Đào tạo nhân lực cho sân khấu truyền thống
Lắm nỗi gian nan
Ở khu vực phía Bắc, Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội - là nơi có Khoa Kịch hát dân ca, là cái nôi chủ lực đào tạo nguồn nhân lực cho các bộ môn chèo, tuồng, cải lương, rối và nhạc công kịch hát dân tộc.
Nhưng từ năm 2013, trường này đã không còn tuyển sinh và đào tạo diễn viên tuồng do không có thí sinh đăng ký dự thi. Chỉ có bộ môn chèo truyền thống xem ra còn có đông thí sinh đăng ký dự thi hơn cả, song cũng có năm cũng chỉ có 2 thí sinh đăng ký dự tuyển khiến những người trong nghề cảm thấy bi quan, còn dư luận và các nhà quản lý, các nhà nghiên cứu văn hóa cũng phải lên tiếng bày tỏ sự lo ngại.
Đội ngũ diễn viên các bộ môn nghệ thuật sân khấu truyền thống đang bị “già hóa”. |
Những con số biết nói trên đây đã tạo nên một hồi chuông báo động về nguy cơ "xóa sổ" những bộ môn nghệ thuật sân khấu truyền thống nếu không gấp rút đào tạo được nguồn nhân lực kế cận.
Để khắc phục tình trạng này, từ vài năm trước, Bộ Giáo dục - Đào tạo đã phải vào cuộc bằng cách tạo cơ chế "đặc cách" cho các trường đào tạo văn hóa nghệ thuật có những quy định riêng đối với chuyên ngành có thi năng khiếu của trường mình cho phù hợp (thậm chí không còn thi môn Văn nữa mà chỉ tổ chức xét tuyển), nhằm thu hút thí sinh tham gia.
Nhưng ngay cả sau khi Chính phủ đã ban hành Nghị định 74/2013/NĐ-CP quy định bổ sung một số điều của Nghị định 49/2010/NĐ-CP về miễn giảm học phí, trong đó ghi rõ: "Các đối tượng được giảm 70% học phí gồm: Học sinh, sinh viên các chuyên ngành nhã nhạc, cung đình, chèo, tuồng, cải lương, múa, xiếc", thì tình hình cũng không vì thế mà được cải thiện.
Theo các số liệu được công bố, những năm gần đây, các đơn vị nghệ thuật truyền thống có rất ít gương mặt nghệ sĩ trẻ được bổ sung vào các nhà hát để phục vụ việc dàn dựng vở diễn. Đội ngũ diễn viên, nhạc công tài năng, biểu diễn lành nghề hầu hết đã lớn tuổi ở các nhà hát, đoàn nghệ thuật đều xảy ra tình trạng khan hiếm tài năng trẻ.
Cụ thể, diễn viên - nhạc công ở các nhà hát có độ tuổi từ 20 đến 25 chỉ chiếm 5,6%, độ tuổi 25 đến 30 chiếm khoảng 40%. Trong khi đó, đối với các bộ môn nghệ thuật nói chung, đây mới là độ tuổi sung sức nhất, có thể có những đóng góp, tỏa sáng nhiều nhất. Nhà hát Tuồng Việt Nam từ 6-7 năm nay không có diễn viên mới được bổ sung và thực tế nhà hát này cũng thiếu biên chế: Khung của Bộ Văn hóa - Thể thao & Du lịch cho nhà hát được tuyển tới 109 cán bộ, diễn viên, nhạc công nằm trong quỹ lương, song thực tế nhà hát chỉ có gần 90 người mà thôi!
Thấy rõ những bất cập trong vấn đề đào tạo, bổ sung lực lượng trẻ cho sân khấu truyền thống, năm 2014, Bộ Văn hóa - Thể thao & Du lịch đã thí điểm giao việc trực tiếp tuyển sinh và thực hiện kế hoạch liên kết đào tạo giữa 4 đơn vị nghệ thuật truyền thống thuộc Bộ và Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội, đó là: Nhà hát Chèo Việt Nam, Nhà hát Tuồng Việt Nam, Nhà hát Cải lương Việt Nam, Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam. Theo đó, mỗi nhà hát được tuyển chọn để đào tạo 30 học viên (riêng Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam được phép tuyển 40 học viên), bao gồm cả diễn viên và nhạc công để tạo ra nguồn lực trẻ kế cận, bù đắp vào số diễn viên nhạc công đang dần tịnh tiến đến tuổi nghỉ hưu. Số học sinh này hiện đang học năm thứ 3 (năm cuối của hệ trung cấp) được coi là nguồn lực quan trọng và một tín hiệu đáng mừng đối với các nhà hát nghệ thuật truyền thống.
Cuối năm 2015, Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao & Du lịch Hoàng Tuấn Anh đã ký quyết định thông qua "Đề án đào tạo diễn viên, nhạc công cho các đơn vị nghệ thuật tuồng, nghệ thuật chèo, nghệ thuật cải lương và dân ca kịch chuyên nghiệp trong cả nước giai đoạn 2016 - 2020".
Sau một thời gian tổ chức thi tuyển, đến nay đã có trên 100 học sinh ở các vùng miền ở độ tuổi từ 14 đến 16 được chọn lựa để theo học các bộ môn này. Các em học sinh được "gửi" vào học tập chuyên môn tại Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội, song song với việc học văn hóa để tiếp tục hoàn thiện chương trình THPT.
Điểm khác biệt là với đề án này, các em học sinh được hoàn toàn miễn phí tiền ăn, ở, học phí chứ không chỉ được miễn giảm 70% học phí như các lớp do các nhà hát chèo, tuồng, cải lương và Nhà hát Ca Múa Nhạc đã chiêu sinh. Nhưng đi kèm với ưu đãi đặc biệt này, đại diện các gia đình có con em trúng tuyển khóa đào tạo diễn viên, nhạc công nghệ thuật truyền thống phải cam kết bằng văn bản việc phối hợp với các cơ quan chức năng giáo dục các em trong quá trình học tập; cam kết sau khi hoàn thành khóa học đưa các em về công tác tại đơn vị nghệ thuật ở địa phương. Trường hợp các em không trở về công tác tại địa phương hoặc bỏ việc để theo ngành nghề khác, gia đình phải chịu trách nhiệm hoàn trả Nhà nước toàn bộ kinh phí trong suốt quá trình đào tạo.
NSƯT Thanh Ngoan - Giám đốc Nhà hát Chèo Việt Nam: Tôi tin tưởng ở thế hệ trẻ
- Thưa NSƯT Thanh Ngoan, Bộ Văn hóa - Thể thao & Du lịch có chủ trương giao cho các nhà hát, trong đó có Nhà hát Chèo Việt Nam được tuyển sinh để đào tạo một lớp diễn viên, nhạc công phục vụ nhu cầu tại chỗ của nhà hát; với tư cách là một nghệ sĩ và là Giám đốc Nhà hát Chèo Việt Nam, chị gửi gắm kỳ vọng gì ở lớp diễn viên trẻ này?
+ Trước tiên phải nói rằng, với chủ trương này, không riêng gì Nhà hát Chèo Việt Nam mà các nhà hát khác đều rất vui mừng. Bởi vì, thực ra có làm chuyên môn tốt bằng mấy nhưng nếu không có công tác đào tạo nhân lực trẻ thì chúng ta sẽ không thể có được nguồn nhân lực tốt để tiếp nối, giữ nghề. Vì thế, khi được Bộ quan tâm tạo cơ chế, chúng tôi rất hồ hởi.
Với Nhà hát Chèo Việt Nam, đúng ra không phải có chức năng đào tạo, nhưng nếu kết hợp với Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh để đào tạo thì chúng tôi sẽ có một nguồn nhân lực được "trẻ hóa".
Bởi lẽ, Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội chỉ tuyển sinh đối với học sinh hết cấp 3, song với mô hình đào tạo liên kết, các nhà hát tuyển sinh từ học sinh hết cấp 2, khi ra trường các em có tuổi đời còn trẻ nên có cơ hội cống hiến được dài hơn với nghề.
Chắc chắn, sau khi tốt nghiệp với 21 diễn viên và 9 nhạc công, các em sẽ là nguồn nhân lực quan trọng bổ sung và thế hệ trẻ kế cận đang khuyết thiếu của nhà hát. 3 năm học chưa nói lên điều gì, song chúng tôi đã nhìn ra những nhân tố khả quan, đáng để hi vọng, vun xới. Sau lớp này, chúng tôi vẫn muốn xin với Bộ để tổ chức thêm được 1 lớp nữa thì mới yên tâm về vấn đề nguồn nhân lực.
- Cụ thể, Nhà hát Chèo Việt Nam đã làm những gì để hỗ trợ, động viên các em trong lớp diễn viên này khi hầu hết các em đều đến từ các tỉnh, thành ngoài Hà Nội và tuổi đời còn niên thiếu?
+ Đi tuyển lựa được 3 em học sinh từ 20 điểm tuyển của 10 tỉnh, thành là khó khăn rất lớn mà nhà hát đã vượt qua. Khi tổ chức được lớp rồi, nhà hát cũng đã bố trí nơi ăn, chốn ở cho các em tại nhà hát mà không phải mất tiền.
Nhà hát cũng thành lập một ban chủ nhiệm, tổ chức bữa ăn cho các em, tạo ra không khí sinh hoạt ấm áp như gia đình để các em yên tâm học tập và vơi đỡ nhớ nhà. Hằng ngày các em đi học 1 buổi học văn hóa cùng học sinh của Trường Xiếc và Múa, buổi còn lại học chuyên môn trong Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh hoặc học nghề tại nhà hát.
Ngoài ra, các em có nhiều cơ hội nhận được các vai nhỏ, thường xuyên được dự các buổi tập, buổi diễn để nâng cao khả năng cọ xát và bản lĩnh sân khấu, có nhiều cơ hội trưởng thành hơn.
Hiện nay các em đang học học kỳ cuối của năm thứ 3, chuẩn bị tốt nghiệp. Để chuẩn bị cho dấu mốc quan trọng này, nhà hát đã tổ chức dàn dựng cho các em 2 vở diễn là vở mẫu "Quan âm Thị Kính" và vở "Tấm Cám" cùng một chương trình âm nhạc để đảm bảo mỗi em đều có được vai diễn, bài diễn tốt nghiệp cho mình và thử sức sáng tạo. Qua đó, chúng tôi sẽ có những đánh giá, nhận diện sau này về công tác tại nhà hát sẽ phù hợp với dạng vai nào.
- Là một nghệ sĩ trưởng thành từ mô hình liên kết đào tạo giữa nhà hát với nhà trường, giờ lại là nhà quản lý trực tiếp có những hoạt động liên quan đến vấn đề đào tạo thế hệ trẻ, chị có thể chia sẻ tâm trạng của mình khi nhìn thấy các em nhỏ phải xa gia đình để theo học chèo như hôm nay. Chị có lời khuyên nào dành cho các bạn trẻ?
+ Nhìn ra một đội ngũ kế cận sau mình, tôi cảm thấy thực sự yên tâm. Tôi an lòng khi nghĩ rằng vẫn có rất nhiều người yêu mến chèo, muốn góp phần gìn giữ bộ môn nghệ thuật truyền thống của cha ông. Nếu chúng ta có chiến lược, có cách tiếp cận, đào tạo, "truyền lửa" thì chắc chắc nghệ thuật chèo vẫn có sức sống đặc biệt của nó. Nhiều người cứ hay than thở rằng "Bao giờ cho đến ngày xưa...", nhưng tôi là người lạc quan, tôi tin tưởng ở thế hệ trẻ. Ai thì cũng từ chỗ không biết gì đến chỗ biết một chút, cùng với tài năng là sự khổ luyện thì cũng mới thành tài, tỏa sáng được. Tôi vẫn luôn tin rằng, "nghề chẳng phụ người".
- Xin cảm ơn NSƯT Thanh Ngoan!
Ông Phạm Ngọc Tuấn - Giám đốc Nhà hát Tuồng Việt Nam: Vẫn là bài toán khó!
Việc tuyển sinh, đào tạo diễn viên, nhạc công để tạo ra nguồn lực kế cận cho nghệ thuật tuồng vẫn luôn là việc làm khó khăn và nó đặc biệt khó khăn trong những năm gần đây. Cho đến bây giờ, đó vẫn là một bài toán khó chưa có lời giải.
Không phải chúng ta không biết nguyên nhân, nhưng vẫn chưa tìm ra giải pháp để giải quyết nguyên nhân ấy. Nhận thấy vấn đề nhân lực đã trở nên cấp thiết, Nhà hát Tuồng Việt Nam đã cùng với các đơn vị nghệ thuật truyền thống khác xây dựng nên đề án đào tạo nhân lực tại chỗ và đã được Bộ chấp thuận. Bộ cho chúng tôi chủ trương tuyển chọn 30 học sinh. Lúc đầu việc tuyển lựa khó khăn nên chúng tôi chỉ cố gắng để tuyển đủ chỉ tiêu.
Nhưng không ngờ, nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, phối hợp với các Sở Văn hóa - Thể thao & Du lịch, các trường phổ thông mà số học sinh chúng tôi nhận thấy đạt yêu cầu lên đến 40 em cho cả diễn viên và nhạc công. Nhưng với tuồng là một loại hình nghệ thuật khó tiếp cận, khó học nên sau hơn 2 năm học thì đã rơi rụng mất 8 em.
Có em thì vì hoàn cảnh gia đình không theo học được, có em thì không bộc lộ rõ được năng khiếu hoặc không có tiến bộ nên đã phải tạm dừng việc học. Chúng tôi cũng cảm thấy rất tiếc.
Hiện giờ còn 32 em đang học kỳ cuối chuẩn bị tốt nghiệp, chúng tôi hi vọng đây sẽ là một lực lượng trẻ đầy sức sống sẽ đem đến một làn gió tươi mới đối với nghệ thuật tuồng.
Tôi tin rằng, nếu chúng ta có chính sách hợp lý, có tính khuyến khích cao hơn nữa, như việc miễn hoàn toàn học phí đối với bậc đào tạo đại học, tiếp tục có những chính sách ưu đãi như "bao cấp trọn gói" đối với mô hình đào tạo liên kết tại nhà hát trong đề án mới của Bộ Văn hóa - Thể thao & Du lịch vừa được Cục Nghệ thuật biểu diễn triển khai tuyển sinh năm 2016 và học được 1 học kỳ dành cho các lớp diễn viên nhạc công chèo, tuồng và năm 2017 là cải lương và kịch hát dân tộc.
Phải có những ưu đãi đặc biệt và cơ chế đặc thù thì mới bù đắp được những thiệt thòi mà các nghệ sĩ của các bộ môn nghệ thuật truyền thống gặp phải, để họ yên tâm gắn bó với nghề. Chỉ khi có đủ nguồn nhân lực, có yếu tố con người thì công cuộc bảo tồn, phát huy những giá trị đặc sắc của nghệ thuật sân khấu mới được gìn giữ, không bị mai một, thất truyền.
NSƯT Trần Văn Hải - Phó hiệu trưởng Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội: Có nhiều lý do khiến số sinh viên tuyển vào ngày càng ít đi
- Thưa Thạc sĩ, NSƯT Trần Văn Hải, theo ông, đâu là lý do khiến số lượng sinh viên dự tuyển vào Khoa Kịch hát dân tộc ngày càng ít đi?
+ Khoa Kịch hát dân tộc của Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội hiện đào tạo các chuyên ngành diễn viên tuồng, chèo, cải lương, rối và nhạc công kịch hát dân tộc. Có thể nói, lực lượng chủ lực đang biểu diễn ở các nhà hát hiện nay đều là các cựu sinh viên của trường.
Tôi cho rằng, về mặt chính sách, Nhà nước đã có nhiều cơ chế, chính sách để ưu đãi, thu hút sinh viên theo học các bộ môn nghệ thuật truyền thống như giảm 70% học phí, các chế độ bồi dưỡng luyện tập, phục trang... Song, những năm gần đây có rất nhiều lý do khiến số sinh viên dự tuyển vào các bộ môn này ngày càng ít đi, ví dụ như vấn đề xu thế lựa chọn nghề nghiệp trong xã hội của các bạn trẻ, vấn đề đầu ra, thu nhập...
Bây giờ, các bạn trẻ thường có xu hướng lựa chọn những nghề mà khi ra trường nhanh chóng kiếm được việc làm, có thu nhập cao, có cơ hội thăng tiến trong nghề nghiệp. Còn đối với nghề diễn viên, nhạc công của sân khấu truyền thống, vừa đòi hỏi phải có năng khiếu, việc học tập khó khăn, vất vả song khi ra trường, chuyện mưu sinh cũng rất khó khăn chưa nói đến đòi hỏi một mức thu nhập tốt.
Vì thế, không chỉ bản thân các em học sinh mà ngay phụ huynh cũng không sẵn sàng để đầu tư cho con em mình vào học các ngành này. Thực ra, đây cũng là khó khăn chung đối với tất cả các trường đào tạo văn hóa nghệ thuật chứ không riêng gì Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội đâu. Về cơ bản, những năm gần đây trường đều vẫn tuyển đủ chỉ tiêu cho mỗi lớp là từ 12 đến 15 học sinh nhưng cũng có lớp chỉ có 5-7 em.
- Từng có năm, chỉ có 1-2 hồ sơ của thí sinh đăng ký dự tuyển chuyên ngành diễn viên chèo, còn ngành tuồng thì không có hồ sơ nào. Vậy Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội đã làm cách nào để hằng năm vẫn chiêu sinh đủ số chỉ tiêu đã đề ra?
+ Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội vẫn có nhiều khoa có đông thí sinh dự tuyển như Khoa Diễn viên Sân khấu - Điện ảnh, Khoa Múa... Rất nhiều em vào dự tuyển các khoa này nhưng không trúng tuyển.
Thông qua sơ tuyển, chúng tôi nhận thấy một số em có năng khiếu khác, có giọng nên thường giới thiệu các em qua dự tuyển ở Khoa Kịch hát dân tộc. Bởi vì nhiều em học sinh ở các vùng xa xôi cứ tưởng thi vào Trường Sân khấu - Điện ảnh là chỉ có khoa diễn viên kịch nói, diễn viên điện ảnh mà không biết rằng trường còn đào tạo cả diễn viên chèo, tuồng, cải lương, kịch hát. Nhờ thế mà nhiều em đã có cơ hội trở thành sinh viên của trường và cũng có nhiều em đã trưởng thành.
- Cách chiêu sinh có phần "vớt vát" như vậy thì liệu có kỳ vọng là tìm kiếm được các tài năng, các em có năng khiếu để nuôi dưỡng, đào tạo không thưa ông?
+ Đó chỉ là biện pháp tại chỗ thôi. Thực ra, trường vẫn áp dụng các biện pháp quảng bá để ngày càng có nhiều thí sinh biết đến các ngành đào tạo của trường hơn như tham gia "Ngày hội tuyển sinh" hằng năm, tổ chức các chương trình giao lưu, hỏi đáp về các chuyên ngành của trường trên sóng truyền hình hoặc trực tiếp đi đến các tỉnh.
Hơn nữa, trong quá trình tuyển lựa chúng tôi cũng tiến hành kiểm tra năng khiếu kỹ lưỡng lắm. Bởi lẽ, đó là các ngành học dựa trên năng khiếu, nếu không có năng khiếu thì việc học nhiều khi rất vất vả nhưng lại không đem lại hiệu quả.
- Mấy năm qua, Bộ Văn hóa - Thể thao & Du lịch đã có chủ trương tạo điều kiện cho các nhà hát tự tuyển sinh và liên kết đào tạo với trường. Ông nghĩ sao về mô hình này?
+ Tôi cho rằng đây cũng là cách làm hay, tương đối hiệu quả, nhất là đối với việc nhân lên số người học, cũng là nhân lên cơ hội giữ gìn các bộ môn nghệ thuật truyền thống của cha ông. Nói gì thì nói, nếu không có người thực hành, người kế truyền thì không có cách gì giữ gìn và phát huy giá trị của các bộ môn nghệ thuật truyền thống như chèo, tuồng, cải lương.
Thêm nữa, khi giao cho các nhà hát được chủ động tuyển sinh, thì có sự thuận lợi là họ biết họ cần gì, thiếu gì, cần bổ sung gì. Phương thức đào tạo phối hợp giữa nhà trường và nhà hát có nhiều ưu điểm hơn là đào tạo tại trường hoặc đào tạo riêng tại các nhà hát. Bởi vì, nếu đào tạo riêng ở trường thì sinh viên chỉ được trang bị các kiến thức mang tính lý luận là chính, thiếu đi cơ hội thực hành, cọ xát sân khấu và không có cơ hội học hỏi ở các nghệ sĩ giỏi thuộc thế hệ trước.
Còn nếu chỉ đào tạo tại nhà hát, cơ hội học nghề, truyền nghề của các em nhiều hơn nhưng khi ra nghề, các em lại không được cấp văn bằng, chứng chỉ, dẫn đến khó xếp ngạch bậc để tuyển dụng, đưa vào biên chế. Phương thức đào tạo này khiến cho các sinh viên có cơ hội được truyền nghề, hành nghề sớm, khiến nghệ sĩ trẻ vững vàng hơn khi ra trường và có nhiều cơ hội được biểu diễn hơn.
- Xin cảm ơn NSƯT Trần Văn Hải!