời. Thời lượng cực ngắn nên thông điệp, nội dung càng phải cô đọng. Bởi quảng cáo là đóng đinh thương hiệu vào tâm trí khán giả. Ở Việt Nam, ngoài tính độc đáo, mới lạ, một quảng cáo muốn nhận được sự đồng cảm của người tiếp nhận thì phải gần gũi, phù hợp với các giá trị văn hóa cộng đồng. Ở đó, sự chung thủy, hiếu thảo, khiêm tốn, tinh thần thượng võ, tôn trọng người già, đạo thầy trò, sự tế nhị kín đáo… phải được đề cao. Nếu các mẫu quảng cáo vì muốn tạo sự mới lạ mà đụng chạm đến những giá trị truyền thống này thì sẽ dễ gây ra phản cảm.

"Việc xử phạt quảng cáo phản cảm trên truyền hình hiện nay gần như bị buông lỏng dù dư luận liên tục phản ứng gay gắt. Trách nhiệm kiểm duyệt của nhà đài cũng bị ngó lơ do nguồn lợi nhuận khổng lồ làm mờ mắt.

Lâu nay, cơ quan quản lý chỉ vào cuộc với những quảng cáo trên mạng xã hội, quảng cáo trong phim ảnh, chương trình nghệ thuật... Trong khi đó, quảng cáo trên truyền hình nguy hiểm hơn nhiều khi nó tiếp cận công chúng rất rộng, sức ảnh hưởng rất lớn. Nếu nhà đài không làm tròn trách nhiệm thì đến lúc này, công chúng cần phát huy quyền lực của mình. Đó là tẩy chay với sản phẩm, dịch vụ có quảng cáo kém chất lượng" - chuyên viên truyền thông Trần Minh Hưng đề xuất.

Phan Thi Uyên
.
.