Đất nước không thiếu nhân tài
- Tổng Bí thư, Chủ tịch nước chủ trì phiên họp về chống tham nhũng
- Hà Nội thành lập 3 đoàn kiểm tra về công tác phòng, chống tham nhũng
- Cảnh sát kinh tế - mũi nhọn trong phòng, chống tham nhũng, buôn lậu
- Kiểm soát quyền lực trong lĩnh vực kiểm toán để phòng chống tham nhũng
Trong nhiệm kỳ này, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đã đưa ra nhiều thông điệp mạnh mẽ và chuẩn xác: “Lò đã nóng lên rồi thì củi tươi vào đây cũng phải cháy. Củi khô, củi vừa vừa cháy trước, rồi cả lò nóng lên, tất cả các cơ quan vào cuộc, có ai đứng ngoài đâu và không thể đứng ngoài được”; “Xây dựng, chỉnh đốn Đảng, phòng, chống tham nhũng, nếu ai cảm thấy cản trở, nhụt chí thì dẹp sang một bên cho người khác làm”, “Kỷ luật vài người để cứu muôn người”...
Những lời nói đó luôn đi đôi với việc làm. Điều này được minh chứng bằng con số hơn 70 cán bộ, đảng viên thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý bị thi hành kỷ luật đảng, xử lý hành chính và xử lý hình sự.
Trong số này, có cả Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng, các tướng lĩnh cao cấp trong lực lượng vũ trang… đã khiến nhân dân rất phấn khởi, tin tưởng vào cuộc chiến chống tham nhũng "không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai”.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng chủ trì phiên họp thứ 16 Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng. |
Mặc dù quan chức tham nhũng liên tục bị cho vào “lò”, nhưng hiện tượng “trên nóng, dưới lạnh” còn tương đối phổ biến; việc xử lý cán bộ lãnh đạo, người đứng đầu thiếu bản lĩnh, thiếu gương mẫu trong công việc, đạo đức, lối sống, dĩ hòa vi quý, nể nang, né tránh, thậm chí bao che, bưng bít cho cán bộ, đảng viên sai phạm chỉ bị khiển trách, cảnh cáo, “rút kinh nghiệm sâu sắc”; xử lý chưa đúng mức, chưa nghiêm minh; áp dụng các hình thức kỷ luật, xóa tư cách đối với cán bộ đã nghỉ việc, nghỉ hưu chưa đủ tính răn đe, đã tạo thành tâm lý không sợ pháp luật, không chấp hành các quy định của Đảng, coi thường kỷ cương, phép nước...
Do đó, Đảng và Nhà nước cần nghiên cứu bổ sung những hình thức xử phạt khác như tước bỏ, thu hồi các quyền lợi về vật chất, chế độ hưu trí và các lợi ích khác tùy theo mức độ sai phạm; hoàn thiện cơ chế kiểm soát quyền lực giữa các bộ phận của hệ thống chính trị và cơ chế kiểm tra, giám sát, kiểm soát việc thực thi quyền lực của người có chức, có quyền; hoàn thiện hệ thống các quy định về kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật Đảng, bảo đảm đồng bộ với các văn bản quy phạm pháp luật liên quan để khắc phục những khâu yếu, khoảng trống trong cơ chế kiểm soát quyền lực.
Công tác kiểm soát hay quản lý cán bộ đều phục vụ mục tiêu giải phóng sức sáng tạo, cổ vũ tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức.
Theo lời Tổng Bí thư, Chủ tịch nước thì chúng ta không thiếu cán bộ tâm huyết với Đảng, trách nhiệm với dân với nước. Điều này cũng đã được lịch sử dân tộc ghi nhận, triều đại nào chúng ta cũng có người hiền tài. Đó là một Tô Hiến Thành đã cương quyết tiến cử Trần Trung Tá - người thay thế mình là một vị quan không thân cận, nhưng luôn đau đáu và có trách nhiệm với quốc gia mà không tiến cử Vũ Tán Đường - người suốt ngày cận kề và hầu hạ. Đó là Phạm Ngũ Lão, Yết Kiêu, Dã Tượng… xuất thân “hèn kém”, nhưng vẫn được trọng dụng và lập công lớn với quốc gia…
Sau khi nước nhà giành được độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kêu gọi “kiến thiết cần có nhân tài” và ban hành Thông lệnh Tìm người tài đức “Nước nhà cần phải kiến thiết. Kiến thiết cần phải có nhân tài. Trong số 20 triệu đồng bào chắc không thiếu người có tài có đức. E vì Chính phủ nghe không đến, thấy không khắp, đến nỗi những bậc tài đức không thể xuất thân”.
Trong bối cảnh “nước sôi, lửa bỏng” lúc bấy giờ đã có nhiều nhân sỹ trí thức nổi tiếng xung phong ra gánh vác việc nước. Đã xuất hiện một lớp lãnh đạo sau này được gọi là "thế hệ vàng”, đó là những tên tuổi kiệt xuất như: Huỳnh Thúc Kháng, Bùi Bằng Đoàn, Nguyễn Văn Tố, Phan Kế Toại…
Người có tài cũng là một loại sản phẩm như các sản phẩm khác của xã hội. Khi có cầu, tất sẽ có cung. Trong hơn 96 triệu người Việt Nam, không thể nói là không có nhân tài. Tuy nhiên, việc tìm cán bộ, công chức liêm chính, có tâm, xứng tầm có lẽ không hề dễ, bởi những người thực sự cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư vốn rất khiêm tốn, ít phô trương, khoe mẽ. Vậy nên nếu không có những người lãnh đạo thật sự tài đức, có tâm sáng, lòng trong sẽ không thể phát hiện và sử dụng được họ.
Khi Đảng, Nhà nước chân thành, cầu thị, không quá khắt khe mà tạo điều kiện để những người tài năng thật sự tham gia gánh vác việc nước, làm được như vậy, lo gì đất nước không phát triển.